Không phải là nơi xuất phát của nghề nuôi baba, nhưng xã Xuân Hải và Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu, hiện là nơi nuôi baba lớn nhất của tỉnh. Trong tương lai gần, hai xã này cùng với Xuân Thịnh có thể sẽ trở thành “xứ baba” của khu vực miền Trung.
Tám
Vua” baba ở xứ này là Nguyễn Quốc Phong. Là người Hòa Mỹ - Xuân Cảnh nhưng nuôi baba tại thôn 2 xã Xuân Hải, Phong được gọi là “vua” không chỉ vì nuôi baba nhiều mà Phong còn là đầu mối cung cấp baba giống, tiêu thụ baba thịt, hướng dẫn kỹ thuật nuôi baba, chịu trách nhiệm nhân rộng nghề nuôi baba tại huyện Sông Cầu cho một doanh nghiệp ở TP Quy Nhơn (Bình Định).
Năm 2005, sau một thời gian nghiên cứu nghề nuôi baba ở Gia Lai và Vĩnh Long, Phong về thuyết phục mẹ vợ của anh sau nhiều vụ nuôi tôm hùm thua lỗ chuyển nghề. Vay ngân hàng 20 triệu khởi nghiệp mới từ vụ trước, anh nuôi 1.000 con, sau lãi tới 80 triệu đồng. Phong kể lại: “Hồi mới nuôi, mọi người bảo ba bốn thì có chứ baba gì. Nhưng chỉ sau một vụ của mình giờ đã có đến 20 hộ nuôi 17.000 con cả thảy và nhiều hộ đang làm hồ thả mới, chỉ ít hôm nữa sẽ hơn 20.000 con”.
Phong nói vanh vách tên, số lượng nuôi quanh vùng: Nào những Huỳnh Kha nuôi 300 con, sau 14 tháng xuất, lãi 20 triệu đồng, nào những Nguyễn Văn Cảnh, Lê Văn Chương… có cả những người nuôi vài trăm con, nhưng chỉ mới bán 50 con đã lấy lại vốn liếng… Phong còn cho biết thêm hiện phong trào nuôi baba đang được lan truyền rất mạnh tại những làng biển Phú Dương, Vịnh Hòa thuộc xã Xuân Thịnh. Người dân ở đây đã xác định baba sẽ thay thế con tôm hùm đang lao đao.
Lê Thành Khánh, một trong những thanh niên trẻ quyết tâm làm giàu bằng nghề nuôi baba - Ảnh: LY KHA
Phong cho hay, thị trường baba hiện nay không thể bị ứ đọng vì cung và cầu đang chênh lệch nhau quá lớn, có nuôi hết cả huyện Sông Cầu cũng chẳng đủ bán. Dân Sông Cầu bây giờ thứ gì cũng quy theo tôm hùm, họ tính một con tôm hùm giống mua được từ 10 – 15 con baba giống (15.000 đồng/con), lại không phải đem ra bỏ ngoài biển nên ít rủi ro hơn hàng trăm lần. Sau khoảng 15 tháng, baba đạt trọng lượng trên 1kg/con xếp loại một, giá 250.000 đồng/kg. Nếu nuôi 1.000 con thì sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận nằm quãng 70 – 80 triệu đồng.
Điều hay là rất đông thanh niên, trai tráng của các làng biển hiện nay rất mê nuôi baba để làm giàu.
Từ cách truyền nghề của Phong mà dân Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Hải cứ thuộc làu cách nuôi baba. Tại vùng cát này, đâu đâu cũng bàn chuyện baba cả những người đã và chưa nuôi baba.
LY KHA