Thứ Năm, 17/10/2024 18:24 CH
Miền đất nhớ
Thứ Tư, 21/02/2018 13:00 CH

Cổng làng thôn Tân Long (Đồng Nghệ xưa) - Ảnh: MẠNH MINH TÂM

Từ lâu, câu thành ngữ: “Nhất gái La hai, nhì trai Đồng Cọ” như đã ăn sâu vào tâm tưởng với những ai là con dân ở đất Đồng Xuân. Nhưng khi đi sâu tìm hiểu và nhận diện ai là “nhất gái”, ai là “nhì trai”, tôi vẫn cứ lúng túng mặc dù đã có hơn 15 năm làm công tác văn hóa ở vùng đất này.

 

Nhất gái La Hai…

 

Từ xa xưa, vùng đất La Hai là trung tâm của huyện lỵ Đồng Xuân, nơi một thời được mệnh danh là “thủ phủ” trên con đường thiên lý vào Nam ra Bắc ở Phú Yên. Có lẽ vậy nên La Hai được nhiều người biết đến và yêu mến, tất nhiên trong đó có cả “nhất gái”. Gái đẹp thì ở đâu cũng có, nhưng gái đẹp của La Hai thì có nhiều cách lý giải và chứng minh. Theo các cụ cao niên tuổi đã trên dưới chín mươi, thì nét đẹp của gái La Hai rất giản dị và dễ nhận ra: đó là những cô gái có làn da trắng mịn, tóc dài, má đỏ hây hây, mắt tròn đen láy… Cái đẹp mà hễ bất cứ chàng trai nào chỉ gặp thoảng qua đã thấy xao xuyến, quyến luyến, tim loạn nhịp, mắt thẫn thờ, chân không muốn rời xa…

 

Cái đẹp mê mẩn, hút hồn đó không phải thi thoảng mới thấy, lâu lâu mới gặp mà giống như “ra ngõ gặp gái đẹp”. Ai một lần đến đây, xin cứ dạo bộ một vòng: Từ xóm Ga qua Long Bình, lội lên bầu Long Thăng, băng qua sông Bến Đá, ngược tới thôn Long Hà, rẽ về chợ Đồng Dài… sẽ thấy đâu đâu cũng toàn gái đẹp. Cho nên, nhắc đến La Hai, điều đầu tiên người ta nhớ tới là vùng đất có nhiều cô gái đẹp. Cụ Kiệm ở Long Châu, thị trấn La Hai, chín lăm tuổi, nói như xác nhận: “Thời trẻ mình sống ở nhiều nơi, qua nhiều vùng miền nhưng chưa thấy nơi nào có nhiều phụ nữ nhan sắc mặn mòi, hút hồn như ở quê mình”. Theo cụ, “nhất gái La Hai” là cách gọi ước lệ, tượng trưng, nhưng không bó hẹp ở đây mà nó còn lan sang các xã lân cận như Xuân Phước, Xuân Quang, Xuân Sơn… của huyện Đồng Xuân.

 

Cái nhất kế tiếp của gái La Hai là cái nết, mà có lẽ chỉ những chàng trai tinh tường khi tiếp xúc mới thấy. Trong chuyến công tác sưu tầm thơ ca dân gian huyện Đồng Xuân, tôi gặp cụ bà Mạnh Thị Phận ở thị trấn La Hai, bà kể: Thời trẻ, tui cũng được xếp vào hàng “nhất gái La Hai”, giờ đã trên 80 tuổi, ngồi nghiệm lại, cái nhất của gái xứ này, đẹp đã đành nhưng cái tiềm ẩn là khi đã thương ai là thương hết lòng, yêu mãnh liệt, chan chứa và mặn nồng. Đặc biệt, gái La Hai không chỉ đẹp mà còn rất mê ca hát. Thời Việt Minh, ông Bầu Năm từ đất Bình Định lặn lội vào đây lập nên Đoàn tuồng Bậu Năm, đào kép thanh sắc vẹn toàn đều là người La Hai. NSND Đàm Liên, nghe đâu là cháu ông ấy, nhưng sinh ra ở đất này và được đào luyện thành tài cũng từ gánh tuồng của ông.

 

Như đã nói, gái La Hai khi đã thương yêu ai thì họ sẵn sàng chịu mang cái tiếng “theo trai” khó mà rứt ra, đố ai cấm cản được. Để chứng minh cho điều mình nói, bà Phận đọc mấy câu thơ dân gian:

 

Tiếng đồn con gái La Hai

Mười sáu, mười bảy thấy trai chàng ràng

Đêm về, gánh hát Lạc Bang

Đến La Hai hát, nhiều màn rất hay

Làm cho các cổ (cô) mê say

Vấn vương, tơ tưởng đêm ngày lao lư

Cô Ngào, cô Diệu, cô Dư

Mê anh kép hát, thẫn thừ nhớ mong…

 

Bài thơ lục bát còn dài và kể lể chuyện một trong ba cô bỏ trốn lên tàu lửa theo anh kép hát, rồi bị cha mẹ cho người đón đường bắt lại và bị cha mẹ la mắng, hàng xóm chê cười, cho rằng là con bất hiếu và gái điếm đàng…

 

Không biết có phải vì vậy mà cụ Nguyễn Đình Tư, tác giả cuốn “Non nước Phú Yên” xuất bản năm 1964, trong mục “Nhân vật” đã có đoạn viết “…Nhưng ở đâu cũng có kẻ tốt người xấu, kẻ hay người dở. Bên cạnh những cô gái thùy mị, nết na ấy, cũng có những nơi các cô gái lãng mạn, lẳng lơ khiến người ta phải than rằng:

 

Nhất gái La Hai

Nhì trai Đồng Nghệ.

 

Không biết, trước thập niên 60, ông Nguyễn Đình Tư với nghề địa chánh, đã có thời gian tìm hiểu kỹ về gái La Hai chưa? Nhưng theo tui, mấy dòng nhận xét trên để hiểu và nhận diện về Nhất gái La Hai” (lãng mạn, lẳng lơ) là hời hợt, thiếu thực tế và thiếu cân nhắc. Nếu gái La Hai chỉ có vậy thì không thể được dân gian tôn vinh là "nhất".

 

Gái La Hai còn một điểm nữa để hội tụ cái “nhất” đó là sự mạnh mẽ trong tính cách. Nói nôm na theo cách của dân xứ “Nẫu”, khi cần họ cũng “hung dữ”, “tinh quái” và sẵn sàng “đốp chát”, chứ không dễ bị bắt nạt, phỉnh phờ. Người già kể rằng, tiếng đồn xứ La Hai gái đẹp lan xuống tận Sông Cầu, vô Tuy Hòa, thậm chí còn tới tận Bình Định, Quy Nhơn. Thời trước 1945, hai tỉnh giao thương thuận lợi và cùng là dân xứ “Nẫu”, thân tình tới mức châm chọc nhau mà không sợ giận: “Phú Yên ăn cá bỏ đầu/ Bình Định lượm mót xỏ xâu đem dìa”, đất Phú Yên nhờ cánh đồng lúa Tuy Hòa, đời sống sung túc hơn, nên trai ngoài ấy thường vào Phú Yên làm ăn và kiếm vợ. Trong số những chàng trai Bình Định vào La Hai, một số chỉ muốn chơi bời rồi “quất ngựa truy phong” chứ không thật lòng. Chuyện rằng, biết được ý đồ của những chàng trai đó, các cô gái La Hai đã lập mưu, giả vờ hẹn hò và đưa chàng vào đám mía để tâm sự. Khi lừa được chàng trai vào sâu trong vườn mía bạt ngàn, nhiều cô đã núp sẵn, xúm vô lột quần áo, bắt trói anh chàng nằm cả đêm giữa ruộng mía. Từ đó mới có câu “Có ngon bắt cọp trong hang/ Chớ có làm tàng chọc gái La Hai”. Cũng từ đó, không chỉ trai ở phương xa mà cả trai làng cũng phải dè chừng, sợ dính bẫy tình của các cô gái La Hai.

 

Thiếu nữ La Hai, Đồng Xuân - Ảnh: MẠNH MINH TÂM

 

Nhì trai Đồng Cọ hay Đồng Nghệ?

 

Đồng Cọ là một vùng trũng ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, một thời đường sá đi lại lầy lội quanh năm. Để diễn tả nỗi khổ của người dân vùng này vào mùa lũ lụt, người ta đã gọi đây là xứ sở: “Quần dài tám chục, quần đùi trăm hai”. Vì lẽ đó mà trai Đồng Cọ rất cứng cỏi, mạnh khỏe và cả chịu đựng gian khó, nên… có thể sánh với gái La Hai chăng?

 

Song khi xét chi tiết, nếu chỉ có thế thì không đủ thuyết phục. Ngẫu hứng, người ta cũng có thể gán gái La Hai với trai Kỳ Lộ hoặc trai Xuân Thọ? Trai vùng núi, vùng biển cũng rắn rỏi, mạnh mẽ và chịu nhiều gian khó không thua kém gì trai Đồng Cọ. Hơn nữa đây là vùng lân cận, trai gái có sự giao lưu nên dễ so sánh, đối chiếu. Còn Đồng Cọ, vào thập niên 30, liệu có mấy người La Hai biết đến? Hơn nữa, gái đẹp không ai dại gì để ý tới những chàng trai ở vùng đất xa xôi, hẻo lánh mà phương tiện đi lại chỉ bằng ngựa thồ và lội bộ. Vế “Nhất gái La Hai”, chắc chắn phải do người La Hai nghĩ ra, hay ít ra cũng là người ở huyện Đồng Xuân, nên họ phải tìm đối tượng tương xứng để đối ứng thì mới phải lẽ.

 

Vậy nên, câu “Nhất gái La Hai/ nhì trai Đồng Nghệ” được ông Nguyễn Đình Tư xác định và cẩn thận ghi chép trong “Non nước Phú Yên”, theo tôi là chính xác và đáng tin cậy nhất (trang 133, Nhì trai Đồng Nghệ (1). Chú thích: Thuộc xã Xuân Sơn, quận Đồng Xuân).

 

Thật may mắn, khi tìm về thôn Tân Long, xã Xuân Sơn Nam, chúng tôi đã gặp được ông Lâm Ngọc Anh, sinh năm 1920. Ông đang sống trên vùng đất một thời người ta quen gọi là Đồng Nghệ. Ông là một trong những người cao niên nhất của đất Đồng Xuân. Hiện ông đang sống với người con trai là giáo viên, sức khỏe ông tuy hay đau yếu nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn. Ông cười hóm hỉnh: “Không hiểu sao mà tui còn sống tới tận bây giờ?”. Hồi còn trẻ ông sống ở chùa, học Tam tự kinh nên thông thạo chữ Nho, biết coi tướng số, địa cuộc nhà ở nên được dân làng tôn vào hàng “hay chữ”. Ông không uống rượu bia, chỉ hút thuốc, cách nay vài năm, ngày đêm hút tới 2 gói, nay giảm lại còn 1 gói; không uống nước trà, chỉ uống nước giếng, đổ vào chum sành có nắp đậy, quanh năm chỉ tắm nước giếng, không cần đun nấu kể cả trời lạnh.

 

Khi nghe nhắc tới trai Đồng Nghệ, ông ôn tồn giảng giải: “Đồng Nghệ là khu đất trù phú từ Tân Long đến đầu Bầu Vườn, ven mép sông cái Kỳ Lộ đổ về Ngân Sơn. Đất soi gần sông, hàng năm vào mùa lũ được phù sa bồi đắp nên đất xốp, màu mỡ, rất hạp với cây nghệ, nên dân chúng trồng nghệ thành vùng chuyên canh. Chính vì vậy mà từ trước 1954 người ta đã gọi đây là xóm Đồng Nghệ chứ không gọi Tân Long như bây giờ”. Ông bảo, câu “Nhất gái La Hai, nhì trai Đồng Nghệ” đã nghe từ hồi mới 12-13 tuổi. “Nhất gái La Hai” thì ai cũng hiểu đây là vùng có nhiều gái đẹp, còn nhất gì nữa thì ông không tường tận. Nhưng “nhì trai Đồng Nghệ” thì ông biết rất rõ.

 

Hồi xưa, Đồng Nghệ gần sông, có một bến thuyền, là nơi giao thương nhộn nhịp, sầm uất có tiếng ở vùng này. Hàng hóa từ dưới xuôi được đưa lên đây bằng thuyền, rồi vận chuyển tiếp bằng đường bộ rải về các vùng miền núi, tới tận Tây Nguyên. Nhiều người nhờ buôn bán, tích tụ ruộng đất mà trở thành địa chủ, phú nông. Trong làng, nhà Chánh tổng họ Đỗ (không biết tên, vì cụ Chánh mất lúc ông còn nhỏ) sinh ra được người con trai, đặt tên Đỗ Thừng. Nhà có của nên khi Đỗ Thừng lớn lên, cụ Chánh cho đi học võ. Năm Đỗ Thừng tuổi chừng mười chín đôi mươi đã nức tiếng khắp vùng vì võ nghệ cao cường, chỉ cần một cú phi thân là có thể bay từ nóc nhà này sang nóc nhà khác, còn khi ông chạy chỉ có ngựa bạch phi nước đại mới mong đuổi kịp... Và nếu chỉ có vậy thì Đỗ Thừng có thể là người hùng của xứ này rồi. Rất tiếc, Đỗ Thừng ỷ mình là con nhà giàu, quan quyền nên sa vào ăn chơi trác táng. Đêm thường tổ chức đi ăn cướp, ngày gái gú, cờ bạc, tụ tập trai tráng tập luyện võ nghệ và trở thành “bộ hạ” trong nhiều vụ cướp của nhà giàu về ăn chơi và bố thí cho dân nghèo. Đỗ Thừng đã đi quá đà, không chỉ ở đất Đồng Xuân mà còn lan qua các phủ Tuy An, Sông Cầu, Tuy Hòa… Đầu những năm 30, băng cướp Đỗ Thừng đã hoành hành, làm cho giới địa chủ, phú nông nghe tiếng trai Đồng Nghệ là ớn lạnh, sởn tóc gáy. Người ta đồn, trai Đồng Nghệ thời ấy, đi làm thuê làm mướn ở đâu, chỉ ngủ bờ ở bụi vì không ai dám chứa.

 

Trước tình hình nhiễu loạn đó, chính quyền thời Pháp ở Đồng Xuân đã phát lệnh truy bắt tướng cướp Đỗ Thừng. Bị chính quyền ráo riết truy đuổi, buộc Đỗ Thừng phải lên núi ẩn dật, trú ở Bầu Năng, xã Xuân Sơn Nam - nơi tiếp giáp với xã Sơn Long, Sơn Định huyện Sơn Hòa ngày nay. Ông cất một ngôi nhà bằng đá để ẩn mình, nhưng vẫn là thủ lĩnh của trai Đồng Nghệ và của những vụ cướp đêm. Chỉ tới khi Đỗ Thừng lâm bệnh phong tình (giang mai), ông mới lần mò xuống núi, lén lút về nhà chữa bệnh. Chính quyền đã mai phục và bắn chết khi ông nằm trên trổ máng nhà của cha mẹ mình ở Đồng Nghệ, Tân Long ngày nay.

 

Kể đến đây, cụ Lâm Ngọc Anh thở dài, nói: “Nhì trai Đồng Nghệ” là thế đó, dẫu không tốt lành gì nhưng dù sao cũng vang bóng một thời. Ông nhớ, khi phát súng kết liễu Đỗ Thừng, ông mới 12-13 tuổi, vì gần nhà nên đã chứng kiến kết cục bi thảm của “người hùng” dân dã. Và ông đưa chúng tôi tới phần mộ, nơi chôn chặt huyền thoại lừng danh về tướng cướp Đỗ Thừng, người một thời đã gây nên thanh thế “Nhì trai Đồng nghệ”.

 

MẠNH MINH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek