Thứ Tư, 27/11/2024 11:55 SA
Chuyện kể của một cô gái gần 10 năm bị vây ở Campuchia
Chủ Nhật, 19/03/2006 09:24 SA

“Chỉ trong vòng 1 tháng, con bé nhà quê 15 tuổi ốm nhom gầy còm là tôi bị bán đến hai lần. Bị buộc phải làm gái vũ trường, làm điếm, rồi sau đó là bị vây kín trong trang trại hoang vu cho đến gần 10 năm trời tôi mới được cứu thoát khỏi cái nơi mà bây giờ nghĩ lại tôi còn rùng mình ấy”.

 

Lê Thị Phương đang kể lại vụ việc, bên cạnh là Trưởng Công an xã Hòa Phong Đào Nguyên Thuấn - Ảnh: Khương Duy

 

Những ngày qua, cái xóm nhỏ trong thôn Mỹ Thạnh Tây (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) xôn xao khi thấy Trần Thị Phương, đứa con gái mất tích đã gần 10 năm nay của nhà ông Trần Yên và bà Lê Thị Hồng trở về. Rồi công an đến làm việc, rồi báo chí loan tin nghi vấn: “Một phụ nữ bị lừa bán sang Campuchia trong 10 năm?” khiến cái xóm nhỏ yên bình này chộn rộn hẳn lên. Ngay cả khi nhóm phóng viên chúng tôi đến làm việc, căn nhà nhỏ chật hẹp chưa tô vôi vữa của gia đình Phương cũng chật kín những người hàng xóm. Theo lời Phương trình bày tại cơ quan công an, cô bị một người hàng xóm lừa bán sang Campuchia từ giữa năm 1996 cho đến cuối năm 2005 mới trốn thoát được về nước. Vụ việc đang được cơ quan chức trách điều tra. Câu chuyện chúng tôi ghi lại dưới đây là theo lời kể của Phương, mà theo cô là chi tiết hơn cả khi tường trình với công an.

 

MỘT THÁNG BỊ BÁN HAI LẦN

 

Sinh năm 1980, nhưng cha mẹ làm khai sinh muộn nên trong giấy tờ Trần Thị Phương có năm sinh là 1981. Nhà nghèo, lại đông anh chị em nên từ nhỏ Phương không được học hành đến nơi đến chốn. Cô ở nhà giúp mẹ làm bún, lớn lên một chút thì ra chợ bán mướp, bí... Cuộc sống của cô gái đó cung sẽ bình yên như bao cô thôn nữ khác nếu không có một người hàng xóm bỗng nhiên xuất hiện. “Chị ấy tên là Huỳnh Thị Mận, sinh năm 1968, người cùng ở Mỹ Thạnh Tây này. Hồi đó (1996), khi tôi mới 16 tuổi, chị Mận mấy lần đến xin cha mẹ tôi cho tôi đi với chị vô Sài Gòn, nơi mà chị bảo đang bán hủ tiếu ở đó. Chị Mận bảo tôi chỉ giữ em, giúp việc lặt vặt khi rảnh, mỗi tháng sẽ được trả 500.000 đồng. Đó là một món tiền lớn mà cả gánh mướp bí của tôi bán cả đời cũng không bao giờ có được. Nhưng chị Mận lại không thuyết phục được cha mẹ tôi. Nhưng tôi thì thích theo chị, bởi nghĩ với số tiền được trả hàng tháng đó, tôi có thể dành dụm để gởi về giúp cha mẹ ít nhiều, đỡ bớt khó khăn, mà công việc của tôi thì nghe ra cũng nhẹ nhàng. Biết điều đó, quãng 8 giờ tối ngày 20-5-1996 (âm lịch), chị Mận đến khi nhà chỉ còn một mình tôi và bảo nên trốn nhà đi. Vậy là 4 giờ sáng hôm sau, tôi trở dậy khi cả nhà tưởng rằng tôi sửa soạn gánh bí mướp ra chợ. Tôi đến nhà chị Mận, ăn bánh xèo cùng vợ chồng chị rồi đón xe xuống thị xã Tuy Hòa đi Sài Gòn. Đó là chuyến đi định mệnh của cuộc đời tôi”.

 

Ngôi nhà của gia đình Lê Thị Phương - Ảnh: Khương Duy

 

Bà Lê Thị Hồng, mẹ của Trần Thị Phương, cho biết rằng những ngày đầu mất con bà như điên dại. “Tôi đã khóc trong lòng suốt gần 10 năm qua trong nỗi đau của một người mẹ mất con. Mặc dù những năm sau này, ai cũng nghĩ là con Phương chết rồi, nhưng tôi thì vẫn có một niềm tin nào đó. Cho đến ngày nhận được thư con, bên trong còn gởi kèm theo một tấm hình, tôi như muốn ngất xỉu vì mừng rỡ. Tôi mang lá thư và tấm hình đó đi khoe khắp xóm, nói với mọi người rằng con gái tôi vẫn còn sống...” – bà Hồng nói trong nước mắt. Trong mấy năm 2000-2003, bà Hồng đã vô TP Hồ Chí Minh buôn gánh bán bưng, đi ở mướn để mong tìm được chút tin tức nào về đứa con gái bé bỏng nhưng rồi phải trở về trong vô vọng…

Theo lời Phương, khi xe đến bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh), vợ chồng bà Mận mướn xe honda ôm nói là “về nhà ở gần cầu Sài Gòn”. Thế nhưng, sau khi được sang lên xe đò, lại đi qua một đoạn đường dài khác, đến được nơi gọi là “cầu Sài Gòn” đó, cô bé quê 16 tuổi nghe người ta không nói với nhau bằng tiếng Việt, cứ tưởng là người Thượng du. Đến lúc đó, bà Mận mới cho biết “cầu Sài Gòn” này là ở Nam Vang, ở đất Campuchia. “Tôi ở nhà vợ chồng chị Mận được một đêm, hôm sau, hai chị em ra quán uống nước. Tôi được cho uống một ly nước cam, rồi sau đó mê man không còn biết gì nữa” – Phương kể. Cho đến 10 giờ đêm 22-5-1996 (âm lịch), khi lơ mơ tỉnh dậy, Phương thấy mình đang ở trong khách sạn cùng một người đàn ông Ba Tàu khoảng 40 tuổi. Sau giây phút hoảng hốt, cô bé quê còm nhom đen đúa kịp hiểu điều gì đã xảy ra với mình. Người đàn ông đó biết nói tiếng Việt lơ lớ, đã nói cho Phương biết rằng ông ta đã mua sự trinh trắng của cô từ một người đàn bà Việt Nam với giá 400 USD. “Ngay buổi sáng hôm sau, khi thấy tôi đau đớn trở về nhà, mà sau này tôi biết là ở khu vực Bu-đinh, chị Mận đã an ủi rằng vì thấy gia cảnh tôi quá khó khăn nên mới nghĩ ra chuyện “giúp đỡ” như vậy. Chị cũng cho tôi biết là đã gởi 400USD về cho cha mẹ tôi rồi. Tôi biết chị lừa tôi, nhưng tôi có la khóc, có làm lớn chuyện thì cũng chẳng ai giúp được mình. Tôi ở nhà chị Mận vài ngày, rồi được chị đưa đến quán hủ tiếu ở Sa-xa-lấp để giúp việc”.

 

Thế nhưng, Phương kể, đó chỉ là một quán hủ tiếu trá hình, vì ở tầng 2 căn nhà đó là nơi hoạt động mại dâm, dành cho gái từ Việt Nam sang. “Có đến 6-7 cô gái Việt Nam chen chúc nhau trên căn gác của nhà đó. Tôi cũng bị buộc phải làm gái vũ trường, phải đi khách. Nhưng tôi la khóc, chống cự quyết liệt, vả lại thấy tôi gầy nhom nên sau khi đánh đập ê ẩm, họ cho tôi xuống nhà bếp nấu cơm phục vụ  cả nhóm”. Ở Sa-xa-lấp chừng hơn 1 tháng, Phương lại bị bà Mận bắt về, nói là cho về nhà với cha mẹ, nhưng sau đó mang đến một nơi rất xa gọi là Pô-bét, chỉ cách Thái Lan có một cây cầu. “Tại đó, bà Mận đã bán tôi cho một động khác với giá 600 USD. Người chủ mới của tôi là bà Mặt Nám, một người nghe nói là ở tỉnh Bình Phước. Đây là một động khủng khiếp, hành xử như xã hội đen. Chúng tôi cục cựa là súng kề lạnh bên thái dương. Tôi lại bị buộc phải làm gái, phải đi khách...”

 

GẦN 10 NĂM TRONG “TRẠI CẢI TẠO”

 

Trung tá Nguyễn Niên, Phó trưởng Công an huyện Tây Hòa: Mọi việc còn trong vòng điều tra

 

Trao đổi với chúng tôi, trung tá Nguyễn Niên nói rằng sau khi tiếp nhận sự tố cáo của Trần Thị Phương, Công an huyện Tây Hòa đã làm một số công tác nghiệp vụ và đã báo cáo về Công an tỉnh để xin ý kiến và tiếp tục điều tra. “Hiện chưa thể khẳng định được điều gì về vụ việc này” – ông Niên nói.

Phương nói rằng cô ở trong động của bà Mặt Nám được chừng 1 tháng, vì phản kháng quyết liệt và bị khách chê bai, quân của tú bà này đã đánh cô một trận “rêm xương” rồi lại cho... xuống bếp để nấu cơm. Khoảng 2 tháng sau đó, khi bà Mặt Nám mua được một khu rẫy rộng đến 15 mẫu và bắt đầu khai hoang, thì Phương và một cô gái khác cũng có hoàn cảnh tương tự tên là Thi được đưa lên khu rẫy này, tham gia vào nhóm khai hoang. “Chúng tôi ở đó, bắt đầu công việc như những người đi cải tạo. Ban đầu là sạ lúa đón mưa, trồng đậu phộng, đậu xanh. Chừng một năm sau, trang trại bắt đầu hình thành, trồng đủ loại cây ăn trái. Cà phê cũng được trồng bạt ngàn, rồi hồ tiêu hàng trăm nọc... Chăm sóc hồ tiêu cực lắm, mưa cũng cực mà nắng cũng cực...”. Phương cho biết hàng ngày, cô và những người ở đây phải xới gốc, nhổ cỏ, tưới nước... và đủ mọi chuyện. Đến mùa thu hoạch thì cũng tham gia từ sáng đến tối. Ngoài việc được ăn uống ngày 2 lần, cô không được trả một đồng tiền công nào. Công việc như thế kéo dài cho đến khi cô trốn khỏi nơi hãi hùng này, một nơi luôn trong tầm mắt của đám tay chân của bà Mặt Nám.

 

TRỐN THOÁT VÀ TỐ CÁO

 

Huỳnh Thị Mận là ai?

 

Theo ông Đào Nguyên Thuấn, Trưởng Công an xã Hòa Phong, Huỳnh Thị Mận là người ở Mỹ Thạnh Tây, Hòa Phong. Trước kia bà Mận có chồng ở xã Hòa Bình. “Theo thông tin phản ánh của bà con, thì bà Mận có thời gian sang Campuchia làm gái và môi giới gái mại dâm. Sau này, khi về lại Phú Yên khoảng năm 2003, bà Mận bị công an bắt đưa vào trại phục hồi nhân phẩm. Theo thông tin chúng tôi biết được, hiện bà Mận đang mở quán ở khu vực công trình Thủy điện Sông Ba Hạ” – ông Thuấn nói.

 

Ông Thuấn cũng cung cấp thêm một thông tin là em gái của bà Mận cũng có thời gian sang Campuchia làm gái, sau đó bị mắc bệnh AIDS và mất tại quê nhà Mỹ Thạnh Tây.

Trần Thị Phương nói rằng nhờ sống hơn 9 năm mà không có tư tưởng bỏ trốn (thật ra cô nhiều lần định trốn, nhưng không biết phải đi bằng cách nào nên thôi) nên sự để ý của đám tay chân cũng lơi dần. Thậm chí, cô còn được họ gởi con cái nhờ dắt đi cắt tóc. Đó chính là cơ duyên để cô có được ngày thoát khỏi vùng đất dữ. “Chỉ trong năm 2005, tôi được ra ngoài vài lần, đưa đám con cháu của bà Mặt Nám đến hớt tóc và ở đó tôi gặp anh Lê Văn Tâm (30 tuổi), một thợ làm công tại hiệu này. Tôi đã tâm sự với anh về hoàn cảnh của mình và anh Tâm hứa sẽ giúp tôi trốn về nước”. Ngày 19-11-2005 (âm lịch), Phương, Tâm và em của Tâm đã trốn khỏi Campuchia về được đến An Giang. Họ đến với nhau vì thông cảm hoàn cảnh của nhau. Cả hai đi làm nghề phụ hồ ở Châu Đốc và cuối năm 2005 đã đến Đồng Tháp, mướn nhà và mở quán cà phê ở đó.

 

Cho đến cuối tháng Giêng năm nay, Phương viết thư về nhà và ngày 10-3 vừa rồi, cô đã trở lại quê sau gần 10 năm không tin tức. Ngay ngày hôm sau, Phương đã đến Công an xã Hòa Phong, sau đó là Công an huyện Tây Hòa để tố cáo vụ việc. Phương rưng rưng nước mắt nói rằng cô đã suy nghĩ rất nhiều khi quyết định tiết lộ toàn bộ câu chuyện của mình bởi: “Nỗi uất ức của tôi đối với chị Mận quá lớn nên tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi tố cáo với mong mỏi pháp luật làm rõ sự việc bởi không thể để chị Mận sống nhởn nhơ được. Tôi không muốn có cô gái nào khác lâm vào hoàn cảnh bi đát như tôi bởi những con người như thế”.           Cô cũng cho phép chúng tôi chụp ảnh và đồng ý cho đăng báo, bởi “đây là chuyện có thật và tôi không phải giấu diếm thân phận của mình”.

 

QUỐC KHƯƠNG – ĐỨC THÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cứu ngư dân nước ngoài giữa biển đêm
Thứ Hai, 13/03/2006 10:00 SA
Rủ nhau đi... xem bói
Thứ Hai, 27/02/2006 08:50 SA
Hành hương xin lộc ngày xuân
Chủ Nhật, 19/02/2006 18:59 CH
Rộn ràng vó ngựa đầu xuân
Thứ Tư, 08/02/2006 08:30 SA
Huyền thoại dấu chân Y Rít
Thứ Năm, 02/02/2006 08:35 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek