Thứ Sáu, 18/10/2024 00:27 SA
Huyền bí Bali:
Kỳ 1: Hòn đảo của vạn ngôi đền
Thứ Bảy, 09/09/2017 14:00 CH

Quá cảnh tại sân bay Changi của Singapore vào gần nửa đêm, khi đến cổng dành cho chuyến bay nối tuyến đến Bali vào 5 giờ sáng hôm sau thì chỉ còn vài khách đi cùng, tôi tranh thủ ngủ một giấc. Đến khi thức dậy, tôi thấy rất đông khách đủ màu da, quốc tịch theo các chuyến bay đến sau đã xếp hàng làm thủ tục kiểm tra an ninh. Ắt hẳn trong số đó có những người mới lần đầu đến Bali như tôi để khám phá hòn đảo nổi tiếng này và cũng có những người trở lại lần sau để tiếp tục trải nghiệm những gì mà thiên nhiên và con người nơi đây mang lại cho mình.

 

Tác giả ở đền Gunung Kawi Sebatu - Ảnh: NGỌC SƠN

 

Đất nước Indonesia có đa số dân theo đạo Hồi, nhưng riêng đảo Bali do đặc điểm lịch sử có trên 80% trong tổng số hơn bốn triệu dân theo Ấn Độ giáo với niềm tin vào sự luân hồi và theo tục hỏa táng. Cứ ra khỏi nhà là thấy đền thờ. Các nhà nghiên cứu về văn hóa và kiến trúc cho biết có trên hai vạn ngôi đền, 500.000 điện thờ và các kiến trúc thờ cúng khác. Mười ngày rong ruổi khắp nơi trên hòn đảo rộng bằng tỉnh Phú Yên bằng xe máy thuê, tôi đã viếng tám ngôi đền tiêu biểu của Bali. Điều này khó có thể thực hiện được nếu đi du lịch theo tour, kể cả các tour quảng cáo tại Ubud - một thị trấn cổ ở gần trung tâm đảo. Một điều lưu ý là nếu không mặc quần dài thì dù nam hay nữ muốn vào bên trong các đền đều phải quấn sarong (tấm vải quấn từ bụng xuống, thường nhiều màu để che chân). Tuy nhiên, tại đền Tanah Lot và Ulun Danu không thấy bắt buộc nên tôi thoải mái vào với áo thun, quần short.

 

Đền Besakih mệnh danh là Đền thờ Mẹ (The Mother Temple) - ngôi đền thiêng liêng nhất, lớn nhất và quan trọng nhất, được xây dựng từ hơn 1.000 năm trước, nằm trên độ cao 1.000m ở sườn phía tây nam của núi thánh Agung. Ngọn núi này là nơi các vị thần và nữ thần của Bali cư ngụ, theo tín ngưỡng của cư dân trên đảo. Đền là một quần thể gồm ba ngôi đền lớn - thờ Thần Shiva (Thần Hủy diệt), Thần Vishnu (Thần Bảo vệ), Thần Brahma (Thần Sáng tạo) thể hiện sự thống nhất của ba quá trình tái tạo - và các ngôi đền khác. Tổng cộng 22 ngôi đền riêng lẻ trải dài đến ba cây số trên các độ cao khác nhau, chếch sau lưng là núi cao ngất trời (Agung cao 3.142m, gần giống với Fansipan của nước ta) tạo nên quang cảnh hùng vĩ và trang nghiêm. Cũng như hầu hết các đền khác, Besakih có nhiều cổng dạng “chẻ đôi” theo truyền thuyết Thần Pasupati đã chẻ đôi núi thiêng Meru thành hai ngọn núi Batur và Agung hiện nay. Kết cấu cổng này có thể thấy trong hàng vạn ngôi đền khác, cổng thị trấn, cổng làng khắp Bali. Đền được xây bằng đá núi lửa, mái lợp lá cọ đen theo truyền thống, làm tăng thêm sự huyền bí. Ngày tôi đến trời kéo mây nhiều, núi thiêng ẩn hiện cùng hình ảnh ngày lễ tôn nghiêm làm cảnh sắc thêm huyền ảo.

 

Đền Tanah Lot được xây dựng vào thế kỷ XVI để thờ các thần biển, trên một đảo đá kề bờ biển. Buổi sáng thì nước dâng cao, từ bờ không lên được đền. Buổi trưa nước rút dần và đến chiều chỉ còn ngang bàn chân, có thể đi bộ ra đến chân đền. Tôi đến đúng vào ngày cúng Thần Biển nên rất đông tín đồ đến dự với trang phục, nghi thức truyền thống. Dọc theo bờ biển gần đó còn có sáu ngôi đền khác, có đền Batu Bolong nằm ở ngoài cùng của mỏm đá nối với đất liền mà phần chân đã bị nước xâm thực thành một vòm hang xuyên qua bên kia. Lo ngại đường ra có thể bị sập, việc ra đền bị hạn chế nhưng một số du khách vẫn tìm cách lọt qua để chụp hình. Đúng 6 giờ tối, từ đền Tanah Lot và mỏm đồi phía trên là điểm ngắm hoàng hôn trên Ấn Độ Dương tuyệt đẹp, hàng ngàn máy ảnh đồng loạt giơ lên ghi nhận thời khắc hiếm gặp. Xưa nay chỉ thấy được mặt trời mọc trên biển Đông, tôi không thể bỏ qua cơ hội ghi lại những cảnh ấn tượng này.

 

Đền Uluwatu được xây dựng vào thế kỷ thứ X bằng đá san hô đen, nằm chênh vênh trên mỏm của vách đá cao 76m dựng đứng nhìn ra Ấn Độ Dương mênh mông. Hai đường dẫn lên đền quanh co men theo vách đá, có tường chắn bảo vệ xây bằng san hô, dưới chân vách đá là điệp trùng những con sóng tung bọt trắng xóa vào tạo thành những hang hốc kỳ dị. Cuối đường dẫn là khu vực rừng có khỉ sinh sống. Một kỷ niệm đáng nhớ là trong khi mải mê chụp ảnh, tôi bị một chú khỉ từ phía sau giật lấy kính, phải nhờ nhân viên của đền dùng trái cây dụ dỗ để lấy lại. Đúng là Ban quản lý đền thông báo cả bằng loa và bảng vẫn không thừa!

 

Đền Ulun Danu được xây dựng vào năm 1633 bên bờ hồ Bratan trên núi Bedugul ở độ cao 1.200m để thờ Nữ thần Sông Nước Dewi Danu vì sự quan trọng của hồ Bratan đối với việc tưới tiêu của vùng trung tâm Bali. Nơi đây có khí hậu cao nguyên mát mẻ, mây trôi lãng đãng bên sườn núi quanh hồ. Sự giao thoa tôn giáo còn thể hiện rõ ở một tháp thờ Phật Thích Ca. Ở đây có dịch vụ canô chở thuê đi dạo quanh hồ.

 

Một góc đền Tirta Empul - Ảnh: NGỌC SƠN

 

Trên đường về, tôi gặp rất nhiều khỉ tập trung nhưng chúng rất thân thiện với khách. Còn có nhiều nơi làm dịch vụ cho thuê chỗ để chụp ảnh xuống hồ với kết cấu bằng tre, liên kết bằng vỏ xe máy cũ thu hút khá đông khách qua đường. Tôi nhờ một thiếu nữ bản xứ chụp giùm hình, thường hình có nền trái tim là lãng mạn lắm nhưng tôi xin dẫn lời một bài hát để mô tả cảm xúc lúc này:

 

“… Chân đi xa trái tim bên nhà

Thềm đá nằm thềm đá nghe mưa

Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ

Tạ ơn chim chiều hót cho cha…”

                        (Có nghe đời nghiêng - Trịnh Công Sơn)

 

Mất một ngày để đi và về cũng là xứng đáng với những trải nghiệm thú vị này.

 

* * *

 

Đền Gunung Kawi Sebatu được xây dựng từ thế kỷ thứ X, có hồ nước xanh trong với tượng nữ thần Saraswati bốn tay giữa hồ. Các kiến trúc cổng, điện thờ cũng theo truyền thống. Ấn tượng nhất là hai hồ nước thiêng dành cho nam, nữ riêng biệt được dẫn từ dòng suối ngầm trong lòng núi ra các vòi phun để cho mọi người đến tắm nhằm gột rửa tội lỗi và những buồn phiền, lo âu trong cuộc sống cũng như cầu mong cho sức khỏe, hạnh phúc. Thật là mát mẻ, sảng khoái khi được ngâm mình trong hồ nước trong lành và thì thầm cầu mong những điều tốt đẹp cho cuộc sống với niềm tin sâu sắc.

 

Được xây dựng vào thế kỷ thứ X, đền Tirta Empul có cánh cổng “không chẻ đôi”, không có các tượng thần chính của Ấn Độ giáo nhưng lại có các tượng thần khác. Bước vào cổng đền, tôi nhìn thấy hai người phụ nữ Bali với trang phục truyền thống và hai mâm chuối đội đầu luôn miệng mời mua. Hai hồ nước lớn với 24 vòi phun dẫn từ lòng suối ngầm trong đền ra, sau khi cúng các tín đồ và khách cùng tắm - ở đây không phân riêng nam, nữ - để xua đi muộn phiền và cầu mong hạnh phúc. Quy định ở đây là khi tắm cũng phải mặc cả sarong nên tắm xong tôi muốn vào đền chính thì người gác đền lại không cho vào với lý do “wet sarong” (sarong ướt), thế là lại phải ra ngoài đổi sarong khác. Tuy nhiên khi mình đã trút bỏ được phiền muộn và nếu đạt được cả sức khỏe, ước mơ thì việc đổi sarong là nhẹ như lông hồng!

 

Đền Gunung Kawi xây dựng vào thế kỷ thứ XI, được xem như để dâng lên nhà vua Anak Wungsu, vợ và các con ông. Đi xuyên qua một dòng suối trong vắt, một khu ruộng bậc thang tuyệt đẹp và 272 bậc thang, một cổng đá rồi đến một thung lũng có dòng sông xanh, có 10 điện thờ cao 7m được tạc vào vách đá hai bên bờ sông. Đặc điểm này đã làm cho ngôi đền được công nhận là Di sản văn hóa thế giới trong khi Ngôi đền Mẹ vẫn chưa được công nhận. Còn nhớ năm xưa phiến quân Taliban ở Afghanistan đã đặt bom phá hủy hai bức tượng Phật cao 37m và 55m chạm trực tiếp vào đá ở tỉnh Bamiyan đã làm cả thế giới văn minh nổi giận, nhân loại mất đi một di sản quý báu để đến hành hương và tham quan. Dù trải qua ngàn năm với bao biến động lịch sử, việc giữ lại được di sản này là một nỗ lực đáng khâm phục của người Bali.

 

Đền Goa Gajah (đền Voi) được xây dựng vào thế kỷ thứ IX, có hai hồ nước thiêng với sáu vòi nước. Nét độc đáo là khách phải bước vào vòm miệng của một linh vật để vào hang động; đi vào rồi rẽ trái là tượng Thần Ganesa (mình người đầu voi), rẽ phải là bàn thờ có ba linga tượng trưng cho các vị thần. Hình thức tín ngưỡng phồn thực này làm tôi liên tưởng đến những linga ở Mỹ Sơn và các tháp Chàm ở miền Trung quê tôi. Thật thú vị khi từ tiểu lục địa Ấn Độ, tín ngưỡng thờ cúng đã vượt trùng dương đến quần đảo Nam Dương (Indonesia), vòng qua vương quốc Chiêm Thành để rồi giờ đây tuy có pha trộn văn hóa bản địa nhưng vẫn còn những nét chung không khó để nhận ra.

 

Kỳ cuối: Những vẻ đẹp riêng của hòn đảo nổi tiếng

 

NGUYỄN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tháng Tám, về nguồn Trường Sơn
Thứ Bảy, 02/09/2017 06:00 SA
Mùa thu xứ Hàn và khát vọng xanh
Thứ Bảy, 26/08/2017 14:00 CH
Thuốc hay giúp ích cho nhiều người
Thứ Bảy, 12/08/2017 08:25 SA
“Giải mã” bản thân bằng khoa học
Thứ Bảy, 29/07/2017 13:00 CH
“Ánh sáng” từ phòng thông tim
Thứ Bảy, 15/07/2017 08:15 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek