Thứ Sáu, 10/01/2025 19:32 CH
Nơi ấy Trường Sa:
Bài 3: Những chiến sĩ không quân hàm
Thứ Tư, 20/12/2017 14:00 CH

Anh Hoàng Trọng Vó, Trưởng Trạm Khí tượng - Hải văn đảo Song Tử Tây đang ghi thông tin thời tiết gửi về đất liền - Ảnh: TRẦN QUỚI

Ở nơi trùng khơi ấy, không chỉ có những cán bộ chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời, mà còn có nhiều lực lượng dân sự làm nhiệm vụ trên đảo. Cũng trong điều kiện khắc nghiệt, họ phải trực canh thời tiết, trực canh đèn biển để dẫn đường cho tàu thuyền lưu thông. Họ là những ngư dân trên đảo tiền tiêu và có cả những vị sư trẻ tình nguyện trụ trì ở các chùa trên đảo… Họ là những chiến sĩ không quân hàm ở Trường Sa.

 

Người gác đèn dẫn đường trên biển

 

Tôi được “đèn trưởng” Nguyễn Quốc Tiến diễn tả công việc và thuyết minh tường tận về thông số kỹ thuật của hải đăng đảo Song Tử Tây và 8 đèn biển còn lại ở quần đảo Trường Sa anh đã từng qua một cách rành rọt. Hải đăng đảo Song Tử Tây là một trong những hải đăng được xây dựng khá sớm ở quần đảo Trường Sa (hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1993). “Tháp đèn có chiều cao 38m, tầm chiếu xa khoảng 22 hải lý. Ánh sáng trắng, chớp đơn, mỗi chu kỳ 15 giây. Thân hải đăng màu xám ghi giữa không gian xanh của cây trên đảo. Công việc hàng ngày là lau chùi vệ sinh đèn và cả bên ngoài lồng kính. Ngày nào cũng phải vệ sinh đèn chính, đèn phụ, nhà pha vào buổi sáng. Giữa đêm phải kiểm tra hiệu lực đèn trong khoảng từ 0-2 giờ sáng”, anh Tiến cho biết.

 

Anh Nguyễn Quốc Tiến đã có 20 năm giữ đèn biển, trong đó có 17 năm đón tết trên đảo và đã trải qua 9 ngọn đèn biển, thế nên anh nắm rõ từng đặc điểm của trạm đèn, đến thời tiết đỏng đảnh từ đảo chìm đến đảo nổi. Anh Tiến năm nay đã bước sang tuổi 54, cái tuổi mà không phải ai cũng có thể gắn bó với biển đảo, nơi có đời sống rất khắc nghiệt. “Với mỗi ngọn đèn biển có những đặc điểm riêng về đặc điểm ánh sáng, chu kỳ chớp, màu sắc tháp đèn để giúp tàu thuyền có cơ sở để định hướng. Ví dụ khi thấy đèn chớp chu kỳ 15 giây là những người đi biển biết mình đang ở gần khu vực đảo Song Tử Tây, phía bắc quần đảo Trường Sa”, anh Tiến giải thích.

 

Một “lính già” gác đèn khác cũng vui không kém mà tôi gặp là anh Đoàn Văn Tấn, quê Thủy Nguyên, Hà Nội, anh đang công tác ở trạm hải đăng đảo Nam Yết những tháng cuối cùng trước khi về hưu. Anh Tấn pha bình trà mời khách đất liền bằng nụ cười và cách nói đầy tinh nghịch: “Lính đèn biển chúng tôi… sướng lắm, quanh năm được ở resort biển cao cấp, không phải ai mơ cũng được”. Anh Tấn nói vậy thôi, chứ nỗi vất vả, khó khăn và sự hy sinh thầm lặng của những người công nhân gác đèn ở đảo là không thể đo đếm. “Hồi chưa có điện năng lượng mặt trời, phải chạy bằng máy nổ, anh em mới khổ, bây giờ thì công việc và cuộc sống của lính đèn biển dễ chịu hơn nhiều. Nhiều đêm nhìn biển tối đen đặc quánh một màu, mong nhìn thấy một ánh sáng từ một con tàu nào đấy đi qua cho có bầu bạn. Hay những đêm lạnh buốt, bão giông, thương những con tàu ngoài khơi chỉ mong trời sáng… Khó khăn vất vả vậy, nhưng hồi giờ chưa có anh em nào “bỏ nhiệm sở”. Thậm chí có không ít “lính già” muốn ở mãi với đảo”, anh Tấn cười hiền.

 

Ở đảo chìm, cuộc sống và công việc của lính gác đèn còn khó khăn và nguy hiểm hơn so với đảo nổi. Anh Đặng Văn Thanh, Trạm trưởng Trạm đèn đảo Sơn Ca, người cũng có hơn 20 năm gác đèn biển, trải qua hết các trạm đèn đảo chìm, cho biết: “Công nhân ở các trạm đèn ở đảo chìm điều kiện sinh hoạt khó khăn và hiểm nguy rình rập. Như tháp đèn ở đảo Đá Lát cao 42m, giữa biển, mỗi khi biển động công việc trực đèn càng nguy hiểm, tháp đèn cứ rung bần bật. Những nhân viên gác đèn ở Trường Sa gắn với nghề vì tình yêu biển đảo, vì sự an toàn trong hành trình những con tàu và cao cả hơn là tình yêu Tổ quốc”.

 

Với tàu thuyền khi qua lại trên vùng biển quốc tế khu vực quần đảo Trường Sa, ánh đèn quét rộng trên mặt biển đêm đen từ những ngọn hải đăng là tín hiệu dẫn đường chính xác. Vận hành nguồn ánh sáng định hướng ấy là những người “thợ đèn”, hầu như gắn bó cuộc đời với nghiệp giữ đèn trên đảo và quan trọng hơn là góp phần bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng qua công việc nhỏ bé của mình. Những ngọn hải đăng và ánh sáng của nó không chỉ giúp tàu thuyền xác định đúng vị trí mà còn là những cột mốc chủ quyền. Ánh sáng thiêng liêng ấy, ngoài làm “nghĩa vụ quốc tế” với tất cả tàu thuyền các nước qua lại trên vùng biển này, nó còn được ví như “mắt biển” đồng hành cùng hàng ngàn tàu cá ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.

 

Trạm Hải đăng sừng sững trên đảo Sơn Ca cũng như các điểm đảo ở quần đảo Trường Sa vừa là cột mốc chủ quyền vừa dẫn đường cho tàu thuyền qua lại an toàn - Ảnh: TRẦN QUỚI

 

“Bác sĩ thời tiết” trên đảo

 

Dù nắng bốc hơi mặt biển hay bão giông gầm rít, bất kể ngày đêm, cứ đến giờ theo lịch trình là các anh phải ra vườn khí tượng, đến cầu cảng để đo mực nước biển dâng, quan trắc mây, đo độ ẩm, lượng mưa, tốc độ, hướng gió… cập nhật thông tin về tổng đài. Đó là nhiệm vụ hàng ngày của các anh em ở Trạm Khí tượng - Hải văn đảo Song Tử Tây (thuộc Đài Khí tượng - Thủy văn Nam Trung Bộ).

 

Tiếp chúng tôi là anh Hoàng Trọng Vó, SN 1969, Trạm trưởng Trạm Khí tượng - Hải văn đảo Song Tử Tây, trông già hơn số tuổi của mình. Có lẽ, cái nắng, cái gió nơi biển khơi như tôi luyện con người anh trở nên rắn rỏi, săn chắc, đen sạm… 48 tuổi đời, anh Hoàng Trọng Vó đã có 26 tuổi nghề gắn với công việc đo gió, đoán bão, trong đó có 10 năm thâm niên ở quần đảo Trường Sa. Đang trò chuyện thì anh Vó phải chạy ra vườn lấy thông tin, hôm nay đến ca anh trực. Anh Vó cho biết, công việc của các anh là hàng ngày đo mây, mưa, gió, khí áp, nhiệt độ... rồi gửi về Đài Khí tượng - Thủy văn Nam Trung Bộ, để đất liền tổng hợp phát đi các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày. Thì ra, những bản tin hàng ngày mà mọi người vẫn xem trên truyền hình, nghe qua radio, nhất là thời tiết khu vực đảo Trường Sa có công lao động miệt mài của các anh. Những bản tin thời tiết chính xác đã giúp người dân trong đất liền và ngư dân đánh bắt hải sản trên biển Đông biết trước những biến động thời tiết, để tránh trú an toàn trước những cơn bão, thiên tai bất trắc trên biển.

 

Anh Hoàng Trọng Vó cho biết, ở quần đảo Trường Sa có hai trạm khí tượng ở thị trấn Trường Sa và trạm Song Tử Tây. Trạm Song Tử Tây có 5 anh em, phân công nhau trực, mỗi ngày 4 lần thu thập các số liệu thời tiết gửi về đất liền vào các thời điểm 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ. Đó là ngày thường, mỗi khi thời tiết xấu có áp thấp nhiệt đới hay bão thì tần suất là 30-40 phút/lần báo cáo số liệu quan trắc về đất liền, sử dụng hệ thống Icom thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết trước được diễn biến thời tiết.

 

Trung bình mỗi năm có từ 12-13 cơn bão và chục cơn áp thấp nhiệt đới quét qua quần đảo Trường Sa, cũng ngần ấy thời điểm cán bộ trạm khí tượng nơi đây phải đối mặt với hiểm nguy. Họ lặng lẽ, cần mẫn “đếm gió, đo mưa” để thông tin cho đất liền. Mùa mưa bão cho đến cuối năm, các trạm khí tượng ở Trường Sa được coi là “con mắt” báo bão sớm nhất, trước khi ập vào đất liền. “Những lúc mưa to, gió lớn, đang lúc nửa đêm, những nhân viên quan trắc cũng phải lao ra vườn khí tượng đội mưa, hứng gió để lấy số liệu. Những cơn bão lớn, gió giật ầm ầm, bước ra ngoài là người muốn quăng ngã, anh em trực suốt đêm không dám ngủ. Dù mỗi người mỗi quê nhưng anh em xem như một nhà, cùng chia sẻ khó khăn, gánh vác công việc vượt qua hiểm nguy”, anh Vó tâm sự.

 

Đời sống vật chất của các cán bộ nhân viên trạm được định kỳ cung cấp thực phẩm, rau xanh, nhu yếu phẩm, các phương tiện giải trí… nhưng không thể không khó khăn, khắc nghiệt. Nếu tàu hậu cần không ra kịp theo kế hoạch (do thời tiết), thì lương khô, mì gói và rau xanh tự trồng trên đảo cầm cự. Cũng không phải hiếm gặp có thời điểm các anh phải “vay” lương thực, thực phẩm từ bộ đội chờ hàng tiếp tế từ đất liền…

 

Nhưng những khó khăn ấy không hề ngăn cản tình yêu công việc, yêu biển đảo của các “chiến sĩ khí tượng”. Câu chuyện cảm động, đau thương nhất mà anh em khí tượng kể cho nhau nghe như một tấm gương lao động cần mẫn, bất chấp hiểm nguy hy sinh cả tính mạng trong lúc làm nhiệm vụ. Anh là quan trắc viên Hoàng Văn Nghĩa. Nghĩa mất khi đang làm nhiệm vụ trong một đêm mưa gió, bão bùng năm 2010 khi anh mới 24 tuổi. Hiện mộ phần của anh được an táng ở nghĩa trang trên đảo Trường Sa Lớn, giữa bốn bề vi vu gió và sóng.

 

Những tháng cuối năm ở Trường Sa thời tiết càng khắc nghiệt và thất thường. Mới thấy trời còn nắng đẹp, vậy mà bỗng chốc mây đen đã ùn ùn kéo đến. Chúng tôi vội tạm biệt anh em Trạm khí tượng Song Từ Tây ra tàu kịp hành trình tránh bão.

 

* * *

 

Ngoài những công nhân gác đèn, nhân viên quan trắc khí tượng, một trong những niềm vui của chúng tôi trong chuyến hải trình Trường Sa là được quen biết những cư dân của đảo. Họ là những hộ dân từ đất liền tình nguyện ra đảo sinh sống, những nhà sư trụ trì các chùa trên đảo, là những thầy giáo dấn thân vì các em học sinh thân yêu sống ở đảo xa. Họ là những công dân bình dị nhất, nhưng với tinh thần yêu biển đảo quê hương, yêu Tổ quốc thiêng liêng nơi tiền tiêu, phên dậu đã tình nguyện góp sức xây dựng cuộc sống đất nước yên bình. Họ cũng sẽ sẵn sàng cầm súng khi Tổ quốc cần...

 

BÀI CUỐI: Vang mãi Trường Sa trong lòng dân Việt

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 2: Quần đảo thiêng liêng
Thứ Ba, 19/12/2017 08:25 SA
Bài 1: Không xa Trường Sa!
Thứ Hai, 18/12/2017 08:32 SA
Kỳ cuối: Thành phố nhân văn và quyến rũ
Thứ Bảy, 11/11/2017 14:00 CH
Kỳ 1: Thủ đô hòa bình của thế giới
Thứ Sáu, 10/11/2017 13:00 CH
Gặp em trên cao nguyên
Thứ Hai, 06/11/2017 11:00 SA
Bài cuối: Saint Peterburg tráng lệ
Thứ Hai, 23/10/2017 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek