Thứ Năm, 03/10/2024 13:23 CH
Trồng rừng trên đỉnh núi mây bay
Thứ Ba, 27/11/2007 14:00 CH

Rừng phòng hộ Hà Đan (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) có 11 tiểu khu với diện tích trên 10.000 ha, trong đó có 120 ha rừng giàu (rừng nguyên sinh) số còn lại là rừng trồng tham gia các dự án. Đây là nơi hoang vắng âm u, vậy mà những nhân viên của Ban quản lý rừng phòng hộ vẫn ngày đêm trồng rừng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. Công việc thầm lặng của họ tô thêm màu xanh cho núi rừng nơi chốn hoang vu này.

 

071127-trong-cay.jpg

Đội trồng rừng Hà Đan – Ảnh: H.NAM

 

CHINH PHỤC ĐỈNH NÚI MÂY BAY

 

Từ TP Tuy Hòa chúng tôi vượt chặng đường dài hơn 160 cây số mới đến được tiểu khu số 1 của Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Đan. Mùa mưa, đến được Hà Đan phải có 4 người đi cùng dùng cây khiêng xe máy mới qua được các con suối nước chảy xiết. Từ La Hiên, một trong những ngọn núi rất cao nằm ở phía tây huyện Đồng Xuân, chúng tôi vượt qua suối Mun, suối Lạnh, trườn lên dốc Cổng Trời (dốc Thơm) mới đến được khu rừng trồng Hà Đan.

 

Đứng tại trạm Phú Mỡ 2, cố phóng tầm mắt ra xa, một không gian tĩnh mịch hoang vắng, trước mắt chỉ thấy bạt ngàn cây rừng che phủ, vậy mà hai anh Huỳnh Thanh Huy và Nguyễn Văn Quý (nhân viên của trạm quản lý Hà Đan phụ trách trạm Phú Mỡ 2 này) từng ngày vẫn bám trụ nơi đây trồng rừng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. Anh Quý nói: “Lúc tôi mới lên, đêm không dám ngủ vì rất khó thở do cây xanh rợp kín”. Nơi đây có những khu rừng có độ cao 1.200 mét so với mặt nước biển, quanh năm mây phủ. Ấy vậy mà hằng ngày, hai nhân viên này vẫn kiên trì đi bằng đường xoắn ốc vượt dốc đến đỉnh. “Có những lúc chúng tôi phải đu dây cổ rùa leo lên hòn đá to bằng mái nhà để sang được khu rừng bên kia!” - Huy nói. Mùa trồng rừng, để vận chuyển cây giống lên đến địa điểm trồng rừng phải dùng ngựa thồ chứ sức người không tài nào vận chuyển được. Từ vườn ươm (trạm gác) lên đến địa điểm trồng rừng có nơi cách 5 cây số, gần nhất là 1 cây số nhưng không có đường mòn, phải men theo khe suối, vượt qua hố sâu.

 

Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Đan có 2 trạm: Phú Mỡ 1 và Phú Mỡ 2, mỗi trạm 2  nhân viên quản lý 5.000 ha rừng. Đời sống của  nhân viên hết sức gian khổ. Quý kể: “Mùa mưa có khi hai tháng chúng tôi mới xuống núi một lần, vì nước suối dữ chặn đường. Có lúc hết thức ăn phải ăn muối với lá cây rừng”. Thức ăn thường trực trong trạm gác là cá mặn, thịt heo muối. Khu vực trạm, cây rừng che phủ và mây mù giăng kín nên ngọn đèn dầu phải chong suốt ngày đêm. Đêm xuống không gian vắng lặng càng vắng lặng hơn, thỉnh thoảng nghe tiếng kêu của những con chim đi ăn đêm, hoặc bước chân thú rừng đi làm đá lăn lộp bộp. Cơ cực và khổ nhọc là vậy nhưng Huy và Quý vẫn không nản chí. Hết mùa trồng rừng lại lao vào công việc kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ rừng nguyên sinh. Ngày nào cũng vậy, từ sáng đến tối, những bước chân vững chãi của hai nhân viên trạm Phú Mỡ 2 này lặn lội đi sâu vào những cánh rừng để kịp thời ngăn chặn tình trạng lâm tặc đốn phá cây rừng.

 

VƯỢT QUA HIỂM NGUY, HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ

 

Con suối Lạnh chạy ngoằn ngoèo hơn 5 cây số. Nơi đây được mệnh danh là xứ sở rắn lục, vì chưa có nơi nào rắn lục nhiều như ở đây. Đêm xuống rắn lục bò ra khe suối nằm săn mồi san sát. Đêm đi tuần tra, cầm đèn pin dò dẫm từng bước một vậy mà chỉ cần sơ hở một tí là đạp phải rắn lục. Trước khi trở thành nhân viên của trạm quản lý rừng phòng hộ Hà Đan, Huy học được mấy “chiêu” cấp cứu ban đầu khi rắn cắn, nhờ vậy mà những lần bị rắn lục cắn Huy và Quý có thể tự  xử lý được.

 

Từ năm 2006 đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Đan  trồng 450 ha rừng thuộc dự án 661 và chăm sóc 390 ha rừng năm thứ 3 thuộc dự án JIBIc. Dự kiến năm 2008, đất trống tham gia dự án 4.000 ha. Ngoài ra, Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Đan quản lý bảo vệ 6.000 ha rừng tự nhiên, 120 ha rừng giàu.

Ở đây không chỉ nguy hiểm vì rắn lục cắn mà còn rất dễ bị “dính” cung, bẫy của đồng bào dân tộc thiểu số. Mùa mưa năm 2002, anh Nguyễn Mì, nhân viên của Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Đan, trong khi đi kiểm tra rừng vướng phải cung. Mũi tên của đồng bào dân tộc thiểu số xuyên qua bụng. Chất độc từ mũi tên thấm vào máu làm anh Mì trút hơi thở cuối cùng tại trạm Phú Mỡ 2. Hiện nay, khi đi kiểm tra rừng, nhân viên của trạm phải tinh mắt đối phó với rắn độc và cung bẫy để tránh những hiểm nguy luôn rình rập.

 

Vắt rừng ở đây nhiều vô kể. Có hơi người đi qua, chúng búng theo nghe rào rào trên tán lá cây, đu vào người còn hơn đỉa đói. Mỗi lần rứt được con vắt ra thì da người phải dính theo. Cây lát nai ở khu rừng này mọc như cỏ, loại này sắc còn hơn dao lam, chỉ cần vướng nhẹ là tay chân tứa máu. Gian khổ vậy nhưng đến mùa trồng rừng (từ tháng 9 đến tháng 10) hàng năm, bà con đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Ba na ở xã Phú Mỡ lặn lội lên đây tham gia vào đội trồng rừng. Họ cần mẫn nạy từng viên đá, phạt chồi tranh đào hố trồng cây. Mùa mưa năm 2007, Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Đan trồng 1.000 ha rừng, nâng tổng số rừng hiện có trên 10.000 ha. Ông Đào Công Lập, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Đan cho biết: “Dù gian khổ cực nhọc nhưng anh em của trạm và bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng này rất nhiệt tình trong công việc. Nhờ thế, trong những năm qua chúng tôi không chỉ hoàn thành mà còn vượt kế hoạch tham gia dự án trồng rừng. Đối với rừng phòng hộ nguyên sinh, chúng tôi quản lý tốt không để tình trạng chặt phá rừng xảy ra”.

 

Vì màu xanh của rừng, những người của Ban quản lý rừng phòng hộ Hà Đan và bà con  Chăm, Ba na không ngại khó, ngại khổ góp sức mình cùng nhau phát triển và bảo vệ tài nguyên rừng.

 

Phóng sự của MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek