Thứ Sáu, 10/01/2025 21:58 CH
Nơi ấy Trường Sa:
Bài 1: Không xa Trường Sa!
Thứ Hai, 18/12/2017 08:32 SA

Tiễn những chuyến tàu công tác ra Trường Sa làm nhiệm vụ - Ảnh: TRẦN QUỚI

Từ khi biết đọc, biết viết, tôi đã được nghe hai tiếng Trường Sa một cách thiêng liêng. Tình yêu ấy trong tôi lớn dần theo năm tháng cùng sự trải nghiệm với những ngư dân đi biển; những câu chuyện xúc động của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam hiên ngang bảo vệ đảo đến hơi thở cuối cùng. Bao gian lao khắc nghiệt, hiểm nguy rình rập, những chàng trai Phù Đổng vẫn luôn giữ vững khí tiết, ngăn sóng gió biên thùy bảo vệ sự bình yên Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Nơi ấy luôn sáng lên tinh thần bất tử, sức sống của người con nước Việt. Nơi ấy là Trường Sa…

 

Mong ước một lần đến với Trường Sa, nơi xa xa chân trời nghìn trùng sóng gió, nơi bão giông, mưa gió mịt mùng, nơi sương lạnh, mặn tràn gió biển, nơi vẫn còn nhiều những cặp mắt cú vọ luôn lởn vởn đe dọa sự bình yên mảnh đất biên cương mà bao lớp ông cha đã dựng mốc cắm cờ, luôn thôi thúc, cháy bỏng trong lòng tuổi trẻ.

 

Những cơn sóng ngoài khơi vẫn vồ vập, nhưng giông bão chẳng thể uy hiếp được lòng người đang phơi phới ra đảo làm nhiệm vụ. Các tàu lần lượt hụ 3 hồi còi dài chào quân cảng Cam Ranh, chào đất liền mang trên mình sứ mệnh cao cả đưa cán bộ chiến sĩ ra đảo làm nhiệm vụ. Trên chuyến tàu ấy còn có những “chiến sĩ trên mặt trận báo chí, tuyên truyền”. Có người đã đến Trường Sa tác nghiệp đôi ba lần, có người hơn thế, nhưng hầu hết là những nhà báo lần đầu tiên được đến với Trường Sa, trong số đó có tôi. Một tâm trạng bồi hồi, xúc động, háo hức ngay từ lúc bước chân xuống tàu và cảm giác ấy theo suốt hành trình…

 

Đêm mơ thấy đảo

 

Cuối Chạp năm trước, tôi nhận được thông báo phúc đáp của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân về chuyến công tác đặc biệt dành cho các nhà báo ra Trường Sa tác nghiệp trước hai tuần so với ngày xuất phát. Một cảm giác rạo rực khó tả trong tôi suốt hai tuần ấy. Lên mạng hỏi thăm bạn bè kinh nghiệm biển giả, tác nghiệp ở đảo xa. Và tôi, trong suốt hai tuần chỉ quanh quẩn cho việc chuẩn bị những thiết bị cần thiết, tư trang gọn gàng nhất có thể chờ ngày lên đường.

 

Nhiều đêm mơ về Trường Sa không ngủ được, có những đêm giữa khuya bật dậy mở máy tính đọc thêm thông tin, kiểm tra những món đồ chuẩn bị đã đầy đủ chưa, tôi có cảm giác như một chiến sĩ trong quân ngũ đang chuẩn bị cho một chiến dịch quan trọng mà mình được vinh dự đứng trong hàng ngũ. Trong hành trang của mình, tôi có thêm sự đồng hành bằng món quà tinh thần của người anh, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang, người đã có chuyến đi Trường Sa trước khi “về với nhân dân”, động viên và gửi cán bộ chiến sĩ Trường Sa những băng đĩa nhạc về quê hương Phú Yên và DVD mới nhất của anh với 10 bài hát về biển đảo, sau chuyến đi Trường Sa năm 2014.

Quân cảng Cam Ranh rộn ràng náo nhiệt chuẩn bị cho chuyến hải trình đầy cảm xúc. Lần đầu tiên tôi được đặt chân đến đây, tận mắt nhìn thấy và trải nghiệm ngay trên chiếc tàu hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam.

 

Hàng năm, có nhiều chuyến tàu công tác từ đất liền ra Trường Sa. Trong đó, vui vẻ, rộn ràng khí thế nhất là chuyến đi cuối năm, bởi ngoài nhiệm vụ quân sự, trên chuyến tàu này, sứ mệnh cao cả là mang hàng quà ra thăm tết các cán bộ chiến sĩ quân và dân trên các đảo ở khắp dọc dài vùng biển của đất nước. Những vật chất đón tết trên đảo được chuẩn bị chu đáo đầy đủ không khác gì đất liền: Đó là những nguyên liệu làm bánh chưng, bánh tét, thịt heo, dưa món, hoa tết các loại… Ngoài hàng quà theo tiêu chuẩn của quân chủng cấp để cán bộ, chiến sĩ đón tết, những chuyến tàu hàng ra đảo còn mang nhiều đặc sản từ mọi miền Tổ quốc gửi tặng bộ đội Trường Sa. Đó là chè Thái Nguyên, cà phê Tây Nguyên, mắm Khánh Hòa, quất cảnh hoa tết Sa Đéc (Đồng Tháp), cam Cao Phong (Hòa Bình), bánh chả Hà Nội, kẹo dừa Bến Tre, chén dĩa gốm sứ Minh Long, vịt nước mặn Đại Xuyên…

 

Đã có nhiều “chiến sĩ phóng viên” nằm bẹp dí ở sàn tàu, chẳng thiết ăn uống bởi con tàu cứ lắc lư theo những cơn sóng to dần do ảnh hưởng của những cơn bão cuối năm. Mà cũng chẳng cần bão tố, chỉ cần những cơn gió nhẹ trái mùa cũng khiến lòng biển trở nên “khó ở”. Sau hai đêm một ngày mới đến điểm đảo đầu tiên ở phía cánh bắc quần đảo Trường Sa.

 

Ấy vậy mà khi thuyền trưởng tàu 571 thông báo tàu sắp đến đảo Song Tử Tây, cả cánh phóng viên chúng tôi ào ra mũi khoang để nhìn thấy màu xanh của đảo. Tiếng màn trập máy ảnh tanh tách, roèn roẹt nổ vang để ghi lại những hình ảnh của đảo nhìn từ phía biển. Tôi thuộc diện say sóng “tầm trung”. Ngồi không nổi trên tàu, nhưng khi tàu cập đảo cũng khoác được ba lô, máy ảnh xuống xuồng lên đảo, cái say vật vã biến mất. Đảo với phóng viên, nhất là những người đầu tiên đến với Trường Sa là liều thuốc chống say sóng diệu kỳ. Những đảo nổi như Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn… hiện ra xanh ngát với những cây phong ba, bão táp, bàng vuông, bàng dày lá chạy dài ngút ngát. Với các đảo chìm là những pháo đài vững chãi trên bãi cạn san hô, được đại dương bao bọc nổi lên như thế trận Bạch Đằng năm xưa.

 

Đảo Nam Yết (đảo dừa) hiện ra xanh ngát giữa vùng biển chủ quyền - Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Thiêng liêng vùng đất tiền tiêu phên giậu

 

Đảo nào cũng nuôi được heo, trồng rau xanh để cải thiện đời sống bộ đội. Những ngày lễ tết, không khí trên đảo càng rộn ràng hơn. Các cán bộ, chiến sĩ sau nhiệm vụ huấn luyện, học tập là nghỉ ngơi và tập trung cho nhiệm vụ tăng gia, sản xuất. Rộn ràng nhất là không khí những ngày giáp tết Nguyên đán: người người chuẩn bị tết, người làm hoa ốc, người chặt cành mù u phơi khô để làm cành đào, mai giả; trái mù u được sơn màu vàng cam rực giống như quất chín, nhóm chiến sĩ khác thì lau chùi bàn thờ Bác Hồ, bày mâm ngũ quả, trang trí hội trường mùa xuân… Vui nhất vẫn là cuộc thi gói bánh chưng tết. Các anh nuôi bắt heo kêu eng éc vang cả đảo. Lá dong, lạt buộc đã sẵn, nếp ngâm, đậu xanh, hành tím cũng xong, chờ đội hình làm heo ra thịt để làm nhân bánh.

 

Ngoài lá dong mang từ đất liền ra để gói bánh chưng, lính đảo bao giờ cũng hái thêm lá bàng vuông để gói bánh. Bánh chưng gói bằng lá bàng vuông rất đặc biệt. Những chiếc bánh được gói bằng thứ lá đặc trưng của đảo mang hương vị rất riêng. Thượng úy Phạm Xuân Trường ở đảo Nam Yết, cho biết, bánh chưng gói bằng lá bàng vuông, màu bánh không xanh như lá dong, nhưng mùi thơm, hơi chan chát của lá, vị mặn của biển. Gói bánh chưng bằng lá bàng vuông là một sự tình cờ, sáng tạo của lính đảo, mang đặc trưng, “thương hiệu” riêng. Không chỉ vậy, ở các đảo nổi có lá dừa, nhiều nhất là đảo dừa Nam Yết, lính đảo cũng chọn nguyên liệu từ lá dừa đề gói bánh. Bánh chưng gói bằng lá dừa lại có ưu điểm khuôn bánh đẹp, vuông vức ngay thẳng đều tăm tắp; bộ đội cũng khéo léo trang trí bằng việc đan lá dừa thành những “tấm vĩ lá” xinh xắn, công phu.

 

Củi lửa nấu bánh chưng đã sẵn, đợi đón giao thừa. Hôm sau, bánh chín, vớt ra trang trí lại lần nữa bày biện trang trọng trên bàn thờ Bác Hồ, mâm ngũ quả của đơn vị mừng năm mới.

 

* * *

 

Ở quần đảo Trường Sa, đóng quân trên những đảo nổi đã vất vả, tại các đảo chìm, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ còn gian nan gấp nhiều lần.

 

Đảo chìm Đá Nam cách đảo nổi Song Tử Tây khoảng 3,5 hải lý. Từ xa, đảo Đá Nam hiện lên như một pháo đài kiên cố trên bãi san hô giữa biển. Lên đảo, chúng tôi chứng kiến điều kỳ diệu, sức sống của những vườn rau xanh độc đáo. Gọi là vườn rau nhưng chỉ rộng bằng chiếc chiếu, được che chắn quây kín bằng tôn, bạt xung quanh để tránh gió biển. Trên đảo có vài vườn rau như vậy. Chiến sĩ Nguyễn Thành Công, quê TP Tuy Hòa, vừa ra đảo nhận nhiệm vụ và đón cái tết đầu tiên ở đảo có phần bỡ ngỡ, chia sẻ: “Mới ngày đầu, em không hình dung đảo chìm lại có những vườn rau xanh tốt đến vậy. Không thể thong thả như đất liền, nhưng ở đảo quanh năm không thiếu rau xanh”. Không chỉ những vườn rau xanh, đảo chìm cũng dành không gian để nuôi chó, heo, gà. Đại úy Đoàn Văn Hiển, Đảo trưởng đảo Đá Nam nói: “Dù trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết, hạn chế về không gian nhưng cán bộ, chiến sĩ ở đây luôn vượt qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

 

Cách đảo Đá Nam không xa là đảo chìm Đá Thị. Trong tiếng máy nổ phát điện chạy ầm ầm, tôi hơi ngạc nhiên, vì từ lâu đảo đã có điện từ năng lượng sạch, thiếu úy Trương Văn Khoa mỉm cười nói: “Đang là mùa tết, hàng tiếp tế từ đất liền cho bộ đội nhiều, phải cho vào tủ cấp đông nên chạy tăng cường máy nổ. Đất liền có món gì thì đảo có thức ấy, thậm chí ở đảo chìm này còn giàu có hơn đất liền về sóng và gió biển. Cứ ầm ào, lồng lộng, khi rì rào, thoang thoảng vỗ về, hòa nhịp cùng lính đảo hát văn nghệ”.

 

Sau gần một năm chuyến hải trình đặc biệt, tôi vẫn nhớ những buổi chiều cuối năm trên các đảo nổi, đảo chìm thật yên bình. Đêm giao thừa trên đảo thật ấm áp. Bên đồng đội yêu thương, từng người kể chuyện, vui cũng có, tâm tình cũng có. Không khí lúc trầm lắng, lúc vui tươi sôi nổi. Hái hoa dân chủ vẫn là trò chơi được bộ đội thích thú với những câu hỏi xoáy, hóc búa để tìm người có kiến thức và ứng xử thông minh. Những bài hành khúc về đời lính, những bản hùng ca, tình ca về người lính biển được cất lên một cách khỏe khoắn, mộc mạc trong tiếng rì rào của sóng biển. Cuộc vui cứ dài mãi cho đến phút giao thừa, cùng nghe Chủ tịch nước chúc mừng năm mới.

 

Ngoài kia, sóng biển vẫn rì rào, gió biển vẫn mơn man, trên chòi canh vọng gác, các chiến sĩ trong ca trực vẫn chú tâm làm nhiệm vụ canh giữ biển trời…

 

BÀI 2: Quần đảo thiêng liêng

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ cuối: Thành phố nhân văn và quyến rũ
Thứ Bảy, 11/11/2017 14:00 CH
Kỳ 1: Thủ đô hòa bình của thế giới
Thứ Sáu, 10/11/2017 13:00 CH
Gặp em trên cao nguyên
Thứ Hai, 06/11/2017 11:00 SA
Bài cuối: Saint Peterburg tráng lệ
Thứ Hai, 23/10/2017 11:00 SA
Bài 2: Matxcơva không tin vào nước mắt
Chủ Nhật, 22/10/2017 11:00 SA
Bài 1: Nước Nga mênh mông
Thứ Bảy, 21/10/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek