Thứ Năm, 17/10/2024 06:21 SA
Kỳ diệu Singapore:
Kỳ 1: Mệnh lệnh từ trái tim: Tiến lên Singapore
Thứ Bảy, 12/01/2019 11:00 SA

Nhà hàng thuyền Tong Kang và bến tàu Clarke cũ - Ảnh: NGUYỄN THANH

Đã tròn 200 năm kể từ ngày chính khách người Anh Stamford Raffles đặt chân lên ngôi làng đánh cá heo hút trên hòn đảo phía nam bán đảo Malaysia để lập một trạm buôn bán. Ngày nay người ta gọi đó là thành phố - quốc gia, đảo quốc sư tử hay con rồng châu Á. Trở lại Singapore lần này, ngay tại tiền sảnh sân bay quốc tế Changi, tôi thấy lời tự giới thiệu trên tấm bảng lớn: “Our country is a garden” (Đất nước chúng tôi là một khu vườn). Hơn nửa thế kỷ trước, lúc ngậm ngùi chia tay với Liên bang Malaysia thì ngay cả những nhà bình luận sắc bén nhất, những người lạc quan nhất cũng không tin rằng đất nước này có thể tồn tại được…

 

Đây không phải khẩu hiệu mà là tiêu ngữ và cũng là tên bài quốc ca viết bằng tiếng Malay của Singapore: Majulah Singapura. Tách ra khỏi Malaysia sau chưa đầy hai năm vì những bất đồng cơ bản về chính sách giữa Singapore và chính quyền liên bang, tháng 8/1965, Singapore trở thành một quốc gia độc lập với diện tích chưa đầy 600km2 và dân số hai triệu người, phần đông đói nghèo, không có bất cứ tài nguyên thiên nhiên nào, không sản xuất đủ lương thực, thực phẩm, ngay cả nước ngọt cho đến nay vẫn phải mua một phần của Malaysia.

 

Đất nước này đa sắc tộc, gồm người Hoa, Malay, Ấn Độ và một số sắc tộc khác, rất dễ xảy ra tranh chấp và thực tế đã từng xảy ra bạo động sắc tộc. Thủ tướng 42 tuổi khi đó - ông Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) - đã tranh thủ đưa Singapore trở thành thành viên Liên Hợp Quốc và xây dựng lại quân đội từ đầu, vì đội quân nhỏ bé với đa số quân nhân và sĩ quan chỉ huy là người Malay sẽ không đủ sức mạnh và sự tin cậy để bảo vệ nền độc lập. Vấn đề khó khăn nhất là kinh tế, khi Singapore không còn là trung tâm xuất nhập khẩu và trung chuyển cho việc giao thương trong khu vực, hai quốc gia láng giềng đang trong giai đoạn căng thẳng về quan hệ.

 

Xe buýt được trang trí để kỷ niệm 50 năm Ngày độc lập - Ảnh: NGUYỄN THANH

 

Khẳng định tài sản lớn nhất của chính quyền là sự tín nhiệm và niềm tin của nhân dân nên ông đề ra chính sách chống tham nhũng hết sức hiệu quả, cho đến nay đã biến Singapore thành quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới. Việc tuyển dụng viên chức do một cơ quan chuyên môn đảm nhiệm với quy trình tuyển chọn, thử việc nghiêm ngặt. Quan trọng nhất là làm cho quan chức không dám tham nhũng vì số tiền gửi tiết kiệm trích trong tiền lương hàng tháng do nhà nước quản lý sẽ bị tịch thu nếu bị sa thải vì tham nhũng; làm cho quan chức không thể tham nhũng vì quy định về báo cáo tài sản hàng năm hết sức chặt chẽ, các quy định rõ ràng về vay nợ, mua cổ phiếu…; làm cho quan chức không cần tham nhũng vì chính phủ trả lương rất cao phù hợp với công việc và chức vụ (lương Thủ tướng Singapore hiện nay là 1,69 triệu USD/ năm, gấp đôi các bộ trưởng của ông và gấp bốn lần Tổng thống Mỹ); làm cho quan chức không muốn tham nhũng vì quy định việc nhận quà biếu vô cùng khắt khe, chỉ được nhận những món quà có ý nghĩa tinh thần và giá trị thấp. Không cần, không muốn, không dám và không thể tham nhũng cấu thành sức mạnh cực lớn chống tham nhũng. Đơn giản là vậy. Không ít đoàn nước ngoài đến học hỏi, nhưng đâu phải quốc gia nào cũng áp dụng tốt như thế!

 

Lợi thế duy nhất về địa lý của Singapore là một cảng biển tự nhiên tầm cỡ thế giới nằm ở vị trí chiến lược của tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Bằng chính sách công bằng, hợp lý để tạo ra tình đoàn kết trong một đất nước đa sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo để tạo thành động lực cạnh tranh trong thị trường quốc tế, Singapore trọng dụng nhân tài cả trong nước và thu hút nhân tài từ nước ngoài, các chuyên gia đến từ các nền kinh tế phát triển để tư vấn cho chính phủ đồng thời áp dụng ngay chính sách song ngữ trong giáo dục. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức được dạy trong trường học bên cạnh tiếng Hoa, Malay, Tamil. Vì chính phủ xác định tiếng Anh là chìa khóa để tiếp thu kiến thức, công nghệ phương Tây nên ở trường học, công sở, trong giao dịch kinh doanh, du lịch đều được sử dụng rộng rãi, trong khi các thứ tiếng bản địa có vai trò duy trì tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa cũng không bị xem nhẹ.

 

Chỉ sau 30 năm, Singapore trở thành một thành phố hiện đại và phồn thịnh nhất thế giới, một cảng container bận rộn hàng đầu, một trung tâm thương mại, tài chính, du lịch nhộn nhịp. Có ba thương hiệu toàn cầu: Singapore Airline (Hãng Hàng không quốc gia), Sân bay quốc tế Changi và Cảng biển Singapore luôn đứng hàng đầu về các chỉ số kinh doanh và phục vụ. Trong nước đã duy trì được sự ổn định chính trị khi các sắc tộc khác nhau cùng nỗ lực xây dựng đất nước và quyền lợi của mỗi người được bảo đảm. Thu nhập bình quân đầu người đứng hàng thứ ba trên thế giới với 56.000 USD/năm; tuổi thọ trung bình 81,6 xếp thứ hai thế giới, trên cả người Nhật; an ninh được bảo đảm, tỉ lệ tội phạm rất thấp, quyền con người được tôn trọng. Dịch vụ y tế hiện đại đủ khả năng chữa bệnh cho dân trong nước và có khả năng khám, điều trị cho một triệu khách nước ngoài hàng năm. Singapore có Trường đại học Quốc gia và Đại học kỹ thuật Nanyang luôn ở hàng đầu thế giới. Trường đại học lừng danh Stanford và Viện Kỹ thuật nổi tiếng Massachusetts của Mỹ cũng đặt chi nhánh tại đây, biến Singapore thành điểm đến lý tưởng của sinh viên thế giới.

 

Xác định cuộc phân chia mới trong thế giới này là giữa những người có tri thức và những người không có tri thức, những người lãnh đạo Singapore đã đưa đất nước đi dầu trong việc chuyển nền kinh tế sang kinh tế tri thức.

 

Sân bay Changi không có tuyến bay nội địa nhưng có hàng trăm hãng hàng không kết nối Singapore đến khoảng 300 thành phố ở 70 quốc gia khắp các châu lục. Từ 30 năm trước, Singapore đã có tuyến tàu điện ngầm dài 130km chạy qua 84 ga để khắc phục ùn tắc giao thông; hệ thống xe buýt công cộng được ưu tiên phát triển. Ô tô cá nhân bị hạn chế bằng cách đánh thuế cao và giới hạn thời gian sử dụng chỉ 10 năm. Giờ cao điểm, xe vào trung tâm thành phố lại phải đóng thuế ERP (Electronic Road Pricing) trừ thẳng vào tài khoản chủ xe. Dù hạn chế vậy nhưng trên phố vẫn có rất nhiều ô tô sang trọng vì 15% dân Singapore là triệu phú USD. Dễ nhận ra qua trang phục, người Singapore làm việc ở các công sở, văn phòng có tác phong khẩn trương như ở phương Tây; tại các giao lộ, chỗ qua đường, khi có tín hiệu giao thông cho phép là họ băng qua nhanh chóng.

 

Luật pháp nghiêm minh là nền tảng để quản lý xã hội. Ngay trên các vỏ hộp đồ chơi, hộp đựng dụng cụ học tập đã có in các mức phạt rất cao đối với từng lỗi vi phạm. Trên tờ khai nhập cảnh có nhấn mạnh về việc buôn bán và sử dụng ma túy sẽ nhận án tử hình. Chính Thủ tướng Lý Quang Diệu, trong cuốn sách From Third world to First: The Singapore story 1965-2000 (Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất: Lịch sử Singapore 1965-2000) đã kể chuyện: Vào năm 1993, học sinh người Mỹ Michael Fay và bạn đã phá hỏng các bảng hiệu giao thông và phun sơn lên 20 ô tô, tòa tuyên phạt bốn tháng tù và đánh sáu roi. Báo chí Mỹ phản ứng dữ dội làm cho Tổng thống Bill Clinton phải đề nghị Tổng thống Ong Teng Cheong ân xá. Sau khi thảo luận trong nội các, Thủ tướng đề nghị Tổng thống giảm nhẹ hình phạt xuống còn bốn roi!

 

Tôi đã có mấy buổi chiều đi dọc hai bờ sông Singapore để lắng nghe dòng sông và 13 cây cầu bắc ngang thì thầm kể về lịch sử phát triển của vùng đất này. Dòng sông dài 3,2km mở rộng dần về phía biển bắt đầu từ cầu Kim Seng. Đó là tên của doanh nhân và là nhà từ thiện nổi tiếng đã tài trợ xây dựng cầu và những công trình dân sinh quan trọng. Cầu không còn mang hình dáng xưa nhưng tên ông còn được đặt cho một con đường, một đài phun nước như một công trình kỷ niệm. Nhiều cầu mang tên những chính khách Anh gắn liền với vùng này như cầu Elgin đặt nơi cầu gỗ đầu tiên bắc qua sông năm 1819, cầu Anderson, cầu Ord, cầu Cavenagh. Có một cây cầu hoàn thành năm 1920 mang tên Thủ tướng Pháp Clemenceau và một cây cầu mang tên Đảo Sài Gòn (Pulau Saigon Street). Không biết cái tên có nguồn gốc thế nào nhưng ngày xưa có một hòn đảo nhỏ trên sông tên là Pulau (Đảo) Saigon nối với hai bờ bằng hai cây cầu. Khi cải tạo sông, một bên nối liền với bờ, còn lại một cầu được phục hồi năm 1997. Singapore cũng rất trân trọng các cư dân có công với cầu Coleman - đặt theo tên kiến trúc sư George Drumgoole Coleman. Còn cầu Read có từ 1889 (theo tên nhà hoạt động chính trị xã hội William Henry Macleod Read) thật đẹp về đêm khi phố xá lên đèn; cầu đi bộ Alkaff (theo tên gia đình thương gia Ả Rập Alkaffs của thời kỳ đầu) có dạng như chiếc thuyền Tong Kang để chở hàng nhẹ ngày xưa được vẽ bằng 55 màu bởi nữ họa sĩ người Philippines Pacita Abad.

 

Tôi đã chờ dứt cơn mưa lớn đột ngột dưới chân cầu Esplanade dài 280m, có bốn làn xe và hai đường đi bộ đầy hoa ở cửa sông, đã nhìn mê mẩn cầu Anderson dài 70m với màu trắng thanh thoát của ba vòm thép cong cong và những thanh thép phụ cùng hai cổng vòm mộc mạc và một trụ cầu mỗi đầu, say sưa ngắm cầu Cavenagh dài 80m - cầu treo duy nhất bắc qua sông hoàn thành năm 1869 nối Quảng trường Nữ hoàng với khách sạn Fullerton bên khu phố tài chính, vẫn còn nguyên hình dáng ban đầu khi chế tạo tại Vương quốc Anh và lắp ráp ở đây, từ năm 1910 nó chuyển thành cầu đi bộ.

 

Dọc bờ sông có nhiều cụm tượng đài nhỏ miêu tả lịch sử, cuộc sống của Singapore từ xa xưa đến gần đây. Có nhóm tượng thể hiện các thương gia, quan chức chính quyền đang làm việc cạnh những người phu khuân vác đang chất các bao tải lên xe bò, có nhóm tượng tả cảnh sinh hoạt của cộng đồng người Hoa trong khu phố cũ, có nhóm tượng những trẻ em đang nhảy xuống sông tắm từ trên bờ, có nhóm tượng miêu tả cảnh những người Ấn Độ hành nghề cho vay tiền. Ba bến sông ngày xưa tàu thuyền chở hàng đến, giờ đây dành cho du lịch, từ bến Boat Quay nơi cửa sông đến bến Clarke Quay có một cặp thuyền Tong Kang nay dùng làm nhà hàng nổi (Tong Kang Riverboat Dining) rồi đến bến Robertson giờ nhộn nhịp nhà hàng, quán rượu…

 

Kỳ 2: Phát triển du lịch từ con số không

 

NGUYỄN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek