Lâu nay, con tôm thẻ chân trắng du nhập từ
Ông Trần Vinh với hồ nuôi tôm thẻ nước ngọt tại Suối Bạc - Ảnh: N.LƯU
Lên thôn Suối Bạc, hỏi ông Trần Vinh (còn gọi là Bốn Vinh) nuôi heo rừng, ai cũng biết. Họ lại cho biết thêm rằng, ông Bốn Vinh nuôi tôm thẻ chân trắng còn giỏi hơn nuôi heo rừng! Một người đi cùng tôi, am hiểu chuyện nuôi tôm thẻ đã vô cùng ngạc nhiên thốt lên: “Tôm thẻ mà nuôi được ở nước ngọt trên núi rừng ư?”… Và rồi, bất ngờ hiện ra trước mặt chúng tôi, bên con đường đất núi bụi bặm và bên rẫy mía, trại heo rừng, những hồ tôm vuông vức loang loáng nước với vài máy quay tròn tung bọt trắng xóa. Nhiều người dân tộc thiểu số hiếu kỳ kéo đến bờ hồ nhấc nhá nhỏ lên để xem những con tôm búng tanh tách trên mặt nước.
“THUẦN HÓA” TÔM THẺ TRONG NƯỚC NGỌT
Ông Bốn Vinh cao ngồng, gương mặt trẻ hơn nhiều so với cái tuổi lục tuần, đứng trên bờ hồ tôm hồ hởi cho biết: “Cái ngày tôi bủa những nhát cuốc đào ao trên đất núi này rồi bơm nước, đi chở thức ăn tôm, tôm giống từ miền biển lên thả nuôi, nhiều người dân thôn Suối Bạc đều tròn xoe mắt nhìn rồi bảo tôi điên! Nhưng giờ đây, tôi đã nuôi được con tôm thẻ chân trắng trên núi rừng, tôi sướng lắm…”.
- Điều gì đã thôi thúc ông đưa con tôm thẻ lên nuôi ở núi rừng? – Tôi hỏi.
- Tôi đã từng làm ở một cơ sở sản xuất tôm giống nên nắm bắt được kỹ thuật nuôi tôm. Tôi tính nếu nuôi được con tôm thẻ ở nước ngọt thì sẽ thay thế các loại cá kém hiệu quả, thu lãi cao hơn.
- Nhưng con tôm thẻ chân trắng chỉ sống ở nước mặn, lợ, vậy ông làm gì để chúng sinh trưởng được trong môi trường nước ngọt?
- Tôm thẻ sống ở môi trường nước với độ mặn 32%0, nhưng cũng có thể sống ở biên độ mặn thấp dưới 10%0. Vậy là tôi nghĩ ra chuyện “thuần hóa” cho tôm thẻ sống ở nước ngọt.
- Ông mua tôm thẻ giống ở đâu, thuần hóa bằng cách nào và tỉ lệ sống ra sao?
- Tôi lấy tôm thẻ giống từ Công ty Asia Hawaii Ventures rồi pha nước để hạ dần độ mặn cho tôm thích nghi trước khi đưa lên núi thả nuôi trong ao nước ngọt. Tỉ lệ sống của tôm nuôi thương phẩm đạt trên 80%.
Trước đây, trang trại của ông Bốn Vinh nuôi hàng chục con heo rừng, trồng lúa, mía…. Năm 2007, ông mở rộng quy mô sản xuất và nuôi thử nghiệm con tôm thẻ chân trắng ở nước ngọt. Trên diện tích ao khoảng 500m2, ông thả nuôi 1 vạn tôm thẻ. Cứ tưởng con tôm đỏng đảnh “trở chứng” với khí hậu khắc nghiệt ở miền núi nhưng chúng lại thích nghi tốt, ăn khỏe, chóng lớn. Mặc dù mưa lớn lũ quét đột ngột cuốn trôi mất nhiều tôm, nhưng ông vẫn thu hoạch được khoảng 3 tạ tôm. Từ thành công này, năm nay ông Bốn Vinh đầu tư đắp bờ đất, trát xi măng, làm được 4 ao nuôi với diện tích trên 3.000m2 theo kiểu bậc thang cho dễ xả thải, xi phong đáy, xử lý ô nhiễm môi trường. Ông dốc vốn thả hơn 20 vạn con, mật độ tôm trong ao nuôi thương phẩm hơn 120 con/m2… Ông cho biết: “Tôm thả nuôi thương phẩm trong 2 ao đã được hơn 2 tháng, phát triển không thua kém gì so với nuôi trong nước mặn ở vùng ven biển. Khoảng 1 tháng nữa là tôi thu hoạch lứa tôm này, hứa hẹn đạt năng suất cao”.
Nhiều người đến tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Trần Vinh - Ảnh: N.LƯU |
SẼ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH NUÔI TÔM THẺ TRÊN NÚI
Nhiều người ở các nơi nghe tin ông Bốn Vinh nuôi được tôm thẻ chân trắng giữa vùng núi Suối Bạc, đã lặn lội đến tận nơi để tham quan, học tập. Ông Tám Lý, một cán bộ về hưu ở phường 5, TP Tuy Hòa, cũng lên xem hồ nuôi tôm thẻ ở Suối Bạc, tâm sự: “Tôi thật sự nể phục trước kỳ tích này. Ông Bốn Vinh đã tiên phong đưa được con tôm thẻ từ miền xuôi lên miền ngược thả nuôi”.
Theo ông Bốn Vinh, nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt không khó, không dùng thuốc phòng trị bệnh, chi phí đào đắp ao theo kiểu ở vùng núi không cao, con giống do Công ty Asia Hawaii Ventures cung cấp, còn sản phẩm tôm có thể tiêu thụ hết ngay tại các địa phương miền núi. “Tôi sẽ khảo sát, khai thác tiềm năng lợi thế mặt nước ngọt ở các vùng miền núi để đầu tư phát triển nhiều ao hồ nuôi tôm thẻ” – ông Bốn Vinh cho hay.
Các vùng nông thôn, miền núi Phú Yên có hàng ngàn diện tích mặt nước ở ven sông, suối, vùng trũng có thể đưa vào nuôi tôm thẻ chân trắng. Đây là mô hình mới, có nhiều triển vọng. Các cơ quan quản lý ngành thủy sản và chính quyền địa phương cần có kế hoạch quy hoạch, hỗ trợ, tạo điều kiện cho ông Bốn Vinh và nhiều nông dân khác đầu tư nuôi loại hải sản có giá trị xuất khẩu này.
Chủ tịch UBND xã Suối Bạc Phan Thế Lựu: “Bước đầu cho thấy, nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt của trang trại ông Vinh là mô hình mới rất khả quan. Xã Suối Bạc sẽ tạo điều kiện để ông Vinh mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời đề nghị ông Vinh hướng dẫn kỹ thuật để bà con nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên miền núi, nhằm góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi nước ngọt, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho hộ nông dân”. |
LƯU PHONG