Thứ Tư, 27/11/2024 01:42 SA
10 con vào đại học từ gánh cháo của mẹ
Thứ Tư, 23/01/2008 13:00 CH

Phú Yên hiện có gần 3.500 gia đình được công nhận là gia đình hiếu học. Một gia đình nông dân bán cháo lòng, làm mướn... nuôi 10 người con vào đại học, thành đạt như gia đình ông Huỳnh Đức Xử thì thuộc dạng hiếm có.

 

Tôi đến nhà ông Huỳnh Đức Xử (sinh năm 1936, ở khu phố 3, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) vào một ngày cuối năm 2007, khi ông tất bật đủ thứ việc nhà. Lão nông ngoài 70 tuổi này cho biết ông vừa đi dự Đại hội Đại biểu Gia đình hiếu học toàn quốc năm 2007 ở Hà Nội về. Nhà ông là một trong 3 gia đình hiếu học của Phú Yên dự đại hội này. Mới 5 giờ, hàng cháo lòng của vợ ông, bà Nguyễn Thị Gượng (66 tuổi), đã đông khách ra vào. Ông Xử cười hiền: “Đó là cần câu cơm của cả nhà”.

 

080123-baguong2.jpg

Gia đình ông Huỳnh Đức Xử sum họp trong ngày Tết. - Ảnh: Tư liệu gia đình

 

DÀNH HẾT CHO THẾ HỆ SAU

 

Nhà ông Xử làm ruộng, nghèo nhưng “giàu” con cái với 10 người con và nổi tiếng hiếu học ở thôn Thạnh Phú. Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, chẳng có gì nổi bật ngoài dãy bằng khen treo kín tường, được UBND tỉnh Phú Yên, các trường, hội trao tặng hàng chục năm qua với các danh hiệu như: “Học sinh giỏi”, “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hiếu học”, “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”... Gần đây nhất là chứng nhận “Gia đình hiếu học - Dòng họ hiếu học” lần thứ hai năm 2007 vừa được Nhà nước trao tặng.

 

Đời mình cơ cực thì đời sau phải tươi sáng. Vợ chồng ông Xử nghĩ vậy và chịu khó làm đủ thứ việc như nuôi heo, bán bánh mì, làm thuê..., dành hết tiền bạc cho con ăn học. Nhiều người hàng xóm thấy vậy khuyên: “Con đông thì nên “ném” vào đời vài đứa đi làm kiếm tiền chứ “cày” chi lắm cho khổ thân già”. Nhưng vợ chồng ông bỏ ngoài tai điều đó và quả quyết như đinh đóng cột: Bằng mọi giá không để con thất học. Học không bao giờ thừa.

 

Gia đình là hạt nhân của xã hội, chỉ nơi đây mới giúp con người hình thành nhân cách, đạo đức để vào đời. Trong nhà, ông luôn tỏ ra nghiêm khắc thì ngược lại, sự bao dung của người mẹ càng được các con quý trọng. Bà Gượng kể: có những lúc vì nhà nghèo, con định bỏ học, bị lãnh đủ lằn roi của cha, thấy mà xót. Những khi ấy, bà chỉ biết ôm con an ủi. Vợ chồng ông bà luôn dạy các con rằng người đi trước phải biết nâng đỡ người đi sau; anh em thì phải thuận hòa, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Truyền thống này được các con ghi lòng tạc dạ và thực hiện tốt mãi sau này. Nhờ đó, lần lượt 10 người con của ông Xử đều học hành, đạt trình độ cử nhân, thạc sĩ, có địa vị trong xã hội. Những cái tên đáng phải kể ra như Huỳnh Đức Thiện (thạc sĩ), giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM; Huỳnh Đức Thế (cử nhân), cán bộ Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên; Huỳnh Đức Thoại (cử nhân), Phó Phòng Nghiệp vụ Nhà Văn hóa Thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng; Huỳnh Thị Linh Giao, giáo viên tiểu học; Huỳnh Thị Mỹ Anh (cử nhân), giáo viên... Các con và dâu rể nhà ông cũng đều công tác trong ngành sư phạm, là CB-CNVC...

 

080123-baguong1.jpg

Nhờ quán cháo lòng này của bà Gượng, 10 người con đã học hành đến nơi đến chốn. - Ảnh: N.THẠNH

 

Đối với xóm giềng, gia đình ông sống rất có tình. Nhiều người thân, làng xóm lấy đó làm gương. Đặc biệt, gia đình ông cũng rất tích cực trong việc đóng góp cho phong trào khuyến học địa phương, cộng đồng, như vận động giáo viên tranh thủ ngày nghỉ phổ cập giáo dục cho trẻ em nghèo; kêu gọi mở lớp dạy nghề mộc-tiện-điện miễn phí cho thanh niên; hình thành câu lạc bộ hiếu học ở các khu phố; xây dựng quỹ khuyến học tộc họ Huỳnh Đức... Ông Trương Kiêm, Trưởng khu phố 3 (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa), nhận xét: “Tấm gương gia đình hiếu học như gia đình ông Xử là rất hiếm. Người dân xung quanh luôn tin yêu, kính nhường...”.

 

TẢO TẦN ĐỜI MẸ

 

Nằm ở một góc của phòng khách nhà ông Xử là đôi quang gánh với chiếc đòn gánh cong veo, bám bụi, đã rêu màu thời gian. Đang nói chuyện đời, chợt ông Xử nhìn chằm chằm đôi quang gánh, hoài niệm về một thời gian khó...

 

Cách đây chừng 20 năm, vợ chồng ông Xử phải “rứt ruột” nhìn hai con trai lớn là Huỳnh Đức Thế, Huỳnh Đức Thoại, vừa học xong lớp 9 đã phải xa nhà, lên  Sơn Thành làm ăn, kiếm tiền để tiếp tục việc học. Năm 1984, Thoại đăng ký nghĩa vụ quân sự và tự học để giảm bớt gánh nặng cho gia đình. Thời đó, vợ chồng ông “cày” cật lực vừa làm mướn vừa mót lúa, chặt mía... cũng không đủ ăn. Nhìn đàn con nhỏ ngấu nghiến cơm độn sắn mì mà xót lòng. Đáng nhớ nhất là vào mùa tựu trường, nhà có bao lúa giống gần tới mùa sạ cũng phải đem bán đi để đủ tiền mua vở cho con... Rồi bà Gượng ra bán cháo lòng, gia đình có đồng vào đồng ra, đỡ cơ cực phần nào. Những ngày ấy, để ra được chỗ bán cháo, bà Gượng phải gánh hàng đi xa hàng cây số. Sau này tuổi cao sức yếu, bà dựng chòi tranh gần nhà bán cháo, vậy mà cũng đông khách.

Người ta nói trong sự thành đạt của mỗi người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Gượng cũng là một trường hợp như vậy. Trải qua gần 50 năm tần tảo nuôi con ăn học, đến giờ đã có thể “xả hơi” an dưỡng tuổi già nhưng bà vẫn bám lấy hàng cháo lòng. Có lẽ tên bà đã gắn chặt với đức tính tần tảo, chịu khó. Cô con gái út Huỳnh Thị Ngọc Anh, sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, tâm sự: “Xa nhà tôi nhớ mẹ lắm, nhất là mỗi khi tờ mờ sáng mẹ lụi cụi bếp núc để cho con bữa sáng trước khi đi học. Có mẹ bên cạnh, chúng tôi ấm lòng hơn”.

 

Chia tay ông Xử, tôi tin chắc rằng năm nay gia đình ông sẽ đón một cái Tết đầy ắp tiếng cười...

 

NGUYỄN THẠNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek