Thứ Năm, 03/10/2024 11:37 SA
Trên dòng sông Ngân Sơn
Thứ Sáu, 11/07/2008 11:04 SA

Những năm 1965 đến 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Ở chiến trường miền Nam đang đòi hỏi sức người, sức của ở hậu phương khẩn trương chi viện cho chiến trường. Khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” là tấm lòng và tình cảm của toàn dân tộc, của người ở hậu phương đối với người ở tiền tuyến.

 

xe-080711.jpg
Cầu Ngân Sơn hôm nay - Ảnh: THẾ LẬP

 

Những năm đó, ở cái thôn Nho Phong nhỏ bé của xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, đợt tuyển quân nào cũng có rất nhiều thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ. Đợt tuyển quân tháng 6/1968 có một trường hợp đặc biệt: Danh sách thanh niên xung phong nhập ngũ ở thôn Nho Phong đã được báo cáo lên xã đủ số lượng 100%. Nhưng sau đó ông trưởng thôn Nho Phong lại cấp tốc chạy lên xã xin bổ sung thêm một người nữa. Người đó kiên quyết xin được nhập ngũ đợt này chứ không chịu ở lại đợt sau. Mặc dù ông trưởng thôn đã giải thích rằng đợt sau cũng chỉ cuối năm 1968 này thôi, nhưng người thanh niên ấy cứ nằng nặc đề nghị các anh chiếu cố để anh được đi chiến đấu; vì đơn vị anh đang công tác cũng đã đồng ý rồi. Đó là anh Lưu Văn Liêu, sinh ngày 8/5/1947. Tốt nghiệp cấp 3 (10/10), Liêu tiếp tục học ở trường Trung cấp nông nghiệp. Ra trường, anh trở thành cán bộ trung cấp kỹ thuật chăn nuôi của huyện. Liêu vừa xây dựng gia đình, vợ anh là Nguyễn Thị Nụ. Đám bạn bè thanh niên cùng tuổi trong thôn đều bảo rằng Liêu là người hạnh phúc nhất, học xong ra trường có việc làm ổn định ngay; lại có cô vợ xinh đẹp nhất làng.

 

Trước tấm lòng chân thành và quyết tâm mong muốn được đi chiến đấu càng sớm càng tốt, Hội đồng tuyển quân của địa phương đã nhất trí bổ sung Lưu Văn Liêu vào danh sách tuyển quân đợt này. Lòng Liêu như mở cờ trong bụng. Anh tạm biệt cha mẹ đã già yếu, người vợ vừa mới cưới, cùng bà con thôn Nho Phong hăng hái lên đường nhập ngũ.

 

Nguyễn Thị Nụ thức suốt mấy đêm để đan cho anh chiếc áo len. Lúc chia tay Nụ vội dúi vào túi áo Liêu mấy đồng tiền nhỏ mới vừa bán mấy rổ khoai lang gói kỹ trong chiếc khăn tay Nụ thêu hai quả tim bằng chỉ đỏ. Nụ kéo vạt áo lau hai hàng nước mắt đang chảy dài trên khuôn mặt trái xoan và nói nhỏ đủ để Liêu nghe: “Anh nhớ giữ gìn sức khỏe. Ở hậu phương, em mãi mãi đợi anh về!”. Liêu gật đầu và nói: “Anh gửi cha mẹ già lại, mong em chăm nom các cụ chu đáo. Anh sẽ về với em sau ngày thống nhất nước nhà!”.

 

Sau đợt huấn luyện tân binh, Lưu Văn Liêu được biên chế về đại đội 6, tiểu đoàn 3, lữ đoàn 126 hải quân. Những năm tháng ở đơn vị này, anh đã nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Chưa đầy một tuổi quân, tháng 3/1969, Lưu Văn Liêu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc nào Lưu Văn Liêu cũng canh cánh niềm mong đợi được đi vào miền Nam chiến đấu. Và tháng 2/1970, mơ ước ấy của anh đã trở thành hiện thực. Tháng 3/1970, đơn vị làm lễ chuyển đồng chí Lưu Văn Liêu từ đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức trên đường hành quân vào miền Nam khi anh tròn 23 tuổi.

 

Đến chiến trường, đồng chí Lưu Văn Liêu được bổ sung vào đại đội 24 đặc công nước thuộc Tỉnh đội Phú Yên. Anh đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, mọi gian khổ hy sinh, cùng với đơn vị công tác và chiến đấu liên tục. Với cương vị là chiến sĩ, đồng chí Lưu Văn Liêu đã thực hiện nhiều trận đánh tiêu biểu xuất sắc, góp phần phục vụ đắc lực cho các chiến dịch tiến công và nổi dậy trên chiến trường Phú Yên.

 

Trong cuốn Sổ vàng truyền thống của đại đội 24 ghi rõ thành tích của đồng chí Lưu Văn Liêu: Phối hợp với đơn vị chiến đấu 9 trận, diệt 119 tên địch, trong đó có 5 tên lính Nam Triều Tiên, thu 1 súng AR15 và quân trang cá nhân. Xóa phiên hiệu 2 trung đội địa phương quân, 1 trung đội dân vệ, 2 tiểu đội biệt kích. Phá hỏng nặng 1 cầu đường sắt, 2 cầu bê tông, 3 lô cốt, 200 mét hàng rào kẽm gai. Tiêu diệt 1 xe bọc thép M113. Thành tích cá nhân của đồng chí Lưu Văn Liêu: Độc lập chiến đấu 3 trận, tiêu diệt 45 tên địch, trong đó có 5 tên lính Nam Triều Tiên. Xóa phiên hiệu 1 trung đội địa phương quân, 1 tiểu đội biệt kích. Phá sập 1 cầu trên quốc lộ 1A và 1 lô cốt.

*

*   *

Cầu Đà Rằng được bắc qua sông Ba, nằm trên quốc lộ 1A, có chiều dài 1.101 mét. Phía nam giáp thị trấn Phú Lâm, huyện Tuy Hòa, phía bắc giám xã Bình Ngọc, thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

 

Cầu Đà Rằng có hai cầu được bắc song song cách nhau 30 mét (gồm có cầu đường sắt và cầu đường bộ trên quốc lộ 1A). Hai cầu đều có vị trí rất quan trọng trên tuyến giao thông Bắc - Nam, nhất là cầu bê tông đường bộ trên tuyến giao thông quốc lộ 1A. Thông qua việc giao lưu trên 2 cầu này, địch thường xuyên vận chuyển, cung cấp vũ khí đạn dược, binh khí kỹ thuật, phương tiện phục vụ chiến tranh cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên của Mỹ ngụy. Do vị trí và tầm quan trọng của cầu Đà Rằng, sau khi cầu được xây dựng xong, tháng 2/1971, tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu đích thân ra tận cầu Đà Rằng để cắt băng khánh thành. Sau đó cầu Đà Rằng được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

 

Nhằm ngăn chặn đường vận chuyển tiếp tế vũ khí, phương tiện chiến tranh, gây khó khăn cho mọi hoạt động giao thông quân sự của Mỹ - ngụy ở khu vực miền Trung, đồng thời hạn chế sự chuẩn bị tiếp viện cho chiến trường Tây Nguyên của địch, Ban chỉ huy Tỉnh đội Phú Yên giao nhiệm vụ cho đại đội 24 đặc công nước, có nhiệm vụ đánh sập 2 cầu Đà Rằng (cầu sắt và cầu bê tông).

 

Sau một thời gian điều tra, chuẩn bị rất chính xác, phương án đánh cầu Đà Rằng đã được cấp trên phê duyệt. Đơn vị đã tổ chức lực lượng chiến đấu gồm 4 đồng chí, do đồng chí Xáo (đại đội trưởng) làm tổ trưởng; đồng chí Long (trung đội trưởng) làm tổ phó; đồng chí Huỳnh và đồng chí Lưu Văn Liêu (chiến sĩ) làm tổ viên. Đêm 27/6/1971, tổ chiến đấu rời vị trí tập kết bí mật hành quân vào trận địa và đã nhanh chóng tiếp cận mục tiêu đưa các khối thuốc nổ vào tận chân cầu đúng như phương án đã đề ra để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu được giao.

 

Trong trận đánh này, đơn vị đã sử dụng 400 ki-lô-gam thuốc nổ đánh hai cầu. Căn cứ vào tình hình thực tế, lực lượng chiến đấu chia thành 2 tổ, mỗi tổ 2 người đảm nhiệm một khối thuốc nổ. Nhanh chóng và bí mật lợi dụng dòng nước chảy, hai tổ cùng một lúc tiếp cận áp sát mục tiêu. Mặc cho bọn địch canh gác trên cầu liên tục bật đèn pin, đèn pha, bắn pháo sáng, bắn súng cầm canh và tuần tra nghiêm ngặt. Nhưng hai tổ chiến đấu đã đặt xong hai khối thuốc nổ vào đúng vị trí qui định theo phương án tác chiến. Sau đó buộc hai khối thuốc nổ, nối dây chuyền nổ giữa hai khối thuốc nổ, cắm kíp hẹn giờ, hai tổ rút ra vị trí an toàn. Đúng 2 giờ sáng ngày 27/6/1971, một tiếng nổ long trời chuyển đất, hai chiếc cầu sắt và cầu bê tông dài hơn một ki-lô-mét bắc qua sông Ba đã bị đứt nhịp, vùi 1 xe M113 và 5 tên lính Nam Triều Tiên đang tuần tra trên cầu xuống đáy sông Ba. Với quyết tâm cao và lòng dũng cảm, cán bộ, chiến sĩ đại đội 24 đặc công đã luồn sau, đánh hiểm vào hậu phương địch, cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch, làm cho bọn địch bị tắc nghẽn giao thông 7 ngày liền, là một đòn điểm huyệt làm choáng váng kẻ thù. Lực lượng chiến đấu gồm 4 đồng chí của đại đội 24 đặc công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với chiến công nổi bật này, đại đội 24 đặc công được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất. Các đồng chí Xáo, Long, Huỳnh và Lưu Văn Liêu được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.

 

Sau trận đánh bí mật, bất ngờ và táo bạo ấy, cán bộ và chiến sĩ đại đội 24 đặc công kịp thời rút kinh nghiệm, tìm ra những ưu điểm để phát huy và nhìn rõ những khâu còn khuyết nhược điểm để khắc phục, chuẩn bị cho những trận đánh mới.

 

Một năm sau, chiến dịch Xuân Hè năm 1972 trên chiến trường Phú Yên diễn ra rất quyết liệt. Thực hiện chủ trương cắt đứt huyết mạch giao thông, ngăn chặn địch cơ động vận chuyển trên tuyến đường quốc lộ 1A, Ban chỉ huy Tỉnh đội Phú Yên giao nhiệm vụ cho đại đội 24 đặc công từ những ngày đầu của chiến dịch phải quyết tâm đánh sập cầu Ngân Sơn; đồng thời phối hợp với các địa phương thực hiện tiến công và nổi dậy đồng loạt trong toàn tỉnh.

 

Cầu Ngân Sơn bắc ngang qua sông Cái, có chiều dài 350 mét, kết cấu bằng bê tông cốt thép gồm có 15 nhịp, nằm trên quốc lộ 1A; phía nam giáp thôn Ngân Sơn, xã An Thạch, phía bắc giáp thôn Phú Mỹ, xã An Dân (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Bà con ở khu vực thượng lưu và hạ lưu cạnh cầu Ngân Sơn thường quen gọi nơi đấy là dòng sông Ngân Sơn.

 

Cầu Ngân Sơn có vị trí rất quan trọng trên tuyến giao thông quốc lộ 1A từ Sài Gòn ra Huế và ngược lại để bọn Mỹ - ngụy vận chuyển lương thực, vũ khí, khí tài, binh khí kỹ thuật, phương tiện chiến tranh và các hoạt động giao thông khác, chủ yếu là phục vụ chiến tranh.

 

Do tính chất khẩn trương của chiến dịch theo mệnh lệnh chiến đấu, hợp đồng tác chiến, nổ súng đúng giờ G, thời gian vô cùng gấp rút nên việc chuẩn bị chiến trường, trinh sát thực địa khó khăn, nhưng đơn vị vẫn hạ quyết tâm rất cao, thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong điều kiện rất khẩn trương vừa hành quân vừa đánh giặc.

 

Một khó khăn mới lại nảy sinh, ngày 27/6/1971, ta đánh sập cầu Đà Rằng nên địch tăng cường bảo vệ cầu Ngân Sơn rất nghiêm ngặt. Chúng tuần tra canh gác và cảnh giác rất cao. Trên mặt cầu thường xuyên có một trung đội lính bảo an canh gác bảo vệ, ban đêm bọn lính thường xuyên bắn súng và ném lựu đạn xuống sông để phòng chống đặc công đánh cầu.

 

Trận đánh này, Ban chỉ huy đại đội 24 đặc công giao nhiệm vụ cho ba người gồm đồng chí Cát (đại đội phó), đồng chí Lưu Văn Liêu (tiểu đội trưởng) và đồng chí Đại (chiến sĩ), sử dụng 200 ki-lô-gam thuốc nổ áp sát chân cầu, đánh sập cầu Ngân Sơn đúng ngày N của chiến dịch Xuân Hè năm 1972.

 

Đêm 20/4/1972, tổ chiến đấu rời vị trí tập kết, di chuyển khối thuốc nổ về phía chân cầu Ngân Sơn. Đồng chí Lưu Văn Liêu nhận nhiệm vụ ôm khối thuốc nổ bơi theo dòng nước chảy của sông Ngân Sơn đặt vào chân cầu. Khi còn cách trụ cầu hơn 10 mét thì đồng chí Liêu bị địch phát hiện. Chúng nổ súng báo động inh ỏi. Một trung đội địch chạy ra giữa cầu cố sức vây bắt đồng chí Liêu. Chúng la hét và kêu gọi anh đầu hàng... Với lòng căm thù địch vô hạn, sau giây phút suy nghĩ và quyết đoán, đồng chí Lưu Văn Liêu đã nói với đồng chí Cát và đồng chí Đại đang bơi bên cạnh mình: “Các anh hãy nhanh chóng lặn vào bờ và thoát đi, để một mình em đánh cho!”. Trước tình thế khẩn cấp, giữa cái sống và cái chết để hoàn thành nhiệm vụ trên giao, đồng chí Cát suy nghĩ và thấy không thể bàn cãi nhau lúc này nên nhất trí với lời đề nghị của Lưu Văn Liêu. Biết hai đồng đội đã lặn đi khá xa, Lưu Văn Liêu đã dùng hết sức mình kéo nhanh khối thuốc nổ vào sát trụ cầu và anh đã nghiến răng giật nụ xòe làm cho khối thuốc nổ ngay. Một ánh chớp sáng lóe kéo theo một tiếng nổ long trời lở đất, một cột nước trên dòng sông Ngân Sơn dựng lên khá cao, phá sập 2 nhịp cầu, diệt gọn 1 trung đội lính bảo an gồm có 35 tên đang đứng gác trên cầu. Đồng chí Lưu Văn Liêu đã anh dũng hy sinh thân mình, hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc. Từ trận chiến đấu kiên cường và dũng cảm ấy, cầu Ngân Sơn đã trở thành địa danh lịch sử, gắn liền với chiến công bất tử của người chiến sĩ đặc công Lưu Văn Liêu.

 

Chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc, hành động anh hùng, sự hy sinh oanh liệt của đồng chí Lưu Văn Liêu đã được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng Huy chương Chiến công giải phóng hạng nhất.

 

Tấm gương chiến đấu ngoan cường của đồng chí Lưu Văn Liêu được Ban chỉ huy Tỉnh đội Phú Yên phát động phong trào: “Học tập và noi gương chiến đấu của đồng chí Lưu Văn Liêu” thành phong trào thi đua sôi nổi, quyết tâm giết giặc lập công trong các lực lượng vũ trang toàn tỉnh lúc bấy giờ. Và phong trào ấy được sự hưởng ứng sôi nổi, góp phần nâng cao hiệu quả chiến đấu trên khắp mặt trận trong tỉnh; nhiều điển hình tiên tiến, xuất sắc trong chiến đấu, nhiều đơn vị đánh hay, nhiều cá nhân đánh giỏi xuất hiện rộng khắp trong các lực lượng vũ trang của tỉnh.

 

Ngày 24/6/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 663/2005 QĐ-CTN truy phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Lưu Văn Liêu. Sau đó UBND tỉnh Phú Yên và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận Quyết định truy phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Lưu Văn Liêu của Chủ tịch nước.

 

Buổi lễ hôm ấy không có cha mẹ và vợ của đồng chí Lưu Văn Liêu đến dự. Ông Lưu Văn Tẻo, cha của đồng chí Liêu đã qua đời từ năm 1991. Bà Trần Thị Tuy, mẹ của đồng chí Liêu (sinh năm 1918), đã quá già yếu nên không thể đến được. Chị Nguyễn Thị Nụ, vợ của đồng chí Liêu khi nhận được giấy báo tử từ mặt trận tỉnh Phú Yên gửi về, một thời gian sau chờ đến lúc mãn tang chồng, được phép đôi bên gia đình, chị đã tái giá. Nhưng bà con trong tộc họ Lưu ở thôn Nho Phong, xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình vào tỉnh Phú Yên dự lễ rất đông. Sau buổi lễ, họ đã đến cầu Ngân Sơn để tận mắt nhìn thấy chiếc cầu trên dòng sông Ngân Sơn (nay đã được xây dựng lại) - nơi mà người thân của họ: Chiến sĩ đặc công Lưu Văn Liêu đã ôm bom chiến đấu và anh dũng hy sinh ở đây. Bà con ở xung quanh cầu Ngân Sơn đã xúc động đón tiếp họ và kể lại rằng hằng năm cứ đến ngày 20/4 là ngày anh Liêu chiến đấu và hy sinh, ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 và các ngày Tết, ngày lễ khác bà con dân làng ở đây đều đến chân cầu Ngân Sơn thắp hương và thả những bó hoa huệ trắng ngần, thơm ngát xuống dòng sông Ngân Sơn để viếng liệt sĩ Lưu Văn Liêu anh hùng.

 

Truyện ký của TÔ PHƯƠNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cuộc đời thật của một huyền thoại
Thứ Tư, 09/07/2008 09:40 SA
Cuộc đời thật của một huyền thoại
Thứ Hai, 07/07/2008 07:30 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ cuối)
Thứ Năm, 03/07/2008 14:04 CH
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 12)
Thứ Tư, 02/07/2008 08:05 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 11)
Thứ Ba, 01/07/2008 11:00 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 10)
Thứ Hai, 30/06/2008 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek