Thứ Năm, 03/10/2024 05:35 SA
Chuyện về một tay “sát” chuột
Thứ Tư, 20/02/2008 10:00 SA

Trong một lần về quê chơi, anh bạn ở TP Hồ Chí Minh rủ tôi đi mua chuột đồng về làm món nhậu. Khi chúng tôi chưa biết tìm ở đâu ra món chuột đồng thì ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) - người quen của bạn tôi - chỉ nhà một nông dân tên là Nguyễn Kim Thương, “chuyên gia” bắt chuột để bán. Ông Trí nói: “Nhờ anh ta mà ruộng lúa của nhiều người trong thôn không còn bị  chuột cắn phá. Hàng ngày vẫn có người đến nhà nhờ anh săn bắt chuột”.

 

080220-batchuot.jpg

Anh Nguyễn Kim Thương bên những chú chuột đồng vừa bắt được - Ảnh: T.HỘI

 

“CHUYÊN GIA” SĂN BẮT CHUỘT

 

Nhà anh Nguyễn Kim Thương tìm không khó, nhưng phải vất vả lắm mới tới được vì nằm ở giữa cánh đồng thuộc thôn 1, xã Hòa Vinh. Chúng tôi đến nhà, nhưng chẳng mua được chuột. Vợ anh Thương bảo: “Chuột bắt được đêm qua đã bán hết rồi. Nếu mấy anh cần thì ra đồng mà mua. Ảnh đang đi săn bắt ở gần đây thôi”.

 

Chúng tôi chạy xe dọc theo bờ ruộng một lát thì đã thấy anh Thương xách chiếc nơm chạy thoăn thoắt chụp trên ruộng chưa sạ, còn chét lúa mọc đầy. Một con chuột đồng to bằng cổ tay, bị  anh nắm gọn bỏ vào giỏ. Tích tắc sau, một con nữa từ hang chui ra, bị anh tóm cổ. Tận mắt chứng kiến “kỹ thuật” săn bắt chuột của anh, chúng tôi rất thán phục.

 

Chúng tôi lại theo cái giỏ đựng đầy chuột trở về nhà anh Thương. Trên đường đi, anh kể: “Lúc nhỏ tôi hay theo cha ra đồng, coi cha săn bắt chuột rồi bắt chước. Vậy là học được nghề này”. Khi còn học cấp II, hàng năm nhà trường tổ chức cho học sinh ra quân diệt chuột, bảo vệ mùa màng giúp bà con nông dân. Anh Thương luôn là cậu học trò  bắt chuột giỏi nhất trường và đã được nhà trường đề nghị Công ty thuốc Bảo vệ thực vật An Giang tặng giấy khen.

 

Thật khó tin người săn chuột này chỉ mới 25 tuổi, vì khuôn mặt anh già dặn hơn nhiều. Do không có điều kiện học hành nhiều, anh Thương theo nghề nông. Ngoài diện tích ruộng được chia theo nhân  khẩu, vợ chồng anh còn khai hoang và “thục” (mướn dài hạn, được trả lại vốn khi hết hạn mướn) lại ruộng của người khác với hơn một mẫu đất. Ruộng của vợ chồng anh là ruộng gò cao nên luôn bị  chuột cắn phá. Vì thế anh càng có dịp để trổ tài.

 

“Khi tôi đi bắt cua, bắt ốc ngoài đồng, hễ thấy chuột cắn phá lúa, không cần biết là lúa của ai, tôi cũng tìm cách săn bắt chúng cho được - anh Thương kể -  Có những năm đồng ruộng không bị ngập lụt, chuột được đà sinh sôi, gây họa cho mùa màng. Nhiều lão nông chịu thua vì không còn phương pháp nào để trừ diệt được chuột, thậm chí có người cứ tối đến là thắp nhang khấn vái rồi cắm ở bờ ruộng. Tôi bảo họ đừng gọi lũ chuột bằng “ông” nữa, để tôi ra tay trừ diệt.”

 

NGHỀ TAY TRÁI

 

Anh bắt chuột để tăng thu nhập từ khi nào? – Chúng tôi thắc mắc. Anh nông dân này cười: “Nhiều đêm tôi nằm ước, giá có mối tiêu thụ chuột để vừa săn bắt chuột  kiếm thêm thu nhập vừa giúp bà con diệt chuột. Ai ngờ mong ước của mình đã thành sự thật. Cách đây hơn một năm, tôi tìm được mối tiêu thụ chuột tại hai trại nuôi trăn ở xã Hòa Hiệp Nam. Thế là tôi về nhà cha ruột, rủ ông cùng đi. Bắt đầu từ 6 giờ tối, hai cha con đội đèn, xách nơm, cuốc, lưới giăng ra đồng. Khi về tới nhà, trời đã nửa đêm. Thường thì trong một đêm, mỗi người săn bắt được từ 3 -10 ký, (20 - 60 con chuột). Sáng, tôi đem đến trại trăn, người ta mua với giá 10.000 đồng một ký. Như vậy hai cha con tôi, mỗi người kiếm được bình quân 60.000 đồng một đêm. Cha đã già yếu nên có đêm đi đêm không, còn tôi thì hầu như đêm nào cũng đi. Nghề bắt chuột trở thành nghề tay trái của tôi từ đó”.

 

Khi chúng tôi hỏi về những vết trầy xước chi chít trên tay, anh Thương cho biết đó là do chuột cắn. Vì chuột còn sống thì người ta mới mua cho trăn ăn, nên có khi đành để nó cắn chảy máu chứ không làm nó chết. Nhưng không sao cả, chuột đồng không độc như chuột nhà.

 

Anh Nguyễn Kim Thương tỏ ra rất am hiểu chuột, về vòng đời, chu kỳ sinh đẻ, nơi trú ngụ lẫn thói quen hoạt động của chúng. Vì vậy, anh dễ dàng tìm thấy chuột, dù chúng ở ngóc ngách nào. Mà hễ thấy là chúng không thể chạy thoát khỏi tay anh. Anh Thương nói: Mấy anh muốn có được một món ngon từ thịt chuột, tôi sẽ chỉ cho vài cách chế biến. Trong các món thịt chuột đồng “nhớ đời”, tôi biết cách chế biến món chuột rô-ti, chuột chiên giòn, chuột xào sả ớt... Thịt chuột là món ăn dân dã nhưng rất hấp dẫn, được xếp vào loại món đặc sản miệt đồng.

 

Khi chúng tôi ra về, anh Thương đưa số điện thoại (515464), bảo nếu biết ai có nhu cầu thì nói  họ liên hệ với anh. Xách mấy ký chuột mua được, trên đường về, chúng tôi bàn tán về tài săn chuột của anh nông dân Nguyễn Kim Thương. Bạn tôi nói vui: “Mình muốn làm thêm nghề buôn chuột, về quê mua rồi đem lên thành phố bán”.

 

LÊ THANH HỘI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hai Miên săn... “bò gù”
Thứ Tư, 13/02/2008 13:30 CH
Săn chuột đồng
Thứ Ba, 12/02/2008 14:00 CH
Về "Thủ đô kháng chiến" ở miền Nam
Thứ Hai, 11/02/2008 07:00 SA
“Vàng trắng” trên đất núi phía Tây
Chủ Nhật, 10/02/2008 07:00 SA
“Vua” baba
Thứ Bảy, 09/02/2008 07:04 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek