Thứ Năm, 03/10/2024 11:28 SA
Đi mua thú rừng
Thứ Ba, 25/12/2007 10:00 SA

Heo rừng, nai, nhím, hón, cheo được bán công khai ở các huyện miền núi. Việc săn bắt, mua bán, vận chuyển thú rừng diễn ra thường xuyên nhưng dường như các ngành chức năng và chính quyền địa phương không hề hay biết!

 

071225-con-hoan.jpg

Con hón này ông Trần Bình K rao bán giá 640 ngàn đồng (Ảnh chụp tại nhà ông Trần Bình K ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa). - Ảnh: H.NAM

 

MUA BÁN, SĂN THÚ RỪNG CÔNG KHAI

 

Vào vai những người mua thú rừng, chúng tôi nhờ một người quen dẫn đến nhà ông Trần Bình K, một đầu mối cung cấp ở xã Sơn Định (Sơn Hòa), hỏi mua một con cheo. Ông K tỏ ra mau mắn: “Có một con cheo 2 kg làm thịt bỏ tủ lạnh, giá 200 ngàn đồng”. Khi tôi bảo muốn  mua hàng sống, lập tức chủ nhà dẫn ra phía sau, chỉ một con hón đang bị nhốt trong chiếc lồng sắt. Đặt lên bàn cân, con hón này nặng 3,2 kg. Ông K dứt giá: “640.000 đồng”. Rồi ông nói thêm: “Muốn mua cheo sống, anh dặn trước tôi mới trữ hàng, vì cheo khó sống lâu. Một đặc điểm của loài cheo là chỉ cần giãy đành đạch, phân trong bao tử trào lên cổ làm nghẹt thở, ít phút sau, con cheo sẽ chết. Hoặc chỉ cần nuôi nhốt 2 ngày, cheo lăn ra chết, vì chúng không ăn, không uống.  Sau khi mua cheo còn sống bắt từ rừng đem về, các đại lý làm thịt bỏ tủ lạnh bán theo giá “hàng nằm” 100.000 đồng/kg, mỗi con cheo nặng 2 kg trở lên. Giá cheo sống gấp đôi: 200.000 đồng/kg. Anh muốn mua thịt cheo, nhím, heo rừng... hàng bỏ tủ lạnh lúc nào cũng có”.

 

Lúc này có 4 người khách vừa đến. Qua cách trò chuyện, dễ dàng nhận biết họ là những người chuyên mua thú rừng ở đây nhiều năm. Họ ngồi râm ran bàn tán. Một người phụ nữ nói: “Hàng sống lên giá vùn vụt. Cách đây nửa tháng, giá hón sống 150.000 đồng/kg, nay tăng lên 200.000 đồng/kg”. “Mì ăn liền tăng giá thì thịt thú rừng cũng tăng thôi”. Người đàn ông ngồi cạnh tôi góp chuyện. Rồi bà V, vợ ông K kể, ông Bảy H ở xóm dưới gài được con nhím 11kg. Ông để con nhím chết đã 2 ngày nên nội tạng có mùi, bán cho lái buôn lạ chỉ được 100.000 đồng. Sau khi bán xong, ông Bảy H mới đến nhà bà hỏi giá và đã không khỏi tiếc rẻ. Bà V tặc lưỡi: “Uổng thiệt, nếu mình mua con đó thì  lời khẳm, vì một cái bao tử nhím giá đã 100.000 đồng”.

 

Không chỉ mua bán nhỏ lẻ, đây còn là đầu mối mua gom với số lượng lớn. Bà V cho biết: “Tuần trước, có một người đến đặt mua 10 con hón. Mấy hôm nay tôi gom chưa đủ”. 

 

Rõ ràng chuyện buôn bán thú rừng không diễn ra lén lút như chúng tôi nghĩ. Không những vậy, chuyện săn bắt thú cũng công khai.

 

Người dân địa phương kể: “Năm ngoái cũng vào mùa này, Hùng C (người ở huyện Đồng Xuân, chuyên buôn bán thú rừng) đóng trại ở Sơn Định mua hai con nai rừng con bỏ trong bao. Khi chở xuống dốc Vườn Táo (thuộc thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định) thì rách bao, hai con nai thoát vào rừng. Sáng hôm sau Hùng C huy động 20 người dân địa phương dắt chó vào rừng lùng sục. Tiếng chó sủa, tiếng người thét không chỉ náo loạn cả khu rừng mà vang đến tận xóm nhà. Chó bắt hơi thú rừng, đuổi; người thì bao vây bốn phía, gậy gộc khua vang. Hai con nai con lạ rừng ngơ ngác, chưa kịp thoát vào rừng sâu, đứng trên sườn núi run lẩy bẩy. Đoàn người áp sát, tóm gọn hai con nai cho vào trong bao tải”. Người dân trong vùng kể lại chuyện này và tỏ ra khá ngạc nhiên vì sự việc diễn ra công khai, nhưng các ngành chức năng không hề hay biết gì!

 

BẪY ĐƯỜNG - THÚ NHỎ, THÚ TO ĐỀU DÍNH

 

Bẫy đường hay bẫy đàng, theo cách gọi của dân săn thú rừng, là loại bẫy mà khi đặt, người săn thú rừng phải dọn đường cho thú đi. Họ sẽ phá một khoảng rừng rộng vài mét nhưng dài có khi tới hàng chục km để dẫn dụ thú rừng.

 

Ở rừng Hòn Đác (địa phận xã Sơn Định) và núi La Căng (giáp ranh xã Sơn Định – Sơn Hòa và Xuân Phước, Đồng Xuân), bẫy đường giăng kín. Nơi đây là rừng rậm, diện tích lớn nên có nhiều thú rừng trú ngụ. Để gài được thú rừng, người dân dùng bẫy đường. Loại bẫy này bắt được từ thú nhỏ như gà rừng, chim luồng đến cả thú lớn như sơn dương, heo rừng, nai, hễ sập bẫy là dính. Làm bẫy đường tốn nhiều công sức. Giữa bạt ngàn rừng rậm, họ phát dọn một lối nhỏ tạo một con đường mòn dài từ 2 đến 10 cây số (tùy theo khu rừng rộng hẹp), một bên đường được rào kín bởi cây rừng vừa phát dọn. Cứ 5-6 mét, người ta chừa một khoảng trống nhỏ. Ở đó đặt một cái bẫy, gọi là bẫy dương. Thú rừng đi ăn gặp rào chắn, buộc phải men theo hàng rào tìm chỗ trống thoát qua, thế là dậm phải bẫy được che lấp bởi lá ủ. Bẫy bật, sợi dây cáp gút chặt chân. Cần bẫy rừng là cây để nguyên gốc, vì thế cho dù bẫy gài lâu ngày thì sức bật của nó vẫn rất tốt. Và khi dính bẫy, thú rừng dù to khỏe cỡ nào cũng không thoát thân được.

 

Diện tích rừng Hòn Đác rộng cả trăm ha, nơi đây có những bẫy đường dài 10 cây số. Những người đi rà phế liệu ở Hòn Đác và La Căng thường bắt gặp xác thú rừng bị thối. Có lúc 2-3 ngày, người đặt bẫy đi thăm bẫy một lần. Có khi 5-6 ngày mới đi thăm. Thú nhỏ dính bẫy chết gục tại chỗ rất nhiều; một phần của rừng ngang nhiên bị tàn phá.

 

CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG NÓI GÌ?  

 

Chúng tôi đã gặp lãnh đạo xã Sơn Định và đề cập đến trách nhiệm của địa phương trong việc thực hiện Chỉ thị 12/2003-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tuyên truyền người dân không săn bắt, vận chuyển và mua bán thú rừng nhằm bảo tồn động vật hoang dã. Ông Nguyễn Văn Bồng, Chủ tịch UBND xã Sơn Định khẳng định: “Ở đây kiểm lâm địa bàn và cán bộ lâm nghiệp xã thường xuyên đi kiểm tra nên không có tình trạng săn bắt, mua bán và vận chuyển thú rừng”. Khi chúng tôi giơ tấm ảnh chụp con hón nhốt trong lồng sắt tại nhà ông K, thì ông Bồng tỏ ra bối rối, thừa nhận: “Họ mua bán lén lút nên chúng tôi không biết”. Xin nói thêm rằng, tiệm tạp hóa kiêm buôn bán thú rừng của ông Trần Bình K gần như sát với tường rào UBND xã Sơn Định. Qua trao đổi với những hộ dân ở đây thì mười người như chục, ai cũng biết rõ ông K buôn bán thú rừng từ lâu. Chỉ có chính quyền địa phương là không hay biết!

 

Sơn Định được xem là “vùng đất  làm ăn” của những người săn bắt, buôn bán thú rừng. Hàng chục năm nay, giới buôn bán thú rừng thường đổ xô về đây mua bán. Từ đây họ vận chuyển thú đi về nhiều hướng, có thể theo Quốc lộ 25 xuống huyện Phú Hòa, theo tuyến ĐT 643 từ Sơn Định đi Hòa Đa (Tuy An), hoặc theo tuyến ĐT 641 và 642 từ Sơn Hòa đi về thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân). Kiểm lâm huyện Đồng Xuân trong thời gian qua đã phát hiện, xử lý nhiều vụ mua bán, vận chuyển thú rừng trái phép. Tuy ngành kiểm lâm nỗ lực ngăn chặn, nhưng chính quyền địa phương thả lỏng thì tình trạng chảy máu rừng không biết khi nào mới chấm dứt được.

 

MẠNH HOÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Trường Sa - điểm tựa trong bão tố
Thứ Ba, 18/12/2007 15:00 CH
Về Hà Tiên…
Thứ Sáu, 14/12/2007 09:01 SA
Người thương binh vượt lên thương tật
Thứ Tư, 12/12/2007 07:12 SA
Theo nhịp trống tang
Thứ Ba, 11/12/2007 07:33 SA
Xứng danh “Vợ cộng sản”!
Thứ Hai, 03/12/2007 07:28 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek