Khi cây mãng cầu qua những ngày trụi lá, giờ đã bật lên những đọt non cũng là lúc nông dân vùng ven biển ra bãi thăm dò, mò cào ốc ruốc. Loài sinh vật biển này chỉ bằng mút đũa, vỏ láng, óng ánh sắc màu; có con màu ruốc, con lấm chấm màu gạch, con rằn ri xám tro; ruột ốc chỉ có một chút thịt bằng chân tăm xỉa răng. Ít ai ngờ con ốc nhỏ nhoi lại giúp nông dân có được đồng ra đồng vô đắp đổi chợ búa trong khi chờ đợi mùa vụ.
Rửa ốc ruốc, chuẩn bị luộc mang ra chợ |
ĐI CÀO ỐC RUỐC
Mùa ốc ruốc bắt đầu từ tháng hai âm lịch. Chờ lúc con nước rọt, bờ biển sóng lặng, vào khoảng 2-3 giờ sáng, dân cào ốc ruốc ở xóm Ninh Tịnh, phường 9 (TP Tuy Hòa) dậy sớm gọi nhau ơi ới, xe máy nổ giòn, họ phóng đi tứ tản ra các bãi biển từ Tuy Hòa, Tuy An và xa nhất là đèo Nại – Sông Cầu. Nơi nào bãi biển có cát là họ sà xuống, dầm mình, dúi que cào xuống nước ở độ sâu trên đầu gối, rồi trườn ra ở độ sâu hơn tới lưng quần, có chỗ sâu tới ngực. Họ dừng lại kéo từng nhát ốc lẫn cát vào bờ, vụt lên giũ xuống, đãi ốc trong nước – cát theo nước ra ngoài, ốc nằm lại trong túi lưới mùng. Nhát nào “trúng đậm” là 5-7 ký, nhát nào thưa cũng được vài ba ký. Khi số bao mang theo đã chứa đầy ốc là vác cào lên bờ về nhà. Hôm nào xe máy tải không hết ốc, họ phải nhờ xe buýt.
Ốc về, ngâm nước ngọt, đãi sạch cát, luộc chín, bỏ chợ. Nhả ốc trộng hơn (lớn) giá sỉ 4.000 đồng/ký, ốc nhỏ 2.000-3.000 đồng/ký. Bình quân mỗi ngày một chuyến đi cào ốc ruốc, trừ chi phí xăng xe, một lao động kiếm được trên dưới 100.000 đồng. Cào ốc ruốc là công việc của đàn ông, thanh niên có sức khỏe. Mỗi lần đi cào ốc, ít nhất phải hơn 4 giờ ngâm mình, chịu lạnh trong nước biển. Cào ốc như người đi mót lúa, chịu khó “năng nhặt chặt bị”, ai làm lớt phớt phải về tay không, tốn xăng xe và thời gian.
Thảnh thơi ngồi chơi, lể ốc... - Ảnh: M.M.TÂM |
THẢNH THƠI NGỒI CHƠI, LỂ ỐC
Dậy từ 3 giờ sáng, chị Thoa xóm tôi lục đục luộc ốc, cho vào bao, kèm theo túi gai bàn chải, chở ốc vô chợ Tuy Hòa bán sỉ. Tôi thắc mắc, ngày nào cũng có hàng chục bao, tính cả tấn ốc vào chợ đều được “nuốt sạch” mà không xảy ra tình trạng ế ẩm, trả treo, ép giá như hàng hóa nông sản khác. Ngồi ăn hết một bụm ốc, mất vài chục phút, béo bổ cái nỗi gì mà ốc ruốc không bị “đắt đồng ế chợ”. Nghe vậy, chị Thoa giải thích: “Anh cứ ăn thử vài lần, lể ốc quen tay là thấy ghiền liền hà!”. Chị Thoa nói rằng, ốc ruốc là thứ ăn chơi, ruột ốc tuy nhỏ nhưng mỗi lần dùng gai bàn chải “khèo” nó ra khỏi vỏ là một cái thú. Khi đưa thịt ốc vào đầu lưỡi, nhăm nhắp một chút, vị mặn ngon ngọt, thơm lờ, trôi tuột là dịch vị kích thích phải nhanh tay khèo cái nữa, cái nữa… một ký ốc mấy bà, mấy cô bán hàng ngoài chợ ngồi lể trong “nháy mắt” (ý muốn nói là lể ốc cực nhanh) 2000 đồng lon, 4 lon 1 ký, ăn hết ký này, ăn sang ký nữa không biết no mà chưa thấy đã thèm. Ăn thứ gì “no mất ngon”, chứ riêng ốc ruốc, ăn càng nhiều càng thấy “ghiền nặng”, chưa thấy ai biết ớn là gì!
“Thảnh thơi ngồi chơi, lể ốc” là câu nói quen miệng của nhiều người. Những người ngồi chợ bán hàng, trẻ con, học sinh, sinh viên vùng biển ạo ực đợi mùa, rỗi việc là ăn ốc ruốc. Ai cũng tranh thủ thưởng thức hương vị quê nhà, vì mỗi năm chỉ có một mùa. Từ tháng hai đến tháng tư, ốc ruốc theo sóng dạt vào bờ, làm quà tặng cho đời và gợi nhớ cho những ai ưa “ăn để thưởng thức” về một loài ốc biển nhỏ nhoi nhưng giàu phong vị, trước khi vỏ của chúng trở thành những… tấm mành mỹ nghệ nhiều màu, được xuất khẩu sang nhiều nước!
MẠNH MINH TÂM