Thứ Sáu, 10/01/2025 22:19 CH
Nơi ấy Trường Sa:
Bài 2: Quần đảo thiêng liêng
Thứ Ba, 19/12/2017 08:25 SA

Thiêng liêng lễ chào cờ đầu năm dưới cột mốc chủ quyền ở đảo Song Tử Tây - Ảnh: TRẦN QUỚI

Trường Sa, Hoàng Sa từ trong lịch sử ngàn đời đã có dấu chân của những ngư dân Việt Nam; dấu chân của những người lính trong “Hải đội Hoàng Sa” theo lệnh vua làm nhiệm vụ trên đảo… Nước biển Đông mặn không chỉ bởi muối, mà hòa trong đó có cả máu của bao thế hệ cha ông. “Biết bao triệu người lấy thân mình che chở, Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng”… Câu hát ấy đã và sẽ vang vọng mãi trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt một cách tự hào.

 

Tự hào chiến sĩ Trường Sa

 

Biển động. Sóng quăng quật trắng xóa như bầy ngựa nối đuôi nhau phi nước đại. Những người lần đầu ra đảo náo nức lên boong tàu ngắm đảo từ xa, xúc động, mong đợi được đặt chân lên vùng đất phên giậu thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có những cán bộ, chiến sĩ ra đảo làm nhiệm vụ với tinh thần háo hức. Cái háo hức của những chàng trai Phù Đổng lần đầu đến với đảo tiền tiêu làm nhiệm vụ mà suốt những ngày đầu quân ngũ luôn mơ ước. Trong trang phục chỉnh tề giữa hàng quân, những cán bộ, chiến sĩ mạnh mẽ, dứt khoát lên tàu rạng rỡ tự hào với người ở lại. Chiến sĩ trẻ Bùi Văn Dương (quê xã An Chấn, huyện Tuy An) nói: “Em thấy mình đã trưởng thành hơn, vinh dự, tự hào khi được chọn ra đảo làm nhiệm vụ”. Còn chiến sĩ Dương Văn Tịnh (quê phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) vững vàng cho biết: “Vào bộ đội Hải quân, được chọn ra Trường Sa là niềm vui, hạnh phúc và mong mỏi của tôi. Ba mẹ, anh em đều động viên tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi đảo xa. Lần đầu tiên đón tết xa nhà lại ở nơi đảo xa là một cảm giác rất đỗi bồi hồi và vinh dự. Tôi tự hứa với mình, với đồng đội, gia đình sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ canh giữ biển trời, bảo vệ đảo”. Trung úy chuyên nghiệp Tống Văn Tùng, được ra đảo làm nhiệm vụ đợt này cũng phấn khởi, nói: “Tôi đã có nhiều năm công tác ngoài đảo, lần này tiễn tôi đi có vợ và con trai nhỏ. Rất xúc động, khi nghe con nói tạm biệt ba và hứa sẽ ngoan, vâng lời mẹ và bà, chúc ba mạnh khỏe”.

 

Khi lên đảo, trong rất nhiều câu chuyện về cán bộ chiến sĩ Trường Sa, thật cảm động khi được biết câu chuyện về cha con cùng xung phong ra đảo làm nhiệm vụ. “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Trên hòn đảo Nam Yết xinh đẹp, tôi gặp trung sĩ Nguyễn Thành Công, là chiến sĩ được sinh ra trong một gia đình truyền thống, nhiều đời theo binh nghiệp. Ông nội của Công tham gia quân ngũ thời kháng chiến chống Mỹ, chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Cha của Công là trung tá Nguyễn Trọng Đương, trợ lý xe tăng đảo Sơn Ca. 31 năm gắn bó trong quân đội, trung tá Đương có hai lần được công tác ở Trường Sa. Chính truyền thống gia đình đã hun đúc thêm lý tưởng cách mạng cho người lính trẻ Nguyễn Thành Công. “Mặc dù cuộc sống ở Trường Sa còn nhiều khó khăn, nhưng tôi rất vinh dự và tự hào vì được góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mơ ước cháy bỏng và cũng là mục tiêu quan trọng của cuộc đời mình là thi đỗ vào Học viện Hải quân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự”, Nguyễn Thành Công tâm sự.

 

Được phụng sự Tổ quốc, làm nhiệm vụ ở đảo xa là niềm vinh dự, tự hào. Đó cũng là câu chuyện của chiến sĩ Vũ Duy Anh, quê xã Giao Thịnh (tỉnh Nam Định). Duy Anh đã hun đúc ý chí muốn trở thành người lính hải quân nối nghiệp cha là thượng tá Vũ Duy Khánh từ những ngày còn nhỏ. Hồi nhỏ, lâu lâu Duy Anh mới được gặp cha một lần với đầy ắp những câu chuyện thú vị nơi đảo xa. Vậy nên sau khi rời ghế nhà trường, Vũ Duy Anh viết đơn tình nguyện vào lính với hy vọng được ra Trường Sa làm nhiệm vụ. “Ngày được chính thức khoác lên mình bộ quân phục Hải quân, niềm háo hức không kém mỗi khi được tin sắp đón cha từ đảo về ăn tết. Được vào lính, tôi cố gắng rèn luyện để đủ tiêu chuẩn ra đảo, nghĩ đến việc sắp được trở thành đồng chí với cha mới thấy lâng lâng, phấn khởi”, Duy Anh chia sẻ cảm giác những ngày đầu vào quân ngũ của mình.

 

Điều mơ ước ấy cũng thành hiện thực khi chàng tân binh Vũ Duy Anh được ngẫu nhiên biên chế ra đúng đảo Sơn Ca làm nghĩa vụ, nơi cha anh làm chính trị viên. Giây phút cha con, đồng chí gặp nhau, thượng tá Vũ Duy Khánh, người đã có gần 30 năm binh nghiệp, siết chặt con trai, nén những giọt nước mắt xúc động, hạnh phúc, động viên con trai hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng.

 

Được nghe những tâm sự, những câu chuyện đầy xúc động, tự hào của những chiến sĩ Trường Sa, trong không gian bao la sóng gió trùng khơi, trong tôi lại vang lên âm điệu, ca từ của bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn (thơ Nguyễn Phan Quế Mai). Đó như một mệnh lệnh thiêng liêng, tự nhiên từ tâm thức của mỗi con người Việt Nam khi nghĩ về Tổ quốc, về biển đảo thiêng liêng.

 

Bia tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma trên đảo Sinh Tồn - Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Hát cho người ngã xuống

 

Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và các phóng viên phải đến đảo Sinh Tồn mới có dịp thắp hương trước bia tưởng niệm, ghi công 64 liệt sĩ trên đảo Gạc Ma trong sự kiện bi tráng ngày 14/3/1988. Bia được đặt trong khuôn viên chùa đảo Sinh Tồn hướng ra phía biển. Đại đức Thích Minh Huy, trụ trì chùa cho biết: Bia Tưởng niệm 64 liệt sĩ đảo Gạc Ma được các tấm lòng thiện tâm cung tiến hoàn thành vào năm 2015, trước đó, từ khi phục dựng chùa, nhà chùa cũng đã lập bàn thờ linh vị ghi tên các liệt sĩ để cầu nguyện.

 

Buổi tối đầu tiên trên đảo Sinh Tồn, chúng tôi có một đêm văn nghệ ý nghĩa cùng các chiến sĩ hải quân và các cháu nhỏ là những công dân trẻ trên đảo. Mọi người hòa nhịp cùng thổn thức hát vang những khúc tráng ca của biển: Mộ gió, Tổ quốc gọi tên mình, Khúc tráng ca biển… như một sự khẳng định của những người đang sống, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay với anh linh các liệt sĩ Gạc Ma, với đất nước, khi Tổ quốc cần mỗi người dân Việt sẵn sàng hy sinh. Và cũng thật xúc động khi các cháu thiếu niên, nhi đồng - những công dân trẻ trên đảo Sinh Tồn cũng hòa nhịp hát vang bài ca “Em là mầm non của Đảng”, như một lời hứa của thế hệ tương lai với công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, biển đảo quê hương.

 

Đối với lực lượng Hải quân và nhân dân Việt Nam, sự kiện ngày 14/3/1988 thật bi hùng. Bốn tàu chiến Trung Quốc tiến đến bãi Gạc Ma. 6 giờ sáng, ngày ấy, tháng ấy, năm ấy… Trung Quốc đổ bộ quân lên đảo, xông lên giật cờ Việt Nam cắm trên đảo. Các chiến sĩ công binh Hải quân Việt Nam trong tay không một vũ khí đang xây dựng, bảo vệ đảo bị xả súng. Các chiến hạm của Trung Quốc bắn thẳng vào lực lượng bảo vệ đảo và tàu vận tải 604 đang neo đậu. Cuộc thảm sát kéo dài 28 phút khiến 3 tàu Hải quân Việt Nam bị bắn cháy và chìm, nhiều chiến sĩ bị thương. Nhưng với tinh thần quyết tử, các chiến sĩ công binh đã quyết giữ cờ Tổ quốc. 64 chiến sĩ công binh hy sinh, mãi mãi nằm lại, máu các anh hòa vào biển Đông.

 

Hàng năm, Ban Liên lạc Hội Cựu binh Trường Sa các địa phương đều tổ chức lễ tưởng niệm, thả vòng hoa trên biển hướng về Trường Sa. Năm 2016, Khu di tích Tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma mang chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời” và biểu tượng Vòng tròn bất tử được xây dựng tại đồi cát rộng 2,5ha - phía bắc bán đảo Cam Ranh, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 150 tỉ đồng từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và kiều bào đã được khánh thành trong niềm xúc động thành kính của nhiều thế hệ chiến sĩ và nhân dân cả nước.

 

Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, nói: “Các anh đã dâng hiến tuổi 20 cho Tổ quốc. Nhân dân cả nước đời đời ghi nhớ công ơn của các anh. Sự hy sinh anh dũng để bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh vòng tròn trên đảo Gạc Ma năm đó đã trở thành bất tử trong lòng nhân dân và lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam”.

 

Trong hành trình đến đảo Nam Yết, đoàn công tác do đại tá Bùi Đình Dương dẫn đầu đã dâng hương, viếng mộ nghĩa trang liệt sĩ trên đảo. Nơi đây có 5 liệt sĩ tuổi đôi mươi, quê ở nhiều miền trên dải đất hình chữ S đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ đang yên nghỉ. Những ngôi mộ “mãi mãi tuổi hai mươi” nằm lặng lẽ nghe thùy dương và sóng biển rì rào hát ngày đêm, càng tiếp thêm tinh thần cho những đồng đội đang tiếp tục nhiệm vụ thiêng liêng trên đảo.

 

Trong nghi thức quan trọng và ý nghĩa nhất, chào cờ dưới cột mốc chủ quyền, với trang phục chỉnh tề, dưới quốc kỳ tung bay kiêu hãnh, từ trong tim, những người lính hát vang “Đoàn quân Việt Nam đi…” và lắng lòng nghĩ về trách nhiệm thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc nơi tiền tiêu, trong đó có những người đồng đội đã ngã xuống bảo vệ biển đảo, biên cương. Một lần cùng lính đảo chào cờ, hát Quốc ca dưới cột mốc chủ quyền càng thấy trách nhiệm, tự hào trong niềm cảm xúc dâng trào khó nói bằng lời của bất cứ ai mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, người con đất Việt.

 

Bài 3: Những chiến sĩ không quân hàm

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 1: Không xa Trường Sa!
Thứ Hai, 18/12/2017 08:32 SA
Kỳ cuối: Thành phố nhân văn và quyến rũ
Thứ Bảy, 11/11/2017 14:00 CH
Kỳ 1: Thủ đô hòa bình của thế giới
Thứ Sáu, 10/11/2017 13:00 CH
Gặp em trên cao nguyên
Thứ Hai, 06/11/2017 11:00 SA
Bài cuối: Saint Peterburg tráng lệ
Thứ Hai, 23/10/2017 11:00 SA
Bài 2: Matxcơva không tin vào nước mắt
Chủ Nhật, 22/10/2017 11:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek