Mười bốn năm trước, hai vợ chồng Lê Ngọc Hậu (sinh 1965) cùng em trai Lê Ngọc Tùng (sinh 1968) lặng lẽ theo chiếc xuồng nan đến sinh sống trên “bán đảo” lau lách đìu hiu ở Bãi Lau (thôn Vũng Rô, huyện Đông Hòa). Từ đó, họ dường như sống khép mình với thế giới bên ngoài, miệt mài lao động để lập trang trại nhỏ bên vách đá núi, nuôi tôm hùm trước vịnh biển...Nhiều người gọi họ là hai anh em “Robinson” trên Bãi Lau!
Trang trại bên vách đá núi - Ảnh: N.L |
Ngày giáp Tết, tôi lên con thuyền nhỏ, mỏng manh của người dân Vũng Rô, trực chỉ về phía “bán đảo” của hai anh em “Robinson” Hậu và Tùng!
Trên “đảo vắng”
Bán đảo Bãi Lau vắng vẻ đến lạ thường. Khi mặt trời lên cao, hai anh em “Robinson” Hậu và Tùng chèo thúng về Bãi Lau. Anh Hậu dáng nhỏ nhắn, thấp, đậm nét phong trần. Tùng trông rắn rỏi, giỏi giang, tháo vác. Khi chuyện trò thân tình, anh Bi (tên thường gọi của anh Hậu) kể: “Năm 1977, cha mẹ Bi rời quê hương huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế) dìu dắt 9 đứa con vào lập nghiệp ở Tuy Hòa, rồi di cư sinh sống ở nhiều nơi như Hoà Phong (huyện Tuy Hoà cũ), Sơn Giang (Sông Hinh), Hoà Quang (Phú Hòa). Đến năm 1993, gia đình Bi vào Vũng Rô vừa xây dựng xong nhà thì bị cơn bão lịch sử gây đổ sập, và rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải đi chặt gỗ, đốt than… “Khi mà gia đình chưa tìm được lối thoát khỏi cuộc sống túng quẫn ấy, đầu năm 1994, vợ chồng tôi cùng em Tùng quyết định theo thuyền ra ở Bãi Lau. Ngày ấy, “bán đảo” này đầy rẫy lau lách, hoang sơ đến rợn người. Chúng tôi phải trằn trọc đốt lửa thức trắng nhiều đêm, vì sợ trăn, rắn, thú dữ… Dựng tạm căn nhà tranh vách đất, chúng tôi bắt đầu mưu sinh bằng nghề giăng câu, bủa lưới, làm rẫy, hái rau rừng… với bữa đói, bữa no!”.
Anh Tùng chen vào: “Nhưng rồi năm tháng đi qua, như kiến tha lâu đầy tổ, cuộc sống cũng dần dà có thu nhập ổn định. Phải kiên nhẫn, chúng tôi mới “trụ” vững được ở nơi này!”.
Năm 1998, anh Tùng vào bờ cưới vợ rồi cũng “cõng” vợ ra Bãi Lau bắt đầu cuộc sống gia đình mới…
Cây trên vách đá, tôm cá dưới biển
Gia đình “Robinson” đang làm lưới trủ để kéo cá - Ảnh: N.L Bè nuôi tôm hùm - Ảnh: N.L Vợ chồng anh Tùng cùng con gái bên bè tôm hùm - Ảnh: N.L
Bi và Tùng bây giờ có hai trang trại rộng gần 2ha ở hai nơi trên vách đá núi! Ở đây núi cao, đá chồng lên đá, nhiều tảng to bự nằm choài dài ra biển, vậy mà hơn 10 năm trước, hai anh em họ đã dời đá rồi ươm vào đất những giống cây xoài, mít, ổi, mãn cầu, điều, trồng xen với đu đủ, khóm, chuối… Để bây giờ hiện hữu trên vách đá là vườn cây xanh mát, trĩu quả. “Gia đình tôi phải lao động cực nhọc, đổ bao nhiêu công sức, mồ hôi mới xây dựng được trang trại này. Nhớ ngày trước, mỗi khi leo núi, chúng tôi không dám bỏ con nhỏ một mình ở nhà mà phải địu trên lưng, hoặc mắc võng dưới cây rừng cho chúng nằm ngủ, để dời đá, cuốc đất trồng cây…” – anh Bi kể.
Cũng từ 5 -7 năm trước, hai gia đình Bi, Tùng đầu tư nuôi cá mú, tôm hùm trước vịnh biển. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ những đồng vốn thu được từ bán trái cây, họ dốc vào đầu tư nuôi vài lồng tôm hùm, cá mú. Ban đầu chỉ nuôi được vài chục con, sau mỗi năm thả tôm hùm nuôi tăng dần lên 100, 200, rồi đến 300 con...
Các loại sản phẩm từ trái cây, đến con tôm hùm, con cá… được một số người đến mua với giá cả theo thị trường. Nhờ vậy, mấy năm nay cuộc sống của họ ổn định, với thu nhập khấm khá, bình quân trên 30 triệu đồng/năm. Riêng vụ tôm hùm năm 2007, hai anh em Bi, Tùng thu lãi trên 70 triệu đồng. “Phải nói nhờ phát triển nuôi con tôm hùm, mà gia đình vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để, xây dựng được căn nhà ở đàng hoàng.
Anh Bi có 2 đứa con trai, còn anh Tùng có 3 đứa con gái. Khi hỏi về chuyện học hành của các cháu, anh Bi cho biết: “Trước đây, cha tôi (ông Lê Hàn, ở Vũng Rô) ra Bãi Lau thăm con, đã thương đứt ruột đứt gan khi thấy mấy đứa cháu nội không có bạn chơi, không học hành. Vậy nên, khi đứa cháu nào đến tuổi học mẫu giáo, ông đều ra Bãi Lau “bắt” về nuôi và cho ăn học!...”
NGUYÊN LƯU