Thứ Tư, 27/11/2024 05:34 SA
Trường Sa - điểm tựa trong bão tố
Thứ Ba, 18/12/2007 15:00 CH

Trường Sa, quần đảo máu thịt của Việt Nam, địa đầu của Tổ quốc ta trên biển Đông không chỉ là nơi thử thách ý chí con người. Giữa bốn bề sóng gió, bão bùng, không một hòn đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa lại không có tàu của ngư dân Việt Nam “ghé thăm” mỗi năm. Nhưng hiểu ở góc độ nào đó, đấy là những cuộc ghé thăm bất đắc dĩ. Vì mỗi lần ghé thăm là một lần tàu ngư dân có chuyện. Không hết gạo, hết nước ngọt vì bão, phải sống dài ngày trên biển thì cũng có người gặp nạn, đau yếu không về đất liền kịp. Những lúc như thế, những hòn đảo của Trường Sa thân yêu là một chỗ dựa tin cậy đối với ngư dân.

 

TRƯỜNG SA - NƠI NGƯ THUYỀN GẶP NẠN TÌM ĐẾN

 

071218-Truong-Sa-81.jpg
Canh giữ vùng biển đảo An Bang - Ảnh: HỒNG ÁNH
Trước khi bắt đầu hành trình đánh bắt dài ngày, các tàu đánh bắt xa khơi thường chuẩn bị một lượng lương thực, thực phẩm nhất định. Thế nhưng khi gặp bão hoặc áp thấp nhiệt đới, phải tránh trú ở đâu đó, chỉ cần dài hơn lịch trình 3 đến 4 ngày thì từ lương thực, thực phẩm, nước uống đến dầu chạy máy đều cạn. Những lúc như thế, giữa biển khơi, ngư dân chỉ còn biết trông cậy vào những người lính đảo.

 

An Bang là hòn đảo quanh năm sóng vỗ, hòn đảo khó cập bến nhất của quần đảo Trường Sa. Ở hòn đảo này, tàu chở lương thực, thực phẩm cung cấp cho lính đảo An Bang muốn cập bến đã khó, vậy mà mỗi năm đều có không dưới 8 tàu của ngư dân “liều mình” cập đảo vì hết sạch lương thực, nước uống. Những lúc như thế, lính đảo phải san sẻ phần lương thực, nước uống nhất định của mình để cứu những ngư dân đang đói khát. “Cũng có những tàu của ngư dân không thể cập đảo được, chỉ thả neo ở cách xa hơn cây số và phát lệnh cấp cứu. Chúng tôi ở đây phải vượt sóng mang lương thực, thực phẩm đến tàu để cứu hộ ngư dân.” - Trung tá Nguyễn Xuân Minh - chính trị viên đảo An Bang cho biết. Cũng có những tàu của ngư dân gặp bão tìm đến những hòn đảo của quần đảo Trường Sa để tránh trú, nhưng vì chưa quen nên không dám vào đảo, trong khi lương thực, nước uống đã hết sạch. “Chúng tôi đưa xuồng ra thăm dò mới phát hiện nhiều người trên tàu vì đói khát dài ngày, không còn sức chịu đựng đã bị đuối. Chúng tôi xin chỉ đạo của đảo trưởng cấp tốc cung cấp lương thực nước uống và thuốc men để họ lấy lại sức rồi đi tiếp.”- Chiến sĩ Nguyễn Xuân Phấn ở đảo Trường Sa Đông, người đã hai lần cùng đồng đội đưa xuồng ra cấp cứu cho ngư dân - kể.

 

Đã có những câu chuyện thật cảm động trên đảo An Bang trong năm 2006. Ngay sau khi cơn bão Chen Chu vừa tan, những người lính đảo nhìn thấy một chiếc tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị chết máy trôi lênh đênh. Anh em đưa xuồng ra hỏi thăm mới biết chiếc tàu này vì tránh bão đã hết cả dầu chạy máy để về đất liền. Sau khi xin ý kiến cấp trên, những người lính đảo An Bang đã nhín số dầu dự trữ thắp sáng phòng khi máy phát điện của đảo hư để biếu cho chiếc tàu ấy về đất liền. Thiếu tá Nguyễn Văn Trang, đảo trưởng đảo An Bang, kể lại: “Cuộc sống trên đảo tuy khó khăn vất vả, nhưng trong lúc người dân gặp hoạn nạn, chúng tôi đã giúp họ 200 lít dầu để họ về. Chúng tôi biết rồi sẽ có những đêm anh em chiến sĩ không có đủ ánh sáng để đọc thư nhà, nhưng với tinh thần cứu người là chính, chúng tôi không tiếc điều đó.”

 

Trong hành trình đánh bắt xa bờ ở ngư trường phía nam, những lúc gặp bão hoặc áp thấp nhiệt đới, những hòn đảo của quần đảo Trường Sa là một điểm tựa tin cậy trên con đường tránh trú của các tàu ngư dân. 

 

071218-Truong-Sa-6.jpg

Đón xuồng vào đảo Phan Vinh -   Ảnh: HỒNG ÁNH

 

TRƯỜNG SA - NHỮNG TRẠM XÁ MIỄN PHÍ TRÊN BIỂN

 

Không chỉ có bão, áp thấp nhiệt đới, tàu của ngư dân mới cập đảo xin cứu hộ mà vào mùa trời yên biển lặng cũng đã có không ít tàu cập các đảo để xin cấp cứu. Trong hành trình gần một tháng của những tàu đánh bắt xa bờ với trung bình 8 thuyền viên, cũng khó tránh những lúc người này đau bụng, người kia bị ngộ độc vì ăn phải một loài cá nào đó vừa bắt từ biển lên. Trong khi đó, thuốc men mang theo tàu thường có hạn. Những lúc như thế, không còn cách nào khác là cập đảo để xin cấp cứu người. Một trong những nguyên nhân thường gặp là tình trạng bị ngộ độc vì ăn phải những loại cá mực có chứa độc tố. “Ở vùng biển Trường Sa có nhiều loại cá, mực chứa nhiều độc tố. Nếu ăn phải, nhẹ thì bị say, còn nặng có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Cũng may là ngư dân của mình biết chúng tôi có thể cấp cứu những trường hợp đó nên có triệu chứng ngộ độc là họ cấp tốc đưa đến đây.”- Bác sĩ Lê Đức Trịnh ở đảo Thuyền Chài cho biết.

 

Thuyền Chài là một đảo chìm nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2007 đã có đến 10 trường hợp tàu cập đảo để xin cấp cứu vì trên tàu có người bị ngộ độc, đau yếu. Trong đó có những trường hợp ngặt nghèo mà nếu không cấp cứu kịp thời thì không thể đảm bảo được tính mạng cho ngư dân. Như trường hợp của Chu Văn Bổn ở Bình Sơn - Quảng Ngãi bị giảm áp do lặn sâu đến liệt cả hai tay xin vào đảo cấp cứu ngày 17/3/2007, hay như trường hợp của Đặng Quang Ngọc cũng ở Bình Sơn - Quảng Ngãi bị choáng đến ngất do sốc sứa lửa. “Cả hai trường hợp này nếu không vào đảo cấp cứu thì khó giữ được tính mạng. Chúng tôi phải cấp tốc truyền dịch, cứu chữa, họ mới qua cơn nguy kịch, hai ngày sau thì trở về đất liền”- bác sĩ Lê Đức Trịnh nói thêm.

 

Tốc Tan cũng là đảo mà trong 3 tháng đầu năm 2007 có nhiều tàu ngư dân xin vào để cấp cứu. Bác sĩ Hoàng Văn Đông, Tổ trưởng Tổ quân y đảo Tốc Tan nói: “Có nhiều trường hợp nguy kịch như trường hợp Nguyễn Minh Hùng ở Bình Thuận khi đang tham gia đánh bắt trên tàu BT98672 thì lên cơn đau ruột thừa phải xin vào đảo để mổ. Hay như trường hợp Dương Văn Xuân ở Lý Sơn - Quảng Ngãi, tham gia đánh bắt trên tàu QN96345 ăn phải một loại mực có chứa độc tố nên bị ngộ độc cấp. Cả hai trường hợp này đều được đưa lên đảo để điều trị dài ngày”.

 

Đại tá Nguyễn Đức Long, Chính ủy Vùng 4 Hải quân cho biết: Hiện tại, mỗi đảo trên quần đảo Trường Sa đều có một tổ quân y không chỉ có nhiệm vụ chăm lo sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ nhân dân trên đảo, mà còn có nhiệm vụ cấp cứu kịp thời cho những ngư dân của ta khi họ gặp nạn hay đau yếu. Chỉ khi gặp những bệnh ngặt nghèo thì phải đưa vào đất liền, còn những trường hợp cấp cứu như mổ ruột thừa, ngộ độc cấp thì các tổ quân y ở các đảo đều thực hiện tốt. Trong trường hợp ngư dân bị bệnh nặng mà vào những điểm đảo nhỏ, trang thiết bị y tế không cho phép, thì những tổ quân y các điểm đảo lớn dù cách xa hàng chục hải lý cũng được điều động kịp thời để cấp cứu họ. 

 

 

071218-Truong-Sa-4.jpg

Đón xuồng vào đảo An Bang - Ảnh: HỒNG ÁNH

 

TRƯỜNG SA - SÁNG NGỜI TÌNH QUÂN DÂN

 

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Thủy sản: “Đây là lần đầu tiên tôi đến với quần đảo Trường Sa và cũng lần đầu tiên tôi được nghe những câu chuyện cảm động về việc quân y sĩ của quần đảo Trường Sa đã cứu giúp những ngư dân gặp nạn. Đặc biệt, những ca cấp cứu của ngư dân khi vào đảo đều được các chiến sĩ Trường Sa tận tình giúp đỡ. Tôi thật sự xúc động. Trong thời gian tới, ngành thủy sản cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Quốc phòng để đảm bảo an toàn cho ngư dân của mình. Và tôi nghĩ người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi ra đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa này vì đã có một chỗ dựa tin tưởng và vững chắc. Đó là các đảo của chúng ta.”

Đại tá Trần Đình Chiến, Chủ nhiệm bộ môn Chấn thương chỉnh hình thuộc Học viện Quân y đã không nghĩ là các học trò của mình làm được những điều ý nghĩa như thế. Trong chuyến ra thăm quần đảo Trường Sa, ông xúc động nói: “Tình cảm ấy thật tuyệt vời, thể hiện sự gắn bó giữa quân và dân, đã tạo tiền đề tốt để Việt Nam phát triển kinh tế biển hơn nữa”. Còn với trung tướng Bùi Văn Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng, điều mà ông luôn biểu dương trong hành trình đến với quần đảo Trường Sa chính là những người lính đảo đã vượt qua khó khăn, thiếu thốn để thắt chặt hơn tình cảm quân dân.

 

Vẫn nghe “tình quân dân cá nước”, nhưng ít có nơi nào nghĩa tình cao đẹp đó được minh chứng một cách hùng hồn như nơi đây. Đời lính vẫn còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là những người lính đảo, nhưng trước các ngư dân gặp nạn, những người lính đảo Trường Sa đã không tiếc một điều gì, chỉ mong sự an toàn đến với những người mà cánh lính Trường Sa hay nói là “dân mình”.

 

Trường Sa, quần đảo Bão Tố như tên của nó, đã đem sự khắc nghiệt thử thách những người đang sống, đang canh giữ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc nơi đây. Thế nhưng đằm thắm lắm nghĩa tình quân dân, vững chắc lắm một điểm tựa cho những ngư dân đánh bắt xa bờ.

 

HỒNG ÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về Hà Tiên…
Thứ Sáu, 14/12/2007 09:01 SA
Người thương binh vượt lên thương tật
Thứ Tư, 12/12/2007 07:12 SA
Theo nhịp trống tang
Thứ Ba, 11/12/2007 07:33 SA
Xứng danh “Vợ cộng sản”!
Thứ Hai, 03/12/2007 07:28 SA
Trồng rừng trên đỉnh núi mây bay
Thứ Ba, 27/11/2007 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek