Thứ Năm, 03/10/2024 13:29 CH
Người đàn bà từng đối mặt với cái chết
Thứ Ba, 04/12/2007 07:49 SA

Trong những giờ phút đau khổ nhất, khó khăn nhất, người đàn bà gầy gò nhỏ bé ấy vẫn chưa bao giờ đánh mất lý tưởng. Đường liên lạc mòn theo bước chân bà; nhà giam và những trận đòn thù làm bà chết đi sống lại. Khi đứng trước mười họng súng của kẻ thù, khi tin chắc rằng mình sẽ chết, người đàn bà đó vẫn không hề nao núng!

 

071204-Ba-Cuc.jpg

Bà Chế Thị Cúc đang kể về những năm tháng tham gia kháng chiến Ảnh: MINH NGUYỆT

 

TRÊN NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LIÊN LẠC

 

Lớn lên trong cảnh quê hương khói lửa bời bời, cô gái Chế Thị Cúc ở Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Năm 18 tuổi, bà trở thành liên lạc.

 

Lúc bấy giờ (1954), phong trào cách mạng bị địch đàn áp khốc liệt. Hàng loạt đảng viên bị bắt bớ, tra tấn cho đến chết. Bà Cúc biết làm cách mạng là dấn thân vào nguy hiểm, nhưng không chút đắn đo. Bà và người em bà con tên Nguyễn Chú thường xuyên đi bộ lên vùng núi đưa tin tức, khi thì tới buôn A Lé, buôn Bầu (Sông Hinh), có khi lên tận buôn Di, buôn Dú (Đắc Lắc). Để qua mắt địch, hai chị em giả làm người đi buôn. Giấu kỹ trong mớ hàng hóa đem lên miền ngược là bột ngọt, bao nilon - những thứ mà cán bộ cách mạng yêu cầu. Khi về, lẫn trong những bao gạo là tài liệu được viết bằng… nước cơm. Những dòng chữ chỉ hiện lên sau khi tờ giấy đó được bôi bằng cồn i-ốt.

 

Năm 1955, có một dấu ấn mà bà Cúc không thể nào quên. Tổ chức giao cho bà mang truyền đơn về rải, phá hoại cuộc bầu cử của địch ở Hòa Định Đông. Bà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; người phụ trách thùng phiếu bầu cử phải đi tù. Sau đó, xiết bao tự hào, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Khi chi bộ tại xã Hòa Định Đông thành lập, ông Đào Thường được bầu làm Bí thư, bà Cúc và ông Phạm Cừu là chi ủy viên.

 

Tháng 3/1956, nhiều cơ sở bị vỡ. Nghĩ rằng có khi mình đã bị lộ, song bà Cúc chưa thể đi ngay lên căn cứ vì còn phải nhận tấm lưới mà bà đã đặt đan, theo yêu cầu của cán bộ ở trên. Nhận tấm lưới, bà Cúc mua một gánh hàng chuẩn bị lên cứ thì địch ập tới nhà.

 

BÊN TRONG SONG SẮT

 

Qua lời khai của một người bị bắt trước đó, địch biết bà Cúc là liên lạc của Cách mạng. Chúng bắt và đưa bà qua xóm Lẫm, bảo viết giấy thành khẩn. Bà Cúc cương quyết: “Tôi có làm gì đâu, có biết gì đâu mà viết!” Thế là những trận đòn tàn khốc giáng xuống người bà.

 

Công an ở chi khu tra khảo chán chê, địch chuyển bà qua nhà lao Ngọc Lãng, giam trong xà lim cùng bà Bùi Thị Thanh Vân. Để trừng trị cái tội “cứng đầu”, chúng cho hai người ăn cơm lạt. Bà Cúc đăm chiêu nhớ lại: “Tháng 5/1957, một số cơ sở bị vỡ. Chúng tìm thấy tài liệu có tên tôi trong đó. Vậy là chúng đưa tôi lên Củng Sơn, cột dây rút lên xà nhà, sau đó dứt dây cho tôi rớt xuống”! Nhưng “chiêu” này chưa đáng sợ bằng “chiêu” tra điện. Mỗi lần bị dí điện vào người, bà Cúc chết đi sống lại, nhưng vẫn không hề hé răng. Địch chuyển “con cộng sản cứng đầu” về nhà lao trung tâm, nhốt vào một cái cầu tiêu dùng để làm xà lim cùng với bà Huỳnh Thị Hường.

 

Bà Cúc nhẩm tính: Trong 2 năm ở tù, bà bị địch giam trong xà lim hết 22 tháng!

 

Hay tin bà Cúc bị bắt, nhiều người trong đường dây rất lo, sợ bà không chịu nổi tra tấn và sẽ khai ra họ. Nhưng bà Cúc đã dặn lòng: Khai cũng chết mà không khai cũng chết. Vậy khai làm chi để liên lụy đến nhiều người?

 

Sau 2 năm giam giữ nhưng không moi được tin tức gì từ miệng người phụ nữ bé nhỏ, địch buộc phải trả tự do cho bà.

 

Được tin bà Cúc ra tù, hai ông Huỳnh Cẩn, Lê Hiệp tới nhà, hỏi: “Cô có tiếp tục làm nhiệm vụ không?” Những vết thương do tra khảo chưa kịp lành. Những hình ảnh kinh hoàng trong nhà tù vẫn còn rõ mồm một. Nhưng bà Cúc trả lời gọn lỏn: “Tôi trước sau như một. Không có gì thay đổi!”

 

TRƯỚC HỌNG SÚNG QUÂN THÙ

 

Sau giải phóng, bà Cúc làm việc ở Phòng Tiểu thủ công nghiệp rồi chuyển về  Công ty Xuất nhập khẩu Phú Khánh cho đến năm 1989 thì về hưu. Bà tham gia công tác ở địa phương, mấy nhiệm kỳ làm Bí thư, Phó Bí thư chi bộ khu phố Nguyễn Thái Học (phường 5, TP Tuy Hòa). Tham gia vào Hội Người cao tuổi, 4 năm nay bà là tổ trưởng tổ 1 ở KP này. Và cũng 4 năm liền, tổ 1 được công nhận xuất sắc, được cấp trên khen thưởng.

 

Bà Cúc đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân, Huy chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Huy hiệu 50 tuổi Đảng…

Mười mấy năm hoạt động cách mạng, “kỷ niệm” mà bà Chế Thị Cúc nhớ nhất là lần đứng trước 10 họng súng quân thù.

 

Trong chiến dịch Mậu Thân, một ngôi làng ở Bình Kiến có hai bà cháu chết thảm vì đạn pháo, cháu bé mới 3 tuổi. Bà Cúc - khi đó là Thị ủy viên - lãnh đạo quần chúng đấu tranh, vạch trần tội ác của địch. Đáùm tang của hai bà cháu vừa đi thì địch ập tới. Ông Võ Lô bị bắn chết tại chỗ, còn bà bị chúng bắt, đưa tới đèo Con Cá (Bình Kiến).

 

Bà Cúc khai mình là người ở Tuy An, nhưng địch dễ gì tin. “Tên chỉ huy kêu 10 tên lính Nam Triều Tiên đứng xếp hàng trước mặt tôi - bà kể -  Hắn nói tôi không khai thiệt thì bắn bỏ. Chúng lên đạn. Tên chỉ huy đếm một, hai… Tôi cương quyết không khai. Hắn nhắc lại câu hỏi và chậm rãi đếm một… hai… ba… Tôi nghĩ chuyến này mình phải bỏ mạng tại đây…” Ngay trong phút giây đó, ngay khi cận kề với cái chết, bà Cúc vẫn ghi tạc một điều: Đi làm cách mạng là chấp nhận hy sinh!

 

Đếm đến mười mà bà vẫn không hé răng, địch dẫn bà về Ty Công an.

 

Tại đây, sau khi xác định bà chính là liên lạc của cộng sản, chúng liền lôi bà trở lại đèo Con Cá, đổ nước xà phòng vô miệng rồi leo lên bụng mà giậm cho đến khi người phụ nữ yếu ớt ngất đi.

 

Tỉnh lại, thấy địch kêu trực thăng tới, bà nghĩ: “Nếu chúng đưa mình về xã bắn thì trước khi chết, mình sẽ hô khẩu hiệu.” Nhưng chúng không đưa bà về Hòa Định Đông mà chở về Đông Tác rồi đưa ra Quy Nhơn. Tại đây, bà cùng rất nhiều cán bộ cách mạng khác bị đưa vô Cần Thơ giam giữ. Đến năm 1973, trao trả tù binh, bà và các đồng chí của mình mới được tự do.

 

Ra tù, bà Cúc công tác ở Ban Binh vận tỉnh Phú Yên cho đến ngày thống nhất đất nước. Rồi bà gặp người bạn đời, một cựu tù chính trị cũng từng bị giam ở Cần Thơ…                        *

 

Khi kể lại câu chuyện đời mình, người phụ nữ 71 tuổi này nói bà chưa bao giờ hối tiếc vì đã đi theo cách mạng, rằng còn sống để nhìn thấy đất nước thống nhất, đó là điều may mắn. Một số người từng hoạt động với bà Cúc nói họ không ngờ bà vẫn còn sống, sau những gì đã trải qua!

 

Tôi biết bà Cúc không phải là trường hợp đặc biệt. Còn có rất nhiều người giống như bà. Bằng cách này hay cách khác, họ đã cống hiến tuổi xuân của mình cho lý tưởng, và họ chưa bao giờ chùn bước, ngay cả khi đối diện với cái chết. Rất nhiều người như thế. Có người đã ngã xuống. Có người để lại một phần xương thịt của mình. Có người ra khỏi chiến tranh với những vết thương... Câu chuyện về cuộc đời họ như những tấm gương để tôi và những người khác soi vào, thấy mình thật nhỏ bé, thấy mình cần phải sống có ích…

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xứng danh “Vợ cộng sản”!
Thứ Hai, 03/12/2007 07:28 SA
Trồng rừng trên đỉnh núi mây bay
Thứ Ba, 27/11/2007 14:00 CH
Người thương binh “3 trong 1”
Thứ Ba, 27/11/2007 07:21 SA
Tan hoang vùng triều cường
Thứ Ba, 27/11/2007 07:00 SA
Kỳ III: Mang cờ Tổ quốc bay vào vũ trụ
Thứ Sáu, 16/11/2007 07:09 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek