Thứ Sáu, 10/01/2025 06:44 SA
Phnom Penh - thành phố ngã tư sông:
Bài 1: Trung tâm lịch sử của thời kỳ hậu Angkor
Thứ Bảy, 10/11/2018 13:00 CH

Phòng khánh tiết của Hoàng cung được xây dựng dưới thời vua Sisowath từ năm 1917 - Ảnh: NGUYỄN THANH

Cách TP Hồ Chí Minh 240 cây số, thủ đô Vương quốc Campuchia có những đặc trưng của một vùng đất pha trộn tín ngưỡng Ấn Độ giáo và Phật giáo - nơi đã chứng kiến nhiều biến động lịch sử kể từ khi vua Ponhea Yat dời thủ đô từ Angkor về đây. Giờ đây, Phnom Penh vẫn hấp dẫn du khách từng ngày…

 

Là nơi hợp lưu của ba con sông Mekong, Tonle Sap và Bassac, một thời còn có tên Krong Chaktomuk (thành phố sông bốn mặt), Phnom Penh không rộng lớn và cũng không có nhiều nhà cao tầng nhưng đường phố rộng rãi, khang trang, không thấy hẻm nhỏ như ở Việt Nam, xe cộ lưu thông khá chậm và khí hậu tương đối mát mẻ. Mệt nhoài sau những ngày nắng nóng tham quan các đền đài cổ kính thuộc thời kỳ Angkor và trước đó ở Siem Reap, tôi thực sự cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái khi xe qua cầu Monivong (nay đang hoàn thiện một cầu thứ hai song song với nó) tiến vào đại lộ Monivong và nhìn thấy những đường phố nhộn nhịp với các công viên có hàng cây thốt nốt xanh ngắt và biểu tượng tín ngưỡng riêng biệt của dân tộc Khmer.

 

Cũng như Siem Reap và các địa phương khác, Phnom Penh có nhiều xe máy, ô tô hạng sang và đặc biệt là xe tuk tuk cùng với xe chở khách có hình dáng như xe Lambro ngày trước, nhưng chỉ có một hàng ghế ngang phía sau, sử dụng khí hóa lỏng là loại nhiên liệu thân thiện với môi trường. Xe tuk tuk có hai hàng ghế ngang đối diện nhau ở trên một cái moóc kéo bởi xe máy, có mui che kéo dài tới phía trước che cả cho lái xe, khi trời mưa thì có bạt che phần phía sau cho hành khách. Biển số xe có ghi thêm tên tỉnh bằng ký tự Latinh nên cũng dễ phân biệt đối với du khách. Đường phố ở đây, ngoài tên riêng, còn có số hiệu riêng đặt trong ngoặc đơn cũng là điều lạ lẫm với khách phương xa. Khách sạn tôi ở nằm trong khu phố Tây, gần cuối đường Preah Ang Hassakan (144), chỉ cách đường Preah Sisowath Quay (1) bên bờ sông Tonle Sap vài chục mét, rất gần với những địa điểm nổi tiếng của thủ đô.

 

Trước cung điện hoàng gia, ngay sát bờ sông là quảng trường Sông bốn mặt, được lát đá một phần trên những lối đi, phần còn lại là bãi cỏ xanh mướt. Hàng vạn chim bồ câu bay lượn và đậu trên bãi cỏ, trên đường đi bộ. Chưa ở đâu tôi thấy bồ câu nhiều và dạn dĩ như thế này, ngay cả khi không có ai cho thức ăn, chúng vẫn lẩn quẩn sát chân người, chỉ khi ai đó nghịch ngợm chạy ào qua thì chúng mới hoảng hốt bay lên nhưng sau đó vẫn sà xuống đậu như chưa từng có gì xảy ra. Rất đông người thong thả dạo chơi trên quảng trường; trên bờ sông có rất nhiều cột cờ dùng để treo quốc kỳ của những nước có quan hệ ngoại giao với Campuchia, các thiết bị tập thể dục, tượng đài…

 

Hoàng cung là địa điểm không thể không đến khi ghé qua Phom Penh. Ngoại trừ điện Khemarin là nơi hoàng gia ở, du khách được mua vé vào tham quan 23 khu vực khác trong quần thể rộng hơn 187.000m2 này. Quay mặt về phía bờ sông Tonle Sap, giáp với đường Sothearos thênh thang, hoàng cung trông vô cùng hoành tráng với những công trình kiến trúc đậm chất Khmer có mái hình chóp cao chót vót, bên ngoài có tường bao quanh tô điểm bằng những mảng điêu khắc tuyệt đẹp.

 

Ngay cửa vào có một đám cây sala, là loại cây có nguồn gốc từ quê hương của Đức Phật Thích Ca, nở hoa thơm ngát; nhiều cây xanh, hoa cỏ điểm xuyết cho các cụm công trình. Phòng khánh tiết (Preah Tineang Tevea Vinichhay) được xây dựng dưới thời vua Sisowath từ năm 1917 với kích thước 30m x 60m, có đỉnh tháp cao 59m cùng đầu tượng Thần Sáng tạo Brahma là nơi thiết triều ngày xưa, giờ đây dùng để cử hành những nghi lễ hoàng gia, tôn giáo và là nơi tiếp khách của nhà vua. Trần có mái vòm trang trí các hình ảnh rực rỡ mô tả sử thi Reamker, vốn là sử thi Ramayana của Ấn Độ đã pha trộn văn hóa Khmer. Ngai vàng được đặt trang trọng giữa phòng để làm lễ đăng quang cho các vị vua, bên trong còn có tượng bán thân của bốn đại hoàng đế Khmer mà lịch sử Campuchia rất trân trọng. Khách vào đây phải để giày, dép lại bên ngoài. Sân khấu Chanchhaya (sân khấu Ánh trăng) được xây dựng trong hai năm 1913-1914, là nơi trình diễn các điệu múa cung đình, là khán đài để vua diễn thuyết trước dân chúng và cũng là nơi tổ chức các sự kiện và những buổi tiệc hoàng gia. Cung điện Đồng (Hor Samritvimean) được xây dựng năm 1917 là nơi cất giữ, trưng bày những trang phục và biểu trưng của hoàng gia. Hầu hết trang phục của vua, hoàng hậu, trang phục của cung nữ bên ngoài các bức tượng trong suốt một tuần cũng được trưng bày tại đây. Một công trình để lại dấu ấn của Việt Nam là điện Phhochani hoàn thành năm 1912 do các nghệ nhân tỉnh Thái Bình thiết kế và xây dựng, hiện được dùng làm nơi tiếp khách và hội nghị của hoàng gia.

 

Trong hoàng cung có chùa Bạc (Wat Preah Morekat) còn gọi là chùa Phật ngọc lục bảo được xây dựng năm 1902, có 5.329 miếng bạc lót trên sàn, mỗi miếng đều làm thủ công nặng 1,125g. Chức năng của chùa thiên về bảo tồn văn hóa và cất giữ bảo vật tôn giáo hơn là nơi thờ cúng. Trong chùa có 1.650 đồ vật có giá trị, bức tượng Phật ngọc lục bảo cao 30cm được đặt trên ngọn tháp trung tâm, phía trước là tượng Phật Di Lặc đúc bằng 90kg vàng, gắn 2.086 viên kim cương, ngoài ra còn có xá lợi Phật trong tháp nhỏ làm bằng vàng và bạc…

 

Tường bao quanh chùa Bạc có mái che, có bức tranh tường dài 642m, cao 3m minh họa sử thi Reamker do 40 họa sĩ vẽ trong hai năm 1903-1904, nay đã hư hỏng nhiều dù được rào chắn cẩn thận. Chùa có đồi Mondop tượng trưng cho núi Kailassa, trên đỉnh là ngọn tháp có gian thờ chứa một dấu chân của Đức Phật và 108 ảnh Phật. Dưới chân đồi có tượng Thần Voi Ganesha của Ấn Độ giáo và một dòng suối nhỏ chảy suốt đêm ngày. Một quà tặng của người Pháp làm năm 1875 tại Paris là bức tượng vua Norodom cưỡi ngựa đặt trên đất chùa, trước tượng có một ao sen trắng nhỏ với hoa thơm ngào ngạt, cá lội tung tăng. Hài cốt vua Norodom được đặt trong một tháp gần đó. Ngoài ra còn có mộ tháp của một số vua, hoàng hậu và công chúa Kantha Bopha. Sau chùa có một tháp chuông lớn, được gióng lên khi đóng hoặc mở cửa chùa, trong các buổi lễ. Mô hình ngôi đền huyền thoại Angkor Wat đặt ngay phía sau chùa.

Hoàng cung có công trình duy nhất làm toàn bằng thép mang kiến trúc châu Âu là điện Napoléon III, được quốc vương Pháp Napoléon đệ III tặng năm 1876. Điện này đã dùng năm 1869, trong lễ khánh thành kênh đào Suez. Trên các cửa và các mặt của nó có chữ N - chữ viết tắt tên của Napoléon. Có lẽ vì người nhận là vua Norodom cũng có tên bắt đầu bằng chữ N nên các chữ này được giữ nguyên!

 

Quảng trường lớn bên hoàng cung có tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia xây bằng bê tông cao 11m sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot bị lật đổ, thể hiện quan hệ mật thiết của hai nước láng giềng. Đỉnh của tượng đài được xây kiểu mái chùa truyền thống vươn cao lên nền trời, bên dưới là bức tượng hai người lính của hai nước dang tay chở che một phụ nữ và đứa bé. Ở một số tỉnh cũng có tượng đài như vậy nhưng kích thước nhỏ hơn như tôi đã thấy trên quốc lộ 6 ở Kampong Thom. Biết bao xương máu của nhân dân hai nước đã đổ xuống khắp đất nước Campuchia trước khi có được những tượng đài này. Gần đó có một tượng Phật ngồi dưới gốc bồ đề cổ thụ, hậu cảnh bên kia đường là một ngôi chùa lớn rực rỡ dưới ánh nắng vàng.

 

Chỉ cách một con đường là đến một quảng trường rất lớn nữa, trên đó có tượng đài vua Sihanouk trong một tháp rồi đến đài Độc Lập - công trình kỷ niệm nằm ở điểm giao nhau giữa hai đại lộ Norodom và Sihanouk với màu sơn tím thẫm, được khánh thành năm 1962 để kỷ niệm 9 năm ngày Pháp trao trả độc lập cho Campuchia. Đài còn được sử dụng như đền tưởng niệm những chiến sĩ và người dân đã chết trong các cuộc chiến tranh. Kiến trúc sư Vann Molyvann đã mô phỏng theo kiến trúc của đền Angkor Wat và một số di tích lịch sử khác để thiết kế kiểu dáng đền hùng tráng với đỉnh vuốt thon dần và kết thúc là dạng búp sen, bên hông có những phù điêu rắn thần Naga trong thần thoại Ấn Độ. Dưới chân là đài phun nước có nhiều vòi và nhiều ngọn đèn rực rỡ về đêm. Tôi chụp được một bức ảnh đài lúc sẫm tối với sự hòa hợp giữa cột nước, đèn màu và một vầng mây trời tuyệt đẹp, cảm xúc nhiều hơn những bức ảnh chụp ban ngày. Vào những ngày đại lễ, Quốc vương sẽ đọc diễn văn và tiến hành những nghi thức trang trọng tại đây.

 

Có số tín đồ chiếm 97% dân số, Phật giáo được xem là quốc giáo của Campuchia nên các chùa được xây dựng rất đẹp và trang trí mang tính mỹ thuật cao. Nổi tiếng nhất là chùa Wat Phnom, được xây dựng từ năm 1373 và xây dựng lại vào năm 1926 trên ngọn đồi nhân tạo cao 27m. Chuyện kể rằng bà Penh, một góa phụ giàu có đã vớt được một cây gỗ trôi sông, bên trong có bốn tượng Phật, sau đó bà cho đắp một ngọn đồi và xây một ngôi chùa nhỏ trên đó. Đường đi lên hai bên có tượng rắn thần Naga và hai con linh sư - hình ảnh quen thuộc của các đền Angkor. Tượng bà Penh được thờ trong chùa, phía sau tượng có tháp màu trắng chứa hài cốt vua Ponhea Yat, người đã quyết định dời thủ đô về Phom Penh. Trong tiếng Campuchia thì Phnom có nghĩa là đồi, và người tạo ra ngọn đồi đó là bà Penh. Lịch sử ghi nhận nguồn gốc cái tên Phnom Penh như vậy, thật phù hợp và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn! Dù ngày hay đêm, hình ảnh những ngôi chùa sơn màu rực rỡ với mái cong cong, tháp nhọn và những vị thần vươn tay đỡ cột vẫn là hình ảnh đặc trưng của xứ Chùa Tháp cuốn hút du khách bốn phương. Các nhà sư Campuchia rất được tôn trọng. Hình ảnh bóng áo cà sa màu cam thấp thoáng trên đường, trong chùa, đền đã đi vào văn hóa, nghệ thuật và tâm linh người dân trong nước. Buổi sáng trên đường phố Phom Penh, tôi thấy rải rác từng lúc có một hoặc hai nhà sư mang bình bát đi khất thực. Họ đến trước nhà nào thì chủ nhà đó nhẹ nhàng đặt tiền hoặc lễ vật vào và chắp tay vái hoặc quỳ vái hết sức thành kính.

 

Tôn giáo xếp thứ hai ở đây là Hồi giáo, chỉ chiếm 2% dân số nhưng Phnom Penh vẫn có một thánh đường Hồi giáo tráng lệ do một thương gia Ả Rập tặng với chi phí xây dựng đến 2,9 triệu USD ở gần hồ Boeung Kak. Màu trắng tinh khôi bên ngoài thánh đường hai tầng xây theo kiểu Ottoman được trang trí hình hoa hồng và ngói màu lam ngọc do các thợ lành nghề Algérie thực hiện. Các tranh khảm trang hoàng trần thánh đường và những chùm đèn rực rỡ treo ở mái vòm trung tâm, phía trước là một bãi đậu xe rất lớn và nhiều trụ đèn chiếu sáng. Dưới ánh đèn đêm, thánh đường đẹp lung linh như trong truyện cổ tích. Không gian yên tĩnh, trong lành làm lòng người dịu đi bao nỗi mệt nhọc, muộn phiền. Tôn giáo nào cũng mang tính hướng thiện và nước nào càng nhiều tôn giáo thì càng giàu có về văn hóa.

 

Ngày nào tôi cũng đi qua chợ trung tâm Phsar Thmey, không chỉ để mua vài món quà lưu niệm mà còn vì đây là một công trình kiến trúc đặc sắc, hoàn hảo cả về kỹ thuật và mỹ thuật. Được xây dựng vào năm 1937 theo phong cách nghệ thuật dưới thời thuộc địa và vừa được nước Pháp tài trợ trùng tu mấy năm nay nên trông còn mới tinh. Chợ gồm một mái vòm trung tâm màu vàng rất lớn và bốn cánh hàng lang khổng lồ tỏa ra bốn phía, mỗi hành lang có nhiều gian hàng với đủ loại hàng hóa bày bán. Các cửa gió trên cao tạo ra sự thoáng khí cho ngôi chợ đồng thời tránh được mưa gió hoặc sức nóng bên ngoài. Để tăng diện tích sử dụng, các gian hàng được lắp ghép đơn giản nằm xen vào khoảng trống giữa các cánh hành lang, kéo dài ra đến gần vỉa hè để bán đủ các loại mặt hàng như quần áo, đồ trang trí, hàng lưu niệm, hoa quả, hàng điện tử…

 

Chợ đêm Phnom Penh gồm những gian hàng lưu động bày trên một mảnh đất rộng, chia thành những khu vực bán hàng chuyên biệt, chủ yếu là quần áo, đồ thủ công, lưu niệm… Một sân khấu ngoài trời dùng để biểu diễn ca múa nhạc và đặc biệt có một khoảng sân lớn trải bạt ở khu vực ăn uống. Sau khi đặt mua thức ăn và đồ uống ở quầy hàng kề đó, khách hàng ngồi ăn uống ngay trên tấm bạt. Đã đến chợ đêm nhiều nơi, giờ đây tôi có thêm một trải nghiệm tuyệt vời.

 

Phnom Penh có nhiều siêu thị từ nhỏ xíu cho đến khổng lồ, nhưng tôi ấn tượng nhất với chuỗi siêu thị MI-A của Nhật Bản bán trên 10.000 mặt hàng đủ loại, từ đồ chơi, mỹ phẩm, dụng cụ nhà tắm, đồ dùng nhà bếp, đồ trang trí đến dụng cụ làm vườn, văn phòng phẩm, dụng cụ cơ khí… chỉ với một giá tiền duy nhất là 1,9 USD cho một món hàng. Quả là một sản phẩm của sự sáng tạo!

 

Thành phố có một khu sòng bài nổi tiếng là Thế giới Naga (Naga World Casino) trang trí hết sức sang trọng nhưng cũng đậm nét truyền thống với đèn chùm, tượng thần, vũ nữ Apsara. Khu vực đánh bài có nơi là một trần nhà cao được trang trí như bầu trời với đèn sáng ngày đêm khiến các con bạc không còn khái niệm thời gian mà thỏa sức lao vào cuộc chơi đen đỏ. Một trung tâm thương mại lớn bán hàng cao cấp nằm trong tòa nhà này trông thật vắng khách khi tôi đến, không biết có phải vì chẳng ai còn đủ tiền để mua? Chợt nghĩ đến khu vực cửa khẩu Bavet sau hơn 10 năm trở lại, tôi thấy có thêm hàng chục casino, khách sạn cao tầng và nhiều công trình khang trang. Từ một xã nghèo trong tỉnh Svay Rieng thuộc diện nghèo nhất Campuchia giờ đã là một đô thị phồn vinh, đi sâu vào nội địa khoảng 10km thì lộ rõ vẻ nghèo nàn. Thế mới thấy những ông trùm sòng bài đã nghiên cứu thị trường rất sâu sắc.

 

Bài cuối: Tuyến du lịch không dành cho những người yếu tim

 

NGUYỄN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 2: Chờ đánh thức
Thứ Hai, 29/10/2018 13:00 CH
BÀI 1: “Món quà” từ lòng đất
Chủ Nhật, 28/10/2018 09:31 SA
Tháng mười ở Hàn Quốc
Thứ Bảy, 27/10/2018 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek