Thứ Tư, 27/11/2024 07:21 SA
Tan hoang vùng triều cường
Thứ Ba, 27/11/2007 07:00 SA

Theo dự báo, đỉnh triều cường tại các vùng ven biển Phú Yên sẽ đạt cao nhất trong hai ngày tới và có nguy cơ tiếp tục tàn phá hàng chục ngôi nhà. Trong ngày hôm qua (26/11), hàng trăm người dân, lực lượng bộ đội, công an tiếp tục khẩn trương gia cố bờ kè, nhà cửa ở các vùng ven biển tại huyện Tuy An, xã An Phú (TP Tuy Hòa) để ứng phó với hiểm họa này.

Trong khi đó, cảnh tan hoang, đổ nát tiếp tục hiện hữu ở các làng biển Phú Yên khi triều cường ngày càng xâm thực sâu vào đất liền. 

071127-trieu-cuong-5.jpg

Người dân thôn Hội Sơn xã An Hòa, huyện Tuy An đang gia cố lại bờ kè để hạn chế thiệt hại đợt triều cường mới - Ảnh: ĐỨC THÔNG

 

TRẮNG TAY CHỈ SAU MỘT ĐÊM

 

Vợ chồng anh Lê Ngọc Hòa (34 tuổi, ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An) đang lom khom nhặt những cây rui còn sót lại của căn nhà trên để gia cố căn nhà dưới làm nơi trú ẩn cho 7 con người. Anh Hòa kể lại: “Đêm 23/11, triều cường đánh ập vào nhà, làm vỡ tung căn nhà trên. Bà con và chính quyền xã đến giúp đỡ suốt đêm nên gia đình tôi tháo dỡ, lấy được một phần kèo, rui, lách và ngói. Số còn lại cuốn trôi xuống biển cùng với căn nhà. Căn nhà là gia sản của cả gia đình dành dụm, tích cóp bấy lâu nay đã bị sóng biển nhấn chìm trong nháy mắt. Do không có tiền, tôi phải cố gắng gia cố lại nhà dưới trú tạm qua mùa mưa bão này”. Ngoài gia đình anh Hòa, ở Nhơn Hội, còn có hộ các ông Nguyễn Phan, Huỳnh Tấn cũng bị triều cường cuốn sập nhà trong đêm 23/11. Căn nhà của hai ông giờ chỉ còn một nửa, nằm chênh vênh trên vách cát.

 

Đợt triều cường này đã làm sập 3 căn nhà ở thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa). Sóng biển đã đánh sập hoàn toàn căn nhà của bà Võ Thị Trang, trong khi bà bị bệnh nặng không đi lại được. Rất may chính quyền, người dân đã sớm di chuyển tài sản, đưa bà Trang đi lánh nạn sang nhà người khác. Triều cường đã xâm thực sâu vào các ngôi nhà của các ông Lê Văn Lực, Hồ Văn Hanh. Sóng biển đã xé toạc làm hàng chục cây dừa lâu nay chắn sóng bị tốc rễ, nằm chổng chơ trên mặt đất. Ông Lê Văn Lực buồn rầu nói: “Năm 2005, tôi bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua đá về gia cố bờ kè. Tưởng chừng xây dựng kiên cố như vậy, bờ kè sẽ chịu đựng được triều cường, nhưng không ngờ…”

 

Vì có kinh nghiệm trong việc đối phó với triều cường, chính quyền xã An Phú đã sơ tán dân đến nơi an toàn. Ông Ngô Đa Tuấn, Chủ tịch UBND xã An Phú, cho biết: “Triều cường dâng cao đã đe dọa đến 63 hộ dân ở thôn Long Thủy, chỉ có 3 căn nhà bị sập và không người dân nào bị thương. Trước tình trạng triều cường xâm thực mạnh, nhiều ngày qua, lực lượng bộ đội, công an, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã giúp đỡ gia cố bờ kè nên đã giữ được những căn nhà còn lại”.

 

8 NĂM BỊ TRIỀU CƯỜNG UY HIẾP

 

Huyện Tuy An đã yêu cầu chính quyền các xã ven biển tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến phức tạp của triều cường để kịp thời ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại cho nhân dân; tiếp tục vận động nhân dân vào nơi an toàn, tổ chức, bố trí lực lượng ứng phó tại các khu vực xung yếu.

 

Huyện Tuy An đã mua hỗ trợ 2.500 bao tải cho nhân dân các xã An Chấn, An Hòa, An Hải, An Ninh Đông để dào cát làm bờ bao chắn nước xung quanh khu vực nhà ở.

KHẮC NHO

Hàng chục móng nhà, kè chắn sóng nối tiếp nhau nằm chổng chơ dưới những đợt sóng cao phủ đầu. Cảnh tan hoang, đổ nát ngày càng hiện rõ ở các làng biển Phú Yên. Trên những vực cát bị sóng khoét sâu tận chân, những móng nhà nằm lộ ra, vươn mình ra biển như muốn đổ sập bất cứ lúc nào. Những người dân thân mình trần trụi đang hì hục xúc cát vào bao, đắp thành kè chắn sóng để giữ lại phần nào khối tài sản, mảnh đất của gia đình trước sóng dữ. Đôi mắt của ông Trần Văn Cả (ở thôn Hội Sơn, xã An Hòa, huyện Tuy An) hiện rõ sự mệt mỏi vì sau một đêm đương đầu với sóng biển. Hơn 300 bao cát gia đình ông đã dùng làm kè chỉ sau một đêm triều cường 25/11 đã biến mất. Sóng đã “ăn” sâu vào đất của ông, chỉ cách móng nhà chừng 2m. Sáng 26/11, ông Cả phải mua thêm 700 bao cát và nhờ bà con, thanh niên trong xóm giúp đỡ gia cố bờ kè. Ông Cả lo lắng: “Tối 26/11 là đỉnh triều cường cao nhất trong tháng này. Tôi biết rằng, vài trăm bao cát chẳng thấm vào đâu so với sóng dữ, nhưng phải làm kè để giữ được thước đất nào hay thước đó, nếu không thì chỉ cần qua tối nay, căn nhà tôi sẽ trôi ra biển”.

 

Căn nhà ông Võ Tiện (59 tuổi, nằm sát nhà ông Cả) cũng bị đợt triều cường đêm 25/11 xâm thực sâu vào tận móng nhà. Vì hoàn cảnh gia đình neo đơn, khó khăn, ông Tiện đành phó thác nó cho sóng dữ, còn gia đình đưa nhau vào nhà cha ruột ông để trú tạm. Ông Tiện bày tỏ: “Gia đình tôi đã được xã cấp đất tái định cư, nhưng do chưa có tiền để xây dựng nhà nên cứ sống tạm trong căn nhà này”. Triều cường triền miên nên đã hằn sâu trong trí nhớ của người dân vùng biển An Hòa. Ông Phan Văn Cương (64 tuổi) ở thôn Hội Sơn, khẳng định: “Cách đây 8 năm, một đợt triều cường lớn đã cuốn sập hàng chục căn nhà dân nằm gần biển. Sau đó, hễ năm nào ở Phú Yên bị ảnh hưởng bão thì ở đây đều bị triều cường xâm thực. Triều cường đe dọa, uy hiếp làng biển này triền miên”. 

 

071127-trieu-cuong-1.jpg

Nhà của anh Lê Ngọc Hòa, thôn Nhơn Hội, xã An Hòa (Tuy An) bị triều cường đánh sập - Ảnh: ĐỨC THÔNG

 

TRIỀU CƯỜNG LẤN, NGƯỜI DÂN LÙI

 

Ông Nguyễn Tấn Luận (56 tuổi, ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An) không nhớ nổi là qua các đợt triều cường đã có bao nhiêu nhà dân bị sập, sóng biển cuốn trôi mà chỉ nhớ sóng biển đã ăn sâu vào làng gần cả chục mét. Ông Luận kể ra hàng loạt nhà bị triều cường “nuốt chửng” như nhà ông Võ Thái, ông Lin, Võ Hiểu, ông Sáu Dấu… Ông Luận nói: “Làng biển này đâu đâu cũng có nhà sập. Hàng chục căn nhà bị sóng biển cuốn trôi mất, hàng chục căn nhà khác đổ nát nằm ngay trên mặt đất”.

 

Những nhà dân bị sập, bị sóng biển cuốn trôi đã được chính quyền cấp đất tái định cư. Họ đã lùi về tuyến sau an toàn hơn, còn những căn nhà nằm sau những căn nhà bị sập trước đó thì lại tiếp tục bị triều cường đe dọa. Ông Nguyễn Thuận, thôn Nhơn Hội, lo lắng: “Trước đây, trước mặt nhà tôi có ba hộ khác là hộ ông Bùi Đức Tỵ, ông Sáu Dấu, anh Nhu. Triều cường đã cuốn trôi nhà của họ nên bây giờ nhà tôi đối mặt với triều cường. Cây phong ba lâu nay làm bóng mát, chắn gió nay đã bị triều cường bứng gốc. Trước mặt nhà tôi không còn vật gì để chắn được sóng”.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Vinh, Phó chủ tịch UBND xã An Hòa, triều cường đã xâm thực hơn 1.200m chiều dài dọc các thôn Hội Sơn, Nhơn Hội, Phú Thường, ăn sâu vào đất liền từ 3 đến 5m. Trong đợt triều cường năm 2001, chính quyền đã giao đất tái định cư cho 122 hộ. Hiện nhiều hộ đã xây nhà, sống ổn định. Ông Vinh cho biết: “Trong đợt triều cường này, xã An Hòa phát sinh thêm 59 hộ với 232 khẩu có nguy cơ bị triều cường xâm thực. Chúng tôi đã lên kế hoạch di dời, giao đất cho người dân để định cư”.

 

Biển xâm thực đến đâu, người dân lùi đến đó. Hàng năm, cả trăm căn nhà dân bị đe dọa bởi triều cường. Cuộc sống của họ cứ thấp thỏm lo âu, chờ đợi đến lượt… di dời đến nơi tái định cư mới. Và rồi những làng biển này sẽ mất dần, có nguy cơ xóa sổ bởi triều cường.

 

ĐỨC THÔNG – XUÂN HUY

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek