Mỗi lần đi đám tang ở nội thành Tuy Hòa, trong nỗi đau mất người thân quen, tôi lại thấy chạnh lòng khi nghe những hồi trống day dứt từ một người tật nguyền điểm nhịp. Gần 30 năm, cuộc sống của người đàn ông này gắn với nhịp trống đưa tang. Những nhịp trống làm cho bao người nức nở nghẹn ngào nhưng lại là bát cơm manh áo của những mảnh đời chịu nhiều bất hạnh.
Cha con ông An - Ảnh: MẠNH MINH TÂM
THEO NGHIỆP ĐÁNH TRỐNG ĐÁM TANG
Bị bệnh bại liệt từ trong bụng mẹ, anh Lê An (ở khu phố Ninh Tịnh 2, phường 9, TP Tuy Hòa) có đôi chân què quặt và chỉ còn một mắt. 5 tuổi An mới chập chững tập đi. Lên 10 tuổi, hàng ngày An cà lết theo ông Tám Bầu tập đánh trống đưa tang. Để được gia đình người quá cố “rước” về lo việc hậu sự, cần phải có người “trong nghề” hướng dẫn, chỉ bảo. Anh An nói: Hồi nhỏ theo ông Tám Bầu đánh trống, tôi chỉ mất vài ba tháng để biết cách đánh trống, nhưng phải mất vài năm mới hiểu hết ý nghĩa lễ thức của từng hồi trống, nhịp trống.
Người đời thường bảo “Sống dầu đèn-chết kèn trống”. Tang lễ buộc phải có tiếng trống. Đám tang nhà giàu sang, dù đã rước về một ban nhạc có đủ kèn, cò, kìm, hạ-di với dàn loa, âm ly hiện đại nhưng cũng không thể thiếu tiếng trống chầu. Để tiếng trống biểu cảm nỗi lòng bi thương của gia đình và bao người thân tiễn biệt một linh hồn về nơi an nghỉ, người cầm chầu phải biết những lễ thức gióng trống. Ba hồi thúc dài khi người chết đã ấm êm trong quan tài là báo hiệu cho xóm giềng biết nhà có người đã từ trần. Tiếng trống nhịp đều chậm rãi nghe buồn bã là sự cảm thông chia sẻ của những người đến phúng viếng. Trống lễ như chiếc cầu nối cho hai cõi âm dương giao hòa nỉ non lời tiễn biệt. Trống đưa tiễn, trống hạ huyệt, trống báo hiệu đã xong việc chôn cất… đều phải đúng lúc, đúng nhịp và phải có hồn. Ai không thạo lễ thức từng nhịp trống, tay và dùi không nhập hồn sầu luỵ thì nhịp và âm trống trở nên vô cảm.
Tôi hỏi: “Sao anh không chọn một nghề nào khác để sử dụng đôi tay còn lành lặn mà đi làm cái nghề hẩm hiu này?” Anh An bộc bạch: “Tôi tật nguyền, cha mẹ mất sớm, thất học, lỡ theo nghiệp đánh trống kiếm cơm từ nhỏ, giờ đã 46 tuổi rồi. Cứ coi như đời đã chọn tôi theo nghiệp đánh trống đám ma”. Ít ai biết, nghề cầm chầu đám ma cũng có nhiều nỗi khổ. Buồn nhất là vào dịp tết nhất, bà con chòm xóm gần như không một ai bén mảng tới nhà An và anh cũng chẳng dám bước tới nhà ai. An lủi thủi ngồi nhà hoặc đi chùa lạy Phật.
NHỊP TRỐNG LÀ... BÁT CƠM, MANH ÁO
Từ nhỏ An nghĩ, phận mình như thế này có lẽ chỉ đánh trống kiếm sống qua ngày. Ai ngờ, rồi cũng có được vợ con. Nhưng vợ anh mắc bệnh thần kinh, lại thêm chứng nghiện rượu. Than ôi, đã nghèo lại gặp cái eo! Vợ anh hàng ngày trông nhà, lo cơm nước và thỉnh thoảng… say rượu. Có hôm đi làm về, thấy vợ say nằm vật vã ngoài đường, An phải phiền hàng xóm khiêng giúp về nhà. Đứa con 10 tuổi phải nghỉ học giữa chừng vì không có tiền nộp học phí và mua sách vở, đã theo cha tập đánh trống. May mà năm 2005, gia đình anh được chính quyền phường cất cho căn nhà, thay cho chỗ ở mái lá núp dưới bụi tre, vách bằng thùng giấy. Hai mùa đông rồi gia đình anh thoát khỏi nỗi khổ phải ngồi thức đêm tránh nước dột khi trời mưa dầm.
Trên 30 năm anh An gắn bó với công việc được gọi là nghề nhưng không đủ cho mức sống tối thiểu. Mặc cho ai đó rẻ rúng, An vẫn thanh thản sống bằng sức lao động của mình. Ai mà biết, để có được những đồng tiền “hậu tạ” ít ỏi, quanh năm suốt tháng, dù mưa hay nắng, ngày hai buổi An phải lê những bước chân nguệch ngoạc, nặng nhọc qua 2km, mất 20 phút đi bộ từ nhà vào các trại hòm ở thành phố để chầu chực. Khi đó một quan tài xuất đi, anh theo tới nhà có người vừa mất, xin làm chân đánh trống. Biết làm sao được, vì đó là bát cơm manh áo của gia đình anh.
Kiếm được đồng tiền nhờ lòng hảo tâm và tùy vào gia cảnh của người từ trần. Đánh trống đám tang là việc làm không ngã giá. Đám dài ngày, đưa xa, cao lắm cha con cũng được vài trăm; đám gần, nhà nghèo thường năm, bảy chục ngàn. “Gặp đám của người tâm thần, neo đơn, chết vì bệnh truyền nhiễm, lại không người thân thích, không ai dám tẩm liệm, mình vào làm luôn An nói. Đó là những hôm làm phúc, về nhà đói meo, thở dốc. Đúng là “Hạt gạo nhà nghèo vay lẫn đất”.
MẠNH MINH TÂM