Thứ Ba, 01/10/2024 22:32 CH
Gian nan cuộc sống tạm bợ ở Bãi Lách
Thứ Ba, 30/10/2007 07:00 SA

Những căn nhà đã quá xập xệ, dột nát; những túp lều phủ bạt trước sóng biển và mưa, gió... Đó là cảnh tượng ở làng Bãi Lách, thôn Vũng Rô, xã Hoà Xuân Nam (huyện Đông Hoà). Hệ quả của việc đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chậm giải toả và di dân đến khu tái định cư (TĐC) mới để xây dựng cảng Vũng Rô là cả trăm hộ dân ở đây đang lâm vào cảnh khó khăn. Nhiều hộ dân nhận tiền đền bù và dỡ nhà đã hơn hai năm nay, nhưng không có đất TĐC đành sống tạm bợ hoặc ăn nhờ ở đậu nhà người khác!

 

071030-nha-ba-Dieu.jpg

Nhà bà Huỳnh Thị Diệu cất tạm bợ trên nền nhà phá bỏ dở dang - Ảnh: N.LƯU

 

SỐNG TRONG NHÀ TẠM BỢ!

 

Xuống khỏi dốc dài, Bãi Lách hiện ra với những căn nhà lô nhô trước vịnh Vũng Rô. Mấy hôm nay trời mưa nhiều, nên nước tù đọng trên mỗi lối ngõ vào làng. Chiếc xe máy vừa dừng bên gốc cây dừa, biết chúng tôi là nhà báo, nhiều người dân liền vây quanh, kể lể về nỗi khổ phải sống tạm bợ dưới những căn nhà tạm bợ trong mùa mưa bão! Nhìn quá nhiều ngôi nhà đã xập xệ, những túp lều phủ bạt, phên liếp lụp xụp, chúng tôi không khỏi chạnh lòng… Trước mặt, căn nhà của chị Huỳnh Thị Diệu trông bề ngoài giống như cái… chuồng gà, nằm tựa lưng vào vách ngôi nhà xây đã phá bỏ dở dang. Cả gia đình chị Diệu gồm 5 người phải sống chen chúc trong căn nhà chỉ rộng chừng 15m2. Chị Diệu bức xúc: “Nhà tôi chỉ được Nhà nước đền bù 2,6 triệu đồng để di dời lên khu TĐC Suối Rô. Tháng 7/2005, tôi dỡ nhà trả mặt bằng để làm đường và mua vật liệu để xây nhà mới. Không ngờ, khu TĐC Suối Rô bị cơn mưa đầu mùa làm trụt, lún nền đất, nứt nhà dân khác, nên phải ngưng lại.

 

Từ đây, gia đình tôi phải đi thuê nhà ở mỗi tháng 300.000 đồng. Số tiền đền bù ít ỏi không đủ thuê nhà trong một năm, tôi đành dựng tạm căn nhà này ngay trên nền nhà cũ của ông Huỳnh Phụng để ở tạm qua ngày…!” Nói ở tạm qua ngày, nhưng gia đình chị Diệu “bám trụ” trong căn nhà này cũng đã tròm trèm một năm! Chúng tôi không khỏi ái ngại khi thấy cháu Đoàn Huỳnh Thu Hân, 10 tuổi (con chị Diệu) phải nằm dài trên chiếc giường duy nhất để làm bài tập; và bên bếp củi nấu cơm, một đứa bé đang ngồi thổi lửa phò phò, khói bay nghi ngút… Chị Diệu nghẹn ngào: “Mỗi khi trời mưa, 5 người phải ngủ chung trên giường, còn đống củi không có chỗ để nên ướt nhẹp, đem đun nấu cả buổi mà nồi cơm vẫn chưa chín, có hôm lũ nhỏ phải chịu nhịn đói bỏ bữa!”.

 

Tình cảnh của bà Lương Thị Lắng, 54 tuổi, cùng xóm với chị Diệu, cũng không khá hơn. Nhà bà Lắng ở cũng đã bị dột nát, xiêu vẹo, nước ngập tràn nền nhà mỗi khi trời mưa to và căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão này. Vậy nên, gia đình bà Lắng đã không dám ở, đành dựng căn nhà tạm mái lợp nhựa nilon, vách liếp để ở, buôn bán hàng tạp hoá sống qua ngày. Ông Mai Xuân Sấm, 56 tuổi, chồng bà Lắng, cho biết: “Vợ tôi là con liệt sĩ, là cháu nội của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vì thế được chính quyền địa phương ưu tiên cấp 43,2m2 đất ở tại Bãi Ngà. Tuy nhiên, cây cối, nhà ở trên diện tích 300m2 mà chỉ đền bù có 11 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi này thì làm sao chúng tôi xây dựng nhà mới? Do đó, đến nay gia đình tôi vẫn không nhận tiền đền bù và buộc phải ở tạm nơi này!”.

 

Cách “xóm nhà tạm” một quãng đường và ở ngay phía sau dãy nhà làm việc của cảng Vũng Rô, hàng chục ngôi nhà xây của dân cũng đang xuống cấp trầm trọng, khả năng không đủ sức chống chọi trong mùa mưa bão năm nay. Một ngày mưa đầu mùa, mấy mẹ con bà Tô Thị Thu phải tháo chạy ra ngoài, khi mái hiên nhà và chái bếp bỗng rệu rã, đổ sập. Còn trong một ngày mưa gần đây, gia đình ông Nguyễn Ngọc Tỷ phải “di tản” khi căn nhà của mình bị sụp đổ toàn bộ mái ngói! Bây giờ, vợ chồng ông Tỷ cùng hai đứa con đành sống trong túp lều bạt rộng chừng 10m2, còn ba đứa lớn phải ở nhờ nhà bà con hàng xóm! Ông Tỷ kêu trời: “Ngoài việc đối mặt với mưa gió, bà con ở đây còn ăn không ngon, ngủ không yên giấc vì sợ vách núi ở gần kề trụt lở làm sập nhà! Hầu hết các hộ dân đều nhận tiền đền bù từ giữa năm 2005 để di dời khỏi vùng nguy hiểm này, vậy mà chờ đã hơn 2 năm trời vẫn chưa được cấp đất ở khu TĐC! Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị lên các cấp nhiều lần, nhưng không hiểu sao vẫn chưa được giải quyết...”.

 

Ông Nguyễn Nhân, Phó thôn Vũng Rô cho hay, từ năm 1995, UBND tỉnh Phú Yên đã thông báo cho bà con ở Bãi Lách là chuẩn bị giải tỏa nhà cửa để xây dựng cảng Vũng Rô. Thế là, gần một thập niên qua, người dân ở đây không dám xây dựng hoặc sửa chữa nhà cửa kiên cố để ở. Và hiện còn hơn 120 hộ dân ở Bãi Lách chưa được di dời, phải sống cuộc sống tạm bợ trong những căn nhà tạm bợ, trong đó có quá nhiều hộ bị sập nhà như hộ ông Nguyễn Đệ, Nguyễn Trọng Khánh, Lê Hoá, Võ Hoài Phương…

 

071030-suoi-ro1.jpg

Khu TĐC Suối Rô đã lắp đặt xong điện nước... hơn một năm nay, nhưng không có người dân đến ở.

 

VÌ SAO DÂN QUAY LƯNG VỚI KHU TĐC SUỐI RÔ?

 

Trước mặt chúng tôi, khu TĐC mới Suối Rô rộng 15.785m2 được xây dựng đầy đủ hệ thống điện, nước sinh hoạt,… đảm bảo phục vụ cho 42 hộ dân Bãi Lách đến TĐC. Thế nhưng, đã hơn một năm nay, khu TĐC này hoàn toàn bỏ trống! Theo ông Đào Ninh, Phó Ban quản lý dự án các công trình trọng điểm (Ban QLDA các CTTĐ) tỉnh, từ đầu năm 2007 đến nay, chính quyền huyện Đông Hòa chỉ mới vận động được 17 hộ dân Bãi Lách bốc thăm đất ở khu TĐC Suối Rô. Nhưng hiện vẫn chưa có hộ dân nào đến xây dựng nhà ở!

 

Vì sao trong khi không có nhà ở nhưng người dân Bãi Lách vẫn quay lưng với khu TĐC Suối Rô? Tôi còn nhớ, khu TĐC Suối Rô mới xây dựng hoàn thành, nhưng chỉ một trận mưa vào trung tuần tháng 9/2005 đã gây sạt lở nghiêm trọng, nền đất trụt thành hố sâu, làm nứt móng, vách tường nhà mới xây của hộ ông Bạch Sĩ Phi, Bạch Sĩ Phong,... Báo cáo số 80/BC-SXD của Sở Xây dựng ký ngày 15/9/2005, nêu rõ: Khu TĐC Suối Rô chưa được duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nhưng chủ đầu tư đã vội vã cho đơn vị thi công san lấp mặt bằng (sau đó vội vã di chuyển dân đến xây nhà ở) mà không thi công hệ thống thoát nước ở phía mái núi dọc đường từ Quốc lộ 1A xuống cảng Vũng Rô, nên nước tập trung tại con suối phía đông rồi chảy ngầm xuyên qua các khe đá ở bên dưới khu vực san nền làm nền bên dưới bị rỗng!” Sau sự cố này, hàng chục hộ dân ở đây đành phải ngưng xây dựng nhà, và Ban QLDA các CTTĐ tỉnh phải đầu tư khắc phục đến tháng 11/2006 mới hoàn thành. Cũng từ sự cố năm đó, mà bây giờ người dân “ngán”, không muốn nhận đất xây nhà ở đây. Vả lại, theo ông Nguyễn Chỉnh, bình quân mỗi hộ chỉ được cấp đất ở 60m2 là rất ít, không đảm bảo sinh hoạt cho hộ đông con, hơn nữa giá đền bù lại áp dụng theo biểu giá năm 1998 chỉ 400.000 đồng/m2 nhà cấp 4 là quá thấp (giá đền bù mới theo quyết định 820/QĐ-UB của UBND tỉnh có hiệu lực từ tháng 5/2005 là 750.000 đồng/m2 - PV). Vì thế, đa số dân nghèo không đủ tiền để xây dựng nhà ở tại khu TĐC Suối Rô.

 

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng tồn tại ở khu TĐC Suối Rô, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hoà Nguyễn Văn Thành thừa nhận vẫn còn một số bất cập trong giải tỏa, đền bù cho dân. Tuy nhiên, giá đền bù phải áp dụng theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Khu TĐC Suối Rô nằm chênh vênh trước biển (độ cao không dưới 40 mét so với mặt nước biển), giáp với sườn đồi có độ dốc lớn, lại ở xa mặt biển gần 1km, nên không thuận lợi cho người dân làm nghề biển. Nhưng, Vũng Rô không còn đất để xây dựng nơi TĐC ở gần biển. Huyện sẽ cố gắng vận động, thuyết phục 42 hộ dân đến ở Suối Rô; đồng thời có thể xây dựng nhà tiền chế ở Bãi Ngà để tạm giải quyết chỗ ở cho dân.

 

071030-nha-ong-Ty.jpg

Mái ngói nhà ông Nguyễn Ngọc Tỷ (ở Bãi Lách) đã đổ sập

 

BAO GIỜ DÂN BÃI LÁCH ĐƯỢC AN CƯ LẠC NGHIỆP?

 

Ông Đào Ninh, Phó Ban QLDA các CTTĐ tỉnh cho hay, ngoài khu TĐC Suối Rô, đơn vị còn xây dựng khu TĐC lấn biển Bãi Ngà (rộng 15.210m2) giải quyết đất ở cho 60 hộ. Theo kế hoạch, lẽ ra toàn bộ hộ dân ở Bãi Lách được giải tỏa, di dời đến nơi TĐC để xây dựng hoàn thành đường Bãi Ngà – cảng Vũng Rô vào năm 2005. Nhưng sau sự cố trụt lở ở 2 khu TĐC này, UBND tỉnh quyết định cho dừng dời dân đến TĐC ở Bãi Ngà để xây dựng khu TĐC Phú Lạc nằm ở phía bắc cầu Đà Nông thuộc xã Hoà Hiệp Nam rộng 5ha. Đến nay, Trung tâm Tư vấn quy hoạch và kiểm định xây dựng tỉnh mới đo đạc, lập quy hoạch, chuẩn bị trình Sở Xây dựng Phú Yên thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau đó, Ban QLDA các CTTĐ tỉnh mới lập các thủ tục thiết kế dự án để trình duyệt, tổ chức đấu thầu, thi công… Nếu nhanh nhất thì cũng phải đến quý 2/2008 mới xây dựng hoàn thành khu TĐC Phú Lạc! Từ thực tế trên cho thấy, việc di dời, TĐC cho dân ở Bãi Lách gặp nhiều vướng mắc, kéo dài thời gian, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân. Mà trước mắt, dân ở đây phải đối mặt với mùa mưa bão năm nay, nguy cơ sóng lớn, triều cường, lở núi… uy hiếp những căn nhà tạm bợ có thể đổ ập bất cứ lúc nào!

 

“Vì xây dựng cảng Vũng Rô, chúng tôi đã gánh chịu nhiều thiệt thòi, vất vả lắm rồi, nên ngày đêm mong sao sớm được cấp đất TĐC để xây dựng mái ấm gia đình đàng hoàng, an cư lạc nghiệp, để lo cho con cái học hành…”. Đó là lời khẩn cầu khẩn thiết của chị Diệu, chị Trang, ông Tỷ, ông Sấm… những người dân ở Bãi Lách.

 

Phóng sự của NGUYÊN LƯU - ĐỨC THÔNG

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek