Thứ Tư, 27/11/2024 05:25 SA
Người thương binh vượt lên thương tật
Thứ Tư, 12/12/2007 07:12 SA

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương vẫn còn ở lại trên người ông mãi mãi. Và mỗi khi trái gió trở trời nó làm ông mất ngủ, bỏ ăn. Vậy nhưng, với bản lĩnh người lính Cụ Hồ, ông Hoàng Xuân Chiến 60 tuổi, thương binh hạng 1/4 ở thôn Tân Phú, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa không chỉ khắc phục được bệnh tật mà còn vươn lên thoát nghèo, tham gia tốt công tác xã hội địa phương.

 

DỌC NGANG ĐỜI LÍNH

 

071212-ong-1.jpg

Anh thương binh Hoàng Xuân Chiến tại nhà riêng - Ảnh: TRẦN CAO TRÍ

Quê ở Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhưng ông Hoàng Xuân Chiến được sinh ra và lớn lên tại đất nước Thái Lan. Năm 1964 theo cha mẹ trở về Việt Nam, sinh sống tại thành phố Hoa phượng đỏ Hải Phòng. Năm 1966 ông tình nguyện lên đường nhập ngũ và trở thành người lính của tiểu đoàn 108 thuộc sư đoàn 49. Chiến trường miền Nam lúc bấy giờ như dầu sôi lửa bổng, nhưng đơn vị ông sẵn sàng xẻ dọc Trường Sơn vào Nam chiến đấu bổ sung cho tiểu đoàn 14. Trên đường hành quân cùng đồng đội, ông bị sốt rét rừng hoành hành nên đơn vị phải đưa ông vào Bệnh viện 2B3 trên đất nước Campuchia điều trị. Ra viện, ông trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu; và sau đó tiểu đoàn 14 và tiểu đoàn 85 sát nhập thành tiểu đoàn 96 thuộc tỉnh đội Phú Yên. Tháng 9/1972 ông được cấp trên điều đi học tại Trường Lục quân 92 thuộc tỉnh Bình Định. Năm 1973 ra trường, anh trở lại Phú Yên phụ trách công tác trợ lý huấn luyện tại tỉnh đội Phú Yên. Đến tháng 10/1973 ông được cấp trên chuyển sang tiểu đoàn 7 của tỉnh đội Phú Yên giữ chức vụ đại đội phó, hoạt động trên địa bàn các huyện: Sông Cầu, Tuy An, Đồng Xuân… cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất 1975.

 

Sau khi đất nước bình yên,ông Chiến tiếp tục với nhiệm vụ mới. Tháng 5/1975 ông và đồng đội tháo gỡ bom mìn tại Đa Ngư - Phú Lạc - Thọ Lâm… Năm 1976 ông và đồng đội tiếp tục lên đường vào tiểu đoàn 812 thuộc sư đoàn 334 tại Thuận Hải đào mương thủy lợi, trồng bông.

 

Năm 1978 khi nạn diệt chủng xảy ra tại đất nước Campuchia, một lần nữa tiểu đoàn 812 lên đường vượt biên giới sang đất nước bạn làm nghĩa vụ quốc tế. Ông Hoàng Xuân Chiến nhớ lại: “Chúng tôi đang trên đường hành quân tiến về bờ sông Mê Kông giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt thì một tiếng nổ long trời lở đất, như nhấn chìm tất cả. Khi tỉnh lại mới hay, mình đã nằm tại bệnh viện Gia Lai, chân trái bị mất, chân phải rách nát nham nhở; mắt phải bị mờ không nhìn thấy, xương hàm bị vỡ và toàn thân mang nhiều vết thương… Bác sĩ phải chuyển về bệnh viện Quy Nhơn để tiếp tục điều trị. Năm 1980 tôi được đưa về trại thương binh Thống Nhất Tuy Hòa - Phú Yên điều dưỡng và sau đó xin ngoại trú tại Sơn Hòa để được giúp đỡ vợ con bằng tất cả sức lực còn lại”.

 

THƯƠNG BINH TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ

 

Trở về cuộc sống đời thường với hai bàn tay trắng, con còn nhỏ, vợ đau bệnh luôn, bản thân thương tật, kinh tế gia đình khó khăn, quanh năm thiếu trước hụt sau, nhưng với bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, ông Hoàng Xuân Chiến chịu khó, vay vốn bạn bè đắp lò nấu rượu, kết hợp nuôi heo nái, nuôi bò sinh sản, trồng sắn, bắp, lúa… Mùa nào thức nấy, dần dần cuộc sống ổn định, các con ông được học hành tử tế. Không chịu dừng lại ở đó, ông tiếp tục mua đất trồng mía, trồng sắn và cây ăn quả… hàng năm thu được 25 đến 30 triệu đồng. Từ đồng tiền tích lũy hàng năm, ông đã xây dựng ngôi nhà cấp 4 khang trang, thoáng mát, tiện nghi sinh hoạt gia đình tương đối đầy đủ. Anh Dương Văn Quang, hàng xóm của ông Chiến nói: “Tuy là thương binh nặng, nhưng anh ấy không trông chờ hay ỉ lại sự giúp đỡ của Nhà nước. Tự mình với hai bàn tay tích cực lao động sản xuất. Ông ấy là tấm gương để chúng tôi học tập vươn lên thoát nghèo”.

 

Không chỉ chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ông Chiến còn tích cực tham gia công tác xã hội với chính quyền địa phương thôn, xã như: Hội Nông dân tập thể, Tổ dân vận, Tổ hòa giải, Chi hội phó chi Hội Cựu chiến binh thôn Tân Phú - xã Suối Bạc… Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành, được các cấp tặng giấy khen, bằng khen.

 

Ngoài công việc gia đình, người ta thường thấy ông Chiến tập tễnh trên cái chân gỗ đi vận động bà con, hội viên tham gia làm đường giao thông nông thôn, cổng chào, ủng hộ bão lụt, người nghèo, vận động hội viên tích cực lao động sản xuất nâng cao đời sống gia đình. Ông Phạm Thế Minh, hội viên Hội cựu chiến binh thôn Tân Phú bày tỏ: “Tuy kinh tế gia đình ông Chiến chưa khá giả gì, nhưng ông ấy rất tích cực trong công tác xã hội. Công việc nào có ông tham gia đều đem lại hiệu quả cao”.

 

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Suối Bạc, Võ Ngọc Sự cho biết: “Ông Chiến không chỉ tích cực trong lao động sản xuất mà còn tham gia công tác xã hội với chính quyền địa phương rất tích cực. Ngoài ra gia đình ông Chiến cũng hoàn thành nghĩa vụ của một công dân đối với Nhà nước, mặc dù ông là một thương binh nặng”.

 

TRẦN CAO TRÍ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Theo nhịp trống tang
Thứ Ba, 11/12/2007 07:33 SA
Xứng danh “Vợ cộng sản”!
Thứ Hai, 03/12/2007 07:28 SA
Trồng rừng trên đỉnh núi mây bay
Thứ Ba, 27/11/2007 14:00 CH
Người thương binh “3 trong 1”
Thứ Ba, 27/11/2007 07:21 SA
Tan hoang vùng triều cường
Thứ Ba, 27/11/2007 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek