Trong cuộc đời của mỗi con người có những giai đoạn để lại dấu ấn rất sâu đậm. Chúng có ý nghĩa rất quan trọng để hình thành nên tính cách và phẩm chất của người đó.
Riêng đối với tôi, đó là những năm đi sơ tán ở vùng nông thôn trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc; là thời kỳ học đại học Địa chất tại thủ đô Matxcơva ở nước Nga và những năm công tác trong ngành địa chất trên vùng đất Tây Nguyên ngay sau ngày đất nước thống nhất.
Tác giả (thứ ba từ phải qua) cùng thầy cô và các bạn sinh viên đại học ngành Địa chất ở Liên Xô (cũ) năm 1969 - Ảnh: Tư liệu của Đ.M.H |
Những năm đi sơ tán đã giúp cho tôi, một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành thị hiểu thêm về cuộc sống của những người nông dân chân lấm tay bùn, rèn luyện cho tôi biết làm nhiều việc lao động nặng nhọc như các đứa trẻ nông thôn khác. Những năm làm nghề địa chất trên vùng đất Tây Nguyên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đối với tôi là những năm tháng gian khổ nhất và cũng thú vị nhất, đã rèn luyện cho tôi thêm nhiều nghị lực để bước tiếp trong cuộc đời. Còn những năm tháng học tập tại nước Nga vào thời phát triển rực rỡ của chính quyền Xô viết là những tháng năm đẹp đẽ nhất và cũng là những năm tôi học tập được nhiều điều bổ ích không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà còn về lý tưởng, đạo đức, về phương pháp làm việc và về các kiến thức văn hóa xã hội khác.
Trước khi đặt chân sang nước Nga, chúng tôi biết về nước Nga rất ít, kể cả cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Chủ yếu là qua những bài giảng về lịch sử trong nhà trường và qua cuốn tiểu thuyết tự thuật “Thép đã tôi thế đấy” của người chiến sĩ Cộng sản-nhà văn Ô-xtơ-rốp-xki. Sang nước Nga, thông qua môn học Chính trị trong trường đại học và nhất là thông qua các tác phẩm văn học - nghệ thuật, chúng tôi đã hiểu thêm được nhiều điều về nước Nga và về cuộc Cách mạng Tháng Mười đã làm rung chuyển cả thế giới. Theo cảm nhận của tôi, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã tạo nên một thế hệ con người mới-những con người biết đặt lợi ích của cộng đồng và xã hội lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cao cả không chỉ của quê hương, Tổ quốc mình mà của cả thế giới tiến bộ. Và cho dù giờ đây Liên bang Xô viết không còn nữa, hệ tư tưởng Xô Viết không còn đóng vai trò chủ đạo trên thế giới nữa, nhưng những di sản quý giá của nó về đạo đức, về nhân sinh quan vẫn còn tồn tại mãi với thời gian và góp phần làm động lực giúp xã hội loài người phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.
Thế hệ chúng tôi nói chung và những người được đào tạo ở các nước Đông Âu nói riêng, nhìn chung đều được đào luyện trong môi trường đạo đức XHCN. Đối với những người học tập ở Liên Xô cũ thì dấu ấn đó lại càng sâu đậm. Tiếp xúc với các thầy cô giáo Nga, với những người Nga bình thường chúng tôi đã học hỏi được ở họ nhiều điều. Cái quý giá nhất trong tính cách người Nga đó là tấm lòng chân thành, đôn hậu và nhân ái. Tiếp xúc với họ tôi có cảm giác như được soi mình vào một tấm gương sáng và mình cũng phải xem lại cách sống, tính cách của mình. Sống ở Nga một thời gian ngắn, mỗi khi lên xe buýt hay tàu điện, chúng tôi không thể thản nhiên ngồi trên ghế khi trước mặt mình là người già hay phụ nữ đang đứng. Những câu nói cửa miệng như “cám ơn”, “xin lỗi”, “xin mời”... cũng được ghi sâu vào tiềm thức từ đây.
Về kiến thức chuyên môn, khi làm bài tập môn học hay luận văn tốt nghiệp, mặc dù rất tận tâm, nhiệt tình, nhưng bao giờ các thầy cô cũng bắt chúng tôi phải suy nghĩ độc lập, tự đề xuất, tự nghiên cứu và tự chủ trong việc tìm ra hướng giải quyết. Các thầy chỉ góp ý, chỉnh sửa nhưng đánh giá, nhận xét rất nghiêm khắc. Vào dịp hè, chúng tôi có hai tháng đi thực tập tại các đơn vị sản xuất trên toàn lãnh thổ Liên bang Xô viết. Chúng tôi có dịp sống và làm việc với các cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân Nga. Tác phong làm việc năng động, kỷ luật và tự giác là những bài học quý giá đã giúp cho chúng tôi trong suốt thời gian ra trường công tác sau này.
Ngoài những kiến thức chuyên môn tiên tiến, hiện đại mà chúng tôi đã tiếp thu được trong nhà trường, sống ở nước Nga chúng tôi còn có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp xúc với nền văn hóa Nga và của các nước khác trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực văn học, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh... Bản thân tôi, vào thời sinh viên tôi đã có dịp được chiêm ngưỡng kiệt tác “Mùa thu vàng” của danh họa Lê-vi-tan và những tác phẩm hội họa khác của các danh họa Nga và thế giới, được xem vở ba lê “Hồ Thiên Nga” của nhạc sĩ thiên tài Trai-côp-xki và hiểu thế nào là âm nhạc cổ điển, được xem các tác phẩm điện ảnh kinh điển của điện ảnh Xô viết như “Chiến hạm Pô-chem-kin”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Đốc tơ Ji-va-gô”...Cũng chính thời gian này tôi đã tập dịch những trang văn đầu tiên của các nhà văn Nga, vẽ những bức ký họa đầu tiên về thiên nhiên Nga trong những lần đi thực tập sản xuất. Tất cả những kiến thức về văn hóa và văn học-nghệ thuật đó đã bồi bổ cho tâm hồn chúng tôi thêm phong phú, hướng đến Chân-Thiện-Mỹ.
Chính tình yêu đối với văn học và hội họa Nga đã giúp tôi ngoài nghĩa vụ của một cán bộ địa chất còn có thêm cảm hứng để sáng tác văn học - nghệ thuật. Ban đầu chỉ đơn giản là ghi lại những kỷ niệm cá nhân, phác họa bằng màu sắc những cảnh vật, con người mà mình rung động. Sau này, được bạn bè và người thân động viên, khuyến khích tôi đã chính thức trình làng những sáng tác của mình và được mọi người đón nhận. Tôi có thể khẳng định rằng con đường sáng tạo văn học - nghệ thuật của tôi được bắt đầu và nuôi dưỡng từ nước Nga. Sau này, mỗi khi trong cuộc sống gặp những trở ngại, khó khăn hay phiền muộn, tôi lại đến ngồi trước chiếc máy chữ (giờ đây đã được thay thế bằng máy tính) hay đứng trước chiếc giá vẽ với bảng màu và cây cọ trên tay. Tình yêu với hội họa và văn học đã giúp tôi rũ bỏ những phiền muộn trần tục ấy, để hướng tới những điều tốt đẹp hơn.
Mỗi chúng tôi đều mang theo những kỷ vật gợi nhớ về những tháng năm tươi đẹp trên quê hương của lãnh tụ Lê-nin. Có thể đó chỉ là những chiếc huy hiệu nhỏ bé xinh xinh, con búp bê lật đật hay chiếc ấm nấu nước Xa-mô-va... Riêng tôi ngoài những kỷ vật ấy, tôi còn có những bức ký họa về thiên nhiên Nga và những bạn bè Nga. Và trên tất cả là những kỷ niệm sâu sắc đã mãi mãi ghi sâu vào tiềm thức.
ĐÀO MINH HIỆP