Thứ Sáu, 10/01/2025 14:44 CH
Huyền bí Bali:
Kỳ cuối: Những vẻ đẹp riêng của hòn đảo nổi tiếng
Chủ Nhật, 10/09/2017 11:00 SA

Là hòn đảo được biển bao quanh, Bali có những bãi biển đẹp với cát trắng trải dài, những khu nghỉ mát sang trọng, các môn thể thao dưới nước phong phú thu hút du khách khắp nơi.

 

Ở Bali có một hình ảnh gợi nhớ đến phụ nữ Chăm: bất kỳ đâu và lúc nào cũng có thể thấy phụ nữ Bali từ trẻ đến già có khả năng đội - trực tiếp hoặc lót khăn được quấn tròn - các vật dụng hoặc mâm cúng lễ trên đầu khá nặng và cồng kềnh mà hai tay tự do vung vẩy hoặc còn cầm vật khác, dắt trẻ con… Tôi mải mê chụp ảnh theo chủ đề này. Khi xem một bức tranh về chủ đề này của họa sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha đã bén duyên và sống gần nửa thế kỷ với Bali là Don Antonio Blanco (1911-1999) trong bảo tàng mang tên ông ở Ubud, tôi thấy có một bài báo kèm theo của một tác giả châu Âu phân tích về hoạt động này, đại ý là nó tạo ra dáng đi thẳng cho người nữ và các cơ bắp cũng vận động hài hòa, chắc khỏe…

 

Dù ở vùng đô thị phát triển nhưng tập quán này vẫn được duy trì từ nhiều đời, điểm xuyết cho việc bảo tồn văn hóa bản địa của người Bali.

 

Ruộng bậc thang trên đảo Bali - Ảnh: NGUYỄN THANH

 

Thăm ruộng bậc thang và dạo chơi rừng khỉ

 

Bali có rất nhiều khu ruộng bậc thang, nhưng đẹp nhất là ruộng bậc thang ở vùng Tegallalang. Qua hàng ngàn năm, người dân vùng này đã tạo nên những thửa ruộng đẹp đến nao lòng, quanh co uốn lượn, nhiều tầng san sát nhau. Màu xanh của lúa cùng nhiều loại hoa, cây nhiều màu sắc, hương thơm xen lẫn với chuối, dừa cùng với dòng nước chảy quanh, có cầu gỗ bắc ngang. Nơi đây có nhiều quán cà phê nhỏ trên cao, hướng nhìn về phía ruộng để khách ngắm cảnh, có đường mòn nhỏ để khách đi xuống vòng quanh các thửa ruộng. Đất đai màu mỡ cộng với việc tưới tiêu qua hệ thống hợp tác truyền thống từ hàng ngàn năm có tên Subak làm cho các khu ruộng bậc thang không chỉ để ngắm cảnh mà có giá trị kinh tế thực sự, từ du lịch đến các sản phẩm gạo đen, trắng, đỏ, vàng để chế biến các món ăn truyền thống góp phần níu chân du khách. Du khách đến đây thoải mái chụp hình. Các họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, những người yêu thiên nhiên lấy đây làm nơi thường xuyên lui tới sáng tác.

 

Ở thị trấn Ubud có hẳn một con đường chính mang tên đường Rừng Khỉ (Monkey Forest street). Trên con đường này, phần thuộc trung tâm Ubud là san sát các cửa hàng bán đồ lưu niệm, thời trang, nghệ thuật, quán ăn, quán cà phê… kéo dài đến tận cung điện Ubud; phần kéo dài thấp hơn thuộc làng Padangtegal, hai bên có hàng trăm tượng khỉ với đủ tư thế sinh hoạt hàng ngày.

 

Rừng khỉ Ubud chiếm 11ha rừng tươi tốt với 115 loại thực vật, có khu bảo tồn các loại gỗ quý với các cây cổ thụ to bằng mấy người ôm. Chủ nhân thực sự của khu rừng là hơn 600 con khỉ thuộc bốn nhóm khỉ đuôi dài Bali chiếm các khu vực khác nhau trong rừng. Trong tín ngưỡng của Ấn Độ giáo thờ thần khỉ Hanuman nên khỉ đặc biệt được tôn kính và bảo vệ. Leo trèo giỏi nên cả khi rừng chưa mở cửa và đã đóng cửa, hàng chục chú khỉ vẫn vượt rào ra ngoài phố, leo lên dây điện, mái nhà, nóc ô tô, vô sâu hàng trăm mét trong phố chính.

 

Tôi đến vào buổi chiều, rừng cây dày đặc, bóng nắng lọt vào thưa thớt, các bức tượng voi, khỉ, kỳ nhông… rêu phong cùng năm tháng; những con đường mòn lát gạch, lát gỗ tỏa ra các hướng. Khỉ sống tự do, vui chơi khắp nơi trong rừng, tò mò theo chân du khách, thân thiện khi chụp hình nhưng cũng có khi tính nết thất thường. Phải chăng vì vậy mà trong khu vực này cũng có cả một điểm “First Aid” để trợ giúp ban đầu trong trường hợp khẩn cấp? Một dòng suối lớn chảy xuyên qua rừng, cây cầu vắt ngang với hai thành là hai hình tượng rồng tinh xảo bám đầy rêu xanh, dây leo giăng dày như những tấm màn. Ba ngôi đền thiêng được xây dựng từ thế kỷ XIV dành cho các nghi lễ khác nhau nằm rải rác trong rừng, một sân khấu mở ngoài trời… mang đến cho du khách cảm giác yên bình và thân thiện.

 

Khách du lịch được dặn dò giấu kín máy ảnh, nữ trang, chìa khóa, kính mát và các vật có khả năng phản chiếu ánh sáng vì những con khỉ tinh nghịch, dạn dĩ sẽ giật lấy và… biến mất. Thực phẩm cũng được khuyến cáo không được mang vào vì khỉ rất tinh ranh và “lục soát” người bạn. Có những người phụ nữ bán chuối ở sau cổng, và các chú khỉ luôn tỏ ra thân thiện với người cho chúng ăn. Đề phòng là vậy nhưng nhân viên ở đây vẫn tản mác khắp nơi để hỗ trợ khách khi cần.

 

Tôi ra cổng lúc sáu giờ chiều, cũng là lúc một số xe chở khách đến muộn. Phòng vé đã đóng cửa, khách tạm chấp nhận vui đùa, chụp ảnh với các chú khỉ vượt rào ra, chưa chịu về rừng…

 

Biển xanh cát trắng và… “đặc sản” núi lửa

 

Là một hòn đảo được biển bao quanh, Bali có những bãi biển đẹp tuyệt với biển xanh, cát trắng trải dài, những khu nghỉ mát sang trọng, các môn thể thao dưới nước phong phú thu hút du khách khắp nơi; vào sâu đất liền là tre xanh, dừa xanh bạt ngàn, giao thông thuận lợi. Ngoài đường chính, các đường khác tuy hẹp nhưng chất lượng rất tốt, lái xe tuân thủ nghiêm ngặt luật đi đường. Ô tô, xe máy hầu hết mang nhãn hiệu Nhật Bản, chỉ một số ít là của Hàn quốc, Đức. Không thấy khói xe, cũng không nghe ồn vì vậy ra đường cũng không thấy ai mang khẩu trang. Giá xăng chỉ bằng 2/3 giá ở Việt Nam, ô tô và xe máy đến phố trung tâm cũng như nhiều nơi khác chỉ cần đậu đúng chỗ quy định, mũ bảo hiểm đều là loại chất lượng cao, gác lên gương chiếu hậu mà không cần gửi gì cả, đi cả buổi rồi quay thì vẫn không suy chuyển gì. Tại hòn đảo nhỏ này có trụ sở của 20 lãnh sự quán các nước lớn và cũng chừng ấy hãng hàng không có đường bay đi và đến, có văn phòng Cảnh sát du lịch. Chỉ vài nét đó đủ biết sức cuốn hút du khách của Bali cao đến mức nào.

 

Biểu diễn văn nghệ đậm bản sắc văn hóa truyền thống cư dân trên đảo Bali phục vụ du khách - Ảnh: NGUYỄN THANH

 

Tại Ubud, hàng chục nhà hát ca múa truyền thống phục vụ hàng đêm mà khách vẫn kín chỗ. Các nghệ sĩ biểu diễn những chương trình nghệ thuật dân tộc đặc sắc đến mức cả nhà hát im phắc khi đang diễn và tiếng vỗ tay vang dội khi kết thúc. Tan hát, đã gần 10 giờ đêm mà trên đường, trong các quán ăn vẫn nườm nượp khách, có đoạn đường tôi tưởng như đang ở một thành phố châu Âu. Nhiều trung tâm mua bán mở cửa suốt 24 giờ để phục vụ khách.

 

Địa hình Bali chủ yếu là đồi núi, sông suối chia cắt, nhiều núi lửa. Núi lửa bao giờ cũng là mối đe dọa đối với con người, có khi còn kèm theo cả động đất, sóng thần, nhưng người Bali đã biết tận dụng ưu thế của những ngọn núi lửa đang ngủ yên để phục vụ cho mình. Đá khai thác từ dung nham núi lửa dùng để tạc tượng, làm gạch xây dựng. Các tour du lịch leo núi Batur (1.717m), Agung (3.142m) được tổ chức hàng ngày, đi từ nửa đêm để đón bình minh trên núi và nhìn toàn cảnh Bali với mức giá không hề rẻ.

 

Những làng chạm trổ vàng bạc, điêu khắc đá, xi măng, sản xuất đồ gỗ, sản phẩm may mặc, sản phẩm từ tre, dừa… đã được “cha truyền con nối” từ ngàn năm qua. Bên cạnh đó, người dân nơi đây còn sản xuất hàng lưu niệm, bày bán tranh mỹ thuật và các mặt hàng cao cấp nhập khẩu. Du khách mặc sức chọn lựa, mua sắm (và cả trả giá nữa).

 

Trên 80% thu nhập của Bali liên quan đến du lịch, điều đó không chỉ nhờ thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, đền đài cổ kính, tín ngưỡng, văn hóa đầy bản sắc, sản phẩm đa dạng mà còn nhờ ở chính con người Bali hiền hòa, thân thiện và tổ chức môi trường du lịch khéo léo đã thu hút hơn hai triệu du khách đến hàng năm. Sau khi làm thủ tục ở sân bay xong, kèm với lời cám ơn thì nhân viên còn chắp tay chào một cách thành kính hệt như toàn đoàn ca múa truyền thống đã làm khi kết thúc buổi diễn mà tôi đã xem.

 

Thời gian khám phá Bali tuy khá nhiều nhưng vẫn chưa đủ để hiểu và cảm nhận những gì mình mong muốn. Khi máy bay cất cánh rời khỏi đường băng sân bay quốc tế Ngural Rai của thủ phủ Denpasar, tôi tự nhủ “Selamat tinggal” (Tạm biệt), hẹn ngày gặp lại.

 

NGUYỄN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 1: Hòn đảo của vạn ngôi đền
Thứ Bảy, 09/09/2017 14:00 CH
Tháng Tám, về nguồn Trường Sơn
Thứ Bảy, 02/09/2017 06:00 SA
Mùa thu xứ Hàn và khát vọng xanh
Thứ Bảy, 26/08/2017 14:00 CH
Thuốc hay giúp ích cho nhiều người
Thứ Bảy, 12/08/2017 08:25 SA
“Giải mã” bản thân bằng khoa học
Thứ Bảy, 29/07/2017 13:00 CH
“Ánh sáng” từ phòng thông tim
Thứ Bảy, 15/07/2017 08:15 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek