Thứ Năm, 03/10/2024 07:32 SA
“Vàng trắng” trên đất núi phía Tây
Chủ Nhật, 10/02/2008 07:00 SA

Cây cao su đã đứng chân trên vùng đất rộng lớn thuộc hai huyện miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa với 1.802ha. Sẽ có 150 ha sẽ cho thu hoạch từ đầu năm nay mở ra cơ hội biến hàng loạt nông dân trở thành những triệu phú.

 

vang-trang.gif

Anh Phạm Ngọc Tuyến đang cạo mủ cao su thu hoạch thí điểm

Theo lời người khai hoang, vùng núi Hòn Đen rộng lớn (còn gọi là dãy núi Chư P’Lôi) nằm giữa các xã EaBar, EaLy và EaTrol của huyện Sông Hinh, cũng là vùng giáp ranh với ĐăkLăk, cách đây chỉ vài năm vẫn là vùng rừng sâu núi thẳm. Khi những người đầu tiên khai phá rừng để lập nên nông trường EaBá, cho dù đã rất nỗ lực nhưng họ vẫn dừng lại khá xa so với dãy Hòn Đen mịt mờ. Cho đến năm 1999, có một người dấn thân vào chân núi này.

 

Phạm Ngọc Tuyến sinh ra ở Nam Định, vào miền Trung, sau một thời gian làm việc trong cơ quan nhà nước, đã cùng vợ “chuyển nghề” trở thành những người đào vàng chuyên nghiệp. Bon chen với giang hồ giữa rừng núi, vợ chồng anh đã giẫm nát những cánh rừng già của Sông Hinh. Không ít lần anh cảm thấy ngẩn ngơ bởi đất dưới chân dãy Chư P’Lôi, hai vợ chồng đồng tâm khai phá vùng đất này lập nên trang trại trồng cà phê và sắn mì, anh kể: “Sau hơn chục năm lặn lội khắp các khu rừng đào vàng, mình cùng sống chết với không ít người, số vốn lớn nhất khi chuyển nghề là sự trợ giúp của anh em chiến hữu. Mấy năm trời chỉ đổ công đổ của xuống đất, anh làm được 20ha trồng toàn cà phê chè và sắn. Đến năm 2001 mới trồng cao su tiểu điền theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp”.           

 

cao-su-sh.gif

Năm nay, anh Tuyến sẽ đưa cả 5 ha cao su trồng từ năm 2001, vào thu hoạch chính thức, dự kiến sản lượng 4 tấn/năm        

                                                     

Khi anh tới, Hòn Đen vẫn chỉ có rừng và núi, nhưng hiện tại buôn Chư P’Lôi đã có 30 hộ dân với 100ha cao su.

 

Anh Tuyến lại kể: “Năm đầu tiên trồng cao su vào năm 2001 là 5ha, sau cứ trồng dần vài ha/năm xen vào cà phê, đến mùa trồng năm nay anh trồng 4ha, chính thức phủ hết diện tích đất trang trại của mình”. Lực lượng lao động cố định của anh là 10 người ăn ở ngay tại trại. Với doanh thu từ cà phê và sắn 400 triệu đồng/năm, chi phí đầu tư “khoảng già nửa” nhưng anh vẫn mạnh dạn chuyển dần sang cây cao su “bởi theo mình biết, chỉ cần sau 8 – 10 năm bán gỗ cũng khoảng 250 – 300 triệu đồng/ha như vậy là có lời rồi!” – anh tâm sự.

 

“Năm ngoái, nhiều người đồn rằng cao su trồng ở Sông Hinh không có mủ. Được, tôi cạo trước cho xem thử có mủ hay không!” - Tuyến nói quả quyết. Anh cạo thật dù cao su chưa đủ tuổi khai thác. Hiện tại anh đã khai thác thí điểm một phần 1ha trong 5ha trồng đầu tiên, nhưng cũng chỉ thu cho vui nên khống chế sản lượng 60kg/ngày (hai ngày cạo mủ một lần). Người mua mủ cao su từ Đăk Lăk đến tận trại mua 10.000 đồng/kg. Sang năm, tôi sẽ cho thu hoạch bài bản, cạo mủ vào buổi chiều tối, và khi cao su khai thác của bà con ở đây nhiều hơn, tôi sẽ thu gom chở lên Đăk Lăk bán để khỏi bị ép giá.

 

Cao su từ 7 năm tuổi sản lượng thu hoạch 800kg/ha/năm, vậy mỗi hecta có doanh thu hơn 10 triệu đồng năm với giá hiện nay. Sau đó, năng suất sẽ tăng dần đều, đến 15 năm tuổi là 15,3 tạ/ha/năm. Như vậy, doanh thu sẽ trên 19 triệu đồng/ha/năm.

 

Hàng xóm của Tuyến, anh Vũ Chính Long, cùng quê Nam Định trước đây làm công cho anh Tuyến, sau được anh Tuyến nhượng lại 3ha đất gần bên. “Tiền chuyển nhượng đất được trả dần từng năm một – anh Long nói - hiện giờ, tôi có 7ha ở 2 điểm khác nhau đều trồng cao su”.

 

LANG.gif

Những căn nhà của người dân Chư P’Lôi giữa bạt ngàn cao su. Đây là căn nhà của vợ chồng anh Thanh, chị Loan

 

Anh Vũ Văn Tham, một cư dân khác của Chư P’Lôi cũng vậy, sau thời gian làm công cho Tuyến, hiện anh Tham đã có 5ha cao su sắp vào kỳ thu hoạch. Và rất nhiều trường hợp khác những người làm công cho anh Tuyến sau được anh giúp lập gia đình, mua lại đất đai, tất cả họ giờ đều trồng cao su.

 

Cuộc sống của những cư dân “vàng trắng” này vẫn còn rất nhiều khó khăn, họ chỉ có 2 km đường đi được chính họ góp công mở ra, nối từ điểm cuối của tuyến đường nông trường EaBá vào đây. Hễ mưa, họ lại gặp muôn vàn khó khăn. “Trong khi đó, khi triển khai dự án, Ban quản lý (BQL) dự án đã thông báo cứ 30ha cao su liền vùng sẽ được đầu tư 1km đường cấp phối. Thế mà 7 năm, 100ha cao su nhưng một tấc đường cũng không được đả động đến là nỗi bức xúc của cư dân Chư P’Lôi” - anh Tuyến cho hay.

 

Tuy vậy, tất cả người dân ở đây luôn tin vào tương lai gần khi “vàng trắng” sẽ trở thành vàng thật.

 

LY KHA

                                                                                    

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek