Thứ Hai, 25/11/2024 10:43 SA
Mỹ Thành – nơi vách núi bị lũ chia cắt
Thứ Tư, 07/11/2007 14:00 CH

Ngay từ trước khi lũ dâng cao một ngày, thôn Mỹ Thành (xã Hoà Mỹ Tây, huyện Tây Hoà) đã bị cách ly với trung tâm xã vì màn mưa dày đặc. Đây là nơi bị nước lũ chia cắt lâu nhất (3 ngày). Đến 13 giờ chiều hôm qua (6/11), chúng tôi mới tiếp cận được bà con nơi đây ngay sau khi nước rút.

 

12 giờ trưa (6/11), cầu Bến Nhiễu vượt sông Bánh Lái vào các xóm phía Đông thôn Mỹ Thành vẫn còn ngập trong nước. Chúng tôi phải chọn phương án thuê xe bục bịch (chỉ có loại xe này mới đi được đường lầy lội) đi vào hướng Tây vào xóm Suối Phẩn, ở đây có 81 hộ 324 nhân khẩu nằm sát bìa núi. Dù nước đã rút nhưng nhiều đoạn vẫn còn ngập sâu và lầy lội lút cả bánh xe. Và phải sau hơn 1 giờ đồng hồ mới nhìn thấy những nóc nhà đầu tiên.

 

071107-phoivo.jpg

Anh Nguyễn Văn Huệ và con gái phơi lúa giống, sách vở sau khi nước lũ rút – Ảnh: T.QUỚI

 

TẤT CẢ ĐỀU NGẬP TRONG LŨ

 

Sau ấn tượng về con đường lầy lội, khiến xe phải đạp hết ga tiếng máy nổ át cả tiếng người thì hình ảnh đập vào mắt tiếp theo là những rẫy mía đổi từ màu xanh sang màu đỏ quạch và những ruộng sắn mì bắt đầu rũ lá. Dọc một đoạn đường dài gần 5 km, hai bên đều như vậy. Bác Nguyễn Văn Thọ, một người dân trong thôn xót xa: “Mía thì có thể gượng dậy được, còn sắn thì chịu, hễ nắng lên là sẽ rũ lá mà chết”. Chưa thống kê được chính xác có bao nhiêu ha hoa màu bị thiệt hại nhưng gần như tất cả đều có nguy cơ mất trắng. Ông Lê Văn Chính, Phó trưởng thôn Mỹ Thành cho hay: “Bình quân mỗi hộ dân có khoảng từ 5 – 8 sào (mỗi sào 500m2), mía, mì, cả thôn có khi thiệt hại hoa màu lên tới vài chục ha là có”. Mưa lớn, khiến nhiều vùng triền núi bị sạt lở mạnh, những cánh rừng trồng cũng bị cuốn trôi một phần. Anh Nguyễn Bá Tịnh, cho biết, nhà anh nhận 5 hécta rừng để trồng keo lá tràm. Cây keo một, hai năm tuổi đã bị lũ cuốn trôi lên đến 1/3 diện tích. Không chỉ riêng anh Tịnh, mà nhiều chủ rừng ở thôn Mỹ Thành đều cùng cảnh ngộ.

Con đường độc nhất dẫn vào xóm dài hơn 4km thì có gần 2 km bị sạt lở. Khối lượng đất, đá phải bù đắp theo ước lượng của anh Huỳnh Ca, cán bộ địa chính xã phải lên đến gần 2000 m2 mới có thể trả lại nguyên trạng.

 

Trong xóm, mọi người đang tập trung dọn dẹp lại nhà cửa, đưa lúa, xe máy từ trên gác xuống nhà. Dù là xóm ở sát núi nhưng nước ngập ở thời điểm cao nhất lên đến 1,6 mét, có khu vực thấp trũng ngập đến 1,8 mét. Những ngôi nhà vách đất đã bắt đầu rệu rã vách.

 

Vì thế, hầu như lúa giống, phân bón các hộ dân trong thôn đều bị ngập ướt do không nghĩ nước lũ lại dâng cao như vậy. Anh Đào Tấn Huệ, vừa đảo mấy bao lúa giống và nhắc con gái trở sách vở, nói: “Nhà mới mua được 2 bao phân đầu trâu giờ cũng rã thành nước, còn lúa giống giờ có nước xay gạo nấu cháo, giống cho vụ 12 thì…”, anh Huệ bỏ lửng câu nói của mình.

 

071107-bucbich.jpg

Nhiều đoạn đường vào xóm Suối Phẩn thôn Mỹ Thành vẫn còn ngập nước và lầy lội – Ảnh: T.QUỚI

 

HẠT MUỐI CẮN ĐÔI

 

“Nước lũ lên quá nhanh, cứ nghe ồ ồ trong núi, rồi cứ thế mà dâng lên. Hai vợ chồng già chỉ kịp đưa mấy bao lúa, phân lên cao thế rồi chịu sập” – bác Nguyễn Thị Lệ ở xóm Suối Phẩn nhớ lại. Bác Lệ năm nay đã 64 tuổi, đây là lần đầu tiên thấy lũ dâng cao và nhanh đến vậy, hơn cả đợt bão lũ năm 1993 và 1998.

 

Nghĩ thôn sát vách núi nên không ai trong thôn nghĩ đến chuyện ngập và bị cô lập. Đêm thứ 7 (3/11) những hộ ở khu trũng trong thôn mới quáng quàng di dời đến những nhà cao hơn trong thôn để tránh ngập. Vì thế, chẳng ai có sự chuẩn bị ngay cả những nhu yếu phẩm cần thiết nhất. Ngày đầu còn đủ gạo và nước mắm để cầm cự, sang ngày thứ hai nhiều nhà “đứt” gạo. Chị Đỗ Thị Lâm, nói: “Hai hôm nay, nhà tui phải mượn đỡ nhà chị Hải hàng xóm 4 ký gạo, mắm muối ăn tạm. Ngày mai nếu trời nắng ráo mới có thể đi chợ”. Hoàn cảnh như chị Lâm, không phải là ít, vì dân ở thôn Mỹ Thành làm nông nghiệp nhưng chủ yếu lại ăn gạo chợ, vì những thứ họ làm ra chỉ có mía và mì. Có nhà đã phải ăn mì ăn liền từ hai hôm nay. Nhà chị Lâm có khoảng 100 kg lúa giống nhưng vì nhà chật gửi ở trại tạm gần đó giờ lúa ướt sũng mà người chủ trại thì không có đành phải đợi.

 

Thiếu ăn thì có thể chia sẻ giúp nhau, còn thiếu lúa giống thì chịu vì ai cũng cần, nhưng ai cũng bị ướt. Nhiều người nghĩ đến chuyện qua những xã khác để mượn một ít, nhưng nghĩ lại cả vựa lúa huyện Tây Hoà và Đông Hoà đều bị ngập chìm trong lũ.

 

Trước khi chúng tôi lên xe bục bịch để trở lại “con đường đau khổ”, thì có một hình ảnh làm tôi thấy lo. Vợ anh Kiều Văn Vân, đang rửa ly ngoài giếng, tôi lại gần mới giật mình khi thấy nước giếng không khác chi nước ruộng! Chị cho biết: “Mấy hôm nay nhờ hứng nước mưa để ăn, uống, còn nước này chỉ dùng tắm, giặt. Nhưng nước mưa cũng hết rồi, chắc phải mua nước để dùng chứ không dám dùng nước này sợ dịch tả quá”. Không biết mấy hộ nghèo khác có làm và nghĩ được như hộ chị Vân không?

 

Tôi đem điều này nói với Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Mỹ Tây Nguyễn Văn Bảy. Rất may, anh cũng có cùng suy nghĩ và chỉ đạo các đồng chí cán bộ thôn, xóm phải thường xuyên thông tin về tình hình thời tiết mưa bão sắp đến và nhắc nhở bà con không được dùng nước giếng bị ngập. Anh nói: “Theo kế hoạch, chỉ ngay ngày mai (7 /11) y tế dự phòng sẽ vào khử trùng tiêu độc các giếng nước. Về chuyện thiếu đói, chúng tôi đã báo cáo lên trên đồng thời có phương án cứu trợ nhanh nhất, không để người dân nào bị thiếu ăn”.

 

TRẦN QUỚI – XUÂN HUY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nỗi đau vùng “rốn lũ”
Thứ Ba, 06/11/2007 07:30 SA
Những sắc vàng mùa thu Nga
Thứ Bảy, 03/11/2007 07:10 SA
Phụ nữ @ đi học nấu ăn
Thứ Sáu, 02/11/2007 07:15 SA
Gian nan cuộc sống tạm bợ ở Bãi Lách
Thứ Ba, 30/10/2007 07:00 SA
Những “tấc vàng” của lòng dân
Thứ Ba, 23/10/2007 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek