Kỳ II: Ngày và đêm trên đảo Trường Sa Lớn
KỲ III:Hoa thiêng trôi trên biển đảo Phan Vinh
Biển cả thật bí ẩn và kỳ lạ, mới hôm qua rất yên ả, vậy mà hôm nay lại đỏng đảnh, trở chứng nổi sóng ầm ào. Từng lớp sóng xô trắng mặt biển, bụi nước bay mù mịt. Sóng “đuổi theo” con tàu trong suốt hải trình đến đảo An Bang và nhà giàn DK1-19 (còn gọi là nhà giàn Quế Đường). Nhưng mặc cho sóng vỗ, mặc cho tàu chiến các nước đang lượn lờ ở phía xa xa, ngôi nhà lâu bền đảo An Bang, những nhà giàn DK1 vẫn sừng sững đứng canh, gợi khí phách hiên ngang và hào hùng đầy ngưỡng mộ trong lòng mỗi người đến với biển đảo...
Một góc đảo An Bang |
AN BANG - ”HÒN ĐẢO BÃO TỐ!”
6 giờ 10 phút sáng, con tàu chấm tọa độ rồi thả neo cách đảo An Bang khoảng 2 hải lý. Tôi nhìn từ xa, đảo như một cây nấm san hô mọc lên giữa biển. An Bang là một trong ít đảo đẹp ở Trường Sa với những doi cát bao bọc quanh đảo như một bãi tắm. Phía trước đảo có một doi cát vàng tuyệt đẹp, vẽ nên một nét cong thon thả như eo lưng thiếu nữ. Nhưng An Bang là đảo khó vào nhất, bởi xung quanh nhấp nhô những ngọn đá “mồ côi”, những con sóng bạc đầu luôn chạy quanh đảo có thể quật mọi thứ vào những ngọn đá này...
Khi mọi người chuẩn bị xuống thuyền vào đảo, thì gió bỗng nhiên thổi mạnh cấp 4-5 và xuất hiện 7 sắc cầu vồng trên nền trời phía đông nam. Sóng biển cao 1-2m. Rồi cả bầu trời như đổ ụp xuống, mây vần vũ. Và mưa ập đến. Toàn tàu đành phải “án binh bất động”. Thuyền trưởng, thiếu tá Lê Hải Sơn cho biết: “An Bang được mệnh danh là “hòn đảo bão tố” nằm ở cực
Lễ tiếp đón trên đảo An Bang diễn ra trang trọng, nhanh gọn, thời gian ít ỏi còn lại trên đảo là giao lưu, văn nghệ. Đảo trưởng, thiếu tá Nguyễn Cát Khôi, tâm sự, ở đây, quanh năm sóng gió, nhất là vào mùa mưa, sóng gào thét vỗ ầm ào vào đảo, bụi nước mặn mù mịt như mưa phùn. Vậy nên cả đảo phải che chắn bảo quản thiết bị, di dời rau xanh khỏi bị sương muối... Nhiều khi lương thực từ đất liền mang ra, khi vào đảo bị sóng đánh ướt phải bỏ một phần, còn lại phơi phóng mấy ngày mới sử dụng được. Dù thiên nhiên khắc nghiệt như vậy, nhưng các chiến sĩ đảo An Bang cũng khai thác thêm hải sản để cải thiện bữa ăn; luôn ngày đêm bên chân sóng để tuần tra canh gác. “Đảo An Bang là nơi “tiền tiêu” bảo vệ vùng biển đảo phía Nam Trường Sa và giàn DK1 (Khu Dịch vụ, khoa học kỹ thuật DK1). Nơi đảo An Bang còn được xây dựng trạm Hải đăng (thuộc Xí nghiệp bảo đảm an toàn Hàng hải Biển Đông) với “ngọn đèn đứng gác” không bao giờ tắt… Từ trên cao trạm đèn có thể vút tầm mắt nhìn vẻ đẹp của Tổ quốc mênh mông giữa đại dương xanh thẳm. Ở đây, có 5 con người ngày đêm hòa mình với thời tiết khắc nghiệt để làm nhiệm vụ hướng dẫn đường hàng hải quốc tế; kiểm soát các tàu nước ngoài hoạt động trong lãnh hải… Trạm phó Trạm Hải đăng An Bang Bùi Văn Tiệp, sinh năm 1954, quê ở Hải Phòng, là người nhiều tuổi nhất ở đèn biển An Bang. Anh Tiệp bộc bạch: “Tôi đã có thâm niên 15 năm đứng gác đèn biển ở 5 đảo Song Tử Tây, Đá Tây, Đá Lát, Tiên Nữ, An Bang. Bây giờ, tôi như người “lính già” sắp về hưu, sẽ cố gắng truyền lại mọi kinh nghiệm gác đèn biển cho lớp trẻ để họ vững niềm tin “gác biển” ở nơi đầu sóng ngọn gió”…
Gần trưa, biển lại nổi sóng cao 1- 2m. Các chiến sĩ đảo An Bang lại phải vật lộn với sóng để đẩy thuyền khỏi bãi cát đưa đoàn khách ra tàu. Trong lấp lóa sóng biển, tôi bắt gặp những người lính, dù toàn thân ướt lạnh vẫn luôn nở nụ cười thật tươi, giơ cao cánh tay vẫy chào mọi người... Bây giờ, cơn say sóng bắt đầu “quật ngã từng em một”, và các chiến sĩ hải quân phải dìu từng người lên tàu. Ai đó đã kịp bật thốt lên: Thương quá những người lính An Bang, hẹn gặp lại “hòn đảo bão tố”!
Những người khách trên tàu HQ 996 vẫy chào nhà giàn An Bang. |
LỖI HẸN VỚI NHÀ GIÀN QUẾ ĐƯỜNG!
Buổi sáng, biển vẫn xanh dội sóng và nắng lấp lánh với cánh chim hải âu. Con tàu sau đêm dài rẽ sóng, đã đến nhà giàn Quế Đường (DK1-19) – điểm dừng chân cuối cùng theo hành trình đã định. Khi tàu neo đậu cách nhà giàn khoảng 500m, chuẩn đô đốc, thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa – Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, ra lệnh: “Do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc, nên biển động, sóng hung dữ vây hãm tứ bề nhà giàn. Vì vậy phải neo tàu nằm chờ biển lặng, chứ không thể đưa thuyền vào nhà giàn được!”. Không khí trên tàu như chùng lại. Mọi người trên boong dõi trông về phía nhà giàn, ở đó sừng sững một khối nhà bằng sắt thép với các cột trụ khổng lồ và cao ngất để chống chọi với những con sóng dữ dội; ở đó có những chiến sĩ tuổi đôi mươi vẫn đang bám trụ trên ngôi nhà giàn giữa trùng khơi để nghiên cứu và làm nhiệm vụ bảo vệ vùng lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Nhiều giờ trôi qua, biển vẫn dậy sóng cấp 5 - 6. Con tàu vẫn trồi lên, trụt xuống theo từng cánh sóng. Trên buồng lái tàu, nhiều cảm phục, xúc động, cay cay đôi mắt khi nghe thượng tá Đỗ Khắc Phương, Phó chủ nhiệm chính trị Vùng 4 (Quân chủng Hải quân), kể lại: Những cơn sóng, những trận bão tố đã tàn phá và làm đổ chìm các nhà giàn vào những năm 1990, 1996, 1999 và 2000. Trong cuộc đấu tranh chống lại thiên nhiên khắc nghiệt ở vùng biển này, không sao tránh khỏi những mất mát, đau thương. Nhiều người con kiên trung của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại giữa trùng dương. Còn đó những tấm gương anh hùng, như liệt sĩ đại uý Vũ Quang Chương - Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1-6 Phúc Nguyên - người đã bình tĩnh chỉ huy các chiến sĩ của mình rời nhà giàn bị đổ trong cơn bão hung dữ tháng 12/1999, sau đó anh cùng chiến sĩ Nguyễn Văn An ở lại thu tài liệu, cuộn lá cờ Tổ quốc vào lòng rồi rời nhà giàn cuối cùng và bị bão cuốn đi... Trung úy Trần Hữu Quảng, Chính trị viên nhà giàn DK1-3 Phúc Tần, khi nhà giàn bị đổ và trước con sóng lớn, anh đã nhường lại chiếc phao bảo hộ cá nhân, miếng lương khô cuối cùng còn sót lại cho chiến sĩ yếu nhất và anh dũng hy sinh ngày 5/10/1999…
Mãi đến 2 giờ chiều, sóng mạnh vẫn chưa dứt, mặt biển như một chảo dầu sôi cuồng bạo. Thế là chương trình vào nhà giàn bị “gãy”. Chuẩn đô đốc, thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa quyết định gọi cả đoàn văn công Quân chủng Hải quân lên boong chỉ huy tàu để hát cho các chiến sĩ nhà giàn Quế Đường qua máy bộ đàm và hệ thống loa phóng với âm thanh vang xa hơn 1.000m. Các ca sĩ Nhật Huyền, Ánh Phượng, Bùi Thị Mai… quá xúc động, hát nức nở, ngắt quãng từng đoạn lời các bài ca “Khúc quân hành”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”; “Ở hai đầu nỗi nhớ”… Mắt ai cũng đỏ hoe, rưng rưng. Ca sĩ Ánh Phượng nghẹn ngào nói với các nhà báo: “Đây là chuyến thứ 2 em đi Trường Sa và không được vào nhà giàn vì sóng lớn. Không trực tiếp gặp mặt để tặng quà, để nắm tay chiến sĩ cùng hát, em buồn lắm, thương các anh lắm. Đây là những kỷ niệm khó quên đối với chị em văn công”. Đây cũng sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi trong chuyến đi thăm Trường Sa lần này! Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt
Sừng sững giữa trùng khơi sóng gió
Quế Đường vươn mình trong bão táp mưa sa
Mang vóc dáng Tổ quốc mình nơi đó
Chí kiên trung vượt mọi phong ba
Chúng tôi biết ngày lại ngày trên biển
Anh không nguôi nỗi nhớ quê nhà
Khát một câu dân ca, một dáng hình con gái
Một lá thư nhà ấm mong ước điền viên
Không đến được với anh dù đã kề giàn nổi
Chúng tôi lại đi như những cánh chim trời
Xin gửi lại tình đất liền sâu nặng
Qua những ngọn sóng bạc đầu
Ơi Quế Đường ơi!...
Tướng Nguyễn Cộng Hòa trầm tư, chốc chốc lại lấy bộ đàm gọi rõ to: “Ở nhà giàn còn đủ lương thực để dùng không, các chiến sĩ có mạnh khỏe không, có nghe được văn công trên tàu hát không?”. Tiếng đầu bên kia của Chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Văn Huyền và Chính trị viên Đặng Văn Chóng thay nhau trả lời nghe ngắt quãng: “Dạ… thưa thủ trưởng, lương thực đầy đủ, chỉ thiếu… rau xanh thôi ạ. Anh em nhà giàn đều… khỏe ạ!”. “Các chiến sĩ nghe ngâm thơ, nghe hát… rõ ạ, mà các nữ văn công hát hay lắm. Cảm ơn thủ trưởng và các đồng chí… nhiều lắm…!”. Tướng Nguyễn Cộng Hòa chúc sức khỏe anh em trên nhà giàn, rồi ra lệnh cho tàu nhổ neo. Chúng tôi ngậm ngùi chào nhà giàn, ở đó các chiến sĩ cũng giơ những cánh tay vẫy chào đoàn tàu. Vậy là đành lỗi hẹn với Quế Đường, chưa khi nào thấy gần đến thế mà lại xa đến thế... Quế Đường như vấn vương trong lòng mỗi người trên tàu HQ 996…
* * *
Vậy là kết thúc cuộc hành trình đi đến Trường Sa, đến với đất mẹ giữa trùng khơi. Dù chuyến đi ngắn, tôi chưa trải nghiệm hết những thú vị “nhiều… như biển”, nhưng tôi “nhìn” nơi biên cương trên biển bằng cả tâm hồn, bằng lòng yêu nước và cảm nhận được đất nước Việt Nam thiêng liêng biết dường nào. Tôi thật sự cảm phục trước tấm gương của những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biển đảo; tôi có cảm giác khó tả khi nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trên đảo, trên những nóc nhà giàn cao ngất giữa đại dương… Quên sao được những gương mặt của các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đã ngày đêm chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, thực sự coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, kiên cường trụ vững nơi tuyến đầu Tổ quốc để xây dựng huyện đảo “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường”. Vạn trang sách báo không bằng một lần đến Trường Sa! “Chỉ một lần thăm đảo Trường Sa/Bạn sẽ tiếc, nếu mình chưa được đến!…” - nếu như bạn chưa có dịp may mắn đến Trường Sa như tôi, thì “Mời bạn đến thăm đảo Trường Sa/Để được ấm thêm nghĩa tình đồng đội/Điếu thuốc chia nhau, bát canh xẻ nửa/Chụm đầu bên nhau đọc lá thư nhà…” (thơ của chiến sĩ Mạnh Hiếu ở đảo Trường Sa Lớn)…
NGUYÊN LƯU