Thứ Năm, 03/10/2024 05:38 SA
Hai Miên săn... “bò gù”
Thứ Tư, 13/02/2008 13:30 CH

Bến cảng Đông Tác (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vào một ngày cuối năm Đinh Hợi tấp nập hàng trăm tàu thuyền cập vào lấy nguyên liệu. Trong số đó, có chiếc tàu 200 mã lực biển số PY 5202 TS đang chỉnh sửa ngư cụ, máy móc chuẩn bị ra khơi. Biết có khách, người đàn ông từ trong ca-bin chui ra, đưa bàn tay dính đầy dầu nhớt quệt mồ hôi và hồ hởi: “Vâng, tôi là Hai Miên “bò gù” (cá ngừ đại dương) đây...!”.

 

080213-haimien1.jpg

Hai Miên (trái) và một người đi bạn chuẩn bị vật dụng cho chuyến đánh bắt dài ngày - Ảnh: N.THẠNH

 

“ĂN SÓNG, NÓI GIÓ”

 

Như bao người khác, Nguyễn Quốc Thanh lớn lên trong gia đình có truyền thống làm biển tại làng biển Đông Tác. Thanh được mệnh danh là “Hai Miên tiên sinh” vì ngoài tính tình chất phác, gan lì, anh còn thông minh, sáng ý. Anh còn được bạn cùng nghề đặt thêm biệt danh “tay sát bò gù”.

 

Theo cha đi biển từ nhỏ nên kinh nghiệm về luồng lạch, thủy triều, ngắm sao trời định hướng đi... anh thông thạo như lòng bàn tay. Đã hơn 40 tuổi nhưng trông Hai Miên còn khá trẻ, rất khỏe mạnh, rắn chắc với nước da rám nắng, cuồn cuộn cơ bắp. Có điều, bàn tay phải không còn nguyên vẹn. Anh cho biết đó là tai nạn trong một lần khởi động máy, bàn tay bị kẹt và đứt lìa một ngón. Trong câu chuyện với tôi, nhiều lúc Hai Miên phải ngừng lại để chỉ đạo anh em thợ trên tàu canh chừng nước triều lên để chuẩn bị nhổ neo. “Khổ lắm, cửa biển bị lấp mấy tháng nay gây khó khăn cho dân biển quá” - anh phân trần.

 

Trên tàu PY 5202 TS, ngoài Hai Miên là thuyền trưởng còn 10 người đi bạn cũng to khỏe lực lưỡng, đen bóng, ăn nói chắc nịch. “Nghề biển khắc nghiệt lắm nhà báo ơi. Nhưng đã lớn lên ở đây mà không đánh bắt cá thì khó chịu lắm” - Lai, ngư dân tàu PY 9025 BTS bên cạnh, lên tiếng.

Theo Hai Miên, nghề này không dễ như người ta tưởng vì thường xuyên đối mặt nguy hiểm, sóng to gió lớn, tai nạn hàng hải. Mới đây, tàu ông Nguyễn Văn Gọi cùng xóm đã bị tàu lạ tông chìm làm 10 thuyền viên ra đi mãi không về, còn chiếc tàu trôi trên biển nửa tháng mới được thuyền câu mực ở Bình Thuận phát hiện. Trước đó là hàng loạt tai nạn trên biển khiến nhiều người tử nạn. Chuyện thuyền viên bị đột tử trên đường tàu đến ngư trường khai thác cũng đã xảy ra...

 

HỌC LÓM NÊN NGHỀ

 

Bà con kể mấy chục năm về trước, có nhiều kiểu đánh bắt cá (lưới, giã cào, mành...) nhưng chủ yếu khai thác gần bờ (cách bờ từ 10 - 40 hải lý) và hiệu quả rất thấp. Thu nhập cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, chẳng dư dả cho mấy.

 

Từ năm 1990, nghề câu cá ngừ đại dương ra đời đã làm đổi đời dân nghèo vùng biển. Theo lời Hai Miên, nghề này đến với người dân Phú Yên như là một cơ duyên trời cho. Người có công khám phá nghề câu bò gù là lão ngư tên Sáu Liên ở phường 6, TP Tuy Hòa. Trong những lần đánh lưới chuồn ngoài khơi, tàu ông thỉnh thoảng bắt được một loại cá ngừ bò (loại cá này có trọng lượng từ 40 - 60 kg), nhưng lúc đó chỉ biết xẻ thịt làm khô. Trong một lần, lưới bị dính câu một tàu đánh cá nước ngoài, khi gỡ lưới khỏi câu, ông phát hiện loại cá này cũng bị mắc câu của họ.

 

Hai Miên cứ thắc mắc: “Người nước ngoài khai thác loại cá này để làm gì?”. Những ngày tàu nghỉ, anh tìm cách dọ hỏi thương lái và phát hiện loại cá này đang được thị trường nước ngoài tiêu thụ rất mạnh. Thế là anh sang Tuy Hòa “tầm sư học…lóm” ông Sáu Liên, sau đó về bắt chước làm theo. Mất gần 1 tháng mày mò uốn lưỡi, cột câu..., giàn câu học lóm của anh cũng hoàn thành. Chuyến mở biển mang tính thử nghiệm đầu tiên, anh bắt được hơn chục con cá ngừ đại dương. Trừ chi phí, mỗi người kiếm được hơn 2 triệu đồng.

 

SỐNG CHẾT VỚI NGHỀ

 

080213-haimien.jpg

Trong số những vật dụng mang lên tàu của Hai Miên có cả bia vì anh và bạn thuyền phải đón Tết trên biển - Ảnh: N.THẠNH

Ngư trường khai thác cá ngừ đại dương cách đất liền từ 200-500 hải lý. Ngoài một số trang thiết bị cần thiết như máy bộ đàm, định vị, thuyền thúng..., mỗi tàu trang bị lương thực đủ cho 10 người sống từ 15 ngày đến 1 tháng giữa đại dương...

 

Lúc đầu giàn câu cá ngừ đại dương rất ngắn, ít lưỡi nên lượng cá đánh được không nhiều. Sau này, người dân cải tiến, giàn câu dài hàng chục cây số, gồm 500 - 800 lưỡi câu cột đều trên một sợi dây triên dài làm bằng cước lớn. Lưỡi câu được làm bằng i-nox uốn cong rất bén nhọn, được cột bằng sợi cước dẻo (của Nhật) gọi là thẻo câu và được gắn với một phao nhựa. Trước đây lưỡi câu do ngư dân tự làm lấy, sau này nhiều cơ sở sản xuất ra đời. Các dịch vụ kinh doanh, sản xuất ăn theo nghề “bò gù” cũng ào ạt ra đời từ đó...

 

Nghề câu cá ngừ khiến nhiều người giàu lên nhưng cũng không ít người trắng tay. Riêng Hai Miên cuộc sống không gọi là giàu nhưng thu nhập từ nghề này cũng đủ anh nuôi sống cả gia đình với 3 người con. Anh khoe vừa mới chỉnh trang lại căn nhà cấp 4 hết trăm triệu đồng. Những năm gần đây, cá ngừ cũng mất mùa, khiến nhiều người phải lao đao bán tàu chuyển nghề khác. Tuy vậy, với những người như Hai Miên, “đã theo nghề thì sống chết với nghề” - anh bộc bạch…

 

Chia tay, tôi nhận ra trên khuôn mặt 10 thuyền viên trên tàu Hai Miên đang rạng rỡ niềm vui lao động. Người dân biển là vậy, ra đi với dáng vẻ đầy tự tin, “khí thế” là sự thể hiện cho chuyến mở biển bội thu. Và tôi tin vào điều đó.

 

Phú Yên hiện có gần 1.000 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương. Mỗi năm, ngư dân của tỉnh khai thác trung bình từ 3.000 - 5.000 tấn cá ngừ. Sản phẩm cá ngừ đại dương hiện có mặt tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật, Mỹ và Đài Loan. Theo ông Nguyễn Văn Tính, tổ trưởng đoàn tàu cá ngừ đại dương Đông Tác, kiếm sống bằng nghề này mặc dù thu nhập cao nhưng cũng rất cực khổ, nhiều lúc giá cả lên xuống thất thường. Ngư dân mong muốn chính quyền quan tâm hỗ trợ để họ yên tâm làm nghề, sản phẩm có chỗ đứng trên thương trường.

 

NGUYỄN THẠNH

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Săn chuột đồng
Thứ Ba, 12/02/2008 14:00 CH
Về "Thủ đô kháng chiến" ở miền Nam
Thứ Hai, 11/02/2008 07:00 SA
“Vàng trắng” trên đất núi phía Tây
Chủ Nhật, 10/02/2008 07:00 SA
“Vua” baba
Thứ Bảy, 09/02/2008 07:04 SA
Ra Trường Sa gặp những người “đo bão”
Thứ Sáu, 08/02/2008 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek