Thứ Sáu, 10/01/2025 21:45 CH
Dưới trời thu Geneva:
Kỳ cuối: Thành phố nhân văn và quyến rũ
Thứ Bảy, 11/11/2017 14:00 CH

Bức tường Cải cách - Ảnh: NGUYỄN THANH

Đến Geneva, thật thú vị khi đi dạo trên những con đường nhỏ với nền là những viên đá có tuổi đời 500 năm ở khu phố cổ, tham quan Bức tường Cải cách, Bảo tàng Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ, tìm hiểu về sự hy sinh vô bờ của nhà hoạt động xã hội Henry Dunant…

 

Bức tường Cải cách

 

Một hình ảnh khác của tôn giáo và cũng là một di sản văn hóa của Geneva là Bức tường Cải cách (Reformation Wall) được xây dựng năm 1909 bằng đá dài 100m, cao 9,15m trong công viên Bastions, kề bên tường thành cổ để kỷ niệm 400 năm ngày sinh của nhà cải cách tôn giáo Jean Calvin và 350 năm thành lập Trường đại học Geneva. Điểm nhấn chính của công trình là bốn bức tượng cao 5m của những người dẫn đầu cuộc cải cách: Jean Calvin, William Farel, Theodore de Beze và John Knox. Sáu nhân vật có ảnh hưởng ít hơn được bố trí ở cách xa hai bên với chiều cao 3m. Câu phương châm “Post Tenebras Lux ” (Sau bóng tối là ánh sáng) nổi tiếng của Geneva được chạm ngang hàng với các bức tượng một cách trang trọng. Để bảo đảm chất lượng mỹ thuật của công trình, thiết kế tiêu biểu nhất trong số 71 hồ sơ tham dự từ khắp thế giới đã được chọn và các bức tượng được thực hiện bởi hai nhà điêu khắc đến từ Pháp. Đây là một kinh nghiệm quý báu: Để cả thế giới công nhận và chiêm ngưỡng, việc thu hút trí tuệ toàn cầu là vô cùng cần thiết cho một công trình có giá trị dài lâu.

 

Việc cải cách của Jean Calvin cũng tác động lớn đến nhiều lĩnh vực của Geneva như chính trị, kinh tế và quản lý. Trong phố cổ có một con đường mang tên ông và ngôi nhà nơi ông từng ở được gắn một bảng tưởng niệm đơn sơ mà đầy ý nghĩa. Cũng trong công viên này, Trường đại học Geneva do Jean Calvin thành lập năm 1559 là một trong những đại học hàng đầu thế giới, ngoài ra Geneva còn nhiều trường đào tạo danh tiếng khác. Giáo dục và đào tạo con người được đặc biệt chú trọng ở một đất nước không có biển và thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên như Thụy Sĩ. Khi chọn Bức tường Cải cách làm nơi viếng thăm, ngẫu nhiên tôi cũng phát hiện ra trường đại học này nằm đối diện với bức tường trong một công viên rộng lớn với nhiều hàng cây trăm năm xanh mướt.

 

Ngoài các quầy bán những món hàng lưu niệm dễ thương, Geneva không thiếu những cửa hàng sang trọng như trên các phố Rue de la Croix d’Or, La Rue du Rhone với những thương hiệu đồng hồ lừng danh, hàng chục loại chocolate chất lượng hàng đầu thế giới, hàng trăm loại phó mát được mệnh danh là vua của phó mát thế giới. Có đồng tiền riêng là Franc Thụy Sĩ nhưng đồng Euro được sử dụng trực tiếp là thuận lợi cho khách khi mua sắm. Người Thụy Sĩ vô cùng tự hào về sản phẩm “Swiss made” (sản xuất tại Thụy Sĩ ) của mình cả về công nghệ cơ khí chính xác, dược phẩm, sữa, thực phẩm… Lòng tôi ngập tràn tiếc nuối khi được biết đường sắt có răng cưa với những đầu máy hơi nước nối liền Tháp Chàm - Đà Lạt đặc trưng cho đường sắt leo núi hiếm có trên thế giới đã bị tháo dỡ để bán sắt vụn, còn những đầu máy “Swiss made” được chính Thụy Sĩ mua lại đem về tân trang để hoạt động phục vụ khách du lịch leo núi Alps từ năm 1993 trong chiến dịch “Back to Switzerland ” (Trở về Thụy Sĩ ).

 

Henry Dunant - người dấn thân cho hoạt động nhân đạo

 

Một địa chỉ đầy tính nhân văn và duy nhất trên thế giới là Bảo tàng Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (để phù hợp với niềm tin tôn giáo, tại các nước Hồi giáo dùng biểu tượng trăng lưỡi liềm đỏ). Bảo tàng có ba khu vực, mỗi khu được thiết kế đặc biệt cho phép du khách khám phá ba thử thách chủ yếu của thế giới ngày nay: bảo vệ phẩm giá con người, duy trì mối dây liên lạc trong gia đình và giảm thiểu hiểm nguy cho loài người. Tại đây trưng bày có hệ thống hơn 150 năm lịch sử nhân đạo của thế giới; du khách có điều kiện tốt nhất để dõi theo các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ trên toàn cầu.

 

Vợ chồng tác giả trên cầu Mont Blanc, phía sau là cột nước trên hồ Geneva - Ảnh: NGUYỄN THANH

 

Nói đến Hội Chữ thập đỏ là phải nhắc đến công lao và sự hy sinh vô bờ của Henry Dunant, một nhà kinh doanh và hoạt động xã hội của Geneva, tác giả cuốn Ký ức về Solferino sau trận chiến kinh hoàng mà ông chứng kiến với bốn vạn người thương vong trên chiến trường, mở đầu cho ý tưởng thành lập một tổ chức trung lập để cứu giúp người bị thương. Ngay từ giai đoạn thành lập Ủy ban đầu tiên, sự ganh ghét cá nhân đã làm cho vai trò của ông bị hạ thấp, đến mức cuối cùng ông bị trục xuất khỏi Ủy ban tại chính quê hương. Kinh doanh thất bại cộng với việc tập trung hiến thân cho công tác nhân đạo đã làm cho ông lâm vào cảnh phá sản, phải sống lưu lạc trong nghèo khổ nhiều nơi, kể cả phải ở trong viện dưỡng lão vào những năm cuối đời nhưng vẫn tiếp tục dấn thân cho hoạt động nhân đạo. Cuối cùng, nhờ vào nỗ lực của những nhà hoạt động xã hội Đức, lịch sử đã trả lại công bằng cho ông. Henry Dunant được phục hồi danh tiếng, ngày sinh của ông được lấy làm Ngày Chữ thập đỏ quốc tế, rất nhiều địa danh mang tên Henry Dunant và ông là một trong hai người đồng đoạt giải Nobel Hòa bình đầu tiên năm 1901.

 

Trên đường phố Geneva, tôi đã có được bức ảnh chụp bức tượng nhỏ bé của ông. Bức tượng cũng đơn sơ, giản dị như chính cuộc đời ông vậy. Nhân cách vĩ đại được nhân loại công nhận và ghi tạc trong tim mới là quan trọng, cớ gì phải tượng đài hoành tráng, xa hoa!

 

Thiên nhiên giao hòa

 

Dòng sông Rhone chảy mạnh giữa thành phố ở điểm cuối của hồ Geneva đưa một phần trong 89 tỉ m3 nước của hồ trên đường ra Địa Trung Hải. Trên mặt sông, nhân kỷ niệm 200 năm ngày Geneva độc lập, thành phố đã lắp đặt một hồ bơi với hình dáng và màu sắc của lá cờ Thụy Sĩ, trong đó thành hồ là nền màu đỏ và mặt nước hồ bơi là hình chữ thập, kề bên là khu vực nổi lát gỗ trên sông được nối với cầu để du khách ngắm cảnh, chụp hình, nghỉ ngơi, ăn uống. Không chỉ các du khách như tôi mà những nhân viên văn phòng, công ty làm việc quanh đó cũng thích ăn uống trong không gian xinh đẹp, mát mẻ với những chú chim dạn dĩ đậu sát bên mình. Được bảo vệ nghiêm ngặt, chim trời và các loài vật hoang dã tự do sống, vui đùa với khách, vào tận các công viên, dòng sông, con suối kề cận các khu dân cư.

 

Nằm bên hồ nước ngọt lớn thứ hai ở trung tâm châu Âu, Geneva có nhiều bến tàu với hàng ngàn tàu khách, tàu du lịch, ca nô đậu san sát ven hồ, đặc biệt có cả đội tàu chạy bằng động cơ hơi nước có tuổi đời trăm năm vẫn được duy trì ở tình trạng tốt, vẫn hết sức sang trọng và thân thiện với môi trường. Những tàu như vậy mang cờ hai nước Pháp và Thụy Sĩ đưa khách theo hành trình ghé nhiều điểm đến hấp dẫn thuộc hai nước nằm bên bờ hồ Geneva với tiêu chí “hồ Geneva không biên giới ” (Lake Geneva without border) phục vụ lợi ích của du khách và cư dân ven hồ, mặc dù diện tích 582km2 mặt hồ được phân chia rạch ròi đến con số hàng đơn vị cho mỗi quốc gia. Các loài chim đặc hữu, trong đó có thiên nga đùa giỡn ven hồ, lên cả trên bờ hồ, quanh các bến tàu, bay lượn theo các con tàu trên mặt nước xanh biếc, dưới bầu trời thu bảng lảng mây trắng, nắng vàng, lá cây đã chớm đổi màu và những ngọn núi phủ tuyết mờ xa làm nên hình ảnh vô cùng thanh bình, yên ả.

 

Đến Geneva bằng tàu lửa cao tốc, để hiểu thêm về một phương tiện du lịch vùng hồ, tôi đã rời bến Geneva trên con tàu mang tên Rhone được sản xuất năm 1927 với sức chứa 750 hành khách để kết thúc hành trình.

 

Náo nức, hồi hộp khi đến, xao xuyến, đắm say khi ở và bâng khuâng, luyến tiếc khi đi là tâm trạng chung của những ai đã từng đến Geneva vì có quá nhiều điều để khám phá, để học hỏi, để thưởng thức, để suy tư. Vì vậy từ trong tim mình, tôi vẫn mong rằng sẽ có ngày trở lại Thụy Sĩ, tất nhiên không thể thiếu Geneva với lời bonjour (chào bạn).

 

NGUYỄN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 1: Thủ đô hòa bình của thế giới
Thứ Sáu, 10/11/2017 13:00 CH
Gặp em trên cao nguyên
Thứ Hai, 06/11/2017 11:00 SA
Bài cuối: Saint Peterburg tráng lệ
Thứ Hai, 23/10/2017 11:00 SA
Bài 2: Matxcơva không tin vào nước mắt
Chủ Nhật, 22/10/2017 11:00 SA
Bài 1: Nước Nga mênh mông
Thứ Bảy, 21/10/2017 14:00 CH
Bò một nắng của Duân
Thứ Bảy, 14/10/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek