Thứ Sáu, 10/01/2025 14:18 CH
Chuyện những người lính trở về:
Bài 1: Bước ra từ chiến tranh
Thứ Sáu, 23/02/2018 13:00 CH

Sau những năm tháng gian khổ, ác liệt trên các chiến trường, những thương binh trở về cuộc sống đời thường với nhiều thương tật trên người. Bằng sự nhạy bén và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, họ đã cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

 

Cách TP Tuy Hòa hơn 40km về hướng tây bắc, giữa những cánh rừng keo nối dài, con đường bê tông rộng thênh đưa chúng tôi đến nhà cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Xuân Huynh ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa). Ở tuổi 69, ông vẫn toát lên khí chất mạnh mẽ, kiên cường của một người lính. Người thương binh với thương tật 29% vẫn còn nhớ rất rõ những câu chuyện về một thời khói lửa hào hùng của dân tộc. Tất cả đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên đối với ông.

 

Ông Nguyễn Hoàng Lý đang giới thiệu về sản phẩm mỹ nghệ của mình - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Ký ức chiến tranh

 

Năm 1966, khi mới 17 tuổi, cùng nhiều thanh niên khác, ông Nguyễn Xuân Huynh xung phong đi bộ đội. Sau thời gian huấn luyện, ông được điều động sang chiến trường C (nước Lào). Suốt 8 năm chiến đấu, công tác trên đất bạn, ông đã rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trên chiến trường đạn bom khói lửa, cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào. Hơn 43 năm qua, ông Nguyễn Xuân Huynh vẫn bàng hoàng khi nhớ về những năm tháng chiến tranh ác liệt. “Năm 1970, khi đang làm nhiệm vụ, đơn vị bất ngờ bị pháo địch tấn công. Tôi bị nhiều mảnh pháo găm vào người, nặng nhất là cánh tay phải. Dù đã được điều trị nhưng mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại đau nhức”, ông Huynh kể.

 

Từng xông pha lửa đạn trong chiến tranh, ông Nguyễn Hoàng Lý (SN 1949, ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) hồi tưởng: “Tháng 10/1969, trong một trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù, tôi bị thương nặng, được đơn vị chuyển ra miền Bắc điều trị và an dưỡng. Ngày qua ngày, không còn có thể cầm súng xung trận, tôi mang trong mình cảm giác như một phế nhân. Năm 1970, tôi may mắn được cử đi học trung cấp thống kê ở Bắc Ninh. Đây chính là bước ngoặt lớn, cuộc đời tôi bắt đầu được thắp lên niềm tin khi tôi gặp người vợ hiện tại của mình, lúc đó học chung trường ở Bắc Ninh như một duyên nợ”.

 

Sau khi hoàn thành khóa học, ông trở về công tác tại Cục Thống kê tỉnh Phú Khánh. Sau đó, ông chuyển công tác về Phòng Thống kê huyện Tuy Hòa. Năm 1977, ông giữ chức vụ Phó Phòng Thống kê huyện Xuân An. Năm 1978, sau khi Xuân An tách ra thành hai huyện Đồng Xuân và Tuy An, ông lần lượt giữ chức vụ Trưởng Phòng Thống kê huyện Đồng Xuân, Trưởng Phòng Thống kê huyện Tuy An (1983) rồi Chánh Văn phòng UBND huyện Tuy An (1987). Năm 1994, ông nghỉ hưu.

 

Nghỉ hưu, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Huynh và Nguyễn Hoàng Lý tiếp tục góp sức mình trên “mặt trận” kinh tế của gia đình, những thành quả của hai ông làm nhiều người nể phục.

 

Ý chí thép giữa đời thường

 

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ của thương binh Nguyễn Hoàng Lý ở khu phố Long Bình, thị trấn Chí Thạnh. Những mảnh gỗ lớn nhỏ, chiếc vỏ sò, vỏ ốc... được phân ra thành từng loại đâu vào đấy, chờ tay người thợ gia công. Thấy tôi tỏ vẻ thích thú với những vật liệu để làm nên các sản phẩm mỹ nghệ, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, cán bộ LĐ-TB-XH thị trấn Chí Thạnh, cho biết: “Cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ của ông Nguyễn Hoàng Lý thành lập cách đây hơn 10 năm. Xưởng sản xuất này đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động địa phương, thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng”.

 

Ông Nguyễn Xuân Huynh chăm sóc cây chè hàng ngày - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Không chỉ dành nhiều tâm huyết sản xuất kinh doanh hàng mỹ nghệ, ông Lý còn tích cực trồng rừng theo mô hình công - lâm kết hợp để phát triển kinh tế gia đình, được nhiều hội viên và người dân địa phương học hỏi. Với thành tích trong phát triển kinh tế, ông Lý đã nhận được nhiều giấy khen của địa phương.

 

Ông Lý kể, trước kia cuộc sống gia đình của ông gặp khó khăn. Sau nhiều năm trăn trở, ông quyết định phát triển kinh tế gia đình theo hướng công - lâm kết hợp. Năm 1998, gia đình ông làm đơn xin nhận khoán đất rừng, được UBND huyện Tuy An chấp thuận và cấp sổ đỏ 15ha. Từ đó, gia đình ông đầu tư vốn khai hoang đất và trồng 4.000 cây xà cừ, bạch đàn và keo lai. Đến năm 2008, ông thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh hàng mỹ nghệ từ vỏ ốc, nay phát triển thêm hàng điêu khắc. Ngoài trồng rừng và sản xuất kinh doanh hàng mỹ nghệ, gia đình ông mở thêm các dịch vụ khác để lấy ngắn nuôi dài.

 

Ông Lý thổ lộ: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu gia công, kết tinh mía đường. Ban đầu, công việc này mang lại thu nhập khá nhưng từ khi đường ngoại nhập chiếm lĩnh thị trường, người dân không còn mặn mà với mía đường trong nước. Vì vậy, khi thấy nhiều nơi mở xưởng ốc mỹ nghệ có thu nhập ổn định lại có thể tạo việc làm cho người dân địa phương nên tôi quyết định đầu tư. Tận dụng hơn 2.000m2 đất của gia đình, tôi mua máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng”. Với công việc này, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Lý thu lãi khoảng 160 triệu đồng mỗi năm; cộng thêm thu nhập từ trồng rừng, dịch vụ khác thì lãi hơn 200 triệu đồng.

 

Nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch, từ năm 2015-2016, cơ sở của ông Lý tăng cường đưa sản phẩm mỹ nghệ của xưởng tiếp cận với các khu du lịch, khách sạn để quảng bá sản phẩm. Đầu năm 2015, ông thuê đất mở cửa hàng đồ lưu niệm tại khu vực gành Đá Đĩa. Ngoài ra, tại các hội chợ thương mại do tỉnh hoặc các tỉnh, thành phố khác tổ chức như Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận... và các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, ông đều tham gia và đạt được hiệu quả.

 

Cũng là tấm gương về khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Xuân Huynh lại nặng lòng với cây chè. Sau một hồi trò chuyện, ông nhiệt tình đưa chúng tôi thăm vườn chè của gia đình. Chúng tôi cảm thấy rất dễ chịu khi tận hưởng bầu không khí trong lành, mát rượi giữa vườn chè xanh ngắt.

 

Ông Huynh vẫn nhớ như in, năm 1987, từ Nam Định, ông “đùm túm” vợ con đến vùng đất Sơn Hòa xây dựng cuộc sống mới. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, hai vợ chồng xin vào làm công nhân tại Nông trường cà phê Vân Hòa. Nhờ sự nhiệt tình, lại có trách nhiệm trong công việc, ông được mọi người trong nông trường tín nhiệm và quý mến.

 

“Buổi đầu lập nghiệp trên vùng đất mới với muôn vàn khó khăn. Công việc vất vả, đồng lương ít ỏi, rất nhiều người đến rồi lại ra đi. Nhưng trước khi đặt chân lên vùng đất này, tôi đã chuẩn bị cho mình tâm lý vững vàng. Vì thế, vợ chồng tôi luôn cố gắng, chắt chiu “tích tiểu thành đại”, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn”, ông xúc động kể.

 

Ban đầu, ông Huynh nhận khoán gần 3ha cà phê của Nông trường Vân Hòa để chăm sóc. Nhưng vì cà phê mất giá nên gia đình ông và nhiều người khác phải phá bỏ cà phê, chuyển sang trồng các loại cây khác như mía, sắn, cao su hoặc keo... Sau nhiều lần trăn trở, ông nhận thấy vùng đất cao nguyên khí hậu ôn hòa, mát mẻ rất thích hợp cho cây chè phát triển. Ông thấy đây là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất cao, lại phù hợp với khả năng của mình nên quyết định chuyển đổi sang loại cây trồng này.

 

Năm 2007, ông đầu tư trồng chè trên hơn 2.500m2 đất vườn sau nhà. Vườn chè của ông ngày càng phát triển tươi tốt và cho năng suất ổn định. Là người ham học hỏi nên ông nắm được kỹ thuật trồng chè, biết cách điều chỉnh tỉ lệ dinh dưỡng, cắt tỉa cành nhánh để cây cho năng suất cao mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng cây mẹ. Nhờ được áp dụng kỹ thuật canh tác tốt, vườn chè của ông cho năng suất khoảng 7 tấn/năm. Với giá bán tại vườn 10.000 đồng/kg, ông thu lãi trên 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn đầu tư trồng hơn 5ha keo. Khi được hỏi cơ duyên nào đưa ông gắn bó với cây chè, ông Huynh cười: “Vì tôi nghĩ phải làm thứ gì đó chưa ai làm mới có thể thành công được”.

 

Cùng đi với chúng tôi đến thăm vườn chè ông Huynh có chị Đinh Thị Thu Diễm, cán bộ LĐ-TB-XH xã Sơn Long. Chị Diễm tâm sự: “Ông Huynh là người cần mẫn làm việc. Hễ ai muốn trồng chè xanh, tìm đến là ông không ngần ngại hướng dẫn tận tình về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè để đạt hiệu quả”.

 

Rời cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ của ông Lý, vườn chè của ông Huynh, chúng tôi khâm phục trước ý chí vượt lên thương tật, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và trở thành tấm gương sáng về phát triển kinh tế gia đình.

 

Bài cuối: Viết tiếp tương lai cho thế hệ trẻ

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek