Thứ Năm, 03/10/2024 13:22 CH
Xứng danh “Vợ cộng sản”!
Thứ Hai, 03/12/2007 07:28 SA

“Mẹ tôi là một phụ nữ nhỏ nhắn. Khi còn trẻ, ba tôi luôn vắng nhà, mẹ chu toàn mọi việc, từ đồng áng, nội trợ, nuôi dạy 6 anh em chúng tôi cho đến công tác xã hội. Lắm lúc tôi tự hỏi không biết mẹ lấy đâu ra sức đảm đương bao vất vả”... Đây là những lời chân thành, đầy yêu thương mà chị Lê Thị Kim Liên dành cho mẹ là bà Bùi Thị Tỵ.

 

071203-ba-cu.jpg

Bà Bùi Thị Tỵ chăm sóc hoa cảnh trong vườn nhà - Ảnh: M.THÚY

 

“ĐỊA CHỈ ĐỎ” CỦA CÁCH MẠNG

 

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại thôn Mậu Lâm Bắc (xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa) nên ngay từ nhỏ, cô thiếu nữ Bùi Thị Tỵ phải đi ở mướn kiếm gạo phụ cha mẹ nuôi em. Không một ngày đến trường nên cô Tỵ một chữ bẻ đôi cũng không biết. Bù lại, cô Tỵ tốt nết, hay lam hay làm. Khi tuổi vừa tròn đôi mươi, cô được anh thanh niên chăn vịt Lê Đừng ở xã Hòa Kiến cảm mến. Hai người nên vợ nên chồng. Năm 1964, anh Đừng thoát ly tham gia cách mạng, để lại người vợ trẻ cùng hai đứa con nhỏ. Cô Tỵ chân chất với việc đồng áng phút chốc trở thành vợ cộng sản, đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng ngay chính trong vườn nhà của mình.

 

Hàng ngày, ngoài việc làm ruộng chăm con, cô Tỵ còn được cách mạng giao nhiệm vụ chuyền tin. Thư từ mà cách mạng giao được cô Tỵ cất rất kỹ, lúc thì trong mớ rau, mớ khoai, gói bánh, lúc thì nịt kín trong lai áo hoặc bó sát vào bắp vế. Khi bị địch kiểm tra gắt gao thì bỏ vào miệng nhai nuốt luôn. Khi địch biết cô Tỵ có chồng thoát ly làm cách mạng, bọn chúng thường xuyên để mắt đến. Lúc này, cô Tỵ không mang thư theo bên mình mà chuyển sang học cách ra dấu. Nhờ vậy mà năm 1967, tuy bị địch bắt giam vào tù nhưng vài ba tháng sau, do không tìm thấy chứng cứ, chúng đành phải thả cô về.

 

Không có chồng bên cạnh, nhưng niềm tin vào cách mạng luôn làm người vợ trẻ này vững tin. Đêm mùng một Tết Mậu Thân, đứa con trai đầu Lê Văn Hảo được 7 tuổi, còn đứa con gái thứ hai Lê Thị Kim Liên 5 tuổi được gặp cha. Cũng chính trong cái đêm định mệnh ấy, anh Đừng hy sinh. Nghe tin chồng bị địch sát hại, cô Tỵ lặng người, nuốt nước mắt vào trong. Mấy tháng sau, người vợ góa chồng này cũng bị địch bắt giam vào tù. Chúng dùng đủ mọi cực hình để khảo tra nhưng cô Tỵ không hé răng một lời. Sau hơn một năm bị giam cầm, cô Tỵ được trả về địa phương. Vì chồng, vì đất nước, cô Tỵ tiếp tục là “địa chỉ đỏ” để các cán bộ chiến sĩ cộng sản đặt lòng tin cho đến ngày đất nước thống nhất.

 

VÌ CON “CHÂN CỨNG ĐÁ MỀM”

 

ÔNG LÊ VĂN HỮU, CHỦ TỊCH HỘI KHUYẾN HỌC PHÚ YÊN:

 

Toàn tỉnh hiện có hơn 3.300 gia đình hiếu học, song một thương binh góa chồng vượt khó nuôi 6 đứa con học hành đến nơi đến chốn như bà Bùi Thị Tỵ thì không phải ai cũng làm được.

 

Gia đình bà Tỵ là một trong 3 gia đình được Hội Khuyến học tỉnh chọn tham gia Đại hội đại biểu Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học toàn quốc năm 2007 tại Hà Nội vừa qua, đã cho thấy “thương binh tàn nhưng không phế”. Xã hội này rất cần có nhiều người vợ, người mẹ dịu hiền, nhân hậu, biết hy sinh và vượt lên hoàn cảnh như thế.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1976, cảm thương người phụ nữa góa bụa với hai đứa con nhỏ nên anh thương binh Huỳnh Mông, một người cùng thôn, tự nguyện nên vợ nên chồng cùng cô Tỵ. Họ sinh được 4 đứa con trai là Huỳnh Mỹ Lợi, Huỳnh Tấn Lai, Huỳnh Kim Anh, Huỳnh Hoàng Hùng. Khi Hùng mới 2 tuổi, vì bệnh nặng nên ông Mông qua đời, bỏ lại cô Tỵ  với 6 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. “Trước đây khi bị địch bao vây tôi không hề nao núng, vậy mà khi nhìn cha bọn trẻ mất đi tôi thực sự không còn chút sức lực để đứng vững được nữa”. Bà Tỵ ứa nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc hơn 20 năm trước.

 

Để kiếm đủ 3 bữa ăn cho sáu đứa con là việc hết sức nan giải đối với một phụ nữ. Đằng này bà Tỵ còn quyết tâm lo cho chúng ăn học đàng hoàng để không phải chịu cảnh không biết chữ như mình. Một thân một mình, bà ngược xuôi làm thuê làm mướn, có hôm cả nhà phải ăn rau muống thay cơm! Hảo và Liên đành nghỉ học phụ mẹ nuôi 4 đứa em nhỏ. Sau bao khó nhọc, năm 1999, Huỳnh Mỹ Lợi trúng tuyển vào Trường Đại học Lục quân 2, cả nhà rất mừng. Lợi chưa ra trường thì lần lượt 3 đứa em còn lại là Lai, Anh, Hùng tiếp tục trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

 

Trong cuốn nhật ký của mình, Lợi đã viết: “…Tôi vẫn nhớ cảnh mẹ và chị gái dầm mình trong cơn mưa tầm tã để cấy cho xong đám ruộng ở cánh đồng xa. Đi học về chạy vội ra ruộng đưa cho mẹ và chị tấm áo che mưa. Những hạt mưa cứ quất vào mặt và da thịt tôi đau buốt, vậy mà dưới ruộng đôi tay mẹ và chị vẫn thoăn thoắt cấy, bộ quần áo mỏng manh ướt sũng. Tần tảo sớm hôm, chịu thương chịu khó, hai người phụ nữ duy nhất trong gia đình tôi dạy bảo anh em chúng tôi nên người”…

 

BÊN MẸ CON THẤY ĐỜI RỘNG HƠN

 

Tuổi xuân của bà Tỵ trôi qua vùn vụt. Trên khuôn mặt người nữ thương binh 4/4 nuôi con một mình này đã có nhiều nếp nhăn hằn sau đuôi mắt; đôi tay thô ráp, chai sần. Các con bà đã khôn lớn và có công việc ổn định. Thế nhưng, bà Tỵ vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi. Hết lo cho con lại lo cho cháu, công việc cứ vây lấy bà không lúc nào ngơi. Vậy mà nụ cười chưa bao giờ tắt trên gương mặt bà. Bà Tỵ bộc bạch: “Năm xưa vì em nên thằng Hảo, con Liên phải bỏ học dở dang. Tuy sau đó tụi nó có đi học bổ túc văn hóa, có cái bằng THPT và tìm được việc làm rồi nhưng tôi vẫn động viên chúng học lên đại học. Hiện hai đứa nó đang học đại học Luật nên tôi phải phụ chăm sóc mấy đứa cháu”. Cả đời bà Tỵ không biết lấy một chữ nhưng sang đời con mình, bà tự hào vì đã nuôi dạy chúng nên người. Với bà cuộc chiến chống giặc ngoại xâm gian khổ bao nhiêu thì việc chống giặc đói, giặc dốt cũng gian khó bấy nhiêu. Bà đã thắng giặc ngoại xâm nên không thể để thua trong hành trình cho con cái chữ. Và quyết tâm ấy được người phụ nữ thương binh này thực hiện bằng cả tuổi thanh xuân và cả cuộc đời! Chị Lê Thị Kim Liên, người con gái luôn sát cánh cùng mẹ trong hành trình nuôi em, thổ lộ: “Chị em tôi sống bên mẹ nhiều hơn cha, dẫu thế đứa nào cũng ngoan ngoãn, tự giác học hành và đỡ đần mẹ. Mẹ luôn nhắc nhở chúng tôi phải biết sống thật tốt để xứng đáng với hai người cha vì Tổ quốc quên thân. Mẹ truyền cho chúng tôi lòng tin và đức hy sinh, giúp chúng tôi vững vàng hơn trong cuộc sống, nhất là mỗi khi đứng trước những khó khăn”.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Trồng rừng trên đỉnh núi mây bay
Thứ Ba, 27/11/2007 14:00 CH
Người thương binh “3 trong 1”
Thứ Ba, 27/11/2007 07:21 SA
Tan hoang vùng triều cường
Thứ Ba, 27/11/2007 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek