Trạm khí tượng hải văn Trường Sa là một trong số 26 trạm phát bão quốc tế trên toàn thế giới, góp phần thể hiện chủ quyền lãnh thổ của nước Việt
Theo dõi các chỉ số về dự báo thời tiết tại trạm quan trắc Trường Sa - Ảnh: X.H |
Đo bão trong bão
Có người ví những quan trắc viên khí tượng thuỷ văn là những người “Bắt mạch thiên địa”, vì thế mà khi “Nắng mưa là chuyện của trời”, thì bắt mạch đất trời còn là đỡ vất vả hơn so với việc bắt mạch biển cả. Bởi như cánh lính đảo hay gọi đùa “Biển như con gái chưa chồng”, cứ đỏng đa đỏng đảnh, buồn vui thất thường, giận hờn khó ai biết trước. Có lẽ vì sự thất thường như thế, nên khác với các trạm khí tượng thuỷ văn trên đất liền trung bình 4 lần mỗi ngày lên máy, thì đối với những quan trắc viên ở trạm khí tượng hải văn Trường Sa, số lần “bắt mạch” phải tăng gấp đôi, tức 8 lần/ngày. Thế nhưng nhiều khi vẫn không theo dõi kịp sự thay đổi thất thường của biển. “Có khi vừa rời máy với kết quả gió biển tây nam cấp 2 cấp 3, bưng chén cơm lên đã thấy da thịt khan khác, trở lại máy kiểm tra, thì đã là gió đông bắc cấp 3 cấp 4”- quan trắc viên Đào Công Luân cho biết.
Mỗi năm có chừng 10 cơn bão vào biển Đông, trong đó có khoảng 3 cơn bão càn qua quần đảo Trường Sa. Lại có những cơn bão càn qua rồi quét lại trên quần đảo Trường Sa, ví như cơn bão số 7 năm 2007. Ngoài ra mỗi năm Trường Sa còn chịu ít nhất 4 đợt áp thấp nhiệt đới. Chỉ là áp thấp nhiệt đới thôi, nhưng với địa hình trống trải như các đảo của quần đảo Trường Sa, gió đã giật trên cấp 7, cấp 8. Những lúc như thế, chỉ cần bước ra khỏi nhà, gió bão đã muốn quật ngã. Chỉ có lòng yêu nghề và sự nhiệt tình cháy bỏng mới có thể giữ chân họ đến được trạm quan trắc hải văn đặt ở cầu cảng. Quan trắc viên Đào Công Luân sau khi tốt nghiệp ra trường đã tình nguyện ra với quần đảo Trường Sa. Từ nhà ở trên đảo đến chỗ đặt các máy đo đạt phải vượt qua một đường băng dành cho máy bay lên xuống. Ngay lần đầu tiên đo bão anh đã bị gió nhấc bổng ném đến hơn 4 m. “Giờ thì kinh nghiệm rồi”- quan trắc viên Đào Công Luân cười- “Mỗi khi vượt qua đường băng để đến trạm quan trắc, tốt nhất là phải bò sát xuống mặt đường mới mong qua khỏi. Thế mà gió cũng giật té mấy lần giống như con nít mới tập bò”. Trong cơn bão Chen Chu năm 2006, quan trắc viên Trần Minh Quang cũng hú vía vì chút xíu nữa bị sóng biển cuốn đi. Vượt qua được đường băng, nhưng khi đến cầu cảng quan trắc hải văn, vì gió giật lại thêm mưa lớn, chỉ cách 5m đã không thấy gì nên anh không biết cầu cảng đã bị sóng phủ. Vừa bước đến cầu cảng, một con sóng to đổ ầm xuống, kéo anh đi. “Lúc đó, tối mặt tối mũi, mình không còn biết gì. Chỉ kịp ôm chặt vào một trụ ở cầu cảng để giữ lại. Cũng may con sóng ấy rút ra, nhưng con sóng sau chưa kịp ập đến thì mình đã thoát được lên bờ”- quan trắc viên Trần Minh Quang giọng vẫn còn đứt quãng khi kể.
Góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước
Trạm khí tượng hải văn Trường Sa được xây dựng năm 1977, hiện là một trong 26 trạm phát bão quốc tế, cách đất liền xa nhất và được nhìn nhận là con mắt báo bão sớm nhất trong hệ thống khí tượng thuỷ văn của đất nước ta. Thực tế trong 30 năm qua, Trạm khí tượng hải văn Trường Sa đã liên tục cung cấp cho Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia những thông tin sớm nhất về các cơn bão trước khi vào biển Đông. Đặc biệt là những cơn bão hình thành trên biển Đông. “Về góc độ chuyên môn khí tượng thủy văn thì Trạm Trường Sa có vai trò đặc biệt quan trọng. Những thông tin mà trạm chuyển về bao giờ cũng được chúng tôi lưu ý số một. Cùng với các trạm Song Tử Tây, DK1 trên biển, chúng tôi đã tổng hợp, chuyển lên Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia để có thể dự báo sớm nhất các cơn bão”- ông Nguyễn Tấn Hưng- Giám đốc Trung tâm khí tượng thuỷ văn Nam Trung bộ nhìn nhận về vai trò của Trạm khí tượng hải văn Trường Sa. Chính vai trò quan trọng như thế, nên những năm gần đây, Trạm khí tượng hải văn Trường Sa đã được đầu tư máy móc, thiết bị thuộc loại hiện đại nhất nước. Chế độ cho các quan trắc viên ở đây cũng được nâng lên một bước đáng kể. “Ngoài việc được hưởng 200% lương như hải quân Trường Sa, chúng tôi còn phụ cấp khu vực 20% lương cơ bản cho các quan trắc viên khi ra công tác ở Trường Sa. Mỗi năm đều có tàu ra Trường Sa, đặc biệt là trong dịp tết, chúng tôi cũng đều tranh thủ chuyển thư từ, thực phẩm, rau xanh ra cho các quan trắc viên ở đây”- ông Nguyễn Tấn Hưng nói thêm. Tuy nhiên, vì điều kiện xa nhà, với sự khắc nghiệt của thời tiết ở Trường Sa nên trung bình cứ 3 năm công tác, các quan trắc viên ở đây lại được luân chuyển về đất liền.
Trong không khí chộn rộn của những ngày giáp tết, khi nghe bản tin dự báo thời tiết biển, lại nhớ đến những quan trắc viên nơi quần đảo Trường Sa.
HỒNG ÁNH