Thứ Sáu, 18/10/2024 02:30 SA
Mùa thu xứ Hàn và khát vọng xanh
Thứ Bảy, 26/08/2017 14:00 CH

Tác giả tác nghiệp cùng các nhà báo quốc tế tại diễn đàn Văn hóa - Du lịch cho sự phát triển xanh của Hàn Quốc - Ảnh: CTV

Không lãng phí tài nguyên dưới bất kỳ hình thức nào, biết khai thác một cách hiệu quả nhất nguồn tài nguyên sẵn có lẫn tài nguyên đã qua sử dụng, tôn trọng thiên nhiên, không can thiệp sâu vào cảnh quan môi trường, chú trọng các giá trị văn hóa truyền thống... đó là những bài học thành công của Hàn Quốc trong chiến lược phát triển xanh mà các quốc gia có thể tham khảo.

 

Năm 1999, chúng tôi có dịp cùng đoàn xúc tiến đầu tư của tỉnh Phú Yên sang xứ Hàn đúng vào mùa thu. Hơn 10 năm sau, tôi lại may mắn được tham dự diễn đàn Văn hóa - Du lịch cho sự phát triển xanh do Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc tổ chức, cũng đúng vào những ngày thu đẹp trên xứ Hàn.

 

Thật lạ kỳ, chỉ lệch nhau có hai múi giờ, trong khi Việt Nam đang là mùa đông với mưa lũ ở nhiều nơi, thì Hàn Quốc đang vào thu với phong cảnh đầy quyến rũ!

 

Mùa thu xứ Hàn mê hoặc lòng người

 

Diễn đàn Văn hóa - Du lịch cho sự phát triển xanh được tổ chức dành cho 20 nhà báo đến từ 16 quốc gia, trong đó có một số hãng truyền thông lớn như Kênh 24 truyền hình Pháp, hãng truyền thông PBS của Mỹ, báo Financial Times của Đức, một số kênh truyền hình, hãng truyền thông khu vực châu Á và Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là diễn đàn để giới truyền thông các nước có dịp chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển xanh từ Hàn Quốc cũng như một số quốc gia đã, đang xem văn hóa và du lịch là yếu tố cần thiết cho sự phát triển xanh.

 

Chúng tôi nói vui rằng việc chọn thời điểm tổ chức diễn đàn này đã là một cách PR tài tình của Hàn Quốc. Đây là thời điểm mà tiết trời được xem là cực đẹp, nên thơ nhất với phong cảnh trữ tình, là thời điểm mà ngành Điện ảnh Hàn Quốc thường “bội thu” khi thực hiện thành công nhiều bộ phim truyện tình cảm lãng mạn, làm say lòng hàng triệu khán giả Việt Nam.

 

Ra khỏi phòng đợi của sân bay quốc tế Incheon, chúng tôi cảm nhận không khí se lạnh của mùa thu xứ Hàn. Trên xe về thủ đô Seoul, một bình minh đỏ rực pha lẫn sắc vàng như bao trùm cả một vùng trời nước phía nam Seoul, nhuộm vàng cả những xa lộ, những ngôi nhà cao tầng. Chúng tôi được bố trí ở tầng 11 khách sạn Hillton, với một view tuyệt vời: nhìn được gần như toàn cảnh Seoul từ nhiều hướng. Đặc biệt, án ngữ trước mặt khách sạn là núi Nam Sơn với tòa tháp Seoul nổi tiếng. Buổi chiều đầu tiên khi được tự xếp lịch cá nhân, chúng tôi đã lên ngay núi Nam Sơn để cảm nhận sắc thu xứ Hàn qua khu rừng nguyên sinh gần như còn nguyên vẹn giữa một thành phố 600 năm tuổi với trên 10 triệu dân.

 

Một vẻ đẹp quyến rũ dần hiển hiện trước mắt chúng tôi. Không gian thoáng đãng với tiết trời se lạnh và những hàng cây ngập sắc vàng, những dây leo đã ngả màu sang đỏ trên những tháp đá cổ kính, nhiều đôi uyên ương tay trong tay gởi trọn lời nguyền cho nhau bằng cách khóa đôi những chiếc khóa xinh xắn trên tường rào dưới chân tòa Seoul Towner… Tất cả những điều này đã thực sự mang lại cho mùa thu Hàn Quốc một vẻ đẹp vô cùng lãng mạn!

 

Cũng như nhiều đô thị phát triển khác, cư dân thủ đô Seoul thải ra hàng triệu tấn rác mỗi năm. Sau khi Seoul được chọn đăng cai Cúp bóng đá thế giới năm 2002, công viên World Cup được xây dựng ngay trên một bãi rác khổng lồ cao đến 98m với hàng chục triệu tấn rác thải. Hàn Quốc phải mất 6 năm để hoàn tất việc ổn định chất thải, ngăn chặn dòng chảy ô nhiễm môi trường và thêm một năm để xây dựng công viên. Giờ đây, ít có du khách nào đến Seoul mà bỏ qua điểm tham quan công viên World Cup. Từ một “vùng đất chết”, công viên bây giờ là nơi sinh trưởng của hơn 500 loại cây và trên 400 loài động vật, là sân chơi lý tưởng đối với nhiều lứa tuổi, đặc biệt là những ai muốn tìm hiểu về hệ sinh thái động - thực vật. Năm trạm phong điện trong công viên còn cung cấp đủ điện sinh hoạt cho hệ thống văn phòng, công việc bảo trì công viên. Từ công viên, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh Seoul sầm uất ở cả hai bờ sông Hàn. Nhà báo Hugo đến từ Mexico nói: Tôi nghĩ Chính phủ Hàn Quốc đã làm những điều rất tuyệt vời, biến một nơi chứa rác và ô nhiễm nặng nề thành một công viên xanh. Việc chọn nơi đây làm công viên còn có một sự hấp dẫn khác, đó là vị trí. Nhìn thấy toàn cảnh Seoul quả là một điều tuyệt vời đối với du khách!

 

Có thể nói Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia ở châu Á có mùa thu rất đẹp bởi màu vàng rực của lá cây hạnh ngân. Mùa thu xứ Hàn không chỉ có màu vàng mà còn được điểm xuyến sắc đỏ của những hàng cây phong và cây Nomiji với lá hình cánh sao - một loại cây đặc trưng ở Hàn Quốc. Cứ đến mùa thu, loại cây này lại đỏ thẫm lạ kỳ, để rồi khi có những cơn gió thoảng qua thì những chiếc lá ấy lại xào xạc bay như trải thảm đỏ dưới mặt đường để đón chào du khách…

 

Một sân vận động trong lòng thủ đô Seoul với màu xanh tràn ngập - Ảnh: TRẦN THANH HƯNG

 

Khát vọng xanh của Hàn Quốc

 

Gần một tuần trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức dành thời gian cho các nhà báo khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, con người Hàn Quốc đã và đang tạo dựng nên một “Hàn Quốc xanh” trong mắt bạn bè quốc tế. Ngoài công viên World Cup, chúng tôi còn được tham quan Tòa nhà sáng tạo ý tưởng Hàn Quốc, xem Bảo tàng tư nhân về trang phục truyền thống của người Hàn và Bảo tàng quốc gia Korea.

 

Ấn tượng nhất với nhiều nhà báo đến từ các nước là tham quan suối Cheonggyecheon chảy giữa thủ đô. Nguyên thủy, con suối này dài 3.670m, chỗ rộng nhất đến 84m, có 24 cây cầu bắc qua và hầu hết đều được xây dựng từ triều đại Joseon. Nhưng theo thời gian, con suối đã bị lấp kín trong lòng đất. Sau đó, dòng suối còn bị san lấp để làm đường.

 

Năm 1968, Hàn Quốc xây dựng bên trên dòng suối một xa lộ. Ngay lập tức, nhiệt độ thủ đô Seoul tăng lên gần 2oC. Tháng 7/2003, Tổng thống Lee Myung-bak, khi ấy là Thị trưởng Seoul, đã khởi xướng đề án phục hồi dòng suối này. Đây là dự án khôi phục và chỉnh trang đô thị lớn nhất lịch sử Hàn Quốc cho TP Seoul trong 600 năm. Dự án đầy tham vọng vì không chỉ gỡ bỏ con đường cao tốc trên cao mà còn phải tái sinh tuyến đường thủy đã bị san lấp từ lâu, cần phải bơm vào 120.000m3 nước mỗi ngày. Dự án đã gặp phải nhiều chỉ trích, chống đối, nhưng cuối cùng nó cũng hoàn thành vào tháng 9/2005 và được tán dương như một thành tựu to lớn trong nỗ lực kiến tạo một Seoul xanh, sạch và đẹp.

 

Dự án có dự toán 900 tỉ won (khoảng 900 triệu USD). Sau khi hoàn thành, con suối đã làm giảm nhiệt độ Seoul xuống 2oC vào mùa nóng. Khi nước được bơm vào và được thử nghiệm vào tháng 7/2005, người dân nhận thấy gió trong khu vực thổi nhanh gấp đôi trước đó, nồng độ bụi lẫn CO2 đều giảm rõ rệt. Ngay trong lòng thủ đô Seoul rộng 607km2 với trên 10 triệu dân (thời điểm 2009), con suối đã được người dân thủ đô ví như một đại non bộ hữu tình giữa một tòa biệt thự hoành tráng, hiện đại... Nhà báo Xiaoyi Ma đến từ Trung Quốc bày tỏ: Tôi biết tân Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak (thời điểm 2009 - PV) được người dân nước này trông đợi vào việc điều hành một chính quyền coi môi trường là mối quan tâm hàng đầu. Trong thời gian làm Thị trưởng Seoul từ năm 2002-2006, ông đã tạo dựng danh tiếng qua những nỗ lực xanh hóa thủ đô. Ông cố tạo lập thế cân bằng giữa việc phát triển chức năng đô thị với công cuộc bảo vệ môi trường.

 

Bên cạnh dòng phim tâm lý xã hội, các nhà làm phim Hàn Quốc còn khai thác nhiều chuyện xưa tích cũ thể hiện mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người để cổ xúy sự phát triển xanh mà Chính phủ theo đuổi. Đạo diễn Chosin Zeong khẳng định: Suối Cheonggyecheon đã trở thành một biểu tượng xanh hóa đô thị của Hàn Quốc. Những người làm nghệ thuật như chúng tôi thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa tại dòng suối này như triển lãm, biểu diễn ca nhạc, giới thiệu phim... Thứ bảy hàng tuần, các nghệ sĩ thực nghiệm tổ chức chương trình biểu diễn và trưng bày. Các chương trình biểu diễn thời trang và các sự kiện khác cũng được tổ chức ở Cheonggyecheon để phục vụ hàng chục triệu khách du lịch mỗi năm... Ông Yu In Chon, Bộ trưởng VH-TT-DL Hàn Quốc nói: Tôi nghĩ Việt Nam cũng có rất nhiều di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Vấn đề là chúng ta nên lựa chọn thế mạnh nào cho sự phát triển để đảm bảo những mục tiêu cho sự phát triển xanh mà mỗi quốc gia đã hoạch định cho mình.

 

Không lãng phí tài nguyên dưới bất kỳ hình thức nào, biết khai thác một cách hiệu quả nhất nguồn tài nguyên sẵn có lẫn tài nguyên đã qua sử dụng, tôn trọng thiên nhiên, không can thiệp sâu vào cảnh quan môi trường, chú trọng các giá trị văn hóa truyền thống, xem đó là nền tảng cho sự phát triển... Đó là những bài học thành công của Hàn Quốc trong chiến lược phát triển xanh mà các quốc gia có thể tham khảo.

 

Định kỳ hai năm một lần, Hàn Quốc sẽ tổ chức diễn đàn Văn hóa - Du lịch cho sự phát triển xanh. Thông qua các mô hình ở Hàn Quốc cũng như các quốc gia khác, các nhà môi trường muốn khẳng định: Phát triển xanh là xu hướng tất yếu mà các quốc gia không thể đứng ngoài cuộc. Hàn Quốc chi trên 1.200 tỉ won (tương đương 852 triệu USD, thời điểm 2009) trong 10 năm tới để đưa Hàn Quốc vào nhóm những “quốc gia xanh” hàng đầu thế giới. Quốc gia này cũng nỗ lực tự chủ về năng lượng, nâng cấp công nghệ xanh để đứng vào nhóm 10 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới vào năm 2030, tạo lập một Hàn Quốc xanh trong mắt bạn bè quốc tế. Bởi vấn đề này không chỉ liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu mà còn là yếu tố sống còn với nền công nghiệp Hàn Quốc hậu khủng hoảng. Một cuộc trưng cầu gần đây cho thấy 53% người dân Hàn Quốc coi việc bảo vệ môi trường quan trọng hơn phát triển kinh tế.

 

TRẦN THANH HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thuốc hay giúp ích cho nhiều người
Thứ Bảy, 12/08/2017 08:25 SA
“Giải mã” bản thân bằng khoa học
Thứ Bảy, 29/07/2017 13:00 CH
“Ánh sáng” từ phòng thông tim
Thứ Bảy, 15/07/2017 08:15 SA
Hồi sinh sau lũ dữ
Thứ Tư, 21/06/2017 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek