Nước Nga không chỉ mênh mông về diện tích mà còn mênh mông cả về lịch sử và văn hóa, đóng vai trò hết sức quan trọng trong thế giới hiện đại.
Chiếc máy bay A330-300 của Hãng hàng không Aeroflot vẽ một vòng trên bầu trời Matcơva rồi lấy đường thẳng hạ thấp độ cao. Những áng mây trắng xóa trôi vun vút về phía sau, Matcơva hiện ra và lớn dần lên dưới cánh bay. Nắng chiều miền ôn đới rải sắc vàng nhẹ lên thành phố, nhìn từ trên cao Matcơva yên ả, thanh bình trong nắng chiều. Bỗng vẳng lên trong ký ức giai điệu ngọt ngào, êm đềm của bài hát Chiều Matcơva làm cho lòng người cảm thấy nhẹ nhàng mà xôn xao, quên đi cảm giác mệt mỏi sau suốt 10 giờ bay từ Nội Bài (Hà Nội) đến Seremechevo (Matcơva).
Nước Nga từ lâu đã được cả thế giới biết tới; người Việt Nam từng ngưỡng mộ nước Nga - thành trì của chủ nghĩa xã hội, một siêu cường của thế giới thời kỳ Liên bang Xô Viết. Nhưng nước Nga cũng đã phải trải qua biết bao thăng trầm trên con đường đi tới tương lai và như các bạn Nga thường nói là nước Nga ngày nay vẫn hằng trăn trở để thoát ra tình cảnh “cường nhưng chưa thịnh!”.
Nước Nga cổ với những công quốc ở phía nam luôn bị các nước xung quanh hiếp đáp, xâm chiếm, phải chịu cảnh nô lệ hàng thế kỷ. Các nước Phổ, Thụy Điển, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ... đều là những đế quốc từng xâm lược, bắt Nga phải thuần phục. Cuộc xâm lược khét tiếng trong lịch sử nhân loại, như một làn sóng tràn ngập thế giới từ Đông sang Tây của quân Nguyên Mông đã nhanh chóng đánh tan quân Nga từ những năm nửa đầu thế kỷ XIII và thống trị nước Nga cho đến nửa cuối thế kỷ thứ XV, tức là suốt 200 năm bị đô hộ. Quân của Thành Cát Tư Hãn đã chinh phạt thành công cả châu Á và xâm chiếm cả nửa châu Âu nhưng ba lần kéo quân xuống nước ta là cả ba lần bị đánh cho tơi bời manh giáp, quan quân nhà Nguyên khiếp đảm đến mức chạy về đến đất Bắc rồi mà vẫn “ngực đập, chân run”.
Mùa thu nước Nga - Ảnh: HOÀNG NGUYÊN |
Đến thế kỷ thứ XVI, nước Nga mới thoát được ách đô hộ của Mông Cổ. Các triều đại Sa hoàng ra đời nhưng không lâu thì xảy ra nội chiến, tranh giành quyền lực, một thời kỳ loạn lạc để các nước Ba Lan, Litva, Phổ, Bungari... lại có cơ hội can thiệp và chiếm đóng. Cho đến nửa cuối thế kỷ XVII, nước Nga mới xuất hiện một nhân vật lỗi lạc, có tầm nhìn mở đất nước ra với thế giới phương Tây, đưa đất nước mình vào hệ thống quốc gia châu Âu được muôn đời sau người dân Nga ca tụng, tôn thờ. Đó là Pierre đại đế. Ông đã tổ chức quân đội hùng mạnh và đánh tan quân xâm lược Thụy Điển, tiến lên đánh đuổi quân Thụy Điển ra khỏi Saint Peterburg chiếm lấy vịnh Phần Lan nối liền biển Baltic, mở cửa nước Nga ra thế giới. Vào thế kỷ XIV, nước Nga chỉ là một công quốc nhỏ bé ở Moscow, đến đầu thế kỷ XVIII đã là một đất nước rộng lớn gấp ba lần. Saint Peterburg được chọn làm thủ đô, nước Nga đã trở thành một đế quốc hùng mạnh thống trị cả Ba Lan, đại công quốc Litva và đương đầu với quân Phổ, Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman...
* *
*
Đến những thành phố lớn của nước Nga ngày nay, thăm các di tích lịch sử và văn hóa: Quảng trường Đỏ, Cung điện Mùa Hè, Cung điện Mùa Thu, Cung điện Mùa Đông... sẽ hiểu thêm và yêu mến hơn đất nước, con người ở đây. Du khách cảm thấy khá thú vị khi biết về cuộc đời nữ hoàng Ekaterine vừa rất oanh liệt trong chiến đấu, xây dựng nước Nga hùng mạnh mà cũng rất đam mê trong tình yêu. Bà xuất thân là một cô gái Phổ nhưng lại vô cùng yêu nước Nga, bà lấy chồng là cháu trai của Pierre đại đế, một người Nga nhưng học ở Phổ và chỉ yêu văn hóa nước Phổ. Họ khác nhau từ trong tâm hồn nên không có tình yêu. Đời sống hôn nhân không hạnh phúc, do vậy mà hơn 10 năm lấy nhau họ chưa một lần động phòng hoa chúc! Tuy nhiên về sau, để có người nối nghiệp, họ cũng đã có với nhau một người con trai ốm yếu, bệnh tật. Sau khi Nữ hoàng Elizabeth qua đời, Pierre đệ tam - chồng bà - lên ngôi Sa Hoàng và đã giam Ekaterine vào lãnh cung ở Cung điện Mùa Thu. Bà không nản chí mà chuyên tâm đọc sách và tìm cách gặp gỡ các tướng lĩnh, các chính khách. Bà đã có được tình yêu với một người Ba Lan làm việc trong sứ quán Anh. Họ yêu nhau say đắm. Một ngày nọ, nhân Sa Hoàng đang đi dạo cùng người tình ở Cung điện Mùa Thu, bà đã mặc đồ chiến binh, lên ngựa, chỉ huy quân đội bao vây bắt sống Pierre đệ tam giam tại cung điện và lên ngôi Sa Hoàng. Nữ hoàng Ekaterine đã xây dựng nước Nga trở thành một đế quốc mà cả châu Âu thời bấy giờ phải run sợ. Bà đã từng đánh bại đế quốc Ottoman, đánh thắng quân Pháp ở Milan (Ý), xâm chiếm Ba Lan và các nước vùng Scandinavi. Và bà đã đưa người yêu của mình về làm vua nước Ba Lan. Đất nước cường thịnh được vài chục năm rồi lại suy - thịnh, thịnh - suy nối tiếp nhau cho đến Cách mạng Tháng Mười Nga. Bằng một phát đại bác từ tàu chiến Rạng Đông bắn vào Cung điện Mùa Đông, Lênin đã giành lấy chính quyền về tay Xô Viết. Các sử gia Nga nói “Tàu Rạng Đông đã tham gia nhiều trận hải chiến mà chưa có trận nào thắng, nhưng chỉ với một phát đại bác đã dẫn đến cuộc cách mạng thành công vĩ đại”. Liên bang Xô Viết ra đời, trong đó nước Nga là thành viên lớn nhất. Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Hồng quân Liên Xô hùng mạnh đóng vai trò chính trong phe đồng minh đã chấp nhận ăn bánh mì làm bằng ít bột mì với nhiều vỏ cây, ăn súp nấu bằng thắt lưng da, giày da với muối suốt gần 900 ngày đêm bị vây ở thành Saint Peterburg (Leningrad) để rồi đánh bại quân phát xít Đức, tiến thẳng về Berlin. Chiến tranh lạnh diễn ra trên phạm vi toàn thế giới rồi Liên bang Xô Viết tan rã nước Nga trở về chính mình với sức mạnh quân sự là một cường quốc của thế giới, nhưng kinh tế vẫn khó khăn, đất nước chưa phồn thịnh, cuộc sống người dân chưa cao... Nước Nga vẫn đang truân chuyên trên đường đi đến tương lai!
* *
*
Thăm nước Nga, chúng ta không chỉ ngưỡng mộ lịch sử của một dân tộc đi lên trong gian khó mà còn khâm phục nước Nga về một nền văn hóa độc đáo với những đại thi hào Puskin, đại văn hào Leptolstoi..., với các công trình kiến trúc hoành tráng. Các bạn Nga kể về tình yêu và cái chết của đại thi hào Puskin rằng ông yêu say đắm một công nương nhưng một vị tướng của Nga cũng say đắm yêu nàng. Thế là hai người thách đấu súng để giành lấy tình yêu của mình. Vị tướng quân cho rằng mình là một viên tướng nên nhường cho nhà thơ bắn trước 3 phát đạn. Puskin đã bắn trước nhưng viên tướng chỉ bị thương còn nhà thơ thì bị bắn chết sau đó. Người Nga cũng rất thích câu chuyện chàng hoàng tử thành Troy tặng trái táo cho nàng tiên đẹp nhất và lòng ganh tị về sắc đẹp đã dẫn tới cuộc chiến thành Troy kéo dài 10 năm với biết bao mất mát về sinh mạng, biết bao gia đình ly tán. Từ những câu chuyện như thế, các bạn Nga thường nói: “Đàn bà rất đáng yêu, nhưng đàn bà cũng rất đáng sợ!”.
Đến Quảng trường Đỏ, chúng ta chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo, đó là thánh đường Basil của Chính Thống giáo - một nhánh tách ra từ Thiên Chúa giáo khi thâm nhập về phía đông. Thánh đường này được xây từ năm 1555, hoàn thành năm 1561. Nhà thờ Thánh khổ hạnh Basil là một công trình kiến trúc nhiều màu sắc gồm 9 ngôi tháp chóp hình củ hành, trên đỉnh có một thánh giá. Quần thể nhà thờ thánh Basil được xây bằng gạch đỏ rực rỡ, theo phong cách Byzantine nổi tiếng ở Nga. Để kỷ niệm chiến thắng quân Mông Cổ năm 1522, “Ivan bạo chúa” - sa hoàng đầu tiên của nước Nga đã ra lệnh cho kiến trúc sư Postnik Yakovlev xây dựng một nhà thờ hoành tráng trên nền nhà thờ Trinity cũ. Truyền thuyết kể rằng sau khi nhà thờ hoàn thành, “Ivan bạo chúa” đã ra lệnh… chọc thủng hai mắt kiến trúc sư để không bao giờ có thể tạo ra được tác phẩm tuyệt vời như thế nữa trong tương lai.
Nhà thờ Basil đã trải qua những thăng trầm mà đỉnh điểm là hai lần suýt bị giật sập. Truyền thuyết kể rằng khi xâm chiếm nước Nga, nhìn thấy vẻ đẹp ngất ngây của nhà thờ thánh Basil, Napoleon đã quyết định đưa nhà thờ này về Paris. Tuy nhiên, khi biết rằng được ý định này không thể thực hiện, Napoleon đã ra lệnh giật sập nhà thờ thánh Basil. Nhiều ký thuốc nổ đã được gài vào khắp nơi trong ngôi thánh đường này. Ngòi nổ đã được châm, lửa bắt đầu cháy. Thế nhưng một cơn mưa rào đã dập tắt ngọn lửa và “cứu sống” nhà thờ thánh Basil.
Lần thứ hai là vào năm 1930, một người thân cận của Stalin, người được giao thực hiện quy hoạch lại Quảng trường Đỏ đã đề xuất giật sập nhà thờ thánh Basil với lý do nó làm hỏng kiến trúc chung. Stalin bác bỏ đề xuất này. Nhưng sau đó, Stalin lại quyết định loại bỏ nhà thờ thánh Basil. Lần này không phải nhờ trời mà nhờ vào sự dũng cảm của kiến trúc sư Baranovsky, ông đã gửi một bức điện tín đến Stalin yêu cầu dừng chủ trương phá hoại, nếu không ông sẽ cắt cổ tự tử ngay tại thánh đường này. Cuối cùng, Stalin đã quyết định giữ lại nhà thờ thánh Basil và bỏ tù Baranovsky 5 năm.
Nước Nga không chỉ mênh mông về diện tích với trên 17 triệu cây số vuông, chiếm gần 1/6 diện tích thế giới trong lúc dân số chỉ trên 130 triệu người, tàu cao tốc chạy mãi xuyên qua thảo nguyên bao la tưởng như bất tận, mà còn mênh mông cả về lịch sử và văn hóa. Nước Nga đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong thế giới hiện đại.
Matcơva, tháng 10/2017
Bài 2: Matcơva không tin vào nước mắt
HOÀNG NGUYÊN