Thứ Sáu, 18/10/2024 02:36 SA
Nữ doanh nhân có tấm lòng và trái tim biết đau
Thứ Bảy, 01/07/2017 14:00 CH

Nữ doanh nhân Lê Thị Thân (thứ ba, từ trái sang) tại Diễn đàn doanh nhân, năm 2016 - Ảnh nhân vật cung cấp

Khởi nghiệp với sàng bánh men bán dạo khắp chợ Tuy Hòa, gần 10 năm sau, người phụ nữ ấy trở thành chủ một thương hiệu bánh kẹo được trong Nam ngoài Bắc biết đến. Khi chị bước sang lĩnh vực kinh doanh khách sạn, thành công cũng đã mỉm cười. Thấu cảm nỗi nhọc nhằn của dân nghèo mưu sinh dưới nắng lửa mưa dầu, chưa bao giờ ngại khó ngại khổ, chị lặn lội đến với họ bằng cả tấm lòng và trái tim biết đau.

 

Khởi nghiệp từ sàng bánh men bán dạo

 

Những ai mới gặp lần đầu thường nghĩ chị là nhà giáo. Dịu dàng, tao nhã, chị có cốt cách của một người đứng trên bục giảng. Cũng đúng, người phụ nữ này từng là giáo viên tiểu học, ở một ngôi trường nhỏ tại thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa). Chồng chị cũng là nhà giáo, từ TX Tuy Hòa lên miền núi công tác. Họ gặp nhau tại ngôi trường ê a tiếng trẻ, thương nhau và đến với nhau trong cảnh thiếu thốn khó khăn của năm đầu sau chiến tranh. Những đứa con lần lượt chào đời. Nhiều khi, chị phải đưa con đến trường, mắc võng cho con nằm trong lúc dạy học. Con khóc, tay này chị bế con, tay kia viết bảng. Kỷ niệm đó chị nhớ hoài.

 

Và chị có những ngày tháng không thể nào quên, khi hai vợ chồng rời bục giảng về Tuy Hòa kiếm sống bằng công việc làm bánh vào năm 1984. Họ làm ra những cái bánh men như những bông hoa nhiều màu sắc, rất quen thuộc trong dịp tết nhất, giỗ chạp lúc bấy giờ. “Tôi có người cháu gọi bằng cô làm việc trong một tiệm bánh của người Hoa. Cháu về bày cho vợ chồng tôi cách làm bánh men để bán. Chồng tôi lấy gỗ xốp khắc khuôn bánh, ủ bột, dập bột vô khuôn; tôi sắp bánh vô xửng để nướng, bánh chín thì cho vô bì. Bưng sàng bánh men ra chợ, tôi thấy chỗ nào trống thì ngồi. Chị Thảo (người đã thành công trên thương trường sau này - PV) mặc áo bà ba, quần xăn tới gối, đẩy xe rau muống đi bán, kêu lớn: Tránh! Tránh ra! Tôi lật đật bưng sàng bánh chạy đi chỗ khác. Ngồi bán trước mặt người ta thì bị chửi, có khi còn bị người ta lấy nước tạt, tôi cứ bưng sàng bánh chạy lung tung” - chị mỉm cười nhớ lại những ngày khởi nghiệp đầy khó khăn.

 

Chừng nửa năm sau, vợ chồng chị có bạn hàng. Lượng bột làm bánh tăng lên, tăng lên. Hai vợ chồng cặm cụi làm, cô con gái nhỏ cũng phụ sắp bánh trước khi người khác đưa vô lò nướng được trét bằng đất sét. Những mẻ bánh men có tai, bánh men sùng (trông giống như con sùng) chín, thơm ngào ngạt và được lấy ra, cho vào bì, mang ra chợ bỏ sỉ. Cuối thập niên 80, các loại bánh dân dã này rất được ưa chuộng.

 

Từ bánh men, gia đình chị bắt tay vào làm bánh quy, kẹo chanh, kẹo dừa…, mỗi ngày tiêu thụ 30-40 ký bột. Và phải thuê 3, 4 người cùng “nhân lực có sẵn” là cô con gái đầu lòng đang học tiểu học, ngày nào cũng chịu khó thức dậy từ rất sớm, cùng cánh thợ đóng gói sản phẩm bánh kẹo của gia đình.

 

Người ta nói rằng buôn bán phải có thời, và may mắn thường mỉm cười với những người làm ăn chắc thiệt. Các loại bánh kẹo mang nhãn hiệu Thu Thảo của gia đình chị được khách hàng từ thị xã cho đến thôn quê ưa thích. “Người ta tới mua, giành nhau chở. Ngoài bỏ sỉ ở chợ và bỏ mối trên quê, tôi còn bán bánh kẹo cho cửa hàng thương nghiệp ở TX Tuy Hòa. Hồi đó làm ăn “ngon” lắm, cũng chẳng phải vay mượn ai hết”, chị nhớ lại.

 

Nhờ nghề làm bánh kẹo, đến năm 1992, vợ chồng chị xây được ngôi nhà hai tầng khang trang bên đường Nguyễn Huệ (phường 5) và mở rộng quy mô sản xuất. Chị kể: “Lúc đó gia đình tôi làm khoảng 20 loại kẹo. Bánh quy thì có đến 60 khuôn, tức 60 kiểu bánh, còn bánh đồng tiền thì có hai thứ mặn và ngọt. Lò bánh có 60 nhân công làm việc mỗi ngày”. Đến năm 2002, chị đăng ký độc quyền nhãn hiệu bánh kẹo Thu Thảo.

 

Không chỉ chiếm lĩnh thị trường Phú Yên, các sản phẩm bánh kẹo mang nhãn hiệu Thu Thảo có mặt tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, lên Tây Nguyên, ra Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và lên tận… Thái Nguyên! Đi xa nhất và được ưu chuộng nhất là bánh đồng tiền. Cũng nhờ kinh doanh loại bánh này, một người quen với gia đình chị ở TP Hồ Chí Minh đã thoát khỏi cảnh nghèo khó. Khi đó, thấy họ vất vả kiếm sống, chị gợi mở hướng kinh do­anh: “Trong đó bánh đồng tiền rất “ăn”, sinh viên về quê thường ghé lại mua đem vô Sài Gòn cho bạn bè. Các cháu nói trong đó không có ai bán. Em cố gắng bán thử rồi làm đại lý cho chị. Ngoài em ra chị sẽ không bán cho một người nào khác ở trong đó”, chị kể lại. Ban đầu, một thùng bánh đồng tiền được gửi vô TP Hồ Chí Minh, sau đó tăng lên 5 thùng cũng không đủ bán. Dần dà, gia đình ấy thoát khỏi cảnh nghèo. Họ xây được ngôi nhà 3 tầng ở quận 10.

 

Thử sức kinh doanh khách sạn

 

Với ý định xây một ngôi nhà gần biển để “dưỡng già”, chồng chị tham gia đấu giá quyền sử dụng một lô đất biệt thự trên đường Hùng Vương (TP Tuy Hòa). Chị bèn nghĩ đến việc xây dựng một khách sạn nho nhỏ. Thế là, sau khi mua được lô đất đầu tiên với giá gần 1 tỉ đồng, vợ chồng chị mua thêm lô đất bên cạnh và đầu tư xây dựng khách sạn. Năm 2006, cơ sở lưu trú 2 sao này khánh thành, bắt đầu mở cửa đón khách.

 

Phòng ốc tiện nghi, sạch sẽ, có đầy đủ dịch vụ đi kèm, giá cả hợp lý, nhân viên phục vụ chu đáo, khách sạn của gia đình chị được nhiều người lựa chọn khi đến Phú Yên, tỉ lệ phòng sử dụng từ 65-70%. Đó là con số đáng phấn khởi đối với cơ sở lưu trú ở một địa phương chưa được biết đến nhiều trên bản đồ du lịch cả nước. Quản lý khách sạn là cô con gái đầu của chị, người đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Nhật ngữ và có 6 năm làm du lịch ở TP Hồ Chí Minh.

 

Với mong muốn nâng tầm khách sạn, vợ chồng chị tiếp tục mua thêm đất, mở rộng quy mô. Đến năm 2011, khu mới khánh thành và đi vào hoạt động, khách sạn được nâng hạng 3 sao với 50 phòng dành cho khách lưu trú, 25 phòng massage, 13 phòng karaoke, 2 phòng hội nghị, có nhà hàng, hồ bơi… Tính ra, gia đình chị đã đầu tư không dưới 30 tỉ đồng vào dự án này.

 

Sau khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra rạp và trở thành một hiện tượng của điện ảnh Việt, ngày càng có nhiều du khách đến với Phú Yên, việc kinh doanh khách sạn trở nên khởi sắc. “Trước đây, khách hàng chủ yếu của chúng tôi là những người đi công tác. Vì vậy, cuối tuần thường ít khách. Giờ thì cuối tuần rất đông khách tour, phần lớn là du khách đến từ Hà Nội”, Giám đốc khách sạn Cao Lê Hoài Thảo, con gái đầu của chị, cho biết. Còn chị chia sẻ rất giản dị: “Chúng tôi muốn tạo dựng một cơ ngơi cho các con thấy được sự cố gắng và thành quả của cha mẹ. Các con sẽ tiếp nối công việc kinh doanh của gia đình. Tôi cũng muốn đóng góp cho xã hội, tạo việc làm cho người khác”. Hiện tại, khách sạn của gia đình chị có khoảng 60 nhân viên.

 

Chỗ dựa vững chắc của nữ doanh nhân sinh năm 1957 này chính là chồng chị - một người đàn ông khá kín tiếng, tính tình hào phóng, giàu lòng thương người. Anh luôn đồng hành với vợ, song thầm lặng đứng phía sau sự nổi tiếng của vợ.

 

Chị Lê Thị Thân (bìa phải) đồng hành với đoàn từ thiện chùa Huyền Trang trao quà cho người nghèo ở xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) - Ảnh: YÊN LAN

 

Một tấm lòng và trái tim biết đau

 

Không chỉ là nữ doanh nhân được nhiều người trong và ngoài giới kinh doanh ở Phú Yên biết mặt, quen tên, chị còn là nhà hảo tâm thường xuyên đồng hành với các chương trình xã hội từ thiện. Sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung chịu nhiều thử thách khắc nghiệt, thấu cảm nỗi nhọc nhằn của dân nghèo mưu sinh dưới nắng lửa mưa dầu, chưa bao giờ ngại khó ngại khổ, chị lặn lội đến với đồng bào bị thiệt hại do thiên tai bằng tấm lòng và trái tim biết đau.

 

Năm 2009, sau khi trận lũ lịch sử tàn phá nhiều làng quê Phú Yên, cướp đi sinh mạng của nhiều người và đẩy nhiều gia đình vào cảnh màn trời chiếu đất, cùng với các cán bộ Hội LHPN tỉnh, chị và một số bạn bè hảo tâm nhanh chóng mang nhu yếu phẩm có mặt ở những vùng bị thiệt hại nặng nề. “Nơi đầu tiên chúng tôi đến là xã An Dân, huyện Tuy An. Tôi thăm một gia đình có 3 đứa con đã được đội cứu hộ dùng ca nô cứu sống, trong khi người chồng cõng vợ bơi và đuối sức dần. Gặp một ngọn tre, người chồng nhường cho vợ bám vào, nói “anh có bề gì thì em lo cho con”. Người vợ bám vào ngọn tre suốt một đêm và được cứu vào buổi sáng, còn chồng cổ bị nước lũ cuốn đi. Hôm đó chúng tôi đến thăm 7, 8 gia đình bị sập nhà, có nhiều người chết…”, giọng chị nhỏ dần.

 

Trước những mất mát và nỗi đau của đồng bào nghèo, chị tự nhủ sau chuyến đi này mình phải tiếp tục những chuyến đi khác, nhường cơm xẻ áo cho những người đang túng quẫn, cơ cực. Và thế là hành trình thiện nguyện của chị nối dài từ đó cho đến nay. Tháng nào chị cũng một, hai lần đồng hành với chương trình Đom đóm thắp sáng tương lai của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Phú Yên, cùng các nhà hảo tâm gần xa tiếp sức đến trường cho những học sinh nghèo vượt khó học giỏi, đồng hành với chương trình Nhịp cầu nhân ái của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên giúp đỡ những hoàn cảnh không may. Không những thế, nữ doanh nhân quê ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) còn kết nối, đồng hành với hoạt động từ thiện của các nhà sư ở chùa Kim Cang (TP Tuy Hòa), chùa Huyền Trang (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh)… đến với người nghèo Phú Yên, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”. Trong những thời điểm “dầu sôi lửa bỏng”, người phụ nữ trắng trẻo, mảnh mai này đã xắn quần lội bùn, đội thùng mì ăn liền đến tận nhà cho người dân vùng bị thiên tai. Trong những đợt mưa lũ cuối năm qua, chị đã có gần 10 lần đồng hành với các đoàn thể, tổ chức, các nhà hảo tâm đi cứu trợ. Con gái chị cũng tiếp bước mẹ, thu xếp thời gian và cùng bạn bè đến với người nghèo. “Giúp được bà con phần nào, tôi thấy rất vui, không đi được thì bứt rứt trong lòng”, chị thổ lộ.

 

Nữ doanh nhân giàu lòng trắc ẩn đó là chị Lê Thị Thân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thu Thảo, chủ khách sạn Hùng Vương (TP Tuy Hòa), Phó Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nhân Phú Yên. Chị luôn coi trọng sự chính trực trong kinh doanh và đề cao tấm lòng, sự quan tâm, chia sẻ trong cuộc sống.

 

 

“Chị Thân rất nhiệt tình, năng động. Là Phó Chủ nhiệm CLB Nữ doanh nhân Phú Yên, chị đã đóng góp nhiều ý kiến và tích cực ủng hộ các hoạt động của Hội LHPN tỉnh, đặc biệt là các hoạt động xã hội từ thiện. Những khi Hội LHPN tỉnh đi thăm các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bao giờ chị Thân cũng ủng hộ”.

 

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đỗ Thị Như Tình

 

Cô Thân là một doanh nhân rất giản dị, gần gũi với người nghèo. Cô không chỉ thường xuyên đồng hành với chương trình Đom đóm thắp sáng tương lai, Nhịp cầu nhân ái mà còn rất quan tâm đến các tình nguyện viên của chương trình. Nhiều lần chúng tôi đi làm từ thiện, cô Thân là người chuẩn bị thức ăn cho các tình nguyện viên và vẫn thường động viên, khích lệ các tình nguyện viên bằng cách này, cách khác. Cô làm từ thiện một cách âm thầm, bằng cái tâm của mình.

 

Lê Thoại Kỳ, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, Chủ nhiệm chương trình Đom đóm thắp sáng tương lai, phụ trách chương trình Nhịp cầu nhân ái

 

VIỆT PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hồi sinh sau lũ dữ
Thứ Tư, 21/06/2017 08:00 SA
Người phương Nam say thì say trọn...
Thứ Bảy, 03/06/2017 14:00 CH
Kỳ cuối: Đi sứ một ngày
Chủ Nhật, 28/05/2017 11:18 SA
KỲ 1: Non xanh nước biếc vùng Đông Bắc
Thứ Bảy, 27/05/2017 10:15 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek