Thứ Sáu, 10/01/2025 14:24 CH
Thuốc hay giúp ích cho nhiều người
Thứ Bảy, 12/08/2017 08:25 SA

Lương y Nguyễn Cao Định chẩn mạch cho một bệnh nhân - Ảnh: YÊN LAN

Trở lại phòng chẩn trị y học cổ truyền của BSCKI Trần Hữu Tuấn trên đường Lê Thánh Tôn (phường 3, TP Tuy Hòa), chị N.T.N chia sẻ với thầy thuốc niềm hạnh phúc vô bờ khi kết quả siêu âm cho thấy chị đã mang thai.

 

Đây là niềm mong mỏi, khát khao của hai vợ chồng chị trong nhiều năm qua. Và bác sĩ Tuấn trở thành ân nhân bởi đã giúp niềm ước ao đó trở thành hiện thực, sau khi hai vợ chồng “gõ cửa” một số bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn chưa biết được nguyên nhân hiếm muộn.

 

“Tôi có thai đã hơn 2 tháng, cả nhà mừng lắm. Chồng “bắt” tôi phải nghỉ việc, ở nhà dưỡng thai”, cựu nhân viên kế toán ở một công ty tư nhân tại TP Tuy Hòa thổ lộ, gương mặt rạng ngời hạnh phúc. “Thật sự tôi không nghĩ là chỉ sau 2 tháng uống thuốc gia truyền của bác sĩ Tuấn lại có được kết quả này”, bà mẹ trẻ mỉm cười.

 

Theo chị N, thuốc chữa hiếm muộn của bác sĩ Tuấn giá cũng không đắt; khi khám bệnh chị được bác sĩ nhiệt tình giải đáp thắc mắc, hỗ trợ tư vấn kỹ càng. Và điều quan trọng nhất là kết quả thật bất ngờ đối với đôi vợ chồng đang khao khát tiếng bi bô của trẻ nhỏ.

 

Chị N là một trong nhiều phụ nữ khao khát được làm mẹ và đã có tin vui sau một thời gian dùng thuốc gia truyền của tộc họ Trần. Vợ chồng ông N.T.C-L.T.M ở khu phố Phú Thọ 1 (thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) từng trải qua hơn 10 năm khắc khoải chờ đợi một đứa con. Hay tin về bài thuốc gia truyền chữa hiếm muộn của gia đình bác sĩ Tuấn, vợ chồng ông tìm đến. Và sau một thời gian dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, vợ chồng ông lần lượt chào đón 2 đứa con!

 

Bác sĩ Trần Hữu Tuấn cho biết, bài thuốc chữa hiếm muộn của gia tộc họ Trần đã được truyền qua mấy đời. Với bài thuốc này, ông nội anh, cố lương y Trần Hữu Khánh ở Bàu Nhám (nay thuộc thôn Lạc Nghiệp, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) từng giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đuề huề con cái, trong đó có một cặp vợ chồng hiếm muộn hơn 10 năm sinh tới… 7 người con! Bác anh, cố lương y Trần Hữu Thạnh ở phường 3 (TP Tuy Hòa) cũng là người rất giỏi về nghề thuốc, có biệt danh thầy Chờ vì mỗi lần đến phòng mạch của ông để được chẩn bệnh bốc thuốc, bệnh nhân phải chờ rất lâu. Cha anh, cố lương y Trần Hữu Tấn, thường gọi là thầy Bốn Tạo, được biết đến là lương y đầu tiên tại Phú Yên kết hợp giữa Đông và Tây y trong điều trị bệnh, và đã kế thừa, phát triển bài thuốc chữa hiếm muộn rồi trao truyền cho những người con nối nghiệp của gia đình.

 

Bác sĩ Trần Hữu Tuấn cho biết: Kết cấu của bài thuốc chữa hiếm muộn gồm: quân - thần - tá - sứ. “Quân” là vị thuốc chủ lực, “thần” là vị thuốc bổ trợ; “tá”, “sứ” vừa dẫn thuốc, vừa tác động, hỗ trợ toàn cơ thể. Nếu ta cho liều lượng “tá”, “sứ” nhiều hơn “quân” thì sẽ đi theo chiều hướng khác, việc điều trị không mang lại kết quả.

 

Cũng theo bác sĩ Tuấn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiếm muộn. Để “đọc” được cơ thể người bệnh gặp vấn đề gì ở phủ tạng và điều trị đạt kết quả thì khâu quan trọng là vấn chẩn và thiết chẩn; bên cạnh đó phải phối hợp với vọng chẩn và văn chẩn; kết quả xét nghiệm rất có ý nghĩa trong vai trò chẩn đoán, hỗ trợ việc điều trị. Ví dụ, cùng bệnh trạng suy giảm tinh trùng, người thầy thuốc phải hỏi bệnh nhân về hàng loạt triệu chứng có liên quan để nhận biết được chức năng thận và các tạng phủ có bị suy tổn hay không. Khi khám bệnh phải kỹ càng, chính xác để đánh giá được bên cạnh bệnh lý đó, bệnh nhân có thể có những bệnh lý khác, người thì bị tăng huyết áp, có người rối loạn lipid máu, người lại bị gút… “Đọc” được bệnh rồi thì tìm hiểu căn nguyên của bệnh, gia giảm liều lượng thuốc cho phù hợp, chứ không phải bệnh nhân hiếm muộn nào cũng dùng đúng một lượng thuốc như thế. Quá trình bào chế thuốc cũng rất công phu, có những vị thuốc phải được tẩm rượu, có vị thuốc được tẩm muối, lại có vị thuốc phải tẩm gừng… “Khâu sơ tẩm rất quan trọng”, bác sĩ Tuấn cho biết.

 

Được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình đã mấy đời theo nghề y, từ lúc học lớp 5, Trần Hữu Tuấn đã được cha cho làm quen với các loại thuốc. Những khi cha dạy học trò, anh chăm chú lắng nghe, lòng thích thú vô cùng. Và anh quyết định nối nghiệp cha ông. “Làm nghề y phải đặt chữ tâm lên hàng đầu. Khi bào chế một mẻ thuốc hay bốc một thang thuốc cho bệnh nhân cũng phải đặt chữ tâm vào đó”, bác sĩ Trần Hữu Tuấn chia sẻ.

 

Bác sĩ Trần Hữu Tuấn đang bấm huyệt cho một bệnh nhân - Ảnh: YÊN LAN

 

Bác sĩ y học cổ truyền sinh năm 1973 này bắt đầu chữa hiếm muộn bằng bài thuốc gia truyền từ năm 1996, thế rồi tiếng lành đồn xa. Đến nay, không chỉ bệnh nhân ở Phú Yên mà những cặp vợ chồng mỏi mắt mong con từ những tỉnh thành xa cũng đã tìm đến phòng mạch của bác sĩ Trần Hữu Tuấn, và nhiều đôi vợ chồng đã có được niềm vui làm mẹ, làm cha. “Thầy thuốc không chỉ biết chữa bệnh mà còn phải động viên, tư vấn cho bệnh nhân. Để điều trị hiếm muộn thì người chồng phải bỏ rượu chè; hai vợ chồng phải thoải mái về tâm lý”, bác sĩ Trần Hữu Tuấn nói.

 

* *

*

 

Ấp ủ ước nguyện làm việc có ý nghĩa, giúp được nhiều người thoát khỏi bệnh tật, lương y Nguyễn Cao Định ở xã An Mỹ (huyện Tuy An) đã không ngừng tìm tòi học hỏi và chữa được chứng co giật cơ mặt. “Đông y cho rằng chứng bệnh này do phong hàn gây ra, tà khí xâm nhập vào cơ thể, tác động đến dây thần kinh số 5. Sau mấy năm trăn trở tìm tòi, tôi đã chữa được chứng bệnh này bằng thuốc đông y”, lương y Nguyễn Cao Định, người đang ngày ngày chẩn mạch, châm cứu miễn phí cho bệnh nhân ở phòng chẩn trị y học cổ truyền Tái Sanh trên đường Lê Lợi (phường 4, TP Tuy Hòa) cho biết.

 

Theo y văn, dây thần kinh số 5 còn gọi là dây thần kinh sinh ba (hoặc dây thần kinh tam thoa), là cặp thứ năm trong 12 cặp dây thần kinh xuất phát từ cầu não và được chia thành 3 nhánh gồm nhánh mắt, nhánh hàm trên và nhánh hàm dưới. Dây thần kinh này bị tổn thương hoặc bị chèn ép sẽ gây đau dữ dội nửa mặt, giật rút từng cơn. Chị Trần Thị Thơm ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) là một trong những người đã thoát khỏi chứng bệnh quái ác và dai dẳng này nhờ bài thuốc của lương y Nguyễn Cao Định. Chị Thơm cho biết: “Tôi đã chạy chữa nhiều nơi, từ Tuy Hòa đến Quy Nhơn rồi vô TP Hồ Chí Minh, tốn khá nhiều tiền mà vẫn không khỏi bệnh, mặt vẫn đau nhức, bị co rút đến mức biến dạng. Sau 10 ngày dùng thuốc của thầy Định, những cơn co rút giảm dần, cảm giác đau cũng giảm nhưng đến khi trở trời thì bệnh quay lại. Tôi kiên trì uống thuốc trong 5 tháng, bệnh đã giảm đến 90%. Tết rồi tôi mới dám mặc đồ mới, đi gặp bạn bè chứ trước kia, bệnh tật khiến tôi rất mặc cảm, chẳng muốn tiếp xúc với ai cả”.

 

Tại hội nghị thừa kế cụm những bài thuốc tâm đắc năm 2017 do Hội Đông y huyện Tây Hòa tổ chức mới đây, trong 8 bài thuốc, kinh nghiệm chữa bệnh hay được các lương y, y sĩ y học cổ truyền chia sẻ với đồng nghiệp có bài thuốc điều trị bệnh chàm mãn tính của đông y sĩ Phan Thị Thiên Hằng, Chủ tịch Hội Đông y xã Hòa Tân Tây. 4 năm trước, ông L.V.K ở Tây Hòa đến gặp chị Hằng với vùng da đùi ở mặt ngoài bị tổn thương do bị ông K dùng vật cứng chà xát mạnh vì quá ngứa ngáy khó chịu. Bệnh nhân 52 tuổi này cho biết lúc đầu, mặt ngoài đùi phải của ông xuất hiện một đám dát đỏ bằng quả chanh, trên bề mặt có những mụn nước nhỏ, rất ngứa, nhất là những lúc ra mồ hôi, trong khi ông là công nhân xây dựng, thường xuyên làm việc nặng nhọc. Ban đầu, ông K tự điều trị bằng cồn và… mua thuốc về bôi, thấy đỡ ngứa, tổn thương chừng như lành. Tuy nhiên, sau một thời gian bệnh tái phát, vùng mặt ngoài đùi phải và mu bàn chân phải của ông xuất hiện những vết dát đỏ cùng với mụn nước ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Ông phải dùng vật cứng chà xát, làm tổn thương da. Qua tứ chẩn, nhận thấy ông K có chứng huyết hư phong táo, can thận âm hư, chị Hằng chẩn đoán ông bị phong chẩn, tiêu khát nên điều trị bằng cách tư bổ can thận, dưỡng huyết, khu phong, thanh nhiệt và trừ thấp nhiệt ở kinh can nhằm giải độc, điều hòa khí huyết, cơ năng của tạng phủ. Song song với việc dùng thuốc thang (sắc nước uống), bệnh nhân còn được hướng dẫn dùng cây ngải cứu hơ nóng chườm lên vết chàm vào buổi tối trước khi đi ngủ và dùng thuốc bôi được làm từ lá trầu không giã nát. Sau 5 ngày điều trị, vết chàm khô hoàn toàn. Và sau 2 tuần, vết chàm khỏi hẳn. Sau ông K, chị Hằng đã chữa khỏi bệnh chàm cho không ít người nhưng đáng tiếc là chị không lưu lại địa chỉ, số điện thoại của họ.

 

Đông y sĩ Phan Thị Thiên Hằng cho biết, bài thuốc này do ông cao truyền lại cho con cháu; chị thấy hay nên bắt đầu tìm hiểu từ nhiều năm trước. Nhiều vị trong bài thuốc chữa bệnh chàm mãn tính cũng dễ tìm ở địa phương, có vị thì phải đến tiệm thuốc bắc mua, nhưng cũng không tốn nhiều tiền. Chị Hằng chia sẻ bài thuốc này với suy nghĩ: “Bệnh chàm rất khó chịu, lại hay tái phát. Nếu nhiều người biết, khỏi bệnh thì mình rất mừng”.

 

ThS - Lương y Trần Văn Định, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Phú Yên nói rằng phần lớn bài thuốc gia truyền chưa được chia sẻ với nhiều người, bởi đây là vốn quý của gia đình, dòng họ. Nếu được công bố, áp dụng rộng rãi trong cộng đồng, thì những bài thuốc, kinh nghiệm hay sẽ càng phát huy tác dụng, giúp ích rất nhiều cho người dân.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Giải mã” bản thân bằng khoa học
Thứ Bảy, 29/07/2017 13:00 CH
“Ánh sáng” từ phòng thông tim
Thứ Bảy, 15/07/2017 08:15 SA
Hồi sinh sau lũ dữ
Thứ Tư, 21/06/2017 08:00 SA
Người phương Nam say thì say trọn...
Thứ Bảy, 03/06/2017 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek