Thứ Sáu, 10/01/2025 14:54 CH
“Ánh sáng” từ phòng thông tim
Thứ Bảy, 15/07/2017 08:15 SA

Những ai từng vào phòng thông tim trong bộ “áo giáp” chì nặng trĩu ngăn tia X, chứng kiến kíp can thiệp cấp cứu chạy đua với thời gian giành giật sự sống cho bệnh nhân mới hiểu được phần nào những vất vả, hy sinh của người thầy thuốc và sự phức tạp của công việc này. Sau gần nửa năm kể từ khi đơn nguyên Tim mạch can thiệp đi vào hoạt động, bác sĩ hai bệnh viện đã can thiệp động mạch vành qua da cho 47 bệnh nhân, trong đó có 7 ca can thiệp cấp cứu.

 

Một ca can thiệp cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

 

Những ca thông tim cấp cứu ngoạn mục

 

Trưa 11/3, anh thợ sơn 40 tuổi Trần Văn Bi ở phường 9 (TP Tuy Hòa) bất ngờ bị những cơn đau thắt ngực. Anh được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu trong tình trạng tức ngực, tụt huyết áp, choáng, chân tay lạnh… Đo điện tim, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên vùng dưới. Theo Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, khi nhập viện, bệnh nhân đã bị choáng tim, block nhĩ thất cấp 3, tình trạng rất nguy kịch.

 

Thật may khi anh Bi nhập viện, các bác sĩ đến từ Khoa Tim mạch can thiệp - Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) đang có mặt tại đơn nguyên Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da cho các đồng nghiệp ở đây. Ngay sau khi gia đình người bệnh nghe giải thích và đồng ý can thiệp mạch vành, anh Bi được đưa vào phòng thông tim. Kíp bác sĩ, kỹ thuật viên hai bệnh viện do PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất làm trưởng kíp, khẩn trương can thiệp cấp cứu, đặt stent động mạch vành phải, điều trị tái tưới máu cho bệnh nhân. Sau khi được thông tim cấp cứu, anh Bi hết đau ngực, huyết động ổn định, điện tim bình thường.

 

Bác sĩ Châu Khắc Toàn, phụ trách đơn nguyên Tim mạch can thiệp cho biết, trong trường hợp không được can thiệp cấp cứu, bệnh nhân có thể tử vong, nếu không cũng bị suy tim, hậu quả rất nặng nề. Chăm sóc người thân vừa thoát khỏi bàn tay tử thần do nhồi máu cơ tim cấp, ông Võ Đặng Hải Sơn cảm kích: “Rất may mắn khi em tôi nhập viện thì có các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất đang làm việc tại bệnh viện tỉnh. Nếu không, giờ này em tôi chắc đã không còn”.

 

Hai tuần sau, đoàn bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất trở lại Phú Yên, tiếp tục “cầm tay chỉ việc” cho các đồng nghiệp can thiệp mạch vành. Đoàn vừa đến nơi thì một bệnh nhân hơn 80 tuổi nhập viện với bệnh cảnh tụt huyết áp, choáng, chân tay lạnh… Đó là cụ Lê Xuân Cai ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa), bị choáng tim do nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên. Chụp hệ thống mạch vành cung cấp máu nuôi dưỡng quả tim bằng DSA - thiết bị chụp mạch máu xóa nền sử dụng tia X, các bác sĩ phát hiện mạch vành của bệnh nhân tổn thương nhiều nhánh; tổn thương thủ phạm ở bên phải. Được can thiệp cấp cứu, sức khỏe cụ Cai ổn định ngay sau đó.

 

Theo bác sĩ Châu Khắc Toàn, hàng năm có khoảng 70 trường hợp bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên. Trong số này chỉ có từ 28-30 trường hợp đủ tiêu chuẩn dùng thuốc tiêu sợi huyết. Sau khi điều trị khoảng một tuần, bệnh nhân được chuyển vào TP Hồ Chí Minh chụp mạch vành. Số còn lại không được điều trị tiêu sợi huyết vì vào viện muộn, có những chống chỉ định; bệnh thường để lại biến chứng suy tim.

 

Sau gần nửa năm kể từ khi đơn nguyên Tim mạch can thiệp thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đi vào hoạt động, bác sĩ hai bệnh viện đã can thiệp động mạch vành qua da cho 47 bệnh nhân. Đặc biệt, trong số này có 7 bệnh nhân được can thiệp cấp cứu, sức khỏe hồi phục. Ngày 2/6 vừa qua, một bệnh nhân 83 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên đã được kíp bác sĩ, kỹ thuật viên hai bệnh viện can thiệp, đặt stent thành công. Đây là ca can thiệp hy hữu, vì bệnh nhân bị đảo ngược phủ tạng - dị tật bẩm sinh rất hiếm gặp, với trái tim nằm bên phải lồng ngực; hệ thống mạch vành cũng hoàn toàn thay đổi. Trưởng kíp can thiệp cấp cứu là TS-BS Nguyễn Văn Tân, Phó khoa Tim mạch can thiệp - Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất.

 

Kíp bác sĩ, kỹ thuật viên Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Đa khoa Phú Yên can thiệp cấp cứu một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

 

Bước khởi đầu mới

 

Với nhiều bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, ngày 24/12/2016 là mốc thời gian đáng nhớ, khi đơn nguyên Tim mạch can thiệp khánh thành và đi vào hoạt động. Đây là kết quả của rất nhiều nỗ lực, tâm huyết. Theo bác sĩ Nguyễn Như Ý, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, từ năm 2010, bệnh viện đã cử bác sĩ đi đào tạo về tim mạch can thiệp. Tháng 4/2016, bệnh viện tiếp tục cử một bác sĩ, hai điều dưỡng và một cử nhân chẩn đoán hình ảnh đi đào tạo về tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Thống Nhất. Ban Giám đốc bệnh viện cùng lãnh đạo Sở Y tế cũng đã làm việc với Ban Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất và có bản ghi nhớ, theo đó Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật can thiệp động mạch vành cho Bệnh viện Đa khoa Phú Yên; phân công các giảng viên tham gia đào tạo, hướng dẫn thực hành. Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cử đúng đối tượng tham gia khóa đào tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu về chuyên môn… Trong giai đoạn đầu, các bác sĩ, chuyên gia ở Bệnh viện Thống Nhất sẽ “cầm tay chỉ việc” cho đồng nghiệp ở Phú Yên cho đến khi họ có thể làm việc độc lập.

 

Theo BSCK II Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, việc thành lập đơn nguyên Tim mạch can thiệp là bước khởi đầu cho các bước tiếp theo trong việc phát triển chuyên sâu lĩnh vực tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Tại lễ khánh thành đơn nguyên Tim mạch can thiệp có sự tham dự của GS-TS Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc bày tỏ hy vọng việc triển khai đơn nguyên này sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu bức thiết của người dân trong việc điều trị các bệnh lý liên quan đến mạch vành cấp, tim bẩm sinh, tai biến mạch máu não… trong thời gian tới.

 

Trong ngày không thể nào quên đối với các thầy thuốc làm can thiệp ở Phú Yên, khi đơn nguyên Tim mạch can thiệp khánh thành và đi vào hoạt động, kíp bác sĩ hai bệnh viện gặp một ca nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên giờ thứ 2. Vậy là, thay vì chỉ chụp mạch vành hay can thiệp thường quy trong ngày khởi đầu, kíp bác sĩ khẩn trương thông tim cấp cứu. “Những trường hợp như thế này cần phải can thiệp trong thời gian “vàng”, càng sớm càng tốt, vì một khối lượng cơ tim đang không có máu tưới, và như vậy thì cơ tim sẽ chết dần. Lúc này huyết áp của bệnh nhân còn ổn định, nhưng nửa tiếng sau có thể tụt huyết áp, và chuyện này chuyện kia có thể xảy ra. Những trường hợp như vậy bắt buộc phải can thiệp ngay, cả khi chưa có đủ một số điều kiện”, PGS-TS Hồ Thượng Dũng, trưởng kíp can thiệp cấp cứu hôm đó, cho biết. Và sau khi được thông tim cấp cứu, bệnh nhân Nguyễn Minh Tuấn, 65 tuổi, ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cảm động chia sẻ: “Tôi nghe nói mình là người đầu tiên được các bác sĩ thông tim tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Giờ tôi đã khỏe lại. Tôi tin tưởng rằng kỹ thuật này sẽ giúp ích cho nhiều người mắc bệnh giống như tôi. Đây là một thành công lớn. Tôi chân thành cảm ơn các bác sĩ”.

 

Từ phòng điều khiển, GS-TS Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cùng các đồng nghiệp theo dõi ca can thiệp cấp cứu đầu tiên tại Phú Yên và trao đổi về chuyên môn với BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

 

“Truyền lửa” và “thắp lửa”

 

Nói về quá trình chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành, không thể không nhắc đến PGS-TS Hồ Thượng Dũng. Từng làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên trước khi vào TP Hồ Chí Minh và trở thành một chuyên gia tim mạch can thiệp ở khu vực phía Nam, PGS-TS Hồ Thượng Dũng rất nặng lòng với quê hương Phú Yên, dù ông chẳng bao giờ thổ lộ điều đó. Bác sĩ trẻ Lê Duy, người được Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cử đi đào tạo về tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Thống Nhất, cảm nhận: “Thầy Dũng là người rất tâm huyết với nghề, rất nhiệt huyết với quê hương. Thầy đã giúp đỡ tôi rất nhiều, từ lý thuyết cho đến thực hành”.

 

Sau hơn 10 năm làm can thiệp, giảng dạy và chuyển giao kỹ thuật này cho đồng nghiệp ở nhiều địa phương, lần đầu tiên trở về quê hương thực hiện một ca thông tim cấp cứu, thật nhiều cảm xúc nên PGS-TS Hồ Thượng Dũng lặng đi khá lâu trước một câu hỏi đơn giản, mang tính cá nhân của phóng viên. Lúc sau, phó giáo sư giản dị trả lời: “Tôi và bác sĩ Ngọc (BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế - PV) đã tính đến việc chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành từ 4-5 năm trước. Bác sĩ Ngọc là một trong những người rất tâm huyết với vấn đề này. Triển khai được kỹ thuật này ở bất cứ bệnh viện nào đều rất tốt và rất có lợi cho người dân. Đúng là tôi đã can thiệp rất nhiều ca ở TP Hồ Chí Minh, đã đến nhiều nơi để chuyển giao kỹ thuật này nhưng khi triển khai thành công ngay tại quê hương thì niềm vui rất lớn. Đặc biệt, ngay trong ngày khánh thành mà can thiệp cấp cứu thành công một ca nhồi máu cơ tim cấp thì càng có ý nghĩa”.

 

Bác sĩ Đoàn Văn Chung (đơn nguyên Tim mạch can thiệp) chia sẻ: “Lần đầu tiên tham gia can thiệp cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cảm xúc của tôi rất khó tả. Can thiệp mạch vành là bước khởi đầu để trong tương lai, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên phát triển những kỹ thuật khác, như can thiệp mạch máu não, can thiệp mạch máu ngoại vi…”.

 

Nhiều lần đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành, Th.S Phan Văn Trực (Khoa Tim mạch can thiệp - Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất) nói: “Công việc của chúng tôi là giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe. Khi chuyển giao kỹ thuật này ở Phú Yên, quê hương của một người thầy, người anh, chúng tôi càng mong muốn công việc đạt kết quả cao. Không đặt ra vấn đề thời gian, chúng tôi sẽ hỗ trợ đến khi các đồng nghiệp ở đây vững vàng, can thiệp tốt cho bệnh nhân tại địa phương”.

 

Những ai từng vào phòng thông tim trong bộ “áo giáp” chì nặng trĩu ngăn tia X, chứng kiến kíp can thiệp cấp cứu chạy đua với thời gian giành giật sự sống cho bệnh nhân mới hiểu được phần nào những vất vả, hy sinh của người thầy thuốc và sự phức tạp của công việc này. Thực hiện thủ thuật can thiệp mạch vành, bác sĩ mở một lỗ nhỏ trên da để đưa ống thông nhỏ vào động mạch ở đùi hay động mạch quay ở cổ tay, sau đó qua dây dẫn đi trước, bác sĩ can thiệp đưa một bóng nhỏ vào lòng động mạch vành bị tắc, nong và đặt stent để tái thông dòng máu. Đây là thủ thuật ít xâm lấn, tỉ lệ biến chứng thấp song vẫn có những biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh. Người làm can thiệp không chỉ vững về chuyên môn mà còn phải có đôi tay khéo léo để thực hiện những thao tác nhanh, chính xác. Và phải có thể lực tốt vì nhiều khi, kíp can thiệp phải đứng từ sáng đến chiều trong phòng thông tim, trên người khoác bộ áo chì.

 

Bác sĩ Duy cho biết: “Tại Khoa Tim mạch can thiệp - Cấp cứu, thầy Dũng, anh Trực, anh Tân thực hiện thành công rất nhiều ca can thiệp cấp cứu phức tạp. Và tôi rút ra bài học quan trọng: Khi đối diện với những trường hợp nguy cấp, bác sĩ can thiệp phải thật bình tĩnh thì mới xử trí được. Khó nhất là khâu đặt stent, lúc này rất dễ xảy ra những biến chứng như tụt huyết áp, loạn nhịp tim…, có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Nếu bác sĩ can thiệp không bình tĩnh xử trí thì bệnh nhân có thể tử vong”.

 

Những đợt chuyển giao kỹ thuật đầy hứng khởi với niềm vui can thiệp cấp cứu thành công, song ít ai thấy được những giọt mồ hôi âm thầm khi kíp bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng của hai bệnh viện làm việc từ sáng đến 7, 8 giờ đêm trong phòng thông tim. PGS-TS Hồ Thượng Dũng chia sẻ: “Khi triển khai kỹ thuật này, đơn vị tiếp nhận cần sự giúp đỡ của đơn vị chuyển giao. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tận tình để sau khi chuyển giao, các đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có thể tự mình thực hiện được kỹ thuật này”.

 

“Sự ra đời của đơn nguyên Tim mạch can thiệp đánh dấu bước phát triển quan trọng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, của ngành Y tế Phú Yên, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong việc điều trị các bệnh lý tim mạch, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân, nhiều gia đình. Có được kết quả này, ngoài sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của ngành Y tế, còn có sự giúp đỡ hết sức quan trọng của Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh và đặc biệt là Bệnh viện Thống Nhất. Các đồng chí lãnh đạo cũng như cán bộ chuyên môn của Bệnh viện Thống Nhất đã rất tận tình trong việc đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành”.

 

“Sự ra đời của đơn nguyên Tim mạch can thiệp đánh dấu bước phát triển quan trọng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, của ngành Y tế Phú Yên, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong việc điều trị các bệnh lý tim mạch, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân, nhiều gia đình. Có được kết quả này, ngoài sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của ngành Y tế, còn có sự giúp đỡ hết sức quan trọng của Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh và đặc biệt là Bệnh viện Thống Nhất. Các đồng chí lãnh đạo cũng như cán bộ chuyên môn của Bệnh viện Thống Nhất đã rất tận tình trong việc đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành”.

 

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng

 

“Chúng tôi rất cảm kích trước sự nhiệt tình của Ban Giám đốc và sự tận tình chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành của các đồng nghiệp có trình độ chuyên môn giỏi ở Bệnh viện Thống Nhất. Đặc biệt, PGS-TS Hồ Thượng Dũng, một người con Phú Yên, đã hết lòng giúp các đồng nghiệp ở quê nhà từng bước nắm vững kỹ thuật này, mang điều tốt đẹp đến cho bệnh nhân mạch vành ở địa phương”.

 

BSCKII Phạm Hiếu Vinh,

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hồi sinh sau lũ dữ
Thứ Tư, 21/06/2017 08:00 SA
Người phương Nam say thì say trọn...
Thứ Bảy, 03/06/2017 14:00 CH
Kỳ cuối: Đi sứ một ngày
Chủ Nhật, 28/05/2017 11:18 SA
KỲ 1: Non xanh nước biếc vùng Đông Bắc
Thứ Bảy, 27/05/2017 10:15 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek