Thứ Năm, 03/10/2024 09:44 SA
Người mẹ già nuôi ba con mù
Thứ Tư, 16/01/2008 07:30 SA

“...Mẹ già như chuối chín cây/Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi/Mồ côi tội lắm ai ơi!/Đói cơm, lỡ bước biết người nào lo...” -  Một người mù ngồi bên ba người mù ôm cây đàn ghita hát trầm buồn bài “Mừng tuổi mẹ” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, như muốn bày tỏ lòng trắc ẩn của những đứa con mù trước người mẹ già. Đó là các con, các cháu ngoại của bà Trần Thị Sâm (70 tuổi, ở khu phố 4, phường 2, TP Tuy Hòa). Nghe tiếng đàn hát của con trẻ, bà Sâm quặn đau từng khúc ruột...

 

080116-ba-sam.jpg

Bà Sâm bên những đứa con, cháu mù lòa - Ảnh: N.LƯU

 

MỘT ĐỜI NHẶT ĐỒNG NÁT NUÔI CON MÙ!

 

Bà Sâm dáng nhỏ nhắn, mặc chiếc áo mỏng manh, đi liêu xiêu giữa cơn mưa chiều trên con phố nhỏ ở TP Tuy Hòa, rồi khom lưng nhặt nhạnh từng cái bong bóng, miếng nhựa vỡ, ve chai… của nhà ai đó thải ra bên đường. Đến con hẻm phố vắng, bà Sâm ngồi bệt xuống đất, xoa bóp đôi chân gầy nhức mỏi. Những giọt mưa vương trên gương mặt bà hằn sâu những nếp nhăn qua năm tháng. Mấy mươi năm nay, ngày ngày bà vẫn đi nhặt đồng nát như thế để nuôi ba đứa con mù lòa. Bà Sâm nói: “Nhặt đồng nát bán kiếm tiền, bữa đói bữa no nên mỗi chiều tối, tôi lại phải tất tả đi khắp các nhà hàng xóm xách thuê nước cơm và thức ăn thừa cho một gia đình ở xã Hòa An (Phú Hòa) nuôi heo, với mức thù lao chỉ 100.000 - 120.000 đồng/tháng”. Có thời gian, bà Sâm dắt đứa con trai út bị mù biết hát rong kiếm tiền, vừa nhặt đồng nát trên sân ga. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, nhân viên ga, tàu không cho người mù hát nữa. Thế là bà lại một mình đi nhặt đồng nát trên đường phố, trên những đống rác thải ở từng khu phố…

 

Về tới nhà với tấm thân mệt nhừ, rũ rượi, nhưng bà Sâm chẳng được nghỉ ngơi. Bà lao vào bếp nấu bữa ăn cho các con. Than củi ẩm ướt khó bén lửa, bà thổi phì phò, khói bay nghi ngút. Trong khi đó, người con mù, 42 tuổi, vỗ bành bạch xuống nền nhà, kêu: “Mẹ ơi, con đói!”... Bữa cơm chiều quá muộn. Mâm cơm chỉ có ít cá vụn kho, nước mắm, rau cải xào với mỡ. Bữa ăn thường ngày như vậy. Bà Sâm đơm cơm, gắp bón từng tí thức ăn cho các con mù. “Thằng Tèo bị bệnh liên tục. Vậy mà đã lâu lắm rồi không lo cho nó được bữa ăn ngon, được mặc áo ấm. Các nguồn thu mỗi ngày, kể cả số tiền chính quyền địa phương hỗ trợ trong ba năm qua với mức 65.000 đồng/người mù/tháng (hiện tăng lên 100.000 đồng/người mù/tháng – PV), cũng chỉ tạm lo chi phí sinh hoạt gia đình và ba bữa ăn đạm bạc, làm sao có tiền mua thuốc men chữa bệnh…!”- Bà Sâm than thở.

 

Khi còn sống, chồng bà Sâm đi làm thuê làm mướn ở Phù Mỹ (Bình Định) chỉ đủ lo bản thân, thỉnh thoảng mới gửi ít tiền về nuôi con. Ông đau bệnh chết vào năm 2002.

 

NHỮNG THÂN PHẬN BẤT HẠNH

 

Bà Sâm sinh hạ được năm người con thì ba đứa bị mù bẩm sinh. Người con trai cả Trần Văn Nhựt vừa bị mù vừa bị lảng tai, thiểu năng trí tuệ. Năm nay anh Nhựt đã 42 tuổi, dáng thấp, cục mịch, tính tình như đứa trẻ lên năm, chỉ mò mẫm đi đứng trong nhà, chưa một lần qua khỏi bậu cửa. Trên thân hình anh Nhựt mọc đầy ghẻ lở. Ngày nào bà Sâm cũng phải tắm rửa, bôi thuốc. Đứa con trai thứ tư Trần Văn Tèo, năm nay 32 tuổi, gầy nhom, ốm yếu, đôi mắt mù trũng sâu. Tèo bệnh tâm thần, thường xuyên co giật, la hét, đập phá, xé quần áo... Bà Sâm nói như khóc: “Mỗi khi đi nhặt đồng nát, tôi sợ nhất thằng Tèo ở nhà lên cơn động kinh, lỡ xảy ra chuyện gì…. thì tôi ân hận lắm! Sức khỏe của nó yếu lắm rồi. Nhưng hoàn cảnh khốn khó thế này biết lấy gì lo thuốc men chạy chữa”. Đứa con trai út Trần Văn Xiêng, 29 tuổi, cũng gầy còm, bị mù mắt nhưng minh mẫn, sáng lòng sáng dạ, pha chút nghệ sĩ…. Xiêng tự học, đánh được đàn ghita, nghe đài nhớ nhiều bài hát, từng theo mẹ hát rong trên tàu. Ở nhà Xiêng lần từng bước đi dọn dẹp đồ đạc, trông chừng hai anh và đứa cháu mù quậy phá… Ba đứa con mù lòa – ba thân phận tăm tối bấu víu đời bà Sâm.

 

Hai người con sáng mắt của bà Sâm lập gia đình riêng, chẳng giúp được gì cho mẹ, lại lâm vào hoàn cảnh éo le. Có phải do gien di truyền hay không, mà người con gái bà Sâm là Trần Thị Oanh (37 tuổi) lấy chồng sinh đứa con gái đầu lòng bị mù một mắt, con mắt còn lại thị lực chỉ nhìn thấy 30%. Năm nay, Hà Công Hạnh, con gái chị Oanh, đã 14 tuổi mới học được lớp 4 ở Trung tâm vòng tay ấm phường 3 (TP Tuy Hòa). Đứa con trai thứ hai của chị Oanh là Hà Văn Phúc (4 tuổi) trắng trẻo, gương mặt kháu khỉnh, thông minh, lanh lợi, nhưng đôi mắt bị mù vĩnh viễn. Nhìn cháu Phúc, ai cũng chạnh lòng, thương đứt ruột đứt gan! Gia cảnh khó khăn, chồng chạy xe thồ, chị Oanh buôn bán nhỏ, đành gửi cháu Phúc cho gia đình bà ngoại. Giờ đây, hàng ngày trong căn nhà nhỏ của bà Sâm, bốn cậu cháu – bốn thân phận mù lòa, quờ quạng đeo bám nhau, lo cho nhau trong bốn bức tường nhỏ bé.

 

Anh Trần Văn Long, người con trai sáng mắt của bà Sâm, chạy xe thồ để nuôi vợ và hai con. Vợ anh Long không chịu nổi cuộc sống gia đình túng thiếu, thu nhập không đủ đắp đổi qua ngày, đã đâm đơn xin li dị chồng, rồi dắt đứa nhỏ bỏ xứ ra đi. Mỗi ngày, anh Long vừa chạy xe thồ, vừa đưa đón con trai lớn đi học, ban đêm cùng về ở chung nhà với bà Sâm. Bây giờ, ba thế hệ với bảy con người sống chen chúc trong căn nhà chỉ rộng chừng 40m2. Nhiều khi bà Sâm thức trắng đêm nhìn lên trần nhà tự hỏi ngàn lần câu hỏi: “Sao các con, cháu mình cứ lâm vào cảnh bi đát, chia ly, mù lòa tăm tối, rồi cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi từ đời này sang đời khác mà không dứt ra được?”

 

NGÀY MAI SẼ RA SAO?

 

Sau bữa cơm tối, Tèo đau đầu, lăn ra giường. Anh Nhựt, cháu Phúc ôm bà Sâm ngồi nghe Xiêng đàn, hát. Tiếng đàn, tiếng hát của Xiêng trầm buồn như muốn bày tỏ lòng trắc ẩn của đứa con mù trước mẹ già. Bà Sâm bảo: “Xiêng thương mẹ lắm. Nó hay hỏi han, an ủi mẹ. Đêm, nó hay đàn hát cho cả nhà nghe. Vừa dứt lời một bài hát về mẹ, Xiêng ray rứt, tâm sự: “Tui nghĩ cạn lòng, nghĩ nẫu ruột nẫu gan về mẹ nhiều lắm. Bởi mẹ tui già rồi, không còn nhiều sức lực, không còn được khỏe mạnh như xưa nữa. Lẽ ra, từ lâu mẹ tui đã được nghỉ ngơi, được tĩnh dưỡng, được chăm sóc… Vậy mà, ba anh em tui mù không lo được cho mẹ, lại bấu víu vắt kiệt sức mẹ. Ngày ngày mẹ vẫn cặm cụi trên những con phố để nhặt nhạnh đồng nát, rồi chăm lo từng bữa ăn cho những đứa con mù. Bây giờ, cuộc sống của mẹ rất mong manh…. Nhưng mấy anh em tui luôn mãi mãi cần mẹ bên mình!”

 

Trước những nỗi niềm tâm sự của con trẻ, bà Sâm như quặn đau từng khúc ruột. Bà biết các con cần sự đùm bọc, cần tình cảm nhiều hơn nữa. Bà Sâm đã từng đêm thao thức, đã khóc vì những đứa con mù lòa, bệnh tật! Ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, bà gần như mỏi gối, chùn chân, nhưng vẫn gắng hết sức mình lo cho các con. Bà Sâm rưng rưng nước mắt: “Điều mà thằng Xiêng lo nghĩ làm tôi sợ. Sợ bất chợt một ngày nào đó, chúng nó phải xa mẹ suốt đời. Ba đứa mù sẽ biết sống ra sao đây. Ai thay mẹ lo cho chúng đầy đủ từng bát cơm, chén thuốc… Tôi đau lòng, xót thương… cho tương lai của những đứa con tật nguyền...”.

 

NGUYÊN LƯU

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek