Thứ Ba, 26/11/2024 19:23 CH
Chuyện một gia đình cách mạng
Thứ Ba, 29/04/2008 13:05 CH

Đồng chí Nguyễn Văn Tỵ năm nay ngoài 50 tuổi có khuôn mặt chữ điền, vóc người cao ráo, ánh mắt hiền hiền, hiện đang là cán bộ làm công tác thanh tra ở Ban Tôn giáo tỉnh Phú Yên. Anh là cháu nội của bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hận.

 

080429-minh-hoa.jpg

“Giải phóng” - Tranh sơn dầu của họa sĩ Đào Minh Tri

 

Anh Tỵ kể: Bà nội tôi tên là Nguyễn Thị Hận, sinh năm 1905, quê ở thôn Lam Phụng, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông nội tôi là Nguyễn Văn Châu, sinh năm 1902, cùng quê với bà nội. Ông bà sinh được bốn người con: Năm 1926, sinh đôi được hai người con trai là Nguyễn Văn Thượng và Nguyễn Văn Tình (Nguyễn Văn Tình là cha của anh Nguyễn Văn Tỵ); năm 1929 sinh Nguyễn Thị Thúy và năm 1931 sinh Nguyễn Thị Bảy.

 

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, hai ông bà đều tham gia công tác cách mạng ở địa phương. Bà Nguyễn Thị Hận đi học lớp đào tạo ngành y và trở thành y tá của xã. Bà đỡ đẻ rất mát tay, tất cả các sản phụ được bà đỡ đều mẹ tròn, con vuông. Năm 1946, ông Nguyễn Văn Châu làm cán bộ xã, trực tiếp tham gia và phụ trách lực lượng dân quân du kích. Đầu năm 1947, địch bắt giam ông ở nhà lao đồn Lâm Tầy, xã Đại Lộc. Chúng tra tấn dã man nhưng ông cương quyết không khuất phục. Ngày 4/9/1947, địch đã hèn hạ thủ tiêu ông trong nhà lao, khi ông vừa tròn 45 tuổi.

 

Ngày 13/5/2003, ông Nguyễn Văn Châu được Nhà nước công nhận là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc. Chồng hy sinh khi bà Hận mới ngoài 40 tuổi, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai gầy yếu của bà, nhưng bà vẫn gắng sức cần cù lao động và nuôi dạy bốn đứa con khôn lớn, nên người. Càng thương nhớ người chồng đã hy sinh, bà Hận càng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng do địa phương phân công như chăm lo sức khỏe cho bà con trong xã, cùng với Hội phụ nữ xã động viên thanh niên hăng hái nhập ngũ, giúp đỡ lực lượng dân quân du kích địa phương tuần tra canh gác, bảo vệ chính quyền cách mạng…

 

Người con cả Nguyễn Văn Thượng theo cha hoạt động cách mạng từ năm 1945 khi 19 tuổi. Năm 1946, ông được tổ chức tín nhiệm phân công phụ trách công tác thanh niên của xã Đại Đồng và tham gia dân quân du kích xã. Những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, ông trở thành cán bộ chủ chốt của địa phương. Sau Hiệp định đình chiến Giơnevơ ngày 20/7/1954, ông bị địch bắt giam và tra tấn rất dã man. Ông tìm cách vượt ngục để tiếp tục hoạt động cách mạng, rồi bị địch bắt trở lại và chúng đã bắn chết ông tại xã Đại Đồng ngày 20/10/1954.

 

Ngày 14/4/1978, ông Nguyễn Văn Thượng được công nhận là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp chiến đấu giải phóng dân tộc.

 

Sau khi cha và anh hy sinh, đầu năm 1952, ông Nguyễn Văn Tình để mẹ ở lại cho 2 người em gái trông nom, nuôi dưỡng, để vào tỉnh Phú Yên làm nghề thợ mộc. Người thanh niên đất Quảng 26 tuổi tính tình hiền lành, nói năng điềm đạm, tay nghề thợ mộc rất tài hoa, nên dù ở đất khách quê người vẫn được mọi người thương yêu, quý trọng. Ông chọn xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa làm nơi trú ngụ để đi lại hành nghề lâu dài. Một năm sau đó (1953), ông gặp được người bạn đời tên là Nguyễn Thị Hét. Họ yêu, rồi cưới nhau. Từ đó, xã Sơn Hà trở thành quê hương thứ hai của ông. Năm 1954, đứa con trai đầu lòng tên là Nguyễn Tấn Thành chào đời. Kế theo là 3 người con trai nữa, đó là Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Phin, Nguyễn Văn Phăng đều trưởng thành. Anh Nguyễn Tấn Thành hiện nay ở thôn Tân Lập, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, anh Nguyễn Văn Phin hiện là chánh Thanh tra huyện Sơn Hòa, còn anh Nguyễn Văn Phăng, hiện là Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sơn Hòa.

 

Sau ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến có hiệu lực, ông Nguyễn Văn Tình được tổ chức phân công làm cơ sở cách mạng ở xã Sơn Hà. Là một xã miền núi sau đình chiến, bọn Mỹ–ngụy ra sức càn quét, tàn phá hòng không cho lực lượng cách mạng có chỗ đứng chân. Do vậy, nhiệm vụ của các cơ sở cách mạng rất nặng nề. Nhưng nhờ bà con các dân tộc ở vùng cao này một lòng, một dạ theo Đảng và Bác Hồ, nên các cơ sở cách mạng ở xã Sơn Hà vẫn đứng vững, là chỗ dựa vững chắc cho vùng văn cứ cách mạng của huyện và của tỉnh suốt mấy chục năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Nguyễn Văn Tình đêm ngày gắn bó với nhân dân, được nhân dân bảo vệ và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức giao phó.

 

Năm 1959, sau khi cùng đồng đội tiêu diệt tên Hùng ấp trưởng ác ôn khét tiếng ở vùng này, ông Nguyễn Văn Tình được cấp trên điều lên nhận công tác mới ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sơn Hòa. Ông thường xuyên là mũi trưởng các mũi công tác xây dựng cơ sở.

 

Ngày 12/7/1969, ông chỉ huy một mũi công tác về xây dựng cơ sở cách mạng ở xã Sơn Phước. Trên đường trở về căn cứ thì lọt vào ổ phục kích của địch. Địch bắn ông bị thương nặng, nhưng ông vẫn cố chạy được gần một cây số thì kiệt sức và bị địch bắt. Chúng tra tấn rất dã man hòng tìm ra các cơ sở bí mật của cách mạng, nhưng ông Tình không hề hé môi. Cuối cùng, chúng đã đánh ông đến chết. Cùng hy sinh với ông Tình trong chuyến công tác hôm đó còn có người em vợ là Nguyễn Thanh La.

 

Ngày 29/3/1978, ông Nguyễn Văn Tình được công nhận là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

 

*           *

*

 

Với giọng nói buồn buồn, anh Nguyễn Văn Tỵ kể tiếp: - bà nội tôi mất từ năm 1961. Những năm 60 của thế kỷ trước, vùng đất xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị bọn Mỹ ngụy tàn sát, cày ủi tan tành. Nhà bà nội tôi bị chúng đốt cháy đến ba lần, lần nào cũng chẳng còn một manh chiếu, nên chẳng có một thứ gì còn lưu lại. Bây giờ các con, cháu trong gia đình tôi đều không có một tấm ảnh của cụ để thờ cúng. Khi khai báo để làm chế độ chính sách cho gia đình, tôi đã mất rất nhiều năm đi tìm lại nhân chứng để xác nhận những chi tiết về sự hy sinh của ông nội và bác tôi. Cũng rất may, nhiều người là đồng chí, đồng đội với ông nội và bác tôi còn sống nên việc xác nhận được thuận lợi.

 

Tôi hỏi Tỵ về việc địa phương thực hiện các chế độ chính sách đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, anh cho biết:

 

- Ở tỉnh Quảng Nam cũng như ở tỉnh Phú Yên đều thực hiện rất tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Hai người cô của tôi là Nguyễn Thị Thúy và Nguyễn Thị Bảy hiện ở tại huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam thường xuyên được sự quan tâm chăm sóc, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương. Gia đình tôi ở tỉnh Phú Yên cũng vậy, rất được sự quan tâm giúp đỡ của địa phương.

 

Tôi gặp ông Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước là Phó bí thư Huyện ủy Sơn Hòa. Ông Hữu nói: Ông Nguyễn Văn Tình từ xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vào xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa làm ăn từ năm 1952 và xây dựng gia đình vợ con tại đây. Sau đó, ông thoát ly tham gia hoạt động cách mạng, đã nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà tổ chức giao phó. Ông đã anh dũng hy sinh trong một chuyến đi công tác xây dựng cơ sở cách mạng. Bốn người con trai của ông là: Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Phin và Nguyễn Văn Phăng lần lượt lớn lên trên đất Sơn Hòa; tuy mỗi người mỗi nhiệm vụ khác nhau, nhưng tất cả bốn anh em đều đã phát huy tốt truyền thống cách mạng của gia đình, của quê hương, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó, cùng với gia đình gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, pháp luật của Nhà nước, được nhân dân tín nhiệm, thương yêu, xứng đáng là gia đình thương binh, liệt sĩ tiêu biểu ở địa phương.

 

Truyện ký của TÔ PHƯƠNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xúc chình kiếm được bạc trăm…
Thứ Tư, 23/04/2008 15:30 CH
Người đàn bà mù nhưng không phế
Thứ Tư, 16/04/2008 07:20 SA
Một lần viếng Đền Hùng
Thứ Ba, 15/04/2008 10:00 SA
Trên những nẻo đường tình nguyện
Thứ Bảy, 12/04/2008 14:00 CH
Lên núi nuôi...tôm!
Thứ Tư, 09/04/2008 15:30 CH
Rộn ràng mùa ốc ruốc
Thứ Tư, 02/04/2008 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek