Thứ Sáu, 10/01/2025 14:20 CH
Chuyện những người lính trở về:
Bài cuối: Viết tiếp tương lai cho thế hệ trẻ
Thứ Bảy, 24/02/2018 18:00 CH

Tr v đời thường sau nhng năm tháng tham gia kháng chiến, ngoài nhng tm gương cu chiến binh (CCB), thương binh tham gia phong trào phát trin kinh tế, không ít thương binh, CCB còn là nim t hào ca lp lp thế h tr mai sau.

 

Ông Trần Văn Tốt vẫn hàng ngày chăm sóc cô em gái bị teo cơ bẩm sinh - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Sự hy sinh thầm lặng

 

Sau những ngày mưa dầm dề, trời bắt đầu hửng nắng, chúng tôi tranh thủ tìm về thôn Thế Hiên, xã An Nghiệp (huyện Tuy An). Như đã hẹn từ trước, tôi và người bạn đồng hành được ông Nguyễn Ngọc Chính, cán bộ LĐ-TB-XH xã An Nghiệp giới thiệu về tấm gương gia đình thương binh Trần Văn Tốt (66 tuổi). Đi qua những thửa ruộng lúa xuân thì, chúng tôi đến nhà ông Tốt. Từ trong nhà, ông Tốt chậm rãi bước ra trên đôi nạng cũ, nở nụ cười hiền hậu với khách. Trong căn nhà cấp bốn đã ngả màu, cũng không bày biện nhiều đồ đạc, ông Tốt nhấp ngụm trà, chậm rãi kể câu chuyện về thời chiến và những tháng ngày vượt đau đớn do vết thương để nuôi các con ăn học…

 

Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Tốt tham gia đội du kích xã An Nghiệp. Một năm sau, ông được điều động lên Huyện đội Tuy An, trực tiếp tham gia chiến đấu. Sau giải phóng, ông tham gia đội phá mìn còn sót lại trên địa bàn toàn huyện. Trong một lần đi kiểm tra, ông không may bị thương và mất một chân. Sau đó, ông được chuyển vào Bệnh viện 108 của Tỉnh đội Phú Yên để điều trị và an dưỡng. Đến cuối năm 1976, ông phục viên trở về quê hương.

 

Dẫu chiến tranh ác liệt lấy mất đi một chân của ông nhưng với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, mặc cho những tổn thương về thể xác, ông vẫn tích cực tăng gia sản xuất và được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nghiệp. Sau năm 1979, ông giữ chức Trưởng Ban kiểm soát HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp. Năm 1984, ông Tốt đã nên duyên vợ chồng với cô du kích xinh xắn. Năm người con lần lượt ra đời trong niềm vui khôn xiết của gia đình ông. Tuy nhiên, mỗi ngày con cái mỗi lớn, gánh nặng kinh tế dồn hết lên vai ông.

 

Ngoài hơn 3.000m2 đất trồng lúa, gia đình ông còn trồng thêm mía cộng với tiền trợ cấp thương tật của ông nhưng thu nhập vẫn rất ít ỏi. Trong khi đó, ông vừa phải chăm sóc mẹ già thường xuyên ốm đau và đứa em gái bị teo cơ bẩm sinh, vừa lao động chính nuôi các con ăn học. Từ ngày mẹ mất, ông càng thương đứa em gái kém may mắn của mình. Từng “miếng cơm, bát nước”, ông đều tận tay chăm sóc. Những khi “trái gió trở trời”, ông ân cần, chu đáo xoa bóp cho em gái. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, sức khỏe hạn chế nhưng bằng sự nỗ lực của mình, ông Tốt cùng vợ đã nuôi dạy các con học hành đỗ đạt. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình, không phụ lòng cha mẹ, các con ông luôn nỗ lực phấn đấu học giỏi.

 

“Vẫn biết hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ cho con nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đến bây giờ, nhìn lại chặng đường đã đi qua, tôi cảm thấy hạnh phúc khi thấy các con khôn lớn và trưởng thành. Đây cũng là niềm động viên lớn nhất để tôi tiếp tục vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống”, ông Tốt bộc bạch.

 

Cũng từng tham gia nghĩa vụ quân sự, CCB Đào Văn Ngọc (59 tuổi, ở thôn Định Phong, xã An Nghiệp, huyện Tuy An) đã chọn quê hương mình là nơi khởi nghiệp sau khi xuất ngũ.

 

Ông Đào Văn Ngọc tất bật với công việc nuôi vịt trời của mình - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Ở tuổi 18, ông Ngọc tình nguyện nhập ngũ, sau 3 tháng rèn luyện, ông nhận nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Trải qua nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1983, ông Đào Văn Ngọc được phục viên và trở về quê hương. Một năm sau, ông kết hôn với người bạn đời mà ông đã có duyên nhiều lần gặp gỡ.

 

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng nhờ dám nghĩ dám làm, ông Đào Văn Ngọc không chỉ thoát nghèo đã có của ăn của để. Những năm đầu lập nghiệp, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng mía trên diện tích khoảng 5.000m2. Giá mía bấp bênh khiến nguồn thu nhập chính của cả nhà không ổn định nên ông quyết định đi chăn vịt thuê, kiếm thêm tiền nuôi các con ăn học. Là người trải qua tuổi thơ cơ cực nên ông thấm thía được nỗi vất vả của người làm nông. “Từng lâm vào cảnh đói khát, cực khổ nên tôi chỉ mong sao con mình có thể học hành tử tế”, ông trải lòng.

 

Nuôi chí làm ăn, ông quyết tâm khai khẩn đất hoang làm trại nuôi vịt. Hiện tại, với tổng diện tích hơn 15.000m2, ông đầu tư nuôi hơn 5.000 con vịt thương phẩm. Vịt từ 2,5-3kg có giá bán 80.000 đồng/con trừ chi phí, ông thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, ông còn nuôi bò sinh sản. Hiện tại, ông sở hữu khoảng 10 con bò lớn nhỏ.

 

Mặc dù tất bật với công việc chuồng trại nhưng ông luôn nhắc nhở các con cố gắng học tập. Thương cha mẹ vất vả, các con của ông Ngọc không ngừng nỗ lực, bảo ban nhau, ai nấy đều có tinh thần tự giác học tập. Gia đình ông Ngọc trở thành gia đình CCB tiêu biểu của thôn, xã trong việc vượt khó thắng nghèo, nuôi các con học giỏi.

 

Tấm gương của một cựu chiến binh

 

Tìm đến khu phố 5 (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa), hỏi về CCB Nguyễn Văn Uyển, mọi người biết ngay đó là một cựu binh già vẫn hàng ngày tích cực tham gia công tác xã hội, vận động người thân trong gia đình và bà con trong khu dân cư chấp hành tốt chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia sinh hoạt, hội họp đoàn thể... lan tỏa truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ mai sau.

 

Ông Nguyễn Văn Uyển vui vẻ bên con cháu lúc tuổi già - Ảnh: THIÊN LÝ

 

Sinh năm 1951 trên mảnh đất Bắc Giang giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng, lớn lên trong bối cảnh đất nước “khói lửa đạn bom”, năm 1969, chàng thanh niên Nguyễn Văn Uyển đã tự nguyện lên đường chiến đấu. Đơn vị Nguyễn Văn Uyển phục vụ là Tiểu đoàn 480 của Tỉnh đội Khánh Hòa. Nhớ lại ký ức chiến tranh, ông tuôn trào mạch cảm xúc: “Làm anh lính trinh sát không biết lúc nào phải hy sinh”. Ông kể, vào tháng 3/1972, chuẩn bị giải phóng quận lỵ Ninh Hòa trong chiến dịch Xuân - Hè 1972 (hay còn gọi là Mùa hè đỏ lửa), tiểu đoàn được giao nhiệm vụ thám thính trước tình hình đúng lúc mùa trăng lên. “Địa hình vừa biển vừa núi kết hợp phức tạp, gây nhiều khó khăn cho đoàn trinh sát. Nước ngập qua bụng, ai cũng cố gắng di chuyển một cách nhẹ nhàng nhất tránh “bứt dây động rừng”. Lúc tôi và đồng đội ngửi thấy mùi thuốc lá của quân địch cũng là lúc địch phát hiện ra quân ta. Giữa thời khắc một mất một còn, quân ta nhanh chóng rút lựu đạn và chạy thẳng một mạch về hậu cứ chỉ trong vòng 30 phút thay vì 2 giờ đồng hồ đi bộ”, ông Uyển kể lại.

 

Sau chiến dịch đó, ông chuyển công tác ở nhiều đơn vị khác nhau. Đến tháng 5/1992, ông về hưu. Về với cuộc sống đời thường, người lính Cụ Hồ năm xưa lại tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Trải qua nhiều vị trí công tác từ Chi hội trưởng Chi hội CCB khu phố 5, Bí thư Chi bộ khu phố 5, Phó Chủ tịch Hội CCB phường Phú Lâm và sau gần 9 năm tham gia vào tổ chức Hội CCB với vai trò là Chủ tịch Hội, ông đã mang hết tâm huyết và lòng nhiệt tình của mình cùng với hội viên và người dân góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Những ngày còn làm công tác Hội, bằng lòng nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, ông cần mẫn đến từng cơ sở Hội và đến với anh em, đồng chí đồng đội để nắm bắt tình hình và vận động hội viên. Là người “cầm cân nảy mực” của Hội, ông luôn cố gắng tạo điều kiện cho các hội viên vay vốn, giải quyết khó khăn và tạo công ăn việc làm cho các hội viên. Ngoài ra, ông còn tích cực vận động hội viên và nhân dân quan tâm giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, ông đã kêu gọi, vận động toàn thể hội viên, anh em trong Hội đóng góp ủng hộ hơn 2 triệu đồng và 4 ngày công sửa chữa nhà ở, chia sẻ phần nào khó khăn với anh Nguyễn Văn Đông có vợ mắc bệnh hiểm nghèo; hơn 2 triệu đồng và 30 người để xây dựng, xóa nhà ở tạm cho ông Châu Minh Xìn.

 

Giọng nói nhỏ nhẹ, chậm rãi, ông Uyển trăn trở: “Diện tích đất canh tác của mỗi hộ không nhiều nên khó có thể phát triển các mô hình kinh tế có quy mô lớn. Đây là một trong những yếu tố gây bất lợi cho hội viên. Tuy nhiên, để tăng thu nhập cho các gia đình, cải thiện kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng đời sống, Hội CCB luôn tích cực huy động các nguồn hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con hội viên buôn bán, kinh doanh...”.

 

Chị Trần Hoa Đào, cán bộ LĐ-TB-XH phường Phú Đông cho biết: “Từ những việc làm cụ thể, thiết thực hướng về hội viên trong những năm qua, ông Uyển đã giúp hoạt động của Hội ngày càng đi vào chiều sâu, thu hút nhiều cán bộ, hội viên tham gia, gắn bó với công tác Hội; hộ gia đình hội viên có mức sống khá trở lên, không còn hộ nghèo, cận nghèo, không còn nhà ở tạm, không có hội viên và gia đình vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự an toàn giao thông”.

 

Giữa năm 2017, ông Uyển chính thức về hưu. Tuy không còn bận rộn với công việc của Hội nhưng ông vẫn là người có uy tín trong khu dân cư. Ông vẫn thường xuyên vận động bà con, hội viên trong khu phố tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân. Giờ đây, mái tóc đã pha sương, đôi mắt không còn tỏ như trước, ông lui về làm hậu phương vững chắc cho con cháu. Hàng ngày, ông lấy việc đưa đón cháu đi học, tập cho cháu biết mặt từng con chữ... làm niềm vui tuổi già.

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 1: Bước ra từ chiến tranh
Thứ Sáu, 23/02/2018 13:00 CH
Miền đất nhớ
Thứ Tư, 21/02/2018 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek