Mất đi đôi mắt, nhiều người xem như đã tàn phế, không thể làm gì khi xung quanh chỉ toàn là màu đen. Thế nhưng, một người đàn bà ở xóm Bến (xã An Hiệp, huyện Tuy An) bị mù cách đây 8 năm, hàng ngày vẫn ra đầm Ô Loan mò hàu để kiếm gạo. Bà không chỉ nuôi mình mà còn giúp chồng có thời gian làm việc nghĩa cho đời là khâm liệm để đưa người mất về thế giới bên kia. Bà là Nguyễn Thị Lựu.
Hàng ngày bà Nguyễn Thị Lựu cùng bà Năm Lê bắt hàu trên đầm |
MÙ NHƯNG KHÔNG PHẾ
Hôm nay, bà Lựu từ đầm trở về với nét mặt không được vui. Bà chỉ bắt được khoảng 4 kg hàu, bán ra chắc cũng chỉ chừng 16.000 đồng. Nhưng như thế đã là giỏi, vì nhiều người sáng mắt đi cùng bà cũng chỉ kiếm được chừng 3 kg hàu. Đầm thì rộng mênh mông, hàu điệp thì mỗi ngày mỗi ít, người sáng mắt kiếm được ký hàu đã khó, huống chi bà. “Chúng tôi phải đi tìm hàu chỗ này không có thì tìm chỗ khác. Còn bà Lựu biết chỗ nào mà tìm. Có khi tụi tôi bắt qua chỗ ấy rồi thì thấy bả bắt lại. Vậy mà không hiểu sao bả thường bắt được nhiều hơn”- Bà Huỳnh Thị Rây, một người cùng đi bắt hàu với bà Lựu cho biết.
Tám năm trước, khi đang làm cỏ thuê bà Lựu bị ngọn cỏ đâm vào mắt. Vì không có tiền đi bệnh viện, con mắt bị cỏ đâm cứ mờ dần rồi tối hẳn. Hai năm sau, con mắt còn lại cũng mù theo. Giờ thì trước mắt bà ngày cũng như đêm. Đã có lúc bà nghĩ quẩn, đời mình coi như hết, chẳng ai còn thuê, còn mướn để kiếm cơm, nhưng rồi bà nghĩ đến đầm Ô Loan. Chính nó đã nuôi sống ông, cha của bà, giờ có lẽ nó cũng không đến nỗi ruồng rẫy bà. Bà kể: “Ngày ấy tôi sợ phải nằm một chỗ, chẳng làm được việc gì, chắc không sống nổi. May mà có cái đầm này”. Bà đi theo thuyền của những người bắt hàu, đến nơi rồi tự mò bắt bằng kinh nghiệm của mình khi còn sáng mắt. Bà kể: “Chiều tôi chống gậy rảo khắp xóm, hỏi ngày mai có ai đi bắt hàu để xin theo. May mà bà con cũng thương tình. Có ai đi thì gà gáy họ đưa thuyền đến trước cửa nhà hú gọi, tôi mò ra để đi cùng. Đến nơi, cứ rà bàn chân xuống bùn, gặp con hàu con điệp thì kẹp lên. Đến trưa, khi nào về họ lại hú gọi để mình về cùng. Ngày nào nhiều thì kiếm được ba, bốn chục nghìn, ngày nào ít cũng được mười, mười lăm nghìn. Đủ để mua gạo”.
Cứ như thế, dường như không một ngày nào bà ở nhà, từ mùa hè chí mùa đông. Có những hôm trời lạnh, bắt được giỏ hàu trở về thì tay chân như đã đông cứng, bà phải mò xuống bếp đốt lửa ngồi hàng giờ hơ tay, sau đó mới trở ra cạy hàu chờ người đến mua. “Có hôm trời lạnh, ra đầm bắt được một tiếng đồng hồ thì hai hàm răng đã đánh bọ cạp. Gọi bả về, nhưng bả cứ bảo nán nán kiếm thêm. Cũng thương cho bả. Lỡ mình cũng tối mắt như bả chắc không làm được vậy đâu”. Bà Năm Lê, một người thường đi bắt hàu với bà Lựu cho biết.
Con thì đông, nhưng cuộc sống kham khổ ở vùng ven đầm đã không giữ được chân các con bà. Cả 6 người con đều tha phương cầu thực, chỉ còn lại hai vợ chồng già ở nhà. Bà Lựu đã 62 tuổi, còn chồng bà, ông Huỳnh Bông năm nay cũng đã 71 tuổi. Bà bắt hàu kiếm gạo, còn ông ở nhà lo cơm nước; nhà ai có tang chế lại nhờ ông đi khâm liệm. Bà thì mù mà ông cứ đi luôn, nên cuộc sống gia đình gặp bao trở ngại. Ông Huỳnh Bông nói: “Hễ ai nhờ thì phải đi, không thể từ chối. Trước khi đi tranh thủ bắt nồi cơm để bả về ăn”. Còn bà thì móm mém: “Xóm làng cũng giúp mình nhiều. Để ổng đi trả nghĩa chứ”.
Bà Nguyễn Thị Lựu cạy hàu để bán kiếm tiền – Ảnh: HỒNG ÁNH |
AO ƯỚC CÓ ĐƯỢC SỔ HỘ NGHÈO KHÁM BỆNH
Hai con mắt mù giờ chẳng những không giúp được gì cho bà mà còn thường xuyên hành bà, cứ dăm hôm bảy bữa lại trở chứng sưng đỏ. Những lúc đó, như bà kể, đau muốn móc nó vứt đi, nhưng phải ráng mà chịu. Nhà chưa được chứng nhận hộ nghèo, lại chẳng có tiền để đến bệnh viện khám. Bà kể lại câu chuyện đau lòng bằng đôi mắt vô hồn, chất giọng đầy cam chịu: “Có lần hai con mắt trở chứng, tôi ôm đầu lăn lộn. Thấy vậy ổng mượn xe chở tôi vào bệnh viện. Nhưng khi đến nơi đành phải quay về vì không có tiền đóng viện phí”.
Căn nhà được xây tạm từ hồi ông bà lấy nhau giờ trống trước hở sau, nhưng như bà nói: có chỗ ra vào, trú nắng trú mưa thế cũng được rồi. Chẳng sống mấy năm nữa. Điều mà vợ chồng bà ao ước là… được chứng nhận hộ nghèo, để bà đỡ vất vả mỗi khi lên cơn đau. “Đi làm vậy chứ cũng lo lắm. Mạnh giỏi thì không nói gì, chứ ngã bệnh thì không biết phải làm sao. Giá được nhà nước cấp cho cái sổ hộ nghèo thì mừng lắm. Có gì vào viện cũng đỡ”.
Mong chính quyền huyện Tuy An cũng như ngành lao động - thương binh và xã hội quan tâm đến nguyện vọng này của một người đàn bà mù.
HỒNG ÁNH