Thứ Năm, 03/10/2024 11:25 SA
Nhân vật chính trong phim “ván bài lật ngửa”:
Cuộc đời thật của một huyền thoại
Thứ Tư, 09/07/2008 09:40 SA

Giữa biển giáo rừng gươm, người lính Phạm Ngọc Thảo vẫn hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình, “bật đèn xanh” cho phong trào Đồng Khởi bùng nổ, tổ chức nhiều cuộc đảo chính chính quyền tay sai. Bị phát hiện, kẻ thù tra tấn dã man, anh đã ngã xuống với tư thế bất khuất của một người lính Cụ Hồ...

 

pnthao.jpg

Nhà tình báo, anh hùng Phạm Ngọc Thảo (ảnh khắc trên bia mộ)

TỪ LÀM BÁO TƯỜNG ĐẾN... TÙY VIÊN BÁO CHÍ

 

Ban đầu, Diệm - Nhu chưa thấy được tài năng của Phạm Ngọc Thảo nên chỉ giao cho anh những chức vụ “hữu danh vô thực” như Tỉnh đoàn trưởng bảo an đoàn, tuyên huấn đảng Cần lao nhân vị... Nhưng Thảo đã biết cách “bộc lộ” mình bằng cách viết báo. Đại tá Trần Hậu Tưởng, bạn học trường võ bị của anh kể: Lúc học ở Sơn Tây, chúng tôi có phong trào làm báo tường rất mạnh, đại đội nào cũng làm một tờ báo, anh em tập viết báo rất sôi nổi. Có lẽ đó cũng là một “vốn” quý cho Thảo sau này. Thảo còn biết “khai thác” vốn binh pháp Tôn Tử mà thầy Hoàng Đạo Thúy từng dạy để viết báo. Lúc này, anh cộng tác với tạp chí Bách khoa, chỉ trong hơn một năm, anh đã viết 20 bài báo nói về các vấn đề chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật chỉ huy, huấn luyện quân sự, phân tích binh pháp Tôn Tử, Trần Hưng Đạo...

 

Những bài báo đó đã được giới quân sự chú ý và Diệm - Nhu đề cao “tầm” của anh. Năm 1957, anh được điều về làm việc tại Phòng Nghiên cứu chính trị của Phủ tổng thống với hàm thiếu tá. Năm 1958, anh được phong hàm trung tá, cử làm tỉnh trưởng Bến Tre. Lên tỉnh trưởng, anh quyết định thả ngay hơn 2.000 tù nhân đang bị giam giữ, liên lạc với bà Nguyễn Thị Định, tạo điều kiện cho khởi nghĩa Bến Tre bùng nổ. Chính sách không cho binh lính đàn áp dân chúng tùy tiện của Thảo đã “bật đèn xanh” cho phong trào Đồng Khởi thành công.

 

Về sau, có dư luận nghi ngờ Thảo là cộng sản nằm vùng, song Diệm lại cho rằng anh còn “non nớt” nên chuyển anh sang Mỹ học tập. Năm 1961, Thảo về nước, được cử đặc trách về vấn đề Thanh tra và ấp chiến lược. Anh được giới tướng lĩnh ngụy rất quý mến vì sự thông minh, lịch thiệp, phóng khoáng, giao du rộng... Ngày 1/11/1963, anh tham gia tổ chức cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Diệm - Nhu. Sau vụ đảo chính, để “kéo” anh về phía mình, phía Mỹ đề nghị chính quyền ngụy cho anh sang Mỹ học trường võ bị cao cấp.

 

Thảo học xong về nước đúng vào thời điểm Nguyễn Khánh đảo chính thành công. Khánh do nhiều lần không trả lời nổi những chất vấn của quần chúng biểu tình nên đã tận dụng tài nói và viết của anh, phong ngay cho anh hàm đại tá, phát ngôn viên Chính phủ, và là tùy viên báo chí của Nguyễn Khánh.

 

KIÊN TRUNG GIỮA RỪNG GƯƠM

 

Ngày 13/9/1964, cuộc đảo chính lật đổ Nguyễn Khánh diễn ra. Anh đảm nhiệm chiếm giữ đài phát thanh. Khi ngồi trên xe tăng chạy qua công trường Mê Linh, rất nhiều nhà báo xúm lại phỏng vấn. Là phát ngôn viên Chính phủ, anh không chối từ mà cho các nhà báo nghe trả lời, quay phim, chụp ảnh đầy đủ. Anh đã tới chiếm được đài phát thanh nhưng do nhiều lí do, cuộc đảo chính thất bại. Phạm Ngọc Thảo phải đi Mỹ, làm tùy viên quân sự.

 

Đầu năm 1965, Phạm Ngọc Thảo bí mật về nước, tiến hành một cuộc đảo chính mới vì một lý do vô cùng quan trọng. Theo một tài liệu mà anh nắm được, Mỹ sẽ ném bom xuống miền Bắc vào 20/2/1965, vì vậy cuộc đảo chính sẽ tiến hành đúng ngày 19/2. Anh bị truy nã, tiền bạc, phương tiện thiếu thốn nhưng vẫn hết mình vì việc lớn. Lần này, Nguyễn Khánh đã gặp may vì cuộc họp báo y tiến hành trễ so với kế hoạch 30 phút nên các hướng hiệp đồng đảo chính không khớp. Khánh thoát chết nhưng bị phế truất, cuộc đảo chính bất thành nhưng nhờ có “sự cố” này mà kế hoạch Mỹ đổ thêm quân vào Nam và oanh tạc miền Bắc bị bẻ gẫy.

 

Thảo rút vào hoạt động bí mật. Nhưng anh tiếp tục chuẩn bị tư tưởng cho các hoạt động cách mạng bằng cách xuất bản tờ báo Việt Tiến, mỗi ngày phát hành hơn 50.000 tờ, tuyên truyền tinh thần yêu nước, vạch trần âm mưu của Mỹ - ngụy. Anh có cả một hàng rào bảo vệ rộng lớn từ các xứ đạo Biên Hòa tới Hố Nai, Thủ Đức, Sài Gòn; có nhiều linh mục giúp đỡ in ấn, phát hành tờ Việt Tiến. Lúc này, anh bị bọn Kỳ - Thiệu kết án tử hình và treo giải 3 triệu đồng cho ai bắt được nhưng anh vẫn liên lạc với cơ sở cách mạng trực tiếp là đồng chí Võ Văn Kiệt để hoạt động tiếp. Đồng chí Võ Văn Kiệt kể lại: “Tôi thấy Phạm Ngọc Thảo quá khó khăn nên đi tìm anh để đưa về chiến khu. Nhưng anh bảo vẫn còn khả năng đảo chính thành công để quyết tâm ngăn chặn bàn tay đế quốc Mỹ”. Đại sứ quán Mỹ cũng đề nghị đưa anh ra nước ngoài an toàn nhưng anh từ chối.

 

Ngày 16/7/1965, do một tên phản bội, anh bị bắt tại nhà dòng Phước Sơn rồi chúng đưa anh về giam tại Cục an ninh quân đội (ngụy)…

 

Tôi có mặt tại trụ sở Ban đại diện phía Nam của Báo Quân Đội Nhân Dân, Cục An ninh quân đội Sài Gòn năm xưa, một ngày mùa hạ yên bình. Chẳng rõ chỗ nào, quân địch đã tra tấn anh Phạm Ngọc Thảo hết sức dã man như: dùng cây nhọn xoáy vào vết thương, đánh đập, tra điện?

 

Ông Đặng Như Tuyết, đại tá ngụy quyền cũ tham gia đảo chính bị bắt giam ở phòng bên cạnh sau này có kể lại:

 

- Nếu được tự do, đại tá sẽ làm gì? - an ninh quân đội ngụy hỏi anh Thảo.

 

- Tôi sẽ tiếp tục sứ mạng cho tới lúc thành công - Anh trả lời.

 

Bị đánh đập dã man, không nói được nhưng anh vẫn dùng bút viết ra giấy những lời đanh thép lên án chúng như: “Chúng mày không đáng mặt nói chuyện. Người Việt phải giữ tư cách người Việt, đừng để hổ danh các bậc tiền bối”. “Chúng mày biết tao là Việt cộng thì đừng bao giờ hy vọng tao khai. Một là sống, hai là chết, tao vẫn tiếp tục con đường của tao...”. Tên Nguyễn Ngọc Loan đã dùng hành vi bẩn thỉu, đê hèn khó tưởng tượng là... bóp hạ bộ anh đến chết rồi bí mật mang chôn giấu tại nghĩa trang quân đội Gò Vấp với tấm bảng ghi “Mộ vô danh”. Ngày 18/7/1965, các báo chí Sài Gòn đăng tin đại tá Phạm Ngọc Thảo chết vì bị thương trong một tai nạn giao thông.

 

Tướng 4 sao Wesmoreland, Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam trong hồi ký đã gọi Phạm Ngọc Thảo là một nhà “cách mạng chuyên nghiệp”. Ông Trần Bạch Đằng, nguyên Phó ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam nhận xét: “Các nhà tình báo thông thường có nhiệm vụ giấu mình, thu thập, khai thác tin tức chuyển về trung tâm. Riêng Phạm Ngọc Thảo đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, tung hoành hoạt động vì Tổ quốc cho tới tận lúc hy sinh, trường kỳ mai phục và độc lập tác chiến. Anh là người tình báo đặc biệt có một không hai”. Đồng chí Võ Văn Kiệt nói: Anh Phạm Ngọc Thảo đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có “tiền lệ” trong công tác cách mạng của chúng ta”.

 

Sau ngày đất nước giải phóng, nhiều đồng đội vô cùng chua xót khi thấy mộ anh vẫn chỉ là nấm mồ vô danh. Họ đã sưu tầm tài liệu, đề nghị Nhà nước ghi nhận công lao của anh. Năm 1987, Phạm Ngọc Thảo đã được truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nghe nói mộ Phạm Ngọc Thảo đã được đưa về nghĩa trang TP Hồ Chí Minh, tôi tìm đến thắp hương cho anh. Mộ do Sở Lao động-Thương binh-Xã hội thành phố lập năm 1987, sau khi anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng. Ảnh trên bia, chỉ là một bức cắt từ báo chí Sài Gòn cũ… Người anh hùng, nhà tình báo huyền thoại đã ra đi và yên nghỉ thật bình lặng, cạnh mộ những tên tuổi nổi tiếng như Lưu Hữu Phước, Phạm Ngọc Thạch, Can Trường. Tôi thầm nghĩ: Giá như trên bia mộ, có thêm một dòng chữ: “Anh chính là nhân vật trong phim Ván bài lật ngửa”. Và như lời Trung tướng Phạm Quang Cận: “Vai Nguyễn Thành Luân còn xa mới phản ánh được cuộc đời hoạt động huyền thoại của Phạm Ngọc Thảo trong lòng địch...”, một Ván bài lật ngửa chưa đủ, giá như có một bộ phim tài liệu về anh!                     

 

NGUYỄN VĂN MINH - (QĐND)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cuộc đời thật của một huyền thoại
Thứ Hai, 07/07/2008 07:30 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ cuối)
Thứ Năm, 03/07/2008 14:04 CH
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 12)
Thứ Tư, 02/07/2008 08:05 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 11)
Thứ Ba, 01/07/2008 11:00 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 10)
Thứ Hai, 30/06/2008 11:00 SA
Cảm nhận Trường Sa (kỳ 9)
Thứ Sáu, 27/06/2008 07:40 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek