Chén cháo tình người…
Xơ Hường cấp cháo mỗi sáng cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa tỉnh - Ảnh: THU THỦY
6 giờ sáng, cổng Bệnh viện đa khoa Phú Yên chào đón bước chân vội vã của các nữ tu mang cháo dinh dưỡng cho người bệnh ở các khoa Nhi, Nội, Lao. Đã thành thường lệ nên người nhà bệnh nhân ngồi đợi sẵn. Bưng chén cháo thơm ngút mùi trên tay, ai nấy đều cảm động. Chị Lê Thị Liễu (Xuân Phước- Đồng Xuân) trầm trồ: “Đều đặn gần tháng nay, hai mẹ con tôi có được bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng với cháo thịt, cà rốt, khoai tây, bí đỏ… Tình người cao cả quá. Chúng tôi rất cảm kích trước tấm lòng thiện nhân của họ”.
Ở bệnh viện không có địa điểm phát cháo cố định, xơ Nguyễn Thị Hường phải xách những xô cháo nặng đi đến từng khoa, từng phòng. Vất vả là vậy, song xơ Hường vẫn không chút ngần ngại khi đi phục vụ. Chị nói: “Chia sẻ với họ trong lúc ốm đau là một việc cần làm”.
Hơn 4 năm qua, dù trời yên hay mưa bão, sáng nào những nữ tu áo lam Tu viện Thánh Phaolô cũng làm công việc cảm động này. Xơ phụ trách Hồ Thị Bích Nhận kể: “Vài lần đi thăm bệnh tại đây, thấy cảnh nhiều người nghèo không có tiền mua thực phẩm cho bữa sáng dù chỉ 1-2 ngàn đồng, làm tôi cứ trăn trở. Bếp ăn từ thiện tại bệnh viện chỉ phục vụ hai buổi trưa và chiều, nên chúng tôi mạnh dạn đề xuất với Ban Giám đốc xin được cấpï cháo buổi sáng. Vậy là ngay sau ngày ký cam kết (8 tháng 11 năn 2003), chúng tôi bắt tay vào thực hiện ý nguyện”.
Năm đầu, họ chỉ cấp gần 100 suất cháo mỗi sáng cho trẻ em khoa Nhi. Sau thấy nhu cầu ngày một nhiều, các xơ cấp thêm cho người bệnh ở khoa Lao, Nội nên số cháo nấu phải tăng lên gấp đôi.
Khi tôi hỏi kinh phí để nấu cháo hàng ngày, các xơ cười và chỉ vào đôi bàn tay của mình. Thì ra, có được chén cháo thơm ngon, bổ dưỡng cho người bệnh, bao nhiêu đất trong vườn, họ tăng cường trồng rau, nuôi heo, làm mắm, rượu trái cây… để bán kiếm tiền và để có được thành phẩm phục vụ cho bệnh nhân, xơ chủ bếp phải cặm cụi nấu cháo từ 4 giờ sáng mỗi ngày. Có người cảm kích trước việc làm cả của các xơ, đã gởi vài trăm ngàn đồng đóng góp vào quỹ từ thiện đó.
Cưu mang người khốn khó
Ở tuổi 84, xơ Ngô Thị Huệ vẫn hàng ngày làm từ thiện. Xơ Huệ hay đến Trung tâm bảo trợ xã hội (Bình Kiến - TP Tuy Hòa) để thăm nom và động viên các cụ có hoàn cảnh đáng thương. Nghe có người bị AIDS ở bệnh viện không người thân, họ đã tận tình đến thăm và giúp chăm sóc, vệ sinh. Hơn 60 năm chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cộng đồng, xơ Huệ thấy cuộc đời mình thật ý nghĩa. Bao nhiêu kỷ niệm trong đời xơ không sao nhớ hết, chỉ kể gần đây: Chị Hương cùng xóm gặp cảnh khó khăn với chứng bệnh phụ nữ, các xơ tặng 1 triệu đồng và thường xuyên đến chăm sóc. Ở phường có bà Phóng không nơi nương tựa, các xơ hay lui tới cho tiền, cho cháo. “Thấy nhiều người neo đơn khổ sở, tôi muốn có nhà để đưa họ về nuôi nấng”- xơ Huệ giọng nghẹn ngào ẩn lệ trong khoé mắt.
Gặp chị Huỳnh Thị Sáng, hồi xưa là cô nhi, hiện ở đây làm cấp dưỡng cho nhà trẻ. Chị Sáng bảo: “Lấy chồng nhưng gặp phải chồng côn đồ, hay đánh đập, tôi đành quay về lại với các xơ. Mùng 3 tết, các em từ Sài Gòn, Đà Nẵng về đây như về thăm nhà của mình. Họ cũng như tôi, không biết cha mẹ mình nên xem các xơ như ruột thịt”.
Một điều đặc biệt mà ít ai biết đến là 3 năm nay, các xơ đứng ra mở lớp thăng tiến phụ nữ cho những em có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh. Ở đây, các em được học tâm lý, học may, học nhạc, học nấu ăn, thêu thùa và được học đạo đức làm người… để có những kiến thức cơ bản sống tự lập và trưởng thành. Em Phạm Thị Bích Ngọc (Sơn Thành Đông, Tây Hòa), sau khi được học, em có việc làm ổn định từ may gia công. Cuộc sống của em và các bạn khác thật sự có ý nghĩa nhờ tấm lòng cao cả của các xơ.
Nuôi trẻ vỡ lòng
Những việc làm được là một hạnh phúc rất đỗi lớn lao của các nữ tu đã cống hiến cuộc đời mình vì cộng đồng. Bởi thế, họ không chỉ dừng lại ở việc giúp người trong cơn hoạn nạn. Trước khi mở trường mầm non, các xơ giữ trẻ theo mô hình gia đình. Nhờ só sự giúp đỡ và cam kết từ chính quyền địa phương, Năm 1997, trường mầm non tư thục Bích Du được thành lập. Dưới sự quản lý của các xơ, trường luôn là địa chỉ tin cậy nuôi dạy hàng ngàn trẻ. Xơ Nguyễn Thị Mai tâm sự: “Việc gì chúng tôi cũng để mắt tới, nhất là khâu chăm sóc, vì nuôi dạy tốt chính là xây dựng nền móng tốt sau này. Chúng tôi cố gắng làm những gì mà người khác làm không hết. Do trong lòng chúng tôi không có sự lo âu về con cái, gia đình nên cống hiến chẳng thấy mệt. Thành công trong nuôi dạy ở đây là tập các cháu lập đi lập lại thói quen tốt, dùng tình chị em với các cô giáo để động viên họ hoàn thành nhiệm vụ bảo mẫu”.
Chủ tịch UBND phường 2 Trần Văn Đức: Không chỉ làm từ thiện, nhân đạo, các xơ còn đóng góp tích cực vào nhiều hoạt động như làm đường bê tông, gây quỹ địa phương, ủng hộ đồng bào vùng lụt bão… Dưới tán xà cừ của cõi tu hành, các xơ hướng về cuộc sống xung quanh bằng cả sinh lực, sự lo toan, niềm yêu thương con người.
Thời gian trôi qua và công việc của các xơ vẫn tiếp tục. Niềm vui các xơ chính là sự phát triển của các con. Không vui sao được khi mà việc dạy những đứa trẻ ngày càng được cha mẹ chúng tin tưởng. Chị Lê Thị Kim (phường 8, TP Tuy Hoà) thổ lộ: “Các xơ nâng niu bọn trẻ như mẹ hiền. Phụ huynh chúng tôi thật sự yên tâm, nhất là việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Thức ăn cho bọn trẻ đều do các xơ tự chế biến đảm bảo vệ sinh”.
Công việc phụ trách bận bịu mỗi ngày, song các xơ chỉ dùng một ít học phí để sinh hoạt, còn lại họ đóng góp vào mua đồ dùng, làm quà khen thưởng cho các cháu. Điều mong ước của các xơ đã thực hiện được là tạo việc làm có thu nhập ổn định cho giáo viên và dạy học miễn phí cho trẻ nghèo…
Xơ Nguyễn Thị Cậy cần mẫn lấy cánh hoa xà cừ và các vật dụng phế thải từ lon, nhựa để làm đồ dùng dạy học như bướm, rùa, chim… Xơ nói: “Còn sống ngày nào thì chúng tôi còn cố gắng giúp ích cho đời, dù những việc làm nho nhỏ thế này”.
Khi tôi so sánh công việc những người mẹ áo lam ở tu viện Thánh Phaolô với hình ảnh nữ tu Teréssa danh vang khắp thế giới vì tấm lòng bác ái và công việc từ thiện cho người nghèo, thì họ một mực từ chối: “Công việc của chúng tôi bình thường thôi. Nếu không có sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo và nhiều tấm lòng hảo tâm, thì khó mà thành công được. Mơ ước hiện tại của chúng tôi là có được một mái ấm nuôi dưỡng những cụ già neo đơn không nơi nương tựa”.
Thu Thủy