Năm nào uống rượu cửu xà
Nơi trường Rạch Giá mãi mà không say !
Hôm nay lặng lẽ về đây
Cửu xà không uống, hương bay mất rồi !
Còn đây non nước đất trời
Còn đây hình bóng của người năm xưa !
Con đường Mạc Cửu đưa tôi về Hòn Đất.
Hòn Đất là tên một bờ đất lịch sử mà giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) đặt bước chân đầu tiên lên lãnh thổ Việt
Hòn Đất ngày nay có những khu vườn cây trái sum suê. Bên bệnh viện và trung tâm của huyện là Ngân hàng Sông Kiên, bưu điện thị trấn, nhà thờ, thánh thất… Đất Ba Hòn có những con kênh thẳng tắp về hướng vịnh Thái Lan, nước xăm xắp vườn; nhà lá, nhà sàn ẩm thấp đơn sơ. Mùa nước nổi từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, vách dưới nhà sàn được mở ra rồi lắp lại khi mực nước bình thường vào tháng 11 ở đầu nguồn và nông dân tiếp tục sản xuất.
Ra khỏi đất Ba Hòn thuộc xã Bình Giang, bóng dáng cây thốt nốt của vùng đất xa xưa thuở nào đã xuất hiện. Nhiều gia đình dùng lá lợp cho loài dơi trú ngụ lấy phân để bón cây trồng. Giống dơi ở đây có con nặng đến nửa ký dùng làm món nướng trong bữa nhậu của bạn đồng quê. Còn dơi ở Trà Vinh thuộc giống khác, phân như hạt tiêu mà bẹt nhẹt nên không dùng bón cây được.
Đến Vàm Nao, vừa là tên con sông dài chừng hai cây số nối liền sông Tiền và sông Hậu, vừa chỉ một vàm sông còn gọi ngã ba sông. Thơ ca dân gian còn truyền:
…Ngó xuống Vàm Nao
Tôi thấy sóng bủa lao xao
Có con cá đao nhảy ào vô lưới
Nơi đây nước chảy xiết tạo vòng xoáy, nguy hiểm khi ghe xuồng qua lại. Sau này, Nguyễn Hữu Cảnh đổi tên nơi đây thành Vàm Ngao và Trương Vĩnh Ký gọi tên khác là Vàm Giao với ước muốn vàm sông không còn như trước nữa. Ngã ba Vàm Nao, mặt nước sông Tiền cao hơn sông Hậu có khi đến hai mét, xưa kia có nhiều cá sấu. Xa xa là ngọn Thất Sơn (Bảy Núi) bên trời Châu Đốc nơi địa đầu An Giang và núi Sập giữa đồng lúa tứ giác Long Xuyên bát ngát mênh mông. Chúng tôi đi giữa một vùng đồng chua phèn nước mặn xa tít tắp, một bên là con kênh Rạch Giá-Hà Tiên dài 81km sâu 3 đến 4 mét, mặt nước rộng vài mươi mét. Con kênh này được khởi công năm 1926 thời thuộc Pháp và hoàn thành vào tháng 9/1930, cùng với 4 kênh nhánh đưa nước ra biển, tạo thuận lợi cho giao thông bởi trước đó người dân đi lại phải dùng ghe thuyền dọc theo bờ biển thuộc vịnh Thái Lan.
Kiên Bình là một vùng nông thôn trù phú thuộc huyện Kiên Lương. Cây cối bên đường rợp mát, vườn nhà rộng rãi hoa quả tốt tươi. Đình thần Mạc Cửu uy nghiêm bên cạnh chùa Quang Tự lấp loáng màu ngói dưới vòm cây xanh. Xa xa là những lò vôi, lò xi-măng với thương hiệu xi-măng Hà Tiên nổi tiếng đang nhả khói. Những chiếc xà lan cập bến và chuyên chở đá vôi có chất lượng tốt đi ra…
Ba Hòn là địa danh có ba trái núi nhỏ nhấp nhô trong sóng nước. Đây là ngã rẽ đi Hòn Chông cách nơi này 12 cây số, đến quần đảo Bình Trị gồm 40 hòn đảo lớn nhỏ với dáng hình kỳ lạ như một phần của Hạ Long ở xứ trời Nam.
Chúng tôi đã qua 16 con rạch và cây cầu. Đường quanh co bên biển bên đồi, hết ruộng lúa vườn dừa đến rừng xanh cây đước phòng hộ kề cận hồ nuôi tôm nước mặn. Dương Hoà, Thuận Yên - những cái tên quen thuộc như cảnh đẹp Tô Châu, người đẹp Tô Châu hay Tây Hồ của Hàng Châu xinh đẹp cũng chừng như thế:
Ngó qua bên cảnh Tô Châu
Thấy em gánh nước trên đầu cài trâm…
Là cố đô của vương quốc, Hà Tiên đã một thời vang bóng mà vị anh hùng khai sáng chính là Mạc Cửu. Tương truyền khi ông mới đặt chân lên vùng đất Mang Khảm(1), vào một buổi chiều trên sông Giang Thành, bỗng từ xa thấp thoáng trong bóng hoàng hôn đàn tiên nữ đang nô đùa tắm giỡn trên sóng nước. Cho là điềm lành nên Mạc Cửu định cư nơi vùng đất mới có tiên trên sông, và từ đó đặt tên là Hà Tiên. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Hà Tiên là do phát âm trại từ hai tiếng Tà Ten (sông Ten), một địa danh có trước khi Mạc Cửu đến nơi này.
Hà Tiên có dừa xanh bên bờ biển đẹp, có hang động trong núi đá vôi nên nhà thơ của quê hương - Đông Hồ Lâm Tấn Phát đã ca ngợi: Ở đó, kỳ thú thay, hầu như gồm đủ hết: Có một ít hang sâu động hiếm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, một ít lăng tẩm của Thuận Hoá. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, có một ít Nha Trang, Long Hải.
Hà Tiên là thế đấy! Là một trong những vùng đất được khai phá sớm nhất ở Nam Bộ vào cuối thế kỷ XVII, sát biên giới phía tây trông ra vịnh Thái Lan. Năm 1708, Mạc Cửu (1655-1735) được chúa Nguyễn Phúc Chu phong làm Tổng Binh nơi trấn mới, sau phong Cửu Lộc hầu. Gần nửa thế kỷ sau, năm 1736, Đô đốc Hà Tiên là Mạc Thiên Tích, con của Mạc Cửu đã thành lập Chiêu Anh Các, một tao đàn độc đáo để lại Hà Tiên thập vịnh toàn tập với 320 bài thơ chữ Hán và Hà Tiên thập cảnh ngâm khúc ca ngợi mười cảnh đẹp của Hà Tiên mà Đông Hồ và Mộng Tuyết có diễn nôm trong Hà Tiên thập cảnh.
Vào Hà Tiên qua bến đò Tô Châu những ngày chưa có cầu phao vào thập niên 90 của thế kỷ trước, ta có dịp nhìn ngắm phong cảnh bốn bề núi, sông, hồ, bãi… với sắc nước màu trời. Hà Tiên giờ đây đã có cây cầu Tô Châu hiện đại thay thế chiếc cầu phao bềnh bồng trên mặt nước. Trên núi Tô Châu có tịnh xá Ngọc Tiên xây dựng cách đây 30 năm do ni trưởng Ngân Liên sáng lập, bằng công sức của chín sư nữ thuộc hệ phái Khất sĩ. Ngoài kia là bãi biển Mũi Nai, từ ngoài biển nhìn vào giống như cái đầu con nai nghếch mõm.
Ta lại về chùa sắc tứ Tam Bảo lập năm 1730 từ thời Mạc Cửu làm Tổng binh đất Hà Tiên. Hoà thượng Ấn Hà (thuộc Thiền phái Lâm Tế đời thứ 35) là vị trụ trì đầu tiên và cũng là Tổ khai nguyên cho Phật giáo xứ Hà Tiên. Đó là ngôi chùa tiêu biểu cho quá trình Việt hoá của Phật giáo Trung Quốc. Từ những ngôi chùa do thiền sư và người Trung Hoa thành lập rồi dần chuyển sang thiền sư Việt
Hà Tiên còn có nhiều chùa bên núi như Phù Dung Tự do Mạc Thiên Tích xây dựng cho bà thứ phi tu trì. Còn trước mặt chùa Hang, vùng biển Kiên Lương nước màu xanh biếc, cách bờ chừng vài ba trăm thước là hòn Phụ Tử sừng sững cùng năm tháng với nhiều giai thoại, tô đẹp cho cảnh quan nơi này. Chùa Hang danh chính là chùa Hải Sơn trong lòng núi đá vôi nên cảnh trí, màu sắc ánh sáng có vẻ lung linh huyền bí. Nơi này còn lưu giữ tượng Phật của vua Thái Lan khi ông đến thăm và gởi tặng. Chùa thờ linh vị của Hoà thượng Chánh Quả và hai thiền sư Nguyên Thọ, Thiện Học.
Tôi lại đến Thạch Động theo hướng tây trên con đường rợp bóng dừa xa chừng hai cây số để nhìn những làn mây như sương khói lướt qua hai cửa động thông nhau. Thạch động thôn vân (nuốt mây) là một khối đá to lớn cao chừng trăm mét sừng sững giữa vùng đất khô cằn, bên trong có hang làm nơi thờ Phật, hương khói nghi ngút đánh mất vẻ tự nhiên và môi trường trong lành của thắng cảnh. Tương truyền trong động còn có miệng hang sâu thăm thẳm, bỏ quả dừa khô vào thì ít lâu sau tìm lại được ngoài biển.
Đến Hà Tiên là nhớ đến nhà thơ Đông Hồ khóc vợ và nữ sĩ Tương Phố khóc chồng thời tiền chiến. Giờ thì có khác. Mộng Tuyết thất tiểu muội đã về nơi tiên cảnh song những năm trước đây nữ sĩ đã bảo quản Nhà lưu niệm Đông Hồ với nhiều kỷ vật và tư liệu vô giá. Trước mặt Nhà lưu niệm chếch về hướng đông thành phố là Đông Hồ rộng mênh mông như không có bờ. Một bên là sông Giang Thành, phía tây là cửa biển Kim Dự. Đông Hồ đẹp nhất khi trời quang mây tạnh, trăng tròn mùa thu in bóng xuống mặt gương hồ như chiếc ấn tròn trên tờ giấy trắng. Mạc Thiên Tích đã có Đông Hồ ấn nguyệt ca ngợi cảnh đẹp ấy:
Mặt hồ rỡ rỡ tiết thu sang
Giữa có vầng trăng nổi rõ ràng
Đáy nước chân mây in một sắc
Ả Hằng nàng Tố ló đôi phang…
Chúng tôi thăm đền thờ họ Mạc (người dân thường gọi là miễu ông Lịnh, vì Mạc Cửu được tôn xưng là Mạc Lịnh Công. Trước đền có biển đề Trung Nghĩa Từ, trụ hai bên có khắc câu đối của vua Gia Long phong tặng Nhất môn trung nghĩa gia thanh trọng/ Thất diệp phiên hàn quốc sủng vinh (Tạm dịch: Một nhà nổi tiếng trung nghĩa của dòng họ/ Bảy đời giữ nghiệp là vinh hạnh quốc gia). Hai bên sân đền có sáu con lân phủ phục chầu vị công hầu bằng đá xanh; vách có khắc những bài thơ vịnh Thập cảnh Hà Tiên. Bên trong đền, bàn thờ sơn son thếp vàng khói hương nghi ngút…
Chúng tôi cố trèo lên đồi cao tìm xem cây bạch mai có hoa thơm đã mấy trăm năm di thực từ miền núi Quảng Tây nhưng đều thất vọng! Gần đấy là lăng Mạc Cửu do con là Mạc Thiên Tích xây dựng vào những năm 1735-1739 theo thuật phong thủy. Ngôi mộ trông ra vịnh Hà Tiên có án tiền là núi Tô Châu, hậu chẩm là núi Bình Sơn, trước lăng có dòng lưu thủy Đông Hồ, bên trái là núi Bát Giác, bên phải có núi Kim Dự. Lăng hình bán nguyệt ăn sâu vào triền núi Bình Sơn, còn gọi là núi Lăng. Mộ xây bằng vôi với cát trộn ô dước có dáng hình con trâu nằm, bên trái là thanh long, bên phải có bạch hổ. Đầu mộ có hai tùy tướng đứng hầu cao chừng một mét. Bậc thềm cẩn bằng đá xanh. Gần đó có lăng mộ của phu nhân Nguyễn Thị Hiếu Túc và tướng tá của họ Mạc.
Lăng mộ Mạc Cửu thể hiện nét thâm nghiêm của vị khai trấn Hà Tiên mà hậu duệ đời đời ghi nhớ.
Hà Tiên non xanh nước biếc, cảnh thắng muôn màu muôn vẻ như có bàn tay tạo hoá, tụ hội về là núi, sông, hồ, bãi, đền, chùa, hang động… Để rồi khi xa Hà Tiên, một vùng đất lịch sử cuối cõi trời Nam, một vùng văn hiến đã có từ lâu, một Hà Tiên thập cảnh, thập vịnh xôn xao rung động lòng người lưu luyến nhớ thương…
Mỗi lần về tới Hà Tiên
Cảm tình còn mãi với duyên đất này!
NGUYÊN ĐÌNH