Thứ Sáu, 10/01/2025 19:09 CH
Nơi ấy Trường Sa
Bài cuối: Vang mãi Trường Sa trong lòng dân Việt
Thứ Năm, 21/12/2017 10:00 SA

Lớp học đặc biệt của thầy và trò Trường tiểu học đảo Sinh Tồn - Ảnh: TRẦN QUỚI

Trường Sa thân thương và thiêng liêng trong lòng mỗi người dân đất Việt, là máu thịt của cha ông bao đời khẳng định chủ quyền và gìn giữ đảo. Trường Sa không chỉ là phên dậu của Tổ quốc, mà đã trở thành điểm tựa vững chắc cho đất liền, đặc biệt là ngư dân vươn khơi bám biển, làm giàu từ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển chủ quyền.

 

Xanh ngát Trường Sa

 

Một trong những ấn tượng sâu sắc trong chúng tôi là màu xanh trên đảo. Những vườn rau xanh mát mắt, những rặng cây xanh hiên ngang bao bọc lấy đảo mà chẳng sờn nắng gió biển mặn. Một sự kỳ diệu từ sức người!

 

Có được điều kỳ diệu ấy là công sức, tinh thần của bộ đội khắc ghi và thực hiện lời dạy của Bác Hồ về trồng cây xanh. Hàng năm, các đảo đều thi đua trồng cây, phủ xanh đảo. Với lính đảo, cây xanh là nguồn sống, là biểu tượng của sự sinh sôi, trường tồn. Bao nhiêu năm khẳng định chủ quyền quốc gia trên đảo là bấy nhiêu mùa xuân lính đảo thực hiện Tết Trồng cây.

 

Những hàng cây bão táp (còn gọi là cây hếp), phong ba quanh đảo xanh mướt quanh năm; những cây bàng vuông kiêu hãnh cắm rễ sâu dưới lớp cát san hô vững vàng trước giông bão như ý chí, tinh thần của người lính trước mọi âm mưu, thế lực làm nhiệm vụ canh giữ biển trời, bảo vệ đảo.

 

Không chỉ cây phong ba, bão táp, bàng vuông, dưới bàn tay lao động, ý chí của bộ đội, trên các đảo hôm nay đã có rất nhiều loại cây, hoa phát triển mạnh mẽ, xanh tốt. Bàng biển dày lá, phi lao, mù u, nhàu biển, sứ đại, đến các loài hoa cây kiểng trong đất liền cũng hiện diện nơi đảo xa. Ngay cả nàng xuân ẻo lả, đỏng đảnh khó chiều như phong lan cũng tươi xanh, đơm hoa rực rỡ.

 

Trung tá Phạm Thế Nhương, Phó Chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng đảo Sơn Ca cho hay, mặc dù trong điều kiện nắng gió biển nhưng bộ đội vẫn có cách chiết cành, chăm cây phát triển xanh tốt, phủ xanh diện tích cát, san hô trên đảo. Trồng cây xanh là một trong những nhiệm vụ chính trị của cán bộ, chiến sĩ trên đảo bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu.

 

Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, nói: “Cây xanh là sức sống của Trường Sa, mỗi đảo hàng năm đều đặt ra chỉ tiêu trồng và chăm sóc cây xanh như một nhiệm vụ chính trị quan trọng trên đảo. Năm 2016, quân và dân huyện Trường Sa đã trồng gần 20.000 cây xanh các loại, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp”.

 

Điểm tựa vững chắc

 

Cơn bão số 12 vừa qua, các âu tàu ở quần đảo Trường Sa trở thành nơi tránh trú an toàn cho hàng trăm tàu thuyền ngư dân đang ngoài khơi trong thời điểm bão hình thành và hoành hành. Riêng TP Tuy Hòa có hơn 100 tàu đánh cá kịp thời về đây tránh trú. “Nếu không có các âu tàu và sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, tàu bè đánh bắt khơi xa của ngư dân không biết sẽ thế nào khi gặp bão”, lão ngư Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa), nói.

 

Ông Thuẩn giờ đã không còn sức khỏe để vươn khơi cùng con tàu của mình, nhưng không bao giờ quên những kỷ niệm “chết người” trên biển, nếu không có bộ đội trên đảo ứng cứu, chăm sóc sức khỏe và cho cả lương thực, nước uống, quần áo...

 

Trong chuyến công tác ra Trường Sa năm ngoái, cũng là thời điểm cơn bão số 10 - Nockten đang hình thành. Tàu cá mang số hiệu PY 96265TS do thuyền trưởng Phan Trúc ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa, Phú Yên) bị hỏng máy trôi tự do. Vừa may, có tàu bạn đánh lưới bên cạnh đã kịp “dìu” tàu đến gần hướng đảo, trước khi được lực lượng cứu hộ của hải quân lai dắt vào âu tàu đảo Song Tử Tây.

 

Bước lên cầu cảng, sự âu lo, thất thần vẫn còn nguyên trên gương mặt người chủ tàu kiêm thuyền trưởng. Anh Trúc tâm tình: “Anh em tôi đi vét chuyến cuối về ăn tết, nhưng xui quá, mới câu được mấy tạ cá thì máy bị hỏng. Cứu được tàu, được người đã là may. Tàu cá ngư dân trên biển chẳng khác nào chiếc lá trong hồ, mong manh lắm, gặp bão máy hỏng mà không có tàu cứu hộ thì coi như phó mặc…”.

 

Trên âu tàu Song Tử Tây thời điểm ấy còn có tàu cá số hiệu BĐ 91338TS làm nghề lưới rê do anh Phạm Bé ở Bình Định làm thuyền trưởng cũng đang neo lại để sửa chữa do hỏng máy. Anh Bé cho biết, tàu của anh có hai máy, đang chạy tìm luồng cá thì bị hỏng máy một nên phải lập tức vào đảo sửa chữa để kịp khai thác thêm những ngày cuối năm trước khi về bến ăn tết. Tại đây, những thợ máy chuyên nghiệp của khu dịch vụ hậu cần nghề cá âu tàu đảo Song Tử Tây đã kiểm tra, tìm ra nguyên nhân của sự cố bình điện và sửa chữa miễn phí để tàu nhanh chóng quay lại đánh bắt trên biển.

 

Âu tàu trên đảo Song Tử Tây có sức chứa khoảng 100 tàu cá các loại vào neo đậu mỗi khi biển động có áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Theo trung tá Trương Sỹ Nam, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, mặc dù nước ngọt trên đảo rất khan hiếm nhưng trên đảo luôn có bể nước ngọt dự trữ để hỗ trợ ngư dân trên những tàu cá đánh bắt dài ngày trên biển. Trạm xăng dầu ở ngay khu âu tàu của đảo bán dầu cho bà con ngư dân với mức giá như ở trong đất liền, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi xa trên những ngư trường truyền thống.

 

Đến đảo Sinh Tồn, khu âu tàu và trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cũng được đưa vào sử dụng gần đây, trở thành bến đỗ an toàn cho tàu ngư dân mỗi khi bão hay tàu gặp sự cố. Thiếu tá Nguyễn Đức Thiện, Chỉ huy trưởng Trung tâm Dịch vụ hậu cần kỹ thuật đảo Sinh Tồn, cho biết hệ thống âu tàu và khu dịch vụ của Trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật Sinh Tồn gồm hai cánh âu và lòng âu rộng hơn 9ha. Trong đó, diện tích lòng âu rộng 3,6ha, có thể chứa cùng lúc 70-100 tàu cá.

 

Ngư dân Đặng Nhu (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Trước đây khi chưa có âu tàu và dịch vụ sửa chữa ở đảo nếu gặp gió bão hoặc tàu bị sự cố hỏng máy thì phải chạy đi tránh bão hoặc lai kéo về bờ sửa chữa rất tốn kém. Hiện nay, tàu cá của bà con có thể yên tâm vào đây trú bão hay sửa chữa, tiếp dầu, nước ngọt. Điều này giúp ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển.

 

Ngoài ra, trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã có những công trình dân sinh đáp ứng nhu cầu của ngư dân như khu làng chài, là nơi nghỉ ngơi của ngư dân khi vào đảo trú bão dài ngày. Bệnh xá đảo là nơi cấp cứu nhiều tình huống nguy cấp và điều trị bệnh bất ngờ cho ngư dân. Chùa trên đảo là thiết chế tâm linh để ngư dân lễ Phật cầu an…

 

Chúng cháu là học sinh Trường Sa

 

Nếu như các cán bộ, chiến sĩ tự hào là bộ đội Trường Sa thì các cháu nhỏ, con những hộ dân sống trên đảo cũng có niềm tự hào riêng. Gặp hai anh em Trần Anh Pháp lớp 5 và Trần Anh Kỳ lớp 1, Trường tiểu học Song Tử Tây, các cháu tự tin nói: “Chúng cháu là học sinh Trường Sa!”.

 

Hiện tại, tất cả trường học ở các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây được xây dựng, sửa sang khang trang, đẹp đẽ. Chương trình học đúng chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT. Đồ dùng học tập, đồng phục… học sinh ở đất liền có gì thì học sinh Trường Sa có nấy. Chỉ có điều khác là tổ chức các lớp học trên đảo. Trong điều kiện đặc biệt, ít học sinh nhưng lại nhiều lớp học (từ lớp 1-5), trong khi giáo viên chỉ hai người ở mỗi trường, thay phiên nhau đứng lớp.

 

Thầy giáo Lê Xuân Quyết, Trường tiểu học Song Tử Tây, cho biết: “Trên đảo có 11 học sinh từ lớp 1-5. Các em cùng học chung một phòng, được chia thành từng nhóm, ngồi quay lưng với nhau, hướng lên bảng. Trong khi giáo viên giảng bài cho học sinh lớp 5 thì học sinh lớp 4, lớp 3 làm bài tập, học sinh lớp 2 ôn bài, lớp 1 ra chơi. Tuy khó nhưng rồi cũng quen, học sinh không nhiều nên cũng không ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em”.

 

Gắn bó với học sinh ở đảo Sinh Tồn hai năm nay, thầy giáo Lê Anh Đức không khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đứng trên bục giảng mà học sinh của mình chưa tới 10 trò, nhưng có tới 5 lớp học. “Ngày đầu ra đảo tiếp nhận lớp học khá khó khăn, nhưng chỉ thời gian ngắn cũng quen dần với cách dạy học ở đây. Học sinh rất chăm, ngoan, dù nhiều lớp nhưng được học hai buổi/ngày và thầy giáo kèm từng em một nên các em nắm được bài và nhiều em phát triển được năng lực”, thầy Đức tự tin.

 

Chính nhờ sự nỗ lực dạy và học của thầy và trò các trường học trên đảo nên chất lượng học sinh hàng năm đều đạt yêu cầu, các cháu học sinh lớp 5 sau khi vào đất liền để tiếp tục học cấp THCS có thể thích ứng, hòa nhập với các bạn cùng trang lứa. Thầy giáo Lê Anh Đức cho biết thêm, năm học vừa rồi có một cháu ở Trường tiểu học đảo Sinh Tồn cuối năm đạt loại giỏi, được xét tặng học bổng Vừ A Dính với suất học đặc biệt tại Trường quốc tế Việt - Úc ở TP Hồ Chí Minh.

 

Nơi đảo xa, phên dậu của Tổ quốc, các em học sinh Trường Sa, ngoài học kiến thức, còn được giáo dục tinh thần yêu biển đảo quê hương và nhiệm vụ bám đảo, giữ biển và rèn luyện “tinh thần thép”, cùng bộ đội hải quân canh giữ biển, đảo của Tổ quốc. Tạm biệt lớp học đặc biệt, những cô cậu học trò dân đảo tiễn chúng tôi bằng bài đồng giao “Hoàng Sa - Trường Sa”: “Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Biển cả xa mờ/ Có hai quần đảo/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt/ Bao nhiêu đời qua/ Tàu ai đi qua/ Thuyền ai đi lại/ Nước biển mãi gọi/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Nu na nu nống/ Trường Sa, Hoàng Sa”. Lời ca con trẻ vang mãi, lan theo từng con sóng khơi xa…

 

TRẦN QUỚI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 3: Những chiến sĩ không quân hàm
Thứ Tư, 20/12/2017 14:00 CH
Bài 2: Quần đảo thiêng liêng
Thứ Ba, 19/12/2017 08:25 SA
Bài 1: Không xa Trường Sa!
Thứ Hai, 18/12/2017 08:32 SA
Kỳ cuối: Thành phố nhân văn và quyến rũ
Thứ Bảy, 11/11/2017 14:00 CH
Kỳ 1: Thủ đô hòa bình của thế giới
Thứ Sáu, 10/11/2017 13:00 CH
Gặp em trên cao nguyên
Thứ Hai, 06/11/2017 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek