Thứ Ba, 01/10/2024 11:14 SA
Đội bả trạo lạch Phú Câu:
“Vô nam, dụng nữ” !
Thứ Tư, 05/04/2006 08:11 SA

Không ai biết, bả trạo có từ khi nào, có người bảo rằng khoảng 300 năm, có người bảo hơn thế nữa. Mỗi khi lễ hội cầu ngư được tổ chức thì bắt buộc phải có múa siêu và bả trạo. Theo tục lệ ngày xưa, những người được chọn vào đội bả trạo phải là nam, giỏi bơi lặn, đâm được tôm hùm, bắt được bạch tuộc, có tâm hồn cao thượng, tính nết hiền lành, cần cù, tướng mạo cao ráo, cân đối, nhà không có tang và phải có năng khiếu hát múa. Thế nhưng nay đã khác! Ngày 16-10-2005 (âm lịch), đội bả trạo nữ lạch Phú Câu, phường 6 (TP Tuy Hòa) đã ra mắt, mà thành viên là các mẹ, các chị và các cháu thiếu nhi là vợ,  là con của những đàn ông đi biển. Có lẽ đây cũng là đội bả trạo nữ duy nhất ở các làng biển...

 

“AI ĐI ĐÂU ĐÓ THÌ ĐI...

 

Theo Địa chí Phú Yên, bả trạo có nghĩa là nắm chắc tay chèo (bả = nắm chắc, trạo = mái chèo). Tên gọi này gắn liền với hành động diễn xướng. Qua công tác sưu tầm, nghiên cứu cho thấy, Phú Yên có nhiều vạn chài còn lưu giữ bài bả trạo. Tuy rằng mỗi bản trạo có những đoạn, lời văn khác nhau, song hầu hết đều mang một bố cục chung là: mở đầu ra khơi, tiếp đến đánh bắt cá, nghỉ ngơi, bão tố và an bình.

 

060405-nu-ba-trao2.jpg

Đội nữ chèo bả trạo làng Phú Câu trong đêm Lễ hội cá ngừ đại dương - Ảnh: N.Lưu

 

Đội bả trạo có từ 12 đến 16 người gồm tổng mũi, tổng thương và tổng lái. Theo tục lệ ngày xưa, những người được chọn vào đội bả trạo phải là nam, giỏi bơi lặn, đâm được tôm hùm, bắt được bạch tuộc, có tâm hồn cao thượng, tính nết hiền lành, cần cù, tướng mạo cao ráo, cân đối, nhà không có tang và phải có năng khiếu hát múa.

 

Hát bả trạo có xướng và hô. Tổng lái, tổng mũi, tổng khoan xướng và bắt bài các điệu hát (hát nam, khách, lý, hò), con trạo thỉnh thoảng hò hoặc nhại lại một đoạn hát của các tổng.

 

Tại các làng biển Phú Yên, ngày tổ chức lễ cầu ngư mỗi nơi mỗi khác. Có nơi lấy theo ngày ông, có nơi lấy theo ngày vua ban sắc phong, lại có nơi theo phong tục, công việc làm ăn mà định ngày cúng, song hầu hết lễ cúng cầu ngư được tập trung vào hai mùa là mùa xuân và mùa thu. Mùa xuân rộ nhất là cuối tháng giêng, đầu tháng hai âm lịch, thời điểm mở đầu vụ cá. Mùa thu rộ nhất là mùng 10-8 âm lịch, thời điểm kết thúc vụ cá trong năm và ngư dân bắt đầu “thuyền treo neo gác”. Đây cũng là lúc hò bả trạo-điệu hò tiêu biểu trong lao động của cư dân miền biển và múa siêu (gồm có 5 bài múa: Xuân thiên, Lôi phong, Bể đồng, Lan mã và Múa chúc) có dịp phát huy. Vì thế, dân gian có câu “Ai đi đâu đó thì đi /Mùng mười tháng 8 thì qui trở về” để nói rằng ngư dân dù đi đâu, làm gì đi nữa thì cũng không thể vắng mặt trong lễ hội cầu ngư có múa siêu, hò bả trạo, một loại hình văn hóa dân gian lâu đời của cư dân làng biển.

 

NAM, DỤNG NỮ"

 

Ngư dân ở làng biển Phú Câu vẫn nhớ như in câu ca dao trên, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt nên năm nay, lễ hội cầu ngư ở làng biển này phải dời sang ngày 12-3 âm lịch.

 

Có một điều đặc biệt là ở làng biển Phú Câu, đội bả trảo không còn do nam “độc tôn”. Đây cũng  là đội bả trạo đầu tiên ở Phú Yên gồm toàn nữ giới.

 

Theo lời chỉ dẫn của mấy ngư dân chân chất tốt bụng, sau 15 phút lòng vòng trong con hẻm nhỏ vừa đủ chỗ cho  một chiếc xe máy đi lại, tôi cũng tìm được nhà ông Hồ Ngợi, Phó lạch Phú Câu. Ông là người cùng với ban lạch xây dựng và phát triển đội nữ bả trạo để phục vụ lễ hội cho làng và lưu giữ nét văn hóa truyền thống của vùng biển.

 

Thấy tôi thắc mắc vì sao làng biển Phú Câu có đội bả trạo toàn là nữ, ông Ngợi lý giải rằng: “Làng biển Phú Câu không giống như những lạch bạn khác chỉ đi biển vào ban đêm và sáng mai đã vào bờ, tại đây, đàn ông, thanh niên đều lênh đênh trên biển hàng tháng trời để câu cá ngừ đại dương, đến lễ hội cũng không thể nào huy động họ được. Sau nhiều đêm trăn trở, không muốn nét đẹp văn hóa này bị mai một, tôi và các thành viên trong ban lạch mới quyết định truyền nghề cho nữ câu, vô nam thì dụng nữ.

 

Cũng theo ông Ngợi, ngày mới thành lập đội nữ, có rất nhiều lời bàn ra tán vào. Có người bảo ông dám phá bỏ truyền thống, có người cho ông bị điên! Tuy nhiên, với quyết tâm, lòng nhiệt tình  và sự ủng hộ của nhiều người, ông Ngợi và các thành viên trong ban lạch bắt đầu cuộc “cách mạng”, đi đến từng nhà để vận động người dân cho con em tham gia đội. Ông cam kết với ngư dân:  “Cứ giao tụi nhỏ cho tui rèn, tôi cam đoan tụi nó sẽ diễn được”.  Nói thế, chứ ông cũng rất lo. Phải mất thêm 2 tháng vận động, thuyết phục, đội cũng có  được 23 thành viên,  trong đó, các tổng lạch 3 người (tuổi từ 30-35) và trạo viên gồm 20 người (tuổi từ 15-16 tuổi). Lại mất thêm 3 tháng để tập cho họ các điệu hò bả trạo một cách thuần thục và  bài bản. Ngày 16-10 âm lịch năm Ất Dậu, đội bả trạo nữ Phú Câu chính thức ra mắt.

 

Ông Ngợi và các cụ cao niên ở làng biển Phú Câu đều dành hầu hết thời gian cho bả trạo. Ban ngày đi sưu tầm bài trạo; đêm đến ở lăng, các ông truyền đạt lại cho các chị, các cháu lĩnh xướng. Tất bật, bận rộn và bỏ cả việc nhà, nhưng ông Ngợi hy vọng ban lạch Phú Câu sẽ có một đội bả trạo vững vàng không thua kém gì nam giới! Và điều làm ông vui nhất là không để mai một nét văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác.

 

Theo các cụ cao niên ở lạch Phú Câu thì hiện nay chỉ còn khoảng vài người thuộc và hát được bả trạo nhưng trong số ấy có người cũng sắp mang bả trạo về thế giới bên kia. Cụ Võ Ta (85 tuổi) sống ở làng biển Phú Câu khẳng định: Chúng tôi rất ủng hộ việc thành lập đội trạo nữ! Không phải chỉ có nam mới diễn xướng hầu thần Nam Hải được. Nữ cũng có rất nhiều ưu thế trong việc tiếp thu và diễn lại cảnh sinh hoạt của ngư dân trên biển bằng lời ca và các điệu múa mang một sắc thái rất riêng.

 

Được vào đội bả trạo là một vinh dự lớn, vì các thành viên trong đội, ngoài khoẻ mạnh phải là người sống mẫu mực, đạo đức tốt và biết… hát múa. Lời của bài bả trạo kể lại cảnh sinh hoạt của một chiếc thuyền từ lúc ra khơi cho đến khi bão tố nổi lên, được cá Ông dìu vào bờ. Phụ họa cho lời hát là phần diễn của các tay chèo. Họ đi đứng, múa may theo kịch bản. Bộ phận “chèo” thì mặc đồng phục màu xanh, đầu chít khăn vàng; còn bên “gươm” thì mặc áo đen, thắt lưng đỏ, đầu đội nón lá. Phần “tế” được diễn ra trong lăng thờ cá Ông, còn phần “lễ” thì tổ chức ngay trong sân lăng. Hàng nghìn người dân của làng là những “cổ động viên” cho các  “tay chèo trên cạn” này, dù năm nào đội bả trạo cũng diễn chừng ấy lớp lang.

 

Tôi hỏi ông Ngợi  sao bả trạo năm nào cũng chỉ hát bấy nhiêu lời nhưng lại cuốn hút người dân đến vậy? Ông giải thích: “Người ta đến với lễ hội và xem hát bả trạo không chỉ để thưởng thức phần “nghệ thuật” trong quá trình biểu diễn mà còn để tri ân những người khuất mặt, nhất là ông Nam Hải-ân nhân của tất cả những người đi biển chúng tôi”. Chính tín ngưỡng, tâm linh của người dân làng biển đã thành sợi dây neo giữ lại cho làng nét đẹp văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác.

 

Ở đội bả trạo lạch Phú Câu tổng lái Võ Thị Loan, người cầm chịch, quán xuyến các trạo viên và có nhiệm vụ phân công trách nhiệm từng vai trong đôi. Được ban lạch tin tưởng giao nhiệm vụ, người phụ nữ đam mê cải lương này cũng mất khá nhiều thời gian, công sức để làm quen và tập các đoạn trạo,  nhất là việc diễn tả các đoạn kéo neo bằng tay, chèo từng mái. “Chúng tôi rất vinh dự được đảm nhận công việc này, để nét văn hoá của làng biển sẽ không bị mai một theo thời gian” Chị Loan giãi bày.

 

VĂN TÀI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Một phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc?
Thứ Hai, 03/04/2006 14:43 CH
Internet về làng
Thứ Bảy, 01/04/2006 10:02 SA
Có phải là hai di tích lịch sử ?
Thứ Ba, 28/03/2006 07:58 SA
“Xóm đèn dầu”
Thứ Bảy, 25/03/2006 10:46 SA
Cứu ngư dân nước ngoài giữa biển đêm
Thứ Hai, 13/03/2006 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek