Thứ Năm, 03/10/2024 01:26 SA
Rủ nhau xuống sông... phá đá
Thứ Năm, 01/05/2008 14:00 CH

Thủy điện Sông Ba Hạ nút cống dẫn dòng. Nước sông Ba kiệt dần, lòng sông nổi lên những loại “kỳ thạch” nhiều hình thù, màu sắc tự nhiên hấp dẫn. Khoảng một tuần qua, hàng trăm người đã đổ về khu vực này đào bới lòng sông để tìm đá đẹp.

 

080430-tim-da.jpg

Nhiều người đi tìm đá ở khúc sông Ba thuộc huyện Sơn Hòa – Ảnh: T.L.KHA

 

MOI SÔNG LẤY ĐÁ

 

Trong vai những người đi tìm đá cảnh, chúng tôi trực tiếp chứng kiến cảnh khai thác đá hỗn độn, bừa bãi dọc triền sông Ba thuộc huyện Sơn Hòa. Tại các khu vực Bãi Dinh, Cầu Ngầm, Hà Đô, Sông Đà 10, Thác Cỏ và khu vực hạ lưu đập chính thủy điện Sông Ba Hạ, mỗi bãi có hàng trăm người từ khắp nơi đổ về tìm đá. Ở các khu vực này, hiện nay nước đã khô cạn do thủy điện chặn dòng, để lộ từng bãi đá trắng xóa. Người tìm đá không phải ngụp lặn, mò tìm, rồi dùng ruột xe ô tô bơm căng để vận chuyển vào bờ như trước, mà chỉ đi bộ lượm hoặc dùng xà beng nạy lấy đá.

 

Những người săn đá ở đây đủ mọi thành phần, già trẻ, gái, trai. Họ đua nhau đào bới, chọn lựa những viên đá đẹp về chơi hoặc đem bán. Đáng ngại là hiện nay, nhiều người đi tìm đã không phải vì yêu nghệ thuật, mà coi đó là một “ nghề “ kiếm sống với mức thu nhập khá cao. Đá dưới lòng sông Ba đã vượt qua khỏi ngưỡng nghệ thuật sinh vật cảnh, trở thành hàng hóa thu hút các “đại gia” từ Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh… về mua bán tự do. Chính vậy, khai thác đá cảnh ở khúc sông Ba qua huyện Sơn Hòa đã trở thành phong trào làm ăn. Dân khắp nơi đổ về khai thác vô tội vạ, dùng cả cơ giới vào khai thác.

 

080430-da1.jpg

Dùng ba-lan để cẩu đá – Ảnh: P.NAM

 

“ĐẠI GIA” THÀNH PHỐ LỚN VỀ “ĂN HÀNG”

 

Ở khu vực Bãi Dinh, Tịnh Sơn thuộc khu phố Tây Hòa, thị trấn Củng Sơn, một trong những địa điểm “lý tưởng” của những người săn đá, xuất hiện nhiều tốp người dùng ba-lan, xe múc, xe đào trục vớt những hòn đá có trọng lượng hàng tấn vào tập kết thành bãi, ghi rõ số hiệu từng viên bên bờ sông, rồi dùng xe tải vận chuyển đi các nơi. Thấy chúng tôi bấm máy ghi hình, các đối tượng khai thác đá bằng ba-lan trục vớt vẫn cứ bình thản “làm nhiệm vụ “ như không có điều gì xảy ra, thậm chí còn đùa giỡn, thách thức.

 

Anh Trương Thanh Lắm, một nghệ nhân sinh vật cảnh ở Sơn Hòa, cũng là người đi tìm đá cảnh lâu nay ở sông Ba, cho biết: “Điểm khai thác ồ ạt nhất là ở khu vực qua cầu Suối Thá, thuộc khu phố Tịnh Sơn. Người khai thác ở đây chủ yếu đi từ hướng Sông Hinh sang hoặc Tuy Hòa lên, tập trung xe cẩu, xe múc làm đùng đùng cả ngày như một công trình đang thi công. Nhìn những hòn đá khổng lồ được cẩu lên từ lòng sông mà những người yêu nghệ thuật đá cảnh như chúng tôi vô cùng xót xa”.

 

Hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều xe ô tô biển số ngoài tỉnh trên địa bàn huyện Sơn Hòa, nhất là xe ở TP Hồ Chí Minh về thu mua đá cảnh. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các “đại gia” mua đá cảnh ít khi lộ diện, mà thường “hợp đồng” thông qua các “cò” thu gom ở Sơn Hòa, Sông Hinh, khi nào đủ số lượng mới vận chuyển đi. Đá nhỏ được bán cho những gia đình khá giả, đá to bán cho các nhà hàng, khách sạn, khu sinh thái, công cộng… với giá rất cao, có hòn lên đến hàng chục triệu đồng. Anh Nguyễn Thái Đạo – cán bộ Ban quản lý rừng cấm Krông trai cho biết: “Qua tuần tra, kiểm soát lâm sản ở khu vực này, chúng tôi thấy rằng người dân địa phương chỉ lượm những hòn đá mi ni. Còn đá to thì được các thương lái ở ngoài tỉnh đến đặt mua, vận chuyển bằng xe tải, hàng ngày có khi đến 4-5 chuyến”.

 

080430-da2.jpg

Bãi tập kết đá cảnh khổng lồ  – Ảnh: P.NAM

 

HÃY GIỮ YÊN CHO SÔNG BA

 

Để xử lý tình trạng khai thác đá vô tội vạ ở lòng sông Ba, UBND huyện Sơn Hòa đã thành lập tổ công tác kiểm tra khoáng sản. Ngay ngày đầu ra quân, tổ đã phát hiện, tịch thu 23 hòn đá lớn và xử phạt hai ô tô trục vớt, vận chuyển đá cảnh trái phép tại khu vực Hà Đô, xã Suối Trai. Nhưng từ đó đến nay tình trạng trục vớt, khai thác đá, vàng quy mô lớn vẫn xảy ra và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trên đoạn đường 24 Tháng 3 (thị trấn Củng Sơn), chỉ cần bước xuống chừng chục mét dọc triền sông Ba là có thể tận mắt “chiêm ngưỡng” phương pháp khai thác kỹ thuật cao và hàng trăm hòn đá lớn sau tuyển chọn sắp xếp thành “công viên đá” ngang nhiên trưng bày theo thứ tự và đẳng cấp bên bờ sông Ba!

 

Việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép nói chung, đá cảnh nói riêng trên sông Ba thuộc địa bàn hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa hiện đang là vấn đề cấp thiết. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, về lâu về dài sẽ làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây sạt lở bờ và môi trường sinh thái của dòng sông, đồng thời làm thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia.

 

Đá sông Ba được đánh giá cao

 

Đá cảnh ở Sông Ba được giới sành chơi đá cảnh đánh giá là đẹp nhất nhì trong nước, bởi đa dạng về hình dáng, chất liệu và màu sắc, đặc biệt là các đường vân in trên mặt đáù. Anh Mai Đình Tuấn, một nghệ nhân lâu năm trong nghề, cho biết: “Qua nhiều năm tìm tòi, học hỏi mới hiểu được cách chơi, mỗi khi việc nhà rảnh rỗi tôi lại cùng bạn bè xuống sông lượm đá về chưng trong nhà, cho bạn bè trưng bày.

 

Thỉnh thoảng có ai muốn mua cũng bán kiếm chút tiền trang trải cuộc sống gia đình”. Theo anh Tuấn, do đá sông Ba được đánh giá cao nên giá trị rất lớn, một hòn đá đẹp có thể bán lên đến hàng chục triệu đồng.

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện một gia đình cách mạng
Thứ Ba, 29/04/2008 13:05 CH
Xúc chình kiếm được bạc trăm…
Thứ Tư, 23/04/2008 15:30 CH
Người đàn bà mù nhưng không phế
Thứ Tư, 16/04/2008 07:20 SA
Một lần viếng Đền Hùng
Thứ Ba, 15/04/2008 10:00 SA
Trên những nẻo đường tình nguyện
Thứ Bảy, 12/04/2008 14:00 CH
Lên núi nuôi...tôm!
Thứ Tư, 09/04/2008 15:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek