Thứ Sáu, 18/10/2024 02:34 SA
Tháng Tám, về nguồn Trường Sơn
Thứ Bảy, 02/09/2017 06:00 SA

Đoàn tham quan Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi) - Ảnh: XUÂN HIẾU

Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại đã đi vào thi ca, vang xa khắp năm châu. Trong niềm hân hoan của những ngày cả nước vui mừng kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, tôi lại được cùng các cựu chiến binh (CCB), cựu thanh niên xung phong (TNXP) Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên về nguồn Trường Sơn, thăm lại chiến trường xưa.

 

Đoàn gồm 13 người, trong đó có 3 người ở TP Tuy Hòa, còn lại đến từ các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa và Tây Hòa. Trưởng đoàn là trung tá Trần Thành Chính (chủ tịch Hội), nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 142 (Mũi Tên Xanh) Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn (BĐTS), năm nay đã 83 tuổi, cũng là người lớn tuổi nhất. Các thành viên trong đoàn hầu hết cũng đã trên dưới 80. Mặc dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ai ai cũng hừng hực khí thế về nguồn như cách đây hàng chục năm đã hăng hái lên đường “xẻ dọc Trường Sơn” đi đánh Mỹ.

 

 

Đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau có tổng chiều dài 3.183 km.

Sống lại tuổi 20

 

Hành trang của các CCB, cựu TNXP rất gọn nhẹ, trong đó thứ mà ai cũng mang theo là quân phục và những huân, huy chương lấp lánh trên ngực - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng, ghi nhận những công lao đóng góp, phục vụ kháng chiến của từng người. Xe chạy bon bon theo quốc lộ 1 ngược ra hướng bắc. Những khúc ca quân hành giục giã được cất lên, tiếp thêm tinh thần cho những cựu binh trong hành trình về với “tuyến lửa” năm xưa. Mọi người như được sống lại tuổi 20.

 

Điểm đầu tiên đoàn dừng chân là Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Nằm cạnh quốc lộ 1, thuộc địa phận thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, bệnh xá này được thiết kế với dáng dấp nhà rông Tây Nguyên, vừa có hình dáng như bàn tay của người thầy thuốc che chở bệnh nhân của mình trong lửa đạn. Nổi bật trong khuôn viên chính là tượng đài Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm tay cầm nón che đầu, chân sải bước, như đang vượt rừng trong những lần làm nhiệm vụ. Hình ảnh người nữ bác sĩ anh hùng hy sinh ở tuổi 20 mang vẻ đẹp thuần khiết với gương mặt thanh thoát, ánh mắt hồn hậu, hiện lên trước mắt các CCB khi tham quan khu trưng bày giới thiệu những hiện vật, hình ảnh, kỷ vật của bác sĩ Đặng Thùy Trâm và ai cũng thấy mình như trẻ lại.

 

Ông Trần Hồng Lạc (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa), cho biết, hơn 50 năm trước, ông là cán bộ quân y của Sư đoàn 320. Năm 1967, trên đường vào Nam chiến đấu, đến ngã ba La Hạp (Thừa Thiên - Huế) ông cùng một số cán bộ chiến sĩ của đơn vị này được bổ sung cho Binh trạm 42 (Đoàn 559). “Quê tôi ở thôn Cẩm Thạch, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa. Thời điểm đó, tôi 20 tuổi - lứa tuổi của nhiều ước mơ, hoài bão và sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Học ngành Y xong, tôi làm đơn tình nguyện trở về miền Nam phục vụ chiến đấu ở chiến trường B, được giao nhiệm vụ trợ lý phòng bệnh rồi đội trưởng đội phẫu thuật…”, CCB Trần Hồng Lạc cho biết. Còn CCB Bùi Thị Bông (xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa) cho hay, bà là người cùng huyện, khác xã với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1965, khi vừa tròn 18, cùng với bao nam thanh nữ tú của quê hương Quảng Bình, bà xung phong vào TNXP và được biên chế vào Binh trạm 37 làm công tác mở đường ở Tà Khống (Quảng Bình). “Hàng ngày, tại điểm giao thông này có 3 đại đội TNXP của Quảng Bình, hầu hết là nữ ở tuổi mười tám đôi mươi, tham gia mở đường. Để bảo đảm giao thông thông suốt, cứ chỗ nào bị bom Mỹ gây tắc đường là sau đó chúng tôi đến san lấp kịp thời”, bà Bông nhớ lại.

 

Thắp nén nhang trước tượng đài để tưởng nhớ, tri ân những cống hiến, hy sinh, xúc cảm về nữ liệt sĩ, bác sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Thùy Trâm, CCB Nguyễn Thị Na (phường 2, TP Tuy Hòa) xúc động bày tỏ: “Bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh khi còn ở tuổi 20 với nhiều hoài bão, khát khao cháy bỏng. Tôi vô cùng khâm phục trước sức mạnh của ý chí và lý tưởng sống cao đẹp của người con gái kiên trung đất Hà thành, gốc Huế này. Lần đầu được đến nơi đây, tôi rất ngỡ ngàng khi được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp thuần khiết, trắng trong của chị qua những bức ảnh lưu niệm được gia đình cất giữ và càng bội phục, tin yêu hơn trước những cống hiến, hy sinh của chị vì độc lập, tự do của dân tộc, vì đồng chí, đồng đội”. Còn CCB Nguyễn Văn Sanh (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) tâm đắc: Được đến thăm bệnh xá, có cơ hội được đọc những trang “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, tôi thích nhất câu được chị nắn nót ghi ở những trang đầu: “Đời người phải trải qua giông tố nhưng chớ cuối đầu trước giông tố”.

 

Cung đường huyền thoại

 

Sau khi ghé thăm Khu lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), dâng hương tưởng niệm ông và nghỉ lại một đêm ở Đà Nẵng, ngày hôm sau đoàn tiếp tục cuộc hành trình, từ quốc lộ 1 hướng về Đông Trường Sơn theo đường 14B. “Đây là con đường ngược lên miền Tây Quảng Nam, qua Thượng Đức, nơi làm nên chiến thắng lẫy lừng của Quân giải phóng vào năm 1974 để mở toang cánh cửa phía tây của Đà Nẵng”, trung tá Trần Thành Chính giới thiệu với các thành viên trong đoàn. Và khi đến ngã ba Thạnh Mỹ, theo “lệnh” của ông, tài xế cho xe dừng lại tại nơi có tấm biển ghi: “Di tích lịch sử quốc gia Đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn từ năm 1969-1975” cùng dòng chú thích “Đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn đoạn Thạnh Mỹ đi Khâm Đức, đường ống dẫn xăng dầu và đường dây thông tin tải ba Bến Giằng đi Khâm Đức; trọng điểm đánh phá, ngăn chặn ác liệt của không quân và bộ binh Mỹ - ngụy”.

 

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng trung tá Trần Thành Chính vẫn nhớ sâu sắc về những ngày tháng cùng đồng đội lái xe vận chuyển lương thực, vũ khí, thuốc men vào chiến trường miền Nam trên đường Trường Sơn huyền thoại. Ông nhớ lại: Để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, ngày 19/5/1959, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Trung ương Ðảng đã quyết định mở đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh. Trong 16 năm tồn tại (1959-1975), đường Trường Sơn đã hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn, hàng chục vạn trận đánh phá của địch. Hàng triệu lượt người thuộc các binh chủng, quân chủng, lực lượng và hàng chục lượt sư đoàn, quân đoàn chủ lực đã được vận chuyển cơ động vào chiến trường miền Nam trên con đường này với thời gian thần tốc. Đặc biệt, hơn một triệu tấn hàng hóa, vũ khí, khí tài, lương thực, thuốc men, đạn dược… chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam. Biết bao người lính trẻ, TNXP và công nhân giao thông đã hy sinh trên tuyến đường này, phục vụ cho các chiến dịch Mậu Thân 1968, mùa hè 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975. Trong chiến công chung lẫy lừng đó có sự đóng góp của nhiều thanh niên, con dân của Phú Yên để bảo đảm con đường huyết mạch luôn thông suốt. Tiêu biểu trong số này là liệt sĩ Lê Phụng Kỳ, Chính ủy Binh trạm 36, Đoàn 559, người con ưu tú của quê hương Hòa Đồng.

 

Mùa này núi rừng Trường Sơn nắng ấm. Suốt hành trình từ ngã ba Thạnh Mỹ lần lượt đi qua các địa danh: Hiên, A Tép, A Đớt, A Lưới, Đắk Rông… mất gần 10 giờ xe chạy qua những đường đèo uốn lượn liên tục, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu. Khác với trước kia, rừng Trường Sơn bị không quân Mỹ rải thảm chất độc da cam trở nên trơ trọi. Sau hơn 40 năm khôi phục, nay màu xanh đã dần trở lại với Trường Sơn, ai cũng thích thú chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang dã, kỳ vĩ của núi non trùng điệp. Và mặc dù những bản làng, thị tứ đã che lấp đi dấu tích một thời của con đường huyền thoại nhưng trong ký ức của các CCB vẫn còn in đậm hình ảnh những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn”.

 

Qua “túi bom” bến phà Long Đại

 

Trong suốt dải của đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh nói chung và qua vùng đất Quảng Bình nói riêng, hầu như không nơi nào là không ghi lại dấu ấn của những tháng ngày chiến đấu gian khổ nhưng oai hùng cũng như sự hy sinh quả cảm của quân và dân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Để hôm nay, mỗi cánh rừng, con suối, dốc đèo, những cái tên như Đường 20 Quyết Thắng, Hang Tám Cô, đèo Đá Đẽo, Ngầm Rinh, Phà Long Đại, Khe Tang, Mụ Dạ, Cổng Trời... được ghi vào những trang sử vàng của dân tộc như những mốc son chói lọi.

 

Sau khi ghé thăm làng Vây, Khe Sanh… và không quên đến viếng các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đoàn tiếp tục ngược đường Trường Sơn hành quân về hướng bắc.

 

Một trong những địa điểm đoàn dừng lại khá lâu là di tích lịch sử Bến phà Long Đại nằm trên trục đường chiến lược 15 (nay là nhánh Đông đường Hồ Chí Minh) thuộc xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ, xâm lược, bến phà Long Đại là địa điểm quan trọng để vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược, nhân lực vượt sông vào miền Nam chiến đấu. “Vì đây là điểm giao thông huyết mạch trên tuyến đường Hồ Chí Minh, là nơi vận chuyển hàng, vũ khí vượt sông vào chi viện cho chiến trường miền Nam nói chung, Vĩnh Linh - Quảng Trị nói riêng nên bến phà Long Đại trở thành một trong những tọa độ lửa là trọng điểm ném bom phá hoại điên cuồng của đế quốc Mỹ trong những năm 1965-1972. Chính nơi này, máy bay Mỹ đã thả quả bom đầu tiên để đánh phá miền Bắc”, trung tá Trần Thành Chính cho biết. Còn theo lịch sử của đơn vị C16 Công binh phà Long Đại - đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, nơi đây Mỹ đã sử dụng máy bay B52, pháo kích, hạm tàu trút xuống hàng vạn tấn bom để ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

 

Đền thờ liệt sĩ bộ đội Trường Sơn tại Khu di tích Bến phà Long Đại (Quảng Bình) - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Leo lên hàng trăm bậc tam cấp đến nơi thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, mọi người trong đoàn đều nhói lòng khi được nghe về hai sự kiện đã xảy ra ở nơi từng là “túi bom” này cách đây 45 năm. Hôm ấy là ngày 16/6/1972, khi 15 TNXP quê Nghệ An đang tập hợp, chào cờ tại bến phà Long Đại, trước lúc ra trận địa làm đường thông xe thì bất ngờ một loạt bom bi và bom na-pan của không quân Mỹ dội xuống làm cả 15 người, tuổi đời chỉ mười tám, đôi mươi hy sinh. Ba tháng sau, vào ngày 19/9/1972, không quân Mỹ cũng đã ném bom rải thảm cướp đi mạng sống của 16 chàng trai, cô gái TNXP quê Thái Bình, thuộc đơn vị C130 khi đang tiếp sức cho phà Long Đại. Tuy nhiên, khi người này ngã xuống thì có người khác đứng lên. Với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quả cảm, lực lượng bộ đội công binh, TNXP, dân công hỏa tuyến cùng với dân quân du kích và nhân dân địa phương vẫn kiên cường bám trụ, dũng cảm đánh trả máy bay, rà phá bom mìn, san lấp hố bom, kiên quyết thông đường, thông tuyến.

 

CCB Mông Văn Thiết (xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh), người dân tộc Nùng, có đến 9 năm tham gia chiến đấu ở vùng đất lửa Bình Trị Thiên, thành viên của đoàn không cầm được nước mắt trước sự hy sinh bi hùng của những đồng đội năm xưa: “Bản thân tôi và những người tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở tuyến đầu của cuộc kháng chiến còn sống đến ngày hôm nay là một điều may mắn. Sự hy sinh của 31 TNXP Nghệ An, Thái Bình trong tháng 6 và tháng 9/1972 và hàng trăm chiến sĩ của các đơn vị công binh đã ngã xuống tại bến phà Long Đại anh hùng để thông xe thông tuyến tại trọng điểm này xứng đáng được tạc tượng đài chiến thắng và xứng đáng được lập đền thờ để thế hệ hôm nay và mai sau hương khói cho các anh chị và các liệt sĩ”.

 

Bên bến phà Long Đại ngày nay, nơi 31 TNXP hy sinh, cây cối đã phủ xanh, dấu tích chiến tranh hầu như không còn. Phía bên trên bến phà có cây cầu sắt Thống Nhất bắc qua sông Long Đại trong xanh hiền hòa, chạy song song với cầu Long Đại Đông, dưới chân núi Thần Đinh tạo nên một phong cảnh hùng vĩ, uy nghi. Để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng tại bến phà Long Đại, tỉnh Quảng Bình đã cho xây dựng Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại. Đền nằm trên ngọn đồi cao, với diện tích hơn 1.600m2. Đây không chỉ là công trình tri ân các anh hùng liệt sĩ trên đường Trường Sơn mà còn là “địa chỉ đỏ” trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và để du khách thăm viếng, dâng hương khi đi trên đường Hồ Chí Minh nhánh Đông qua địa phận Quảng Bình…

 

Con đường Quyết thắng

 

Đó là con đường huyết mạch nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giành thắng lợi to lớn trên mặt trận giao thông vận tải trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược của quân và dân ta - Đường 20 Quyết thắng.

 

Đường 20 Quyết thắng bắt đầu từ Km0 thuộc thôn Phong Nha (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) chạy dọc theo dòng sông Son xanh biếc, xuyên qua những cánh rừng xanh bạt ngàn thuộc rừng quốc gia Phong Nha - Kẽ Bàng đến ngã ba Lùm Bùm (huyện Ăng Khăm, tỉnh Khăm Muộn, Lào) rồi thông với đường 9. Toàn tuyến có chiều dài 125km, riêng đoạn từ Phong Nha đến Hang Tám Cô khoảng 16km. “Đây là tuyến đường được khảo sát và thi công trong thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, bị địch đánh phá suốt ngày đêm”, trung tá Trần Thành Chính cho biết.

 

Theo người dân địa phương, địa hình ở đây rất phức tạp. Để mở tuyến đường này, công binh phải treo người lơ lửng trên vách núi, đục từng lỗ nhỏ chứa thuốc nổ, gài dây cháy chậm để phá đá mở đường. Công binh và TNXP thay nhau làm đường suốt ngày, ăn uống ngay tại chỗ, quyết không để những đoàn xe ùn tắc. Đã có hơn 8.000 chiến sĩ, cán bộ công nhân kỹ thuật thuộc Trung đoàn 4, Trung đoàn 5, Trung đoàn 10 và Trung đoàn 41 bộ đội công binh (Binh đoàn 559) cùng với Công trường 20 của Bộ GTVT bao gồm các đơn vị cơ giới, đơn vị TNXP các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nam Ninh tham gia 519.280 ngày công, đào đắp 915.913m3 đất đá, bắc cầu qua khe, qua suối… để khai thông đường vào ngày 5/5/1966.

 

Nhận thấy vị trí chiến lược và tầm quan trọng của đường 20 Quyết thắng, quân đội Mỹ đã thường xuyên tập trung đánh phá ác liệt suốt ngày đêm với đủ các loại bom, đạn, các loại máy bay, kể cả B52. Mỗi ngày chúng ném 30-40 trận, có tuần lễ ném 50.000 quả bom xuống những nơi trọng điểm, nhất là từ Km0-Km16, cua Chữ A... Riêng tại Km16+200, ngày 14/11/1972 đã xảy ra một sự kiện bi tráng. Ngày hôm ấy, trong lúc 8 TNXP đang san lấp hố bom để thông đường thì máy bay Mỹ ập đến. Họ vội chạy vào hang để tránh bom và bị nhốt bên trong do một khối đá khổng lồ sập xuống bịt kín miệng hang. Những người bên ngoài chạy đến tìm cách phá cửa hang cứu người nhưng không tài nào phá nổi, trong khi máy bay Mỹ vẫn điên cuồng trút bom, dội tên lửa. 8 TNXP gồm 4 nam và 4 nữ đều là người Thanh Hóa đã hy sinh sau nhiều ngày nhịn đói, nhịn khát trong hang tối trong khi mọi người bên ngoài tiếp tục dùng mọi cách để bẫy đá, phá cửa hang nhưng đành bất lực.

 

Vào thăm, thắp hương các liệt sĩ hy sinh tại Hang Tám Cô, không ai bảo ai nhưng các CCB đều đi thành hàng một, nhẹ nhàng đặt từng bước chân lên mặt đất, sợ phá vỡ không khí tĩnh lặng, linh thiêng, trầm mặc phủ kín một góc trời giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. “Các anh, các chị hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ để lại trong lòng đồng chí đồng đội niềm thương tiếc vô hạn. Cầu mong các anh, các chị được siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng và sống mãi trong sự yêu thương của đồng chí, đồng đội và người thân”, CCB Nguyễn Thị Na bùi ngùi.

 

Những đóa hoa bất tử

 

Vượt qua cả ngàn cây số trên tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh uốn lượn ngoằn ngoèo theo từng vách núi, đến ngày thứ năm của cuộc hành trình về nguồn, Đoàn CCB, cựu TNXP Hội truyền thống dừng chân tại ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) - nơi gắn liền với sự hy sinh của 10 nữ TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh.

 

Tháng tám mùa thu. Bầu trời Can Lộc như cao hơn và xanh hơn. Đúng như câu hát của người dân địa phương: “Trời mô xanh bằng trời Can Lộc, nước mô xanh bằng dòng nước sông La, ai về Hà Tĩnh (mà) quê ta…”. Nhìn bao quát, Khu tưởng niệm Ngã ba Đồng Lộc nằm giữa thung lũng được bao bọc bởi những rừng thông xanh ngút ngàn của dãy núi Trọ Voi hùng vĩ. Đập vào mắt chúng tôi trước tiên là Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc cao vút, uy nghi - biểu tượng bất tử của sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần vươn lên, đạp bằng mọi gian nan, nguy hiểm của lực lượng TNXP, bộ đội, công nhân giao thông, công an, dân quân du kích… Xung quanh chân tượng đài là biểu tượng của khói lửa, đạn bom và các vầng mây biểu trưng cho hòa bình, hy vọng và màu xanh bất diệt của bầu trời Can Lộc. Nằm ngay chính giữa ngã ba - nơi giao nhau của 3 tuyến đường Lạc Thiện - Đồng Lộc, Khe Giao - Đồng Lộc, Ba Giang - Đồng Lộc là Cột biểu tượng lưu niệm của ngành Giao thông vận tải. Từ đây, đi thẳng về phía trước, bên tay phải là Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ TNXP toàn quốc. Nơi đây ghi danh gần 4.000 anh hùng, liệt sĩ TNXP hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, là trang sử hào hùng và bi tráng của lịch sử, hiện thân của lực lượng “vai trăm cân chân ngàn dặm”, không tiếc tuổi xuân và xương máu vì độc lập tự do của dân tộc.

 

Mặc dù đang gần giữa trưa nhưng du khách thập phương đến với “địa chỉ đỏ” này rất đông. Theo anh Trần Đình Ước, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, hàng năm, hàng vạn du khách trong và ngoài nước cùng kiều bào đã đến đây dâng hương tưởng niệm những người con đã hy sinh cho Tổ quốc và thăm khu di tích lịch sử này. Riêng tháng 7 vừa qua, gần 50.000 lượt khách đã về tham quan, dâng hương. Còn thời điểm hiện tại, trên dưới một ngàn người có mặt tại đây.

 

Tranh thủ thời gian, đoàn chúng tôi lần lượt vào thăm Khu tưởng niệm, Nhà trưng bày, Tháp chuông… thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và đang yên nghỉ tại đây. Để lại nhiều xúc động nhất là khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP. 10 ngôi mộ trắng xếp thành những hàng ngang như những hàng quân TNXP năm nào, không khi nào ngơi khói hương. Theo chị Vương Thị Thương, thuyết minh viên khu di tích, 10 cô gái này thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 2 Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh, tuổi đời từ 17-24, do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng. Sáng 24/7/1968, các chị nhận lệnh lấp hố bom gấp. Sau nhiều lần tránh được bom địch và rũ đất đứng lên tiếp tục làm nhiệm vụ, đến lần thứ 15 trong ngày, một quả bom khác đã rơi đúng nơi các chị đang làm nhiệm vụ, vùi lấp cả 10 người. Các chị đã anh dũng hy sinh. Sự hy sinh đó đã trở thành huyền thoại trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và trong suốt lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và cho đến hôm nay…

 

Nhẹ nhàng và kính cẩn đặt những cành hoa huệ trắng lên từng ngôi mộ của 10 nữ TNXP, CCB Nguyễn Thị Na rơm rớm nước mắt: “Xin gửi đến các chị lòng thành kính cùng nỗi tiếc thương vô hạn. Các chị đã dành cả tuổi thanh xuân của mình vì độc lập tự do của Tổ quốc, làm việc với tinh thần “sống bám cầu bám đường”, “chết kiên cường dũng cảm”, không quản ngại hy sinh gian khổ và đã hy sinh anh dũng để giữ cho mạch máu giao thông phục vụ chiến trường miền Nam thông suốt. Các chị mãi mãi là niềm tự hào của bao thế hệ dân tộc Việt Nam. Cả sự sống và cái chết của các chị đều mang vẻ bi tráng của một thiên anh hùng ca bất tử. Các chị là những bông hoa bất tử”.

 

Một điều để lại ấn tượng sâu sắc đối với chúng tôi nữa là tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt này, có hai người được ví như dấu gạch nối giữa hai thế hệ quá khứ và hiện tại, là chị Vương Thị Thương và chị Đặng Thị Yến. Chị Thương là con gái của Dũng sĩ phá bom, Anh hùng LLVT nhân dân Vương Đình Nhỏ, hiện làm công việc thuyết minh tại bảo tàng khu di tích. Còn chị Yến, suốt mấy mươi năm gắn bó với mảnh đất anh hùng này, chị đã lặn lội ngược xuôi để tìm kiếm các kỷ vật đưa về trưng bày tại bảo tàng khu di tích. Dù đã nghỉ hưu, nhưng chị Yến vẫn xin ở lại, sẵn sàng làm không lương để ngày ngày được gần gũi với 10 nữ TNXP.

 

Giờ đây, chiến tranh đã đi qua, bao mất mát đau thương cũng lùi vào quá khứ, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “toạ độ chết” năm xưa. Đồng Lộc đã đổi thay, là “địa chỉ xanh” tràn trề sự sống, hy vọng vào ngày mai tươi sáng. Khu di tích lịch sử TNXP Ngã ba Đồng Lộc đã được xếp hạng là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, mãi mãi là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

 

Viếng mộ “Anh Cả”

 

Một trong những điểm đến để kết thúc chuyến về nguồn Trường Sơn, thăm lại chiến trường xưa được đoàn lên kế hoạch ngay từ đầu là đến thắp hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người “Anh Cả” của QĐND Việt Nam anh hùng. 

 

Các thành viên trong đoàn thắp hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Từ Hà Tĩnh theo quốc lộ 1 xuôi về Nam, qua khỏi hầm đường bộ Đèo Ngang một đoạn rồi rẽ sang trái hơn 2km về phía đông là đến Vũng Chùa - Đảo Yến, thuộc thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm trên một ngọn đồi cao, cạnh một ngôi tháp, hướng ra biển xanh, đảo Yến, do các chiến sĩ Đồn Biên phòng Roòn (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình) ngày đêm canh giữ.

 

Đại tướng về bên Bác Hồ, về với cõi vĩnh hằng đại thọ 103 tuổi, vì vậy dọc con đường vào mộ Đại tướng tỉnh Quảng Bình và Ban quản lý mộ cho xây 103 bậc thang bằng gỗ và trồng 103 cây hoa mai, 103 cây hoa ban Điện Biên… tượng trưng cho 103 tuổi của Đại tướng. Vào mỗi buổi sáng, lúc ánh bình minh mạnh mẽ nhất, lọng đỏ trên mộ Đại tướng sẽ được di chuyển để đón những ánh nắng ấm áp trong vòng 1 giờ đồng hồ. Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng đã và đang triển khai dự án có tổng mức đầu tư 20,5 tỉ đồng, xây dựng các hạng mục gồm: bãi đỗ xe (22.150m2), sân vườn khu đón tiếp (5.750m2), bờ kè biển trước khu đón tiếp dài 128m, bồn cây xanh ghép từ các môđun bêtông, đường trong khu vực đỗ xe, điện chiếu sáng bãi đỗ xe và khu đón tiếp, cấp nước và thoát nước thải, nhà đón tiếp, nhà công vụ... Trong đó, một số hạng mục sắp hoàn thành.

 

Sau khi làm thủ tục đăng ký với BĐBP, cả đoàn của Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên xếp thành hàng dọc lần lượt lên viếng, thành kính thắp nén nhang thơm và đặt những bông hoa lên phía trước phần mộ Đại tướng. Cùng thời điểm này có rất nhiều đoàn từ TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận và nhiều nơi khác cũng đến thắp hương, viếng mộ Đại tướng. Theo đại diện Đội bảo vệ khu mộ Đại tướng, Đồn Biên phòng Roòn, không chỉ vào dịp lễ, tết, những ngày thời tiết nắng đẹp, trong những ngày thường, kể cả những ngày ở Vũng Chùa trời mưa tầm tã vẫn không ngăn được dòng người đổ về thắp hương, viếng mộ Đại tướng. Còn trong dịp Tết Độc lập 2/9 và vào ngày sinh, ngày mất của Đại tướng, Đội bảo vệ được tăng cường thêm 10 chiến sĩ và xuồng cao tốc tuần tra trên biển. Lực lượng công an huyện Quảng Trạch cũng được tăng cường để điều tiết và phân luồng giao thông nhằm bảo đảm trật tự và an toàn cho du khách đến viếng mộ Đại tướng.

 

“Từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời và được đưa về an táng, yên nghỉ tại Quảng Bình, tôi đã rất mong muốn sẽ một lần được đến đây để viếng mộ Đại tướng. Thế nhưng, do điều kiện sức khỏe và nhiều lý do khác, nay mới có thể đi được. Tôi thực sự rất xúc động, và cảm thấy hạnh phúc vì đã thỏa lòng mong mỏi bấy lâu nay”, CCB Lưu Hoàng Hiệp (70 tuổi, ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) thổ lộ. Còn CCB Bùi Thị Bông, người đồng hương cùng huyện với Đại tướng, nay đã bước sang tuổi 71 thì vui mừng, trải lòng: “Sau khi Đại tướng mất và về yên nghỉ nơi quê nhà, tôi chỉ mong được một lần về thăm, thắp nén hương viếng mộ Đại tướng. Giờ ước mơ đã thành hiện thực, tôi thỏa nguyện và có thể an lòng vui sống tuổi già!”.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mùa thu xứ Hàn và khát vọng xanh
Thứ Bảy, 26/08/2017 14:00 CH
Thuốc hay giúp ích cho nhiều người
Thứ Bảy, 12/08/2017 08:25 SA
“Giải mã” bản thân bằng khoa học
Thứ Bảy, 29/07/2017 13:00 CH
“Ánh sáng” từ phòng thông tim
Thứ Bảy, 15/07/2017 08:15 SA
Hồi sinh sau lũ dữ
Thứ Tư, 21/06/2017 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek