Thứ Ba, 01/10/2024 22:43 CH
Tiếng gọi từ “ốc đảo” Phước Giang
Thứ Ba, 06/11/2007 22:00 CH

Đã gần ba ngày đêm trôi qua, làng Phước Giang, xã Hòa Tâm (Đông Hoà) vẫn hoàn toàn bị cô lập trở thành,  “ốc đảo” giữa biển nước mênh mông. Đến chiều 6/11, nơi đây vẫn “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Lũ ngập làm cho nhiều nhà dân ở Phước Giang bị xiêu vẹo, nứt vách, có nguy cơ đổ ập bất cứ lúc nào. Mặc dù, không có thiệt hại về người do chính quyền địa phương đã di dời kịp thời hầu hết người già, phụ nữ và trẻ em lên vùng an toàn trước lũ, nhưng hiện bà con Phước Giang đang đối mặt với những khó khăn do thiếu ăn, thiếu nước sinh hoạt, chỗ ở...

 

071107-phuoc-giang-4.jpg

Làng Phước Giang vẫn còn bị cô lập trong biển nước mênh mông – Ảnh: N.L

 

Sáng 6/11, dòng nước lũ sông Bàn Thạch vẫn cuồn cuộn đổ về biển Đông. Từ trung tâm xã Hòa Tâm, hàng chục người dân vẫn ngồi dõi trông làng xóm mình bị dòng nước cô lập. Bí thư xã Hòa Tâm Đặng Hay cho biết: “Đã gần ba ngày, chưa có chiếc thuyền nào dám xé lũ để đến làng Phước Giang. Do vậy, bà con vẫn chưa thể trở về ngôi làng của mình”. Khi chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện, huy động thuyền để đưa chúng tôi đến “ốc đảo” này, thì ai cũng “ngán”. Nhưng cuối cùng, lãnh đạo xã nhờ ông Phạm Văn Phúc lái thuyền máy đưa chúng tôi đến Phước Giang.

 

Thuyền chạy được một đoạn thì bỗng phụt khói, chết máy. Chủ thuyền Phạm Văn Phúc cho hay, chân vịt của thuyền bị “vướng” bờ hồ nuôi tôm sú. Sau vài phút xử lý, con thuyền lại tiếp tục hành trình vượt qua sông Bàn Thạch. Nước ở giữa dòng sông chảy mạnh làm con thuyền liên tục chao nghiêng, khiến ai nấy ngồi trên mạn thuyền nhiều phen muốn bật ngửa xuống sông. Chúng tôi được mặc áo phao nhưng vẫn cứ run. Và phải mất hơn nửa giờ đồng hồ, chiếc thuyền nhỏ mới “chinh phục” được dòng sông này để đưa chúng tôi đến với “ốc đảo” Phước Giang...

 

BỜI BỜI NỖI LO

 

Vừa thấy con thuyền cập bến ở đầu xóm, nhiều người dân đã mừng rỡ kéo đến, hỏi dồn dập rằng người thân đi tránh lũ ở thôn Phước Long có gửi đồ dùng về nhà không. Anh Nguyễn Chín, 31 tuổi, hỏi thật to: “Mẹ tui có gửi thức ăn qua không?”. Chúng tôi phải giải thích rằng đi đến đây để nắm tình hình thiệt hại lũ lụt, chứ không hề nhận chuyển thức ăn cho bà con.

 

Làng Phước Giang trông tiêu điều trong lũ. Nước vẫn còn ngập trên mọi lối đi. Trước mặt chúng tôi, cả chục căn nhà vách đất xiêu vẹo. Ngôi nhà nhỏ vách đất, mái tole của bà Nguyễn Thị Chỉnh, 51 tuổi, ngập sâu trong lũ mấy ngày đã bị xiêu vẹo, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Bà Chỉnh nói như mếu: “Lũ lớn nhanh, hai mẹ con tôi phải bỏ chạy sang nhà cao của bà con hàng xóm để ở nhờ. Căn nhà tôi đã quá xập xệ, nhưng mà gia đình quá nghèo chẳng biết lấy gì để xây dựng lại!”. Bà Chỉnh là con của liệt sĩ Nguyễn Láo, sinh sống bằng nghề  vớt rong hồ tôm, cắt lúa thuê… để nuôi đứa con, học lớp 7. Những ngày tháng mưa lũ này, bà Chỉnh không làm gì ra tiền nên đành sống nhờ vả bà con trong xóm.

 

Ở cạnh đấy, ngôi nhà vách đất, mái tole của ông Võ Giằng, 72 tuổi, cũng bị nước lũ ngập, hư hỏng nặng không thể ở được nữa. Ba cha con ông Giằng cũng đành bỏ nhà đi ở nhờ nơi khác. Còn ngôi nhà xây khá kiên cố nằm sát bờ sông của gia đình ông Võ Đức Tân, bỗng chốc bị lũ làm nứt vách, trụt móng nền, xiêu vẹo. Trong những ngày lũ, cả gia đình ông gồm 5 người phải tháo chạy khỏi nhà… Trưởng thôn Phước Giang Phạm Văn An đưa chúng tôi đi thăm nhiều nhà dân bị hư hại và nói: Những người già kể rằng cách đây hơn 80 năm, vào ngày 4/11 (tức ngày 25/9 âm lịch), một trận lũ lịch sử đã “xoá sổ” làng Phước Giang với hơn 80% dân số bị chết, trôi mất tích. Trận lũ này cũng bắt đầu đúng vào ngày 4/11 và cũng lớn bằng năm ấy, nhưng rất may chính quyền địa phương xã Hòa Tâm, các chiến sĩ Đồn biên phòng 356 giúp đỡ di dời dân kịp thời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, nhiều người dân phải “bám trụ” trông giữ nhà, gia súc gần 3 ngày đêm, nên đang thiếu gạo, thức ăn, nước sạch dùng trong sinh hoạt… Người dân ở đây đang rất cần sự chi viện, giúp đỡ của chính quyền địa phương, các ngành để tiếp tục cầm cự trên “ốc đảo” này trong những này tới…

 

071107-phuoc-giang-6.jpg
 Đến chiều 6/11, gần 300 người dân ở thôn Phước Giang “chạy lũ” vẫn chưa thể trở về nhà – Ảnh: N.L

 

TÌNH NGƯỜI TRONG LŨ DỮ

 

Lũ về rạng sáng 4/11. Chính quyền xã Hòa Tâm cùng với Đồn biên phòng 356 đưa tàu cứu hộ vào cửa và ngược dòng sông Bàn Thạch thẳng tiến đến “ốc đảo”. Trung úy Nguyễn Đức Trí  (Đồn biên phòng 356) kể lại: “Đồn điều động tàu cùng với 15 chiến sĩ đưa tàu từ biển vào cửa sông. Sóng lớn, cửa sông hẹp cộng với nước chảy mạnh khiến tàu nhiều lần bị đánh bật trở ra biển. Anh em chiến sĩ biết rằng, nếu không đưa tàu vào được thì hàng trăm người dân ở Phước Giang sẽ bị nước lũ nhấn chìm. Nghĩ vậy, anh em cố đưa tàu vào cửa sông”. Đến 9 giờ sáng cùng ngày, tàu biên phòng mới tiếp cận được Phước Giang. Vì tàu lớn, trong khi đìa tôm nằm san sát nên không thể vào sâu đưa dân đi được, phải nhờ chiếc thuyền máy của anh Nguyễn Văn Phúc ở thôn Phước Long trung chuyển được hơn 300 người già, trẻ em, phụ nữ lên tàu, sơ tán vào nơi an toàn.

 

Trong những ngày qua, người dân chạy lũ ở Phước Giang được bà con thôn Phước Long chia sẻ nơi ăn chốn ở. Chị Lê Thị Mười (31 tuổi) ở thôn Phước Giang trú tạm tại nhà anh Trương Văn Thành ở thôn Phước Long, nói: “Tôi cùng với bốn đứa con chạy lũ đến nhà anh Thành ở nhờ hơn ba ngày rồi. Chuyện ăn, ở, anh Thành đều lo, nên tôi cũng ngại lắm. Nước rút, tôi về nhà để khỏi phải làm phiền gia đình anh Thành”. Căn nhà cấp 4 của anh Thành chỉ rộng chừng hơn 70m2 nhưng có đến ba hộ đến ở nhờ, cộng với số nhân khẩu trong gia đình anh Thành là gần hai chục người. Anh Thành xởi lởi: “Bà con mình đi tránh lũ rất khó khăn, mình phải tận tình giúp đỡ họ trong tình làng nghĩa xóm”. Nhà cụ Nguyễn Thị Dư (76 tuổi) ở thôn Phước Long trong những ngày mưa lũ cũng trở nên đông đúc hẳn. Lũ trẻ nghịch ngợm la, khóc càng làm căn nhà thêm náo động. Cụ Dư tâm sự: “Hễ mùa mưa đến, người dân Phước Giang lại cực khổ, chạy đôn chạy đáo tránh lũ. Khi chính quyền xã di tản dân đến, tôi đã nhận hai hộ về ở cùng, mọi chuyện ăn ở tôi lo tất. Nhà của họ ngập nước nên người ta mới sang ở nhờ, chẳng lẽ mình cứ để mặc kệ họ cho chính quyền lo sao? Mọi người cùng chia sẻ một ít để giúp họ vượt qua khó khăn!”.

 

Sau gần ba ngày tránh lũ ở thôn Phước Long, trưa ngày 6/11, nhiều người dân ở Phước Giang rất mong muốn được trở về nhà. Ông Đặng Hay đã giải thích rõ cho bà con là, làng Phước Giang vẫn còn bị cô lập trong lũ. Trong khi đó, bão số 6 đang đổ bộ vào nước ta, có khả năng vào địa phận Phú Yên. Do vậy, bà con trở về lúc này là rất nguy hiểm đến tính mạng. Vậy là, trong những ngày tới người dân tránh lũ ở Phước Giang vẫn còn tiếp tục đối mặt với khó khăn.

 

NGUYÊN LƯU – ĐỨC THÔNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nỗi đau vùng “rốn lũ”
Thứ Ba, 06/11/2007 07:30 SA
Những sắc vàng mùa thu Nga
Thứ Bảy, 03/11/2007 07:10 SA
Phụ nữ @ đi học nấu ăn
Thứ Sáu, 02/11/2007 07:15 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek